Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

TRIỂN LÃM CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT: CẦN SÒNG PHẲNG VỚI LỊCH SỬ

09-9-2014

150 hiện vật, tư liệu gốc, ảnh tư liệu lịch sử về cải cách ruộng đất vừa được trưng bày trong triển lãm Cải cách ruộng đất 1946-1957 khai mạc sáng 8-9 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (25 Tông Đản, Hà Nội).

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến (thứ hai từ phải) đến xem triển lãm Cải cách ruộng đất 1946 - 1957 - Ảnh: Việt Dũng

150 tài liệu, hiện vật có thể là con số không nhiều cho 11 năm công cuộc cải cách ruộng đất các vùng nông thôn Bắc bộ. Không phải chỉ là những con số, tư liệu, báo cáo hay chỉ thị, cải cách ruộng đất thu hút người xem bởi phía sau mỗi bức ảnh, hiện vật là nụ cười, nước mắt.

Thành quả của cải cách ruộng đất
Theo tư liệu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN, chính sách cải cách ruộng đất của VN tiến hành qua ba giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 1946-1949: tịch thu ruộng đất của đế quốc và Việt gian chia cho nông dân.
Giai đoạn 2 từ năm 1950-1953: thực hiện giảm tô giảm tức, hoãn nợ và xóa nợ, thu thuế nông nghiệp, trong đó đánh thuế nặng đối với địa chủ. Giai đoạn 3 (ở miền Bắc) từ năm 1954-1957: phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất triệt để với các hình thức khác nhau như hiến ruộng đất, tịch thu, trưng thu, trưng mua, chia ruộng đất cho tầng lớp cố nông, bần nông và trung nông lớp dưới. 
Ông Nguyễn Hữu Kiều (khu tập thể Trường cao đẳng Đường sắt) gợi nhắc đến nụ cười rạng rỡ trong những bức ảnh kỷ niệm về cải cách ruộng đất.
Nụ cười trên khuôn mặt khắc khổ của người nông dân, tay cầm tấm bảng chia ruộng, lần đầu tiên được đứng trên mảnh ruộng của chính mình. 
Gian trưng bày của triển lãm dành một phần lớn giới thiệu những bức ảnh đen trắng về những thành quả của công cuộc cải cách ruộng đất mang lại.
Người dân chia ruộng, hăng hái với khẩu hiệu nâng cao sản xuất, rạng rỡ với những vụ mùa đầu tiên. Đời sống cơ cực của người nông dân không có ruộng cũng hiện lên thông qua các trưng bày về đời sống của họ. Các bộ quần áo sờn rách, vá chằng vá đụp, nếp nhà tranh vách đất loang lổ. Ở phía đối diện là cuộc sống của những địa chủ trước đây, áo the, áo lụa, đồ ngọc, sập gụ, tủ chè...
Có mặt tại triển lãm từ rất sớm, thế hệ thứ ba của một gia đình bị xét oan vào thành phần “tư sản cường hào gian ác” chọn gian trưng bày “Sai lầm và sửa chữa sai lầm” của cuộc cải cách ruộng đất 1946-1957 để nán lại thật lâu, xem thật kỹ từng tư liệu đã được lưu trữ và đang được trưng bày.
Vỏn vẹn một bức ảnh lớn ghi lại cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất tháng 12-1957 cùng vài văn bản như nghị quyết, thông tư, chỉ thị, công văn của Đảng... là toàn bộ tư liệu dành cho nội dung trưng bày này.
“Phần cải cách ruộng đất được giới thiệu trưng bày bốn nội dung: chủ trương, thực hiện cải cách ruộng đất, sai lầm và sửa chữa sai lầm, hoàn thành thắng lợi, nhưng nội dung thứ ba quá khiêm tốn, nhạt nhòa. Những tư liệu được đưa ra cho công chúng xem vẫn không khác gì cách nhìn rụt rè về cải cách ruộng đất từ... 50 năm trước” - ông Nguyễn Thủy Chung - cháu nội cụ Nguyễn Thị Năm, tức Cát Hanh Long, người hơn 60 năm trước đã bị xử bắn sau khi bị xếp vào thành phần “địa chủ cường hào gian ác” - chia sẻ.
Từ một chủ hiệu buôn Cát Hanh Long lừng lẫy đất Hải Phòng, từng là người đóng góp tiêu biểu cho “Tuần lễ vàng” đầu tiên của đất cảng với hơn 100 lượng vàng, sau năm 1945 cụ Năm tản cư theo cách mạng lên chiến khu, tiếp tục dựng nghiệp với hai đồn điền lớn mua lại của “một ông Tây què” tại Thái Nguyên. Nhưng khi thực hiện thí điểm đấu tố cải cách ruộng đất, cụ lại bị lôi ra xử bắn với tội danh “tư sản địa chủ cường hào gian ác”. Và đến năm 1987, UBND tỉnh Bắc Thái - theo đề nghị của Ban Tổ chức trung ương - đã ra quyết định sửa lại thành phần cho cụ.

Khách tham quan xem triển lãm. Trong ảnh là những chiếc áo rách nát của bần cố nông ở thôn Nhân Dục, xã Hiến Nam, Hưng Yên thời phong kiến - Ảnh: Việt Dũng

Một thời kỳ đau thương và xáo trộn
“Năm tôi 13, 14 tuổi, học lớp 5 ở Trường tiểu học Yên Thái ở Bưởi, cả trường đi xem xử án, bắn địa chủ. Mãi đến năm 1956, tôi mới biết có người bị bắn oan. Nhưng bắn người ta chết rồi còn đâu - đó là một mảnh ký ức của một ông già 74 tuổi ở Bưởi - Tại sao hôm nay tôi đi xem triển lãm này? Không biết nói thế nào. Tôi bảo bạn tôi là tôi đi xem lại thời kỳ đau thương và xáo trộn”.
“Vào thời điểm như thế này nên có một đánh giá chính thức. Cũng đã đến lúc chúng ta phải sòng phẳng với lịch sử. Những gì sai sót cần phải nhìn nhận lại. Mặc dù lần này có đưa ra một số sửa sai. Nói về cải cách ruộng đất thì bao giờ cũng nói về sửa sai. Nhưng cũng phải có lời đánh giá sâu sắc, minh bạch trước toàn dân thì có lẽ cũng đến lúc nào đấy theo tôi nên có” - ông Trần Chiến Thắng (nguyên thứ trưởng Bộ VH-TT&DL) đề nghị.
“Bởi vì còn nhiều người chưa hiểu về sửa sai trong cải cách ruộng đất. Thứ hai là sau khi sửa sai rồi thì đi về đâu cũng không ai nói một cách kỹ lưỡng. Dù thành tựu của những năm phục hồi kinh tế 1957-1960 là rất lớn, nhưng thành tựu sau sửa sai lại chưa được nói tới. Có thể sang năm kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám sẽ kiến nghị với Bộ VH-TT&DL và các cơ quan liên quan nên làm rõ hơn. Thật ra về phần sửa sai, triển lãm cũng mới chỉ có những nhấn nhá thuộc về nguyên tắc. Sửa sai thì chúng ta sửa sai những cái gì? Cũng phải có thống kê về sửa sai thì có bao nhiêu người được sửa sai kịp thời. Bao nhiêu người không kịp, có những vị bị đội cải cách xử rồi, chôn rồi. Nên nói lại việc đó. Tất nhiên việc này quá lâu rồi, nếu như một lời xin lỗi muộn còn có ích hơn là chúng ta không nói gì” - ông Thắng nói.
* TS NGUYỄN VĂN CƯỜNG (giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia):
Triển lãm mới chỉ giới thiệu một phần
Thật ra tài liệu, tư liệu còn nhiều lắm, triển lãm mới chỉ giới thiệu một phần. Trong đó chúng tôi giới thiệu thành tựu là chính, còn sửa sai thì triển lãm chỉ tiếp cận một phần. Những tài liệu, hiện vật liên quan đến việc đó không thể nào đưa ra hết và cho phép công chúng tiếp cận được. Có thể những phần trưng bày này sẽ không thỏa mãn được hết mong muốn của người dân, đặc biệt là những dòng họ, gia đình có liên quan đến cải cách ruộng đất. Thế nhưng cuộc cách mạng có thắng lợi thì bao giờ cũng có những tổn thất. Mà những tổn thất đó thì không thể đi sâu và đưa vào trong một phạm vi triển lãm nhỏ như thế này. Nếu đưa quá nhiều thì lấn át chủ đề chính là những thành tựu chúng ta đã đạt được trong cải cách ruộng đất. Thôi thì cũng phải nói với họ rằng sự hi sinh của họ mang lại nhiều điều tích cực cho đất nước thời kỳ đó.
Những điều cần phải khắc phục, tiếp thu và kiểm điểm, Đảng và Bác Hồ đã làm trong giai đoạn tổng kết sau năm 1956. Tuy nhiên, có những mất mát đã được bù đắp và minh oan. Nhưng cũng có những mất mát không thể nào bù đắp và trở thành nỗi đau kéo dài rất lâu. Và những giá trị bài học ấy luôn có tính thời sự.
* Ông LÊ NHƯ TIẾN (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):
Chính sách cho gia đình bị oan sai chưa được làm đầy đủ
Sau hơn nửa thế kỷ của cuộc cải cách ruộng đất, chúng ta đủ tư liệu và thời gian để có cái nhìn toàn diện, đánh giá khách quan về giai đoạn lịch sử này. Phải khẳng định cải cách ruộng đất là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Chính phủ. Sau khi nước nhà độc lập, tất yếu phải thực hiện cải cách ruộng đất để chia đất cho dân nghèo, để người cày có ruộng, nhất là với tầng lớp bần cố nông vốn dĩ trong tay không có chút đất nào canh tác, sản xuất.
Tuy nhiên sau khi chia ruộng đất, giai đoạn đấu tố là một giai đoạn sai lầm. Bác Hồ từng rơi nước mắt thừa nhận những sai lầm trong cải cách ruộng đất. Tổng bí thư Trường Chinh khi đó là trưởng ban cải cách ruộng đất cũng xin từ chức. Đó là bằng chứng sống cho việc Đảng, Chính phủ đã thừa nhận những sai lầm trong thực hiện cải cách ruộng đất. Có thể hiểu khi đó cả nước hừng hực khí thế, dễ nảy sinh những xử sự thái quá, những quyết định vội vàng, không kỹ lưỡng, gây oan ức cho một số người vô tội. Đã có những địa chủ dù giúp đỡ kháng chiến, rốt cuộc cũng chịu xử bắn khi bị quy vào thành phần “địa chủ cường hào”.
Thực tế chúng ta đã tiến hành sửa sai, nhưng với những người bị oan, bị đem ra xử bắn thì nỗi đau còn âm ỉ dai dẳng, nặng nề trong gia đình, thân nhân họ. Nếu nói còn trăn trở, day dứt gì cho giai đoạn này thì đó chính là việc chính sách, chế độ dành cho gia đình người chịu oan sai chưa được làm đầy đủ, trọn vẹn. Hẳn đó cũng là điều mà người thân của những người phải chịu oan sai còn lấn cấn.
HÀ HƯƠNG - NGỌC HÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét