Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

NHÂN ĐỌC BÀI VIẾT: "TẠI SAO VỘI VÃ ĐÓNG CỬA TRIỂN LÃM VỀ CCRĐ?"

Hạ Đình Nguyên

Có lẽ bài viết “Tại sao vội vã…” có tính tổng quát, ngắn gọn, tương đối nêu lên được toàn cảnh quanh cuộc “Triển Lãm” CCRĐ. Tôi xin bày tỏ thêm vài ý kiến.
Cuộc triển lãm làm bật lên ba chủ đề lớn :
- Cuộc Triển Lãm… và CCRĐ.
- Tại sao mở ra cuộc triển lãm?
- Cách đóng cửa cuộc triển lãm?

- Cuộc triển lãm CCRĐ 1953-1957 tưởng đã chôn vùi, bất ngờ được khai quật lên vào một thời điểm nhạy cảm về chính sách đất đai của Đảng đang gặp nhiều khó khăn chồng chất, và chính cuộc triển lãm đã vô tình kích hoạt nó lên để phơi bày trong xã hội và trên thế giới mạng ở một quy mô rộng lớn về bản chất và sự thật của sự kiện, như nó chưa từng được biết đến một cách đầy đủ và công khai về chiều sâu và diện rộng đến thế, đã thu hút cả những thế hệ chưa từng biết đến, những thế hệ đã biết thì biết sâu sắc hơn. Cuộc triển lãm đã đạt một nội dung quá súc tích tuy ngoài mong đợi!
- Tại sao mở ra cuộc triển lãm, là một câu hỏi không kém quan trọng: Tại sao có chủ trương mở ra cuộc triển lãm nầy? Các cách lý giải đếu khó thỏa mãn. Người ta đặt ra các hoài nghi :
(a) hoặc do có kẻ “phá hoại” đảng từ trong đảng, hoặc
(b) còn tồn tại trong đảng một thứ tư tưởng Maoisme, kiểu CCRĐ, hoặc
(c) do tầm nhìn quá kém của những người chủ trương và những lãnh đạo cao hơn tán thành chủ trương triển lãm nầy, qua cách giải thích khá vô tư của ông Viện trưởng Bảo tàng Nguyễn Văn Cương.

Ít có người nêu lên ý kiến tán đồng (a) và (b) có lẽ xuất phát từ lòng lương thiện, phần đông nghiêng về giải đáp (c) có lẽ dễ chịu hơn, vì chẳng qua, đây là tầm nhìn chưa tới.

Có người nhận xét đơn giản: Làm triển lãm để có “công trình” mới có cách bỏ túi! Nếu thế thì đơn giản quá, có khi oan cho ông Viện trưởng chăng! Tuy nhiên, có nhiều chuyện đơn giản nho nhỏ tương tự, nhưng có thật ít ai ngờ tới, mà tác hại vô cùng lớn. Những chuyện làm lợi không bằng hại liên quan đến “mặt trận” đấu tranh tư tưởng của bộ máy tuyên huấn, tương tự cuộc triển lãm, là việc thuê 900 tay bút, gọi là dư luận viên, chuyên trách việc hướng dẫn dư luận chống lại tiếng nói khác tiếng nói của Đảng trên mạng internet, đóng vai thế thân cho các nhà tuyên huấn chính thống. Vâng, họ chỉ làm công việc thóa mạ, vu khống, chửi bới, đe dọa… thay vì đối thoại với lý lẽ ôn tồn và có sức thuyết phục. Họ đã hành xử bằng ngòi bút theo phong cách của những lực lượng trấn áp “mặc áo thường” bên cạnh sắc phục công an trên đường phố. Cuộc triển lãm một chiều, dù nói cách nào thì cũng chỉ bộc lộ với người quan tâm một cảm nhận “bạo lực”, xứng tầm với hai chữ “ác ghê”! Một cuộc “triển lãm về sự ác ghê” của Cộng sản thay cho “địa chủ ác ghê”, thì đúng hơn.

Công việc trọng đại mà đảng CSVN giao cho bộ máy Tuyên huấn, điển hình như cuộc “Triển lãm CCRĐ”, hay đội ngũ “900 DƯ LUẬN VIÊN”, đều đã đem lại thành quả bất ngờ, là những con số âm to tướng, mà hằng ngày nó tích tụ, cũng như hằng vạn thứ khác, tạo nên “thế lực thù địch”, chứ không phải thế lực thù địch từ trên trời rơi xuống. Những chuyện đơn cử tượng trưng trên đây chỉ là vài mảng màu trong muôn vàn cái đó đây cùng “tông” màu của bức tranh tổng thể XHCN mà đấng đứng đầu Mohammed Nguyễn Phú Trọng “tiên tri” bằng tầm nhìn “xuyên thế kỷ” của mình, rằng “cuối thế kỷ nó cũng chưa thể hoàn thiện”.

Đó cũng là minh thị chỉ số IQ của thời đại.

Giá như với âm mưu của (a) và (b) thì còn đỡ tệ, vì ít nhất nó rõ ràng, nhưng còn tầm nhìn như (c) thì quả là mù mịt! Cá cắn câu biết đâu mà gỡ. Chim vào lồng biết thuở nào ra! Lưỡi câu của Bắc Kinh, chiếc lồng Chủ nghĩa xã hội.

- Cách đóng cửa cuộc triển lãm?

Dĩ nhiên việc đóng hay mở cánh cửa của Viện bảo tàng Quốc Gia (chứ không phải của tỉnh, thành) là chuyện đơn giản hằng ngày của nhân viên gác cửa, không có gì thắc mắc. Nhưng làm sao đóng lại cánh cửa vô hình của những thứ vô hình đã bay ra, như sự hồi tưởng vừa được kích hoạt, như sự đau khổ vừa mới khơi lên, như tri thức về một lịch sử, và những gì liên quan đến nó…, và những động cơ của sự “mở” là gì, và có “đóng” lại được cái động cơ ấy không?
Hay nhà nước chỉ quan tâm thuần túy về mặt cơ học, việc đóng và mở chỉ là những động tác? Đùng đùng mở ra, thình lình đóng lại. Không một lời xin lỗi, không một văn bản giải thích - chỉ đơn giản một lời tuyên bố của một nhân viên: vì lý do ánh sáng, thế hết! Họ không cẩn trọng với việc làm của mình và coi thường dân chúng, cũng như việc múa bút hằng ngày của 900 dư luận viên.

Cuộc CCRĐ hồi ấy đã kết thúc bằng những lời xin lỗi công khai của ông Võ Nguyên Giáp, đại diện cho Chính phủ và Đảng, cùng với nước mắt của ông Chủ tịch Hồ Chí Minh, với sự giáng chức vụ của ông Trường Chinh - thật giả không ai biết - nhưng nó minh bạch, và dù sự minh bạch ấy trên thực tế chưa thỏa đáng, mà cũng khó thỏa đáng - nhưng không cách nào khác là sự xin lỗi chân thành và phải minh bạch cái đúng và cái sai. Nếu Đảng xưa chưa minh bạch thì Đảng nay lẽ ra càng phải làm rõ hơn, đầy đủ hơn, thay vì toan tính bào chữa, màu mè nâng lên giảm xuống, bóp méo thành tròn, uốn thẳng thành cong… một cách không che giấu được ai. Các ông ở cấp lãnh đạo từ trên ông Viện trưởng trở lên, thì nín khe, như không biết, như việc của ai.
Mới đây, mọi người còn nhớ chuyện của người Nhật, họ công khai giữa trời, trang nghiêm quỳ thành hàng và lớp lớp, để xin lỗi tiền nhân của họ đã xúc phạm những người phụ nữ Hàn Quốc trong chiến tranh thế giới thứ hai nhằm phục vụ nhu cầu tình dục của những người lính trẻ, dù sao cũng là vấn đề của nhân sinh, chưa phải là chuyện giết chóc. Thế mà CCRĐ, là một sự hận thù vô cớ, bịa đặt để hành hạ thể xác và nhân phẩm rồi đem giết theo cách mà nạn nhân đau đớn nhất. Họ van xin về cái lỗi của sự vu khống, chứ không hề đối kháng. Họ bị giết sau khi bị trải qua sĩ nhục, như những tù binh của IS bị giết mà không bị làm nhục, nhưng họ không hề là những người lính thất trận. Họ là đồng bào mình, họ cũng chính là ân nhân của mình. Tôi được xem những hình ảnh bi thương thảm thiết, cùng với những chữ “long trời lở đất” mà chẳng hiểu cái lớn lao vĩ đại đó ở đâu, với ý nghĩa nào! Tại sao lòng thù hận lại được gieo trồng và đưa lên ngôi báu? Lẽ ra, cả 3 triệu đảng viên của đảng CS hôm nay, nên bắt chước người Nhật…
Hình ảnh nội tuyến 1
Thế mà ngay cái cách “đóng cửa” cuộc triển lãm cũng không đứng đắn, huống chi là! Lấp liếm, lập lờ là một phong cách?

Trong bài viết: “Vì sao vội vã đóng cửa…”, cuối bài tác giả có nhắc lại phát biểu của một người con địa chủ bị bắn oan, khi xem triển lãm: “Nếu bây giờ có CCRĐ, tôi sẽ là đao phủ” với lời phê bình rằng: “cái tư duy trả thù kiểu mạng phải đổi lấy mạng (ấy) chắc không còn chỗ đứng trong thế giới văn minh ngày nay”.

Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét của tác giả, song với người trong cuộc - tôi thì hoàn toàn không dính líu gì, và không biết trực tiếp về CCRĐ - không dễ vượt qua, khi mà phía bên lỗi lầm chưa bày tỏ sự nhận biết chân thành điều mà họ gây ra. Phong trào căm phẫn của người Hàn Quốc đối với người Nhật, sau cái xin lỗi chân thành, công khai, chính danh ấy, đã dịu xuống với sự thông cảm sâu sắc của những người hôm nay, về thế hệ đã qua, về bối cảnh lịch sử của chiến tranh, để có thể chung sống hòa bình thân thiện.

Một cái văn hóa không biết xin lỗi, có khi chỉ vì một sự va quẹt xe ngoài đường đã trở thành cái chết. Một đứa trẻ học sinh lấy trộm một cuốn sách đã bị bảo vệ bắt, trói lại, cột căng ra, trưng bày trong tiệm sách với hàng chữ treo trên người “kẻ ăn cắp”. Đó là cái nghiệt ngã của một thứ “văn hóa” bắt chước! Xin nhắc lại một chuyện cũ ở Sài Gòn, một cậu bé nhà nghèo, lang thang trên phố Lê Lợi, ghé vào nhà sách Khai Trí đánh cắp cuốn sách trẻ em, bị ông chủ bắt được. Ông dẫn em lên lầu khuyên nhủ, cậu bé xin lỗi và được ông tặng cho hai cuốn mang về. Sau 30 năm di cư sang nước ngoài, ông chủ quay về, ông tìm gặp và xin chữ ký một nhà thơ mà có bài thơ ông ái mộ. Ông chủ đã bất ngờ một cách hạnh phúc gặp lại cậu bé ăn cắp sách ấy, chính là nhà thơ Đỗ Trung Quân.

Tôi muốn nói về cái văn hóa xin lỗi, tôi cũng rất tin tưởng về cái văn hóa giàu nhân ái của Việt Namthuần khiết, về cái đạo đức truyền thống trong dân gian không lai tạp. Tôi chưa từng nhìn thấy, hay nghe kể lại những câu chuyện truyền khẩu nào từ xa xưa ở các thôn làng Việt Nam về những câu chuyện tương tự như cảnh “đấu tố”. Tôi muốn nói về cái  văn hóa “đấu tố”, về cái triển lãm người sai phạm ở tiệm sách, hoặc bị đem đi diễu ở phố để làm nhục, rằng cái đó chỉ có ở Tàu, mà là Tàu của Mao. Và là Mao Cộng Sản.
Cái hận để “mạng đổi lấy mạng” ít ai muốn làm, mà không thể làm được trong một bối cảnh rộng lớn, và đời người thì ngắn ngủi. Nhưng cái hận về một lẽ phải thì ai ai cũng đồng tình, dù sống chết cũng chưa nguôi.

Tôi hiểu lời nói của ông ấy theo cách hiểu của tôi. Và lời nói của ông ấy cũng có tác dụng tích cực, là biểu thị lòng căm giận với cái bất công, không phải để đòi mạng, mà là để hiểu, để dừng lại không gây thêm nữa cái ác, cái độc tài, cái bất công, là để làm cho sự căm phẫn được dịu xuống, được an ủi, thay cho “học thuyết” thế lực thù địch đang được sử dụng, được đề cao, chỉ tạo thêm đối kháng và tích lũy căm thù.

Tôi tự hỏi đến khi nào thì đảng CSVN thôi gọi mình là “Đảng Ta” một cách quá đổi tự hào và bất cân xứng, với thành tích tự ca ngợi như cuộc triển lãm “long trời lở đất”, và chừng nào mà đảng bỏ đi được cái khẩu hiệu “thế lực thù địch” không một lợi ích gì cả, để đừng phải ca cẩm bài ca mị “sợ mất niềm tin của nhân dân”.

Cánh cửa phòng triển lãm thì đã khép lại, nhưng cuộc triển lãm thì còn đang mở ra chưa hề chấm dứt, cho đến khi có một sự xin lỗi trang trọng và ngang tầm để khép lại thật sự, vì nó đã lỡ mở ra! Một của nợ mà đảng CSVN phải biết cách trả và trả một cách chân thành./.

HĐN.
----------------------

TẠI SAO VỘI VÃ ĐÓNG CỬA TRIỂN LÃM VỀ CCRĐ?
12-9-2014


Những ngày này, vào cái thời điểm sau lễ kỷ niệm 69 năm Quốc khánh, một cuộc triển lãm về Cải cách ruộng đất (CCRĐ) được tổ chức tại Viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, sự xuất hiện của bản Google Docs cuốn Đèn cù của tác giả Trần Đĩnh trên mạng internet cũng là một tác nhân khiến chủ đề về CCRĐ càng nóng thêm.
Chủ đề này đang hâm nóng các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, ở đâu đâu cũng thấy người ta nói về chủ đề Cải cách ruộng đất (CCRĐ).
Sáng nay 11.9.2014, bà con dân oan Dương Nội đã đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia, phố 25 phố Tôn Đản, Hà Nội để xem triển lãm Cải cách ruộng đất nhưng đã bị ngăn chặn không được vào
Sáng 11.9.2014, bà con dân oan Dương Nội đã đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia, phố 25 phố Tôn Đản, Hà Nội để xem triển lãm Cải cách ruộng đất nhưng đã bị ngăn chặn không được vào
Đôi nét về CCRĐ
Chương trình CCRĐ với mục đích xóa bỏ giàu nghèo - với chủ trương "San bằng giai cấp hóa yên vui" là một bước trong tiến trình tiến lên CNXH của Đảng CSVN tổ chức và thực hiện.
CCRD với khẩu hiệu "Người Cày Có Ruộng" là chương trình bắt nguồn từ đường lối chính sách của Đảng CS Trung quốc, nhằm tiêu diệt các thành phần bóc lột, phản quốc, phản động như địa chủ, cường hào, ác bá v.v.... Vào những năm 1953–1956 ở miền Bắc Việt nam, khi ấy Đảng CSVN, dưới sự chỉ đạo của các cố vấn Trung quốc đã tổ chức thực hiện việc CCRĐ một cách máy móc, dập khuôn và tràn lan. Thông qua những màn đấu tố phần lớn là oan và sai đối tượng nhằm để đạt chỉ tiêu của cố vấn Trung quốc giao cho. Với những phiên Tòa kiểu vô luật pháp của một nhóm người trong Đội Cải cách, có thể tùy tiện tuyên án để tịch thu tài sản, đất đai của những người này để chia cho bần nông, cố nông. Thậm chí, các bản án tử hình với số lượng hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người bị quy kết địa chủ đã bị bắn bỏ ngay lập tức.
Việc thực hiện CCRĐ ở miền Bắc Việt Nam đã gây ra nhiều hậu quả vô cùng to lớn cho xã hội thời ấy. Đã có rất nhiều người bị đấu tố oan, sai. CCRĐ được cho là không chỉ giết dã man nhiều người vô tội. Mà tội ác lớn nhất của nó là nó chà đạp lên luân thường đạo lý, phá hoại toàn bộ nền tảng đạo đức xã hội của người Việt được xây dựng qua biết bao thế hệ. Kể từ đó, đạo đức xã hội đã bị băng hoại, tình người bị chà đạp; những kẻ trắng trợn đổi trắng thay đen, ngậm máu phun người giành được quyền hành và thao túng, chi phối toàn bộ cuộc sống khiến người lương thiện thì chịu oan khuất, thua thiệt, kẻ bất lương trở thành các vĩ nhân bất khả xâm phạm và còn là tấm gương cho toàn xã hội.
Theo thống kê, tổng số người bị đưa vào danh sách đấu tố vào khoảng 172.000 người; trong đó số người bị oan sai tới khoảng 123.000 người. Cuộc cải cách và đấu tố này đã gây nên biết bao sự oan sai cho những người nông dân hiền lành và vô tội, nhiều ngàn gia đình tan cửa nát nhà. Mà làn sóng người miền Bắc di cư vào Nam trong năm 1954 để chạy trốn Cộng sản là bằng chứng cho thấy hậu quả của những sai lầm này.
Chính điều đó đã làm Đảng CSVN bị mất uy tín đối với nhiều người dân. Trước những sai lầm  nghiêm trọng này, tháng 9 năm 1956, ông Trường Chinh đã buộc phải từ chức Tổng Bí thư và lãnh đạo Đảng CSVN cách chức Bộ Chính trị của ông Hoàng Quốc Việt, cũng như cách chức Ủy viên TW Đảng của ông Hồ Viết Thắng. Đến tháng 10 năm 1956, ông Võ Nguyên Giáp, thay mặt ông Hồ Chí Minh đã phải thừa nhận sai lầm và phát động chiến dịch sửa sai.
Không ngoa, nếu như ai đó nói rằng CCRĐ những năm 1953–1956 ở miền Bắc là một trong những tội ác chống nhân loại của Đảng CSVN và cần được đưa ra xét xử ở Tòa án Quốc tế.
Mục đích mở triển lãm bị phá sản
Vào ngày 8.9.2014 vừa qua, Viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Hà Nội khai trương một triển lãm về cải cách ruộng đất, mang tên "Cải cách ruộng đất 1946-1957". Theo đánh giá, đây là lần đầu tiên Việt Nam có triển lãm về sự kiện lịch sử được coi là một trong những thất bại trầm trọng của Đảng CSVN.
Theo báo chí, ông Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cho biết mục đích của triển lãm là "Muốn đưa đến cho công chúng một cái nhìn đa chiều và toàn diện hơn, những thành tựu trong giai đoạn đó, cũng có những bước đi sai lầm trong việc tổ chức thực hiện ở cơ sở thì cũng đã có những chỉ đạo từ trung ương trong việc chấn chỉnh khắc phục sai lầm, oan sai.”. Tuy nhiên khi được hỏi về con số người bị xử tử trong cải cách ruộng đất có được nêu ra tại triển lãm này hay không, thì ông Nguyễn Văn Cường cho rằng theo ông quan trọng nhất là thành tựu “người cày có ruộng”, còn những mất mát thì trong những sai lầm và bài học kinh nghiệm Đảng đã có đánh giá và sửa sai.
Điều đó cho thấy cũng gần đúng như dư luận đánh giá, đó là việc nhà nước tổ chức triển lãm về CCRĐ chỉ nhằm mục đích kể công ơn của Đảng CSVN đối với nông dân từ trước đến nay. Nhưng vô tình vấn đề CCRĐ, vốn là một vết thương, một dấu ấn thất bại cay đắng của Đảng CSVN đã bị đào xới lại sẽ tạo ra các phản ứng bất lợi là điều mà họ không lường hết trước được. Đáng tiếc hơn, giữa lúc vấn nạn dân oan mất đất, mất ruộng đang ở giai đoạn cao trào, thì lẽ ra khi động chạm tới vấn đề CCRĐ trong lúc này, thì phía chính quyền cần phải đả động tới cả hai mặt của một vấn đề, cả vấn đề tích cực, những mặt hạn chế và những sai lầm của Đảng CSVN trong vấn đề đất đai để làm dịu long những người dân oan. Nhưng họ quên mất rằng, trong bối cảnh mặt bằng dân trí ngày càng được nâng cao, những vấn đề mất mát, những sai lầm khi nhà nước càng muốn dấu thì người dân càng quan tâm tìm hiểu hơn và điều này sẽ dễ tạo nên phản ứng mạnh mẽ của dân chúng. Và cuối cùng họ đã không làm như thế.
Có ý kiến cho rằng việc nhà nước tổ chức triển lãm về CCRĐ để đối phó với làn sóng đọc và chia sẻ tác phẩm Đèn cù của Trần Đĩnh thì thiết nghĩ rằng không có cơ sở. Vì để tổ chức một cuộc triển lãm về chủ đề này thì người ta phải chuẩn bị trước ít nhất là một năm, thậm chí là nhiều năm. Việc hai sự kiện này xảy ra trong cùng gần một thời điểm đó chỉ là sự tình cờ, một sự ngẫu nhiên.
Sức mạnh của truyền thông xã hội và dân oan
Vào chiều tối 11.9.2014 trên mạng facebook đã có tin nói rằng cuộc triển lãm về CCRD đã tạm không tiếp đón người xem chiều nay đóng cửa, theo đó tin cho biết "Đại diện Ban Tuyên giáo TW và Bộ VHTTDL cùng Bảo tàng tìm lý do hợp lý để đóng cửa. Lệnh cho làm ngay một triển lãm khác, cổ vật để thay thế.". Đến sáng ngày 12.9 thì được biết tấm pano quảng cáo về cuộc triển lãm treo trước cửa Viện Bảo tàng Lịch sử đã được hạ xuống, dù rằng trước đó cuộc triển lãm này dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 12.2014. Một cuộc triển lãm vừa mở cửa vẻn vẹn có 4 ngày đã phải gấp rút đóng cửa với những lý do không thuyết phục càng gây sự tò mò của mọi người.
Vậy lý do gì và nguyên nhân vì sao chính quyền đã vội vã hủy cuộc triển lãm này?
Hiện nay ở Việt nam, thế hệ những người ở lứa tuổi 40 trở xuống hầu như rất ít người có hiểu biết về vấn đề CCRĐ. Những người có thể biết và biết rõ về CCRĐ là do họ tự tìm hiểu trên mạng internet, việc giáo dục và tuyên truyền về vấn đề CCRĐ từ trước đến nay ở VN là hết sức sơ sài và hầu như nhà nước không nói gì đến mặt trái của nó. Tuy vậy, để tìm kiếm các thông tin đa chiều về vấn đề CCRĐ trên mạng internet bây giờ là điều hết sức dễ dàng, với vô vàn thông tin đa dạng. Triển lãm về CCRĐ được tuyên truyền trên truyền thông nhà nước và các mạng xã hội đã vô tình đã kích thích sự tò mò của nhiều người và họ đã bỏ thời gian để tìm kiếm sự thật.
Những ngày này, trên các mạng xã hội vấn đề được người ta bàn luận nhiều nhất là vấn đề CCRD, người ta chia sẻ vô vàn các thông tin - chủ yếu là mặt trái của vấn đề. Số lượng người quan tâm và đến xem đến cuộc triển lãm này cũng khá nhiều, không những thế tại nơi triển lãm người ta có thể bàn luận, chia sẻ quan điểm cá nhân thậm chí viết những suy nghĩ của họ trong sổ lưu. Những ý kiến ghi trong cuốn sổ này khá đa dạng, thậm chí có những ý kiến rất gay gắt. Đây cũng là một điều bất lợi không đáng có mà chính quyền không lường được hết. Đồng thời đây cũng là hệ quả của lối tuyên truyền một chiều, đó là chỉ tuyên truyền những cái tốt vốn rất hiếm hoi trong sự thất bại trầm trọng của công tác CCRD mà không mảy may đề cập tới những sai lầm cần phải được sửa đổi.
Chỉ trong mấy ngày đầu, nhiều biểu hiện cho thấy chính quyền đã sớm phát hiện ra việc làm của họ đã phản tác dụng, trái những gì họ đã dự kiến vì đã tạo dư luận gây xôn xao trong dân chúng. Điều này chứng tỏ chính quyền đã theo dõi diễn biến trên mạng xã hội khá chặt chẽ. Vì họ biết rằng, việc cuộc triển lãm CCRĐ đã và đang khơi dậy những ký ức đau xót và những tội ác mà Đảng CSVN đã gây ra cho dân tộc và đất nước này ở thời kỳ CCRĐ. Những cái đó đã và đang trở thành một trào lưu xã hội quan tâm ở mức cao, đã đẩy chính quyền vào tình thế không biết sẽ còn có những diễn biến gì tiếp sau đó. Và cũng cần phản nói thêm: với đội ngũ tham mưu rất kém, đã không lường hết được phản ứng ngược lại của dư luận xã hội, khi đưa chủ đề hết sức nhạy cảm vốn đã được dấu kín nhiều chục năm.
Việc bà con dân oan Dương Nội mặc áo với các dòng chữ đòi nhân quyền đã đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia, phố 25 phố Tôn Đản, Hà Nội trưa ngày 11.9.2014 để xem triển lãm Cải cách ruộng đất là lý do đi đến việc chính quyền ra quyết định đóng cửa triển lãm. Vì họ tin rằng kế tiếp dân oan Dương nội sẽ có hàng nghìn dân oan trên khắp cả nước sẽ đổ về và biến nơi đây thành nơi tụ tập của lực lượng dân oan. Đây là quyết định nhằm "dập lửa ngay từ đầu gió" được đưa ra trong sự lo ngại của phía chính quyền.
Điều đó phần nào cho thấy sức mạnh của truyền thông trên mạng xã hội được tận dụng cùng với sự đoàn kết của dân oan Dương nội, điều này đã gây ra áp lực không nhỏ lên chính quyền, và đây là những lý do để trả lời câu hỏi "Tại sao nhà nước phải vội vã đóng cửa?"
Những bài học kinh nghiệm
Nếu ai có ý định so sánh địa chủ và tư sản ngày xưa với các "đầy tớ" của nhân dân hay các đại gia thời nay, thì không có gì đáng để so sánh, vì sự khập khiễng của nó. Ngày xưa việc tích lũy ruộng đất và của cải của địa chủ hay tư sản đều thông qua việc kinh doanh buôn bán hoặc thậm chí họ còn trực tiếp tham gia lao động như người làm công. Nói chung, những của cải hay tiền bạc mà họ tích cóp được là do công việc hầu hết là chân chính và lương thiện, chứ không phải là những của cải do ăn cướp được như những "đầy tớ" của nhân dân hay các đại gia thời nay.
Nếu mục đích ban đầu của cuộc triển lãm, chính quyền hy vọng rằng để cho người dân thấy sự khác nhau hay nói cách khác là khoảng cách giữa cuộc sống của giai cấp địa chủ và những người bần cố nông trong quá khứ như thế nào. Mà triển lãm này bỗng trở thành tiền đề cho mọi người ta cảm thấy cần suy nghĩ nghiêm túc về khoảng cách giàu nghèo giữa các quan chức đảng viên với những người nghèo khổ hiện nay. Thử hỏi cái khoảng cách đó ngày nay gấp bao nhiêu lần những cái người ta thấy ở ngày xưa qua cuộc triển lãm? Qua đó số đông mọi người đã buộc phải đặt dấu hỏi nghi ngờ vì sự giàu có của các quan chức.
Thông qua vấn đề CCRĐ, thì sự minh bạch về thông tin cũng sẽ giúp giải quyết được rất nhiều vấn đề tồn đọng, những oan khúc chưa có lời giải đáp. Vấn đề then chốt là đúng sai phải rõ ràng, kẻ làm sai phải bị nghiêm trị, người bị oan sai phải được xin lỗi và bồi thường mọi mặt, kể cả danh dự của bản than họ và gia đình. Chứ không thể nhận sai lầm và tuyên bố sửa sai bằng miệng rồi bỏ đấy như Đảng CSVN đã từng làm trong vấn đề CCRĐ từ trước đến nay. Nếu như việc này được xử lý đúng và phù hợp thì có lẽ Đảng CSVN cũng sẽ không mất uy tín trầm trọng như bây giờ.
Nếu chính quyền biết việc đưa thông tin đa chiều, cả mặt xấu lẫn mặt tốt vào trong cuộc triển lãm một cách khéo léo và phù hợp cũng là thể hiện sự tôn trọng đối với người xem. Điều đó có tác dụng xoa dịu lòng dân, vì trong kỷ nguyên thông tin như hiện nay thì không ai, không có bất kỳ thế lực nào có thể che dấu được người dân.
Có không ít người, mà cá biệt có người là con địa chủ bị bắn oan trong thời CCRĐ, gần đây đã từng tuyên bố "Nếu bây giờ có CCRĐ, tôi sẽ là đao phủ". Tôi không biết họ nói thế là nói thật hay nói đùa? Dù sao chăng nữa tôi cũng phản đối những suy nghĩ như trên vì đó là hành động mang tính trả thù, cái tư duy trả thù kiểu mạng phải đổi lấy mạng chắc cũng không còn chỗ đứng trong thế giới văn minh ngày nay. Mà hãy coi những sai lầm trong quá khứ là những bài học để ta tránh không mắc phải hoặc lặp lại những sai lầm như thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét