Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

TỪ "CÚ SỐC" CỦA TRANH VIỆT NAM Ở SINGAPORE

09-9-2014

Theo một nhà sưu tập tranh Việt Nam tại Singapore, không đợi đến phiên đấu giá của sàn Larasati hôm 24-8, giá tranh Việt Nam tại Singapore mới xuống dốc thê thảm.

Phố Hà Nội - sơn dầu, Bùi Xuân Phái
Phố Hà Nội - sơn dầu, Bùi Xuân Phái
 Trong nhiều phiên đấu giá trước đó tại Singapore, giá tranh Việt cũng rất buồn lòng. Không chỉ do sự ảm đạm của kinh tế, nền mỹ thuật Việt Nam hụt hơi khi ra quốc tế vì thiếu vắng cả sự hậu thuẫn từ phía Nhà nước lẫn người mua tranh trong nước.
Ngày 24-8, tại Singapore có hai sàn đấu giá tranh đáng chú ý. Tại sàn Larasati ở Goodwood Park Hotel, giá tranh của Bùi Hữu Hùng đạt mức 4.270 SGD (đôla Singapore), tranh của Đỗ Quang Em ở mức 2.440 SGD, Limkhim Katy là 2.318 SGD, Nguyễn Thanh Bình là 1.464 SGD, Đặng Xuân Hòa là 1.464 SGD và Nguyễn Tấn Cương đạt mức giá 3.172 SGD...
Những thông tin này lập tức bay về Việt Nam và khiến dư luận “choáng váng”. Nhiều người lập tức kêu lên “sao giá tranh Việt Nam lại rẻ đến thế?”, ít nhiều bởi lẽ những họa sĩ có tranh được bán ở đây đều “có tên có tuổi” ở Việt Nam. 
 Ở phiên đấu giá Masterpiece cùng ngày còn lại cũng tại Singapore, giá tranh Việt cũng không khả quan hơn. Ba bức tranh Khỏa thân đứng, Phố Hà Nội và Nữ dân quân (đều là sơn dầu) của danh họa Bùi Xuân Phái tuần tự được bán với giá 3.000 SGD, 4.000 SGD và 10.000 SGD. Một bức khác của Đặng Xuân Hòa - Họa sĩ và người mẫu - được bán với giá 2.000 SGD.
Thông thường, giá gallery của các họa sĩ trẻ Việt Nam như Liêu Nguyễn Hướng Dương, Trần Thanh Cảnh, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Đình Hiền, Nguyễn Bảo Ngọc... khi dự các triển lãm tranh, hội chợ tranh cũng đã dao động 3.000-8.000 SGD.
Tại sao tại các sàn đấu giá, giá tranh của các họa sĩ nổi tiếng Việt Nam lại ở mức bẽ bàng như vậy? Thậm chí có những lúc tranh Việt được gom lại nhiều bức như “bán tháo”, “bán mớ”.
Hãy tạm bỏ qua “tự ái dân tộc” hay những nhận xét tiêu cực, bi quan về mỹ thuật Việt, cứ coi đây là một “cú sốc” cần thiết của tranh Việt để có cái nhìn khách quan hơn về giá tranh cũng như khoảng trống thị trường tranh ở Việt Nam.
Ai định giá tranh của họa sĩ?
Một nhà sưu tập tranh Singapore tại TP.HCM (vì những lý do nhạy cảm nghề nghiệp mà từ chối nêu tên) nhận xét vì Việt Nam chưa có thị trường tranh nên giá của họa sĩ là tự ai nấy “hét”.
Ở những nền mỹ thuật nước ngoài, thị trường tranh là một hệ thống chặt chẽ từ họa sĩ đến các gallery, các curator (thường được hiểu là nhà tư vấn tổ chức sự kiện nghệ thuật, thiết kế tổ chức triển lãm hoặc giám tuyển tranh), các sàn đấu giá để nâng giá tranh, công chúng hâm mộ mỹ thuật...
Hệ thống này liên quan chặt chẽ với nhau và được đào tạo, hoạt động chuyên nghiệp. Giá tranh do chính hệ thống này định đoạt. Bức tranh được bảo chứng như một khối tài sản, có thể mua đi bán lại hay cầm cố ngân hàng... Vì thế, chơi tranh cũng là một hình thức đầu tư. Không như ở ta, việc mua một bức tranh thường được hiểu như là sắm một vật phẩm trang trí.
Ở một nền mỹ thuật như Việt Nam, đào tạo mỹ thuật dường như mới chỉ là đào tạo các họa sĩ, các ngành nghề khác liên quan đến mỹ thuật như ngành gallery, curator... vốn rất quan trọng thì hầu như bỏ trống. Công chúng, khách mua tranh nhỉnh hơn con số 0 một chút.
Nên mới có chuyện kể rằng một sàn đấu giá Malaysia dò la tìm chỗ đầu tư vào Việt Nam bởi khoảng cách giữa Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan hay Việt Nam tương đương, khách mua tranh có thể đi qua đi lại dễ dàng, nhưng khi biết Việt Nam không có công chúng mua tranh, họ đã đổi ý định, đầu tư vào Singapore. 
Vì không có thị trường tranh thật sự nên giá tranh ở Việt Nam vô chừng. Một giai thoại khác trong giới kể rằng ở hội chợ tranh tại Singapore, một họa sĩ Việt Nam - vốn chẳng có tên tuổi bao nhiêu ngay trong nước - đã tự treo tranh mình ở mức giá nửa triệu USD.
Hơn nữa, một khi đã dấn thân vào thị trường tranh - với nội hàm đầy đủ của chữ “thị trường” - thì giá trị nghệ thuật của tác phẩm nhiều khi không phải là yếu tố quyết định đến giá cả.
“Cú sốc” của tranh Việt là vậy, không định lượng được giá cả của mình, một khi bị “trả giá” rẻ thì... sốc.
Họa sĩ và người mẫu - sơn dầu, Đặng Xuân Hòa
Họa sĩ và người mẫu - sơn dầu, Đặng Xuân Hòa
Người mua ở Singapore cần gì ở tranh Việt Nam?
Theo ông M., ở các sàn đấu giá Singapore có giá tốt, tranh Việt được xếp tuần tự như sau: 33 Auction, Masterpiece, Borobudur, Larasati và Henry Butcher Art. 
Thị hiếu khách hàng mua tranh cũng đáng bàn. Ngày nay, khách hàng mua tranh ít khi đến gallery như cũ. Họ tìm đến các hội chợ tranh giá rẻ vì hợp túi tiền, nhiều thể loại tranh trang trí trẻ trung, đương đại, thích hợp trang trí nội thất để lựa chọn. Nhóm khách hàng này chủ yếu là giới trẻ.
Còn ở những hội chợ lớn có tranh của Picasso, Andy Warhol, Matisse... thì thu hút những siêu đại gia hoặc những nhà sưu tập thực thụ. Riêng các sàn đấu giá thường tập trung số ít đại gia tầm trung hoặc giới sưu tập sang tay kiếm lời. 
Ở các sàn đấu giá của Singapore, tranh của các họa sĩ bậc thầy thời Đông Dương như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Phan Chánh... vẫn được xếp ngang hàng với các họa sĩ bậc thầy Indonesia như Affandi, Hendra Gunawan... Tranh họ thường được đề nghị mức giá 30.000-100.000 SGD và bán chạy. Trong khi đó, tranh của các họa sĩ Việt Nam hôm nay ngày càng sụt giá.
Ở hai phiên đấu giá của Larasati và Masterpiece hôm 24-8, tất cả tranh Việt Nam đều bán hết nhưng rõ ràng đó là mức giá dành cho loại tranh trang trí.
Giải thích điều này, ông M. cho biết: “Hầu hết dân sưu tập ở hai sàn đấu giá trên là người Indonesia nên họ am hiểu tranh Indonesia và tranh họa sĩ nổi tiếng của Trung Quốc, sau đó là tranh của Malaysia, Singapore. Đối với họa sĩ nước khác, họ chỉ nhằm vào loại tranh có thể bán lại kiếm lời.
Lý do nữa là do ảnh hưởng kinh tế, gần đây nhiều người chọn hình thức mua tranh để giữ tiền thay vì gửi vào ngân hàng. Họ sẽ cẩn thận chọn những loại tranh mà sau này có thể bán lại dễ dàng trên sàn đấu giá. Do vậy với hội họa Việt Nam, họ yên tâm với các họa sĩ bậc thầy thuộc thế hệ Đông Dương. Dần dần, tranh của các họa sĩ Việt Nam khác bị “bỏ rơi” và sụt giá!”.
Những nguyên nhân khác theo ông M. lý giải: “Sáng tác của các họa sĩ Việt Nam còn nghiêng về truyền thống thời hiện đại, đề tài lặp lại vẫn là phụ nữ, cảnh vật, hoa lá... Vì vậy, một số họa sĩ có bước đột phá ban đầu được các nhà sưu tập chú ý như Đỗ Quang Em, Đặng Xuân Hòa, Lê Thanh Sơn, Limkhim Katy, Hồng Việt Dũng... cũng “chựng” lại.
Hơn nữa, tình trạng tranh Việt Nam giả, như tranh Bùi Xuân Phái giả, cũng khiến các nhà sưu tập không yên tâm”.
Khỏa thân đứng - sơn dầu, Bùi Xuân Phái
Khỏa thân đứng - sơn dầu, Bùi Xuân Phái
Vì sao họ tăng, ta giảm?
Ở các sàn đấu giá Singapore, tranh của họa sĩ Indonesia bao giờ cũng cao nhất, chỉ “chịu” thấp hơn các họa sĩ nổi tiếng Trung Quốc.
Từ những năm 1950, tổng thống Sukarno của Indonesia đã khuyến khích công chúng quan tâm mỹ thuật. Nhiều nhà tài phiệt của Indonesia cũng là nhà sưu tập, đẩy giá tranh họa sĩ Indonesia lên cao. Nhiều họa sĩ đương đại thế hệ 7X, 8X nhưng giá tranh trên 100.000 SGD. Một con số mà các họa sĩ Việt Nam khó mơ tới.
Khoảng năm năm trở lại đây, giá tranh của các họa sĩ Singapore cũng tăng gấp đôi. Công chúng không chỉ đề cao tác phẩm của những họa sĩ đã qua đời như Lim Cheng Hoe, Chua Ek Kay... mà tranh của các họa sĩ còn sống như Lim Tze Peng, Choy Weng Yang, Ong Kim Seng... cũng được chú ý.
Dưới một viễn kiến văn hóa, Chính phủ Singapore đã đưa ra chính sách xây dựng văn hóa hướng về Đông Nam Á, xây dựng Singapore thành một trung tâm mỹ thuật khu vực. Dưới áp lực của giới làm văn hóa, chính phủ quan tâm và tôn vinh họa sĩ nước nhà bằng nhiều sự kiện, đẩy giá tranh lên cao.
Nước láng giềng Malaysia cũng không chậm chân khi cho ra đời sàn đấu giá Henry Butcher Art và Art Expo Malaysia hằng năm.
Ông M. cho biết: “Nhiều họa sĩ trung niên Singapore đều có giá tranh đẩy lên gấp đôi so với cách đây năm năm. Điều đó dẫn đến những gallery trước đây khai thác tranh Việt Nam, Philippines giờ đây chuyển sang đầu tư cho tranh Singapore, Malaysia. Mặc dù giá trị nghệ thuật của tranh Việt Nam không thua kém ai!”.
Trong khi hội họa các nước được quan tâm và đầu tư bằng nguồn lực tầm quốc gia, tranh Việt Nam vẫn ra các sàn đấu giá theo cách mà ông M. gọi là “đem con bỏ chợ”. Sàn đấu giá là nơi có nhiều thủ thuật để gây chú ý và đẩy giá tranh lên cao, nhưng tranh Việt không có ai hậu thuẫn.
Trở lại phiên đấu giá Larasati ngày 24-8, chính nhà đấu giá này đã hợp tác với Henry Butcher Art để hỗ trợ các họa sĩ Malaysia. Vậy hỏi ai quan tâm tranh Việt Nam? 
Hội họa một quốc gia khi ra thị trường thế giới không chỉ bằng nội lực và tác phẩm của họa sĩ. Kinh nghiệm của Trung Quốc, Indonesia, Singapore... là vẫn cần một chính sách vĩ mô từ nhà nước và sự quan tâm của công chúng trong nước.
Ở Singapore Biennale 2013, nhiều tác phẩm đương đại của các họa sĩ Myanmar, Lào, Campuchia đã gây kinh ngạc cho các họa sĩ Việt Nam. Khoảng cách mỹ thuật trong khu vực chẳng chóng thì chầy sẽ bị thu ngắn bằng tốc độ của thời đại số, ấy thế mà mỹ thuật Việt đang tỏ ra hụt hơi. 
Tại sao giá bán tranh có số lẻ?
Ở sàn đấu giá, người bán phải trả cho nhà đấu giá khoảng 15% tiền hoa hồng, chi phí, bảo hiểm tranh... Họ nhận về 85% giá gõ búa (hammer price). Người mua tranh cũng phải trả cho nhà đấu giá khoảng 22% tiền hoa hồng, cộng với khoảng 7% tiền thuế.
Tổng cộng nhà đấu giá nhận tới khoảng 40% giá bán tranh. Nếu tranh không bán được, người bán phải chịu tất cả chi phí bảo hiểm, quảng cáo, vận chuyển, ký gửi...
Quang Thi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét