Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

VIỆT NAM - TRUNG QUỐC: CẮT ĐỨT QUAN HỆ KINH TẾ, AI SỢ HƠN?

17-7-2014

Có người sợ Trung Quốc cắt đứt quan hệ kinh tế với Việt Nam. Nhưng thực ra không phải Việt Nam, mà chính Trung Quốc sợ mối quan hệ kinh tế giữa hai nước bị cắt đứt. Điều tưởng như nghịch lý nhưng trên thực tế lại là sự thật.

Quan hệ Việt - Trung đang gia tăng căng thẳng ngày càng cao độ do Trung Quốc ngang ngược xâm lược biển đảo của Việt Nam. Việt Nam càng nhân nhượng Trung Quốc càng được nước lấn tới. Việt Nam càng nhún nhường Trung Quốc càng cường quyền bạo ngược.

Tại sao Trung Quốc lại lộng quyền áp đặt đường lối chính sách của mình trong quan hệ với Việt Nam? Đó là bởi vì Trung Quốc đang tham vọng trở thành một cường quốc bá quyền, và điều quan trọng nữa, là Trung Quốc cho rằng Trung Quốc nắm được các điểm yếu chí tử của Việt Nam.

Thực ra Trung Quốc đã quá tự tin vào các “bảo bối” của họ. Nhưng trước hết hãy chỉ ra năm “bảo bối” của Trung Quốc, mà dựa vào đó Trung Quốc đã tiến hành một chính sách cường quyền với Việt Nam.

1. Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc

Kể từ khi bình thường hóa quan hệ Việt Trung sau Hội nghị Thành Đô (4-9-1990), nền kinh tế Việt Nam từng bước chịu sự chi phối của Trung Quốc. Bắt đầu từ ít, lớn dần từng ngày, và hiện nay đã trở thành “hầu như thuộc địa toàn phần” của Trung Quốc.

2. Việt Nam cần một khoản vay tài chính lớn từ Trung Quốc nhằm đảm bảo sự ổn định kinh tế chính trị để phát triển và duy trì thể chế

Không có số liệu chính xác từ các nguồn nhà nước chính thống, nhưng các nguồn viện trợ ODA hứa hẹn đến khoảng 20 tỷ USD và nguồn vay khoảng 100 tỷ USD từ Trung Quốc có thể trở thành miếng mồi nhử để Trung Quốc áp đặt ràng buộc lên Việt Nam.

Trung Quốc cho rằng một trong những điểm yếu chí tử của Việt Nam là Việt Nam cần nguồn vay tài chính lớn để níu kéo sự tụt dốc kinh tế có nguy cơ dẫn đến bất ổn chính trị trong nước và làm cho thể chế bị đe dọa.

3. Việt Nam không có liên minh quân sự để cân bằng với Trung Quốc

Một thực tế là Việt Nam không có một liên minh quân sự nào để chống lại Trung Quốc khi Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm lãnh thổ Việt Nam. Không một nước nào muốn gây chiến tranh với Trung Quốc chỉ để bảo vệ Việt Nam, trừ phi họ bị ràng buộc bởi một hiệp ước liên minh quân sự với Việt Nam.

Ngay cả khi có một hiệp ước liên minh quân sự với Việt Nam, trong trường hợp Trung Quốc tấn công Việt Nam với giới hạn cục bộ, thì liên minh quân sự cũng sẽ không tham chiến trực tiếp, mà chỉ có thể giúp Việt Nam về vũ khí, lương thực, thông tin tình báo, chuyên gia, chiến lược, kế hoạch tác chiến, trên mặt trận ngoại giao và truyền thông. Việt Nam sẽ phải chiến đấu chống Trung Quốc bằng chính con người Việt Nam.

Trong chiến tranh Biên giới tháng 2-1979, Đặng Tiểu Bình đã phải thông báo trước về giới hạn mục tiêu đánh chiếm các tỉnh biên giới và thời hạn rút quân, để Liên Xô không mở mặt trận thứ hai ở biên giới Xô - Trung.

Giả sử Trung Quốc liều lĩnh tấn công Điếu Ngư Đài, thì Mỹ Nhật và Trung Quốc cũng sẽ chỉ đánh nhau trong phạm vi lân cận Điếu Ngư Đài. Cả Trung Quốc Nhật Mỹ đều không dám mở rộng chiến tranh sang lãnh thổ Trung Quốc và Nhật Bản. Bởi nếu không giới hạn cục bộ, để xảy ra chiến tranh tổng lực thì sẽ là một thảm họa lớn không chỉ cho các quốc gia tham chiến mà cho cả toàn thể nhân loại.

Bởi vậy nếu Trung Quốc tiến hành một cuộc chiến tranh cục bộ chống Việt Nam thì không có ai đưa quân đến giúp Việt Nam cả. Đó là sự đơn độc của Việt Nam hiện nay trong cuộc đối đầu vũ lực với Trung Quốc. Trung Quốc tự cho đó là điểm mạnh của họ để hung hăng chèn ép Việt Nam. Trung Quốc cho rằng dù họ ngang ngược đến đâu, Việt Nam cũng nhẫn chịu không dám để xảy ra đụng độ vũ trang.

4. Việt Nam phải dựa vào Trung Quốc để bảo vệ sự lãnh đạo một đảng

Sau sự sụp đổ của Liên Xô và đồng minh ở Đông Âu,Việt Nam vội vã hòa hảo với Trung Quốc ở Hội nghị Thành Đô nhằm duy trì phần còn lại của “phe Xã hội Chủ nghĩa” với Trung Quốc là “thành trì”. Vì thế Trung Quốc cho rằng Việt Nam cần Trung Quốc như là cứu cánh duy nhất có thể giúp Việt Nam bảo vệ sự lãnh đạo một đảng. Mô hình một đảng ngày nay chỉ còn ở Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Cu Ba và Bắc Triều Tiên. Nhưng hai quốc gia Cu Ba và Bắc Triều Tiên rõ ràng còn lo không nổi thân mình thì làm sao giúp được người khác.

Bởi vậy theo Trung Quốc thì việc học tập kinh nghiệm Trung Quốc trong công tác đảng và quản lý nhà nước là rất cần thiết cho Việt Nam. Việt Nam phải bám vào Trung Quốc để duy trì mô hình nhà nước hiện hành. Nếu rời xa Trung Quốc thì thể chế ở Việt Nam có nguy cơ bị thay đổi,

5. Trong giới quyền lực Việt Nam tồn tại bộ phận chịu ảnh hưởng của Trung Quốc

Sự can thiệp của Trung Quốc vào công việc nội bộ của Việt Nam ngày một gia tăng từ sau Hội nghị Thành Đô đã cho phép Trung Quốc tự tin vào khả năng gây ảnh hưởng của họ lên đường lối chính sách của Việt Nam.

Năm “bảo bối” nêu trên của lãnh đạo Trung Quốc chỉ có giá trị ở chừng mực khi họ gia tăng sức ép lên Việt Nam chưa đến mức Việt Nam bị mất chủ quyền lãnh thổ. Khi Trung Quốc ngang ngược liên tiếp xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, thì tính toán của họ sẽ trở nên sai lầm. Chỉ xin nêu sơ lược các luận cứ chính.

Về điểm thứ nhất: Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc

Nếu cắt đứt hoàn toàn quan hệ kinh tế giữa hai nước, thì Việt Nam được lợi hơn và Trung Quốc bị thiệt hại hơn. Trung Quốc sẽ bị thiệt hại bởi ba điểm chính sau đây.

1. Rời bỏ Việt Nam Trung Quốc mất đi một thị trường thuộc địa 90 triệu dân tiêu thụ hầu như hoàn toàn hàng hóa Trung Quốc.

2. Rời bỏ Việt Nam, Trung Quốc còn mất đi nguồn lợi kinh tế lớn về thị trường đầu tư, thị trường cung cấp tài nguyên khoáng sản và nguyên vật liệu giá rẻ.

3. Điều quan trọng nữa là, rời bỏ Việt Nam, Trung Quốc sẽ đẩy Việt Nam ra khỏi quỹ đạo phụ thuộc. Trung Quốc sẽ mất đi một đồng minh trong cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng siêu cường. Trung Quốc đẩy Việt Nam về phía đối thủ, làm cho đối thủ mạnh hơn và nguy hiểm hơn là có biên giới chung với Trung Quốc. Yếu tố địa chính trị này là một mối quan ngại lớn của Trung Quốc.

Về phía Việt Nam cũng có ba điểm lợi chính dưới đây.

4. Rời bỏ Trung Quốc, Việt Nam thoát khỏi nguồn hàng hóa kém chất lượng độc hại, thoát khỏi nguồn thiết bị công nghệ lạc hậu vừa kém hiệu quả vừa ô nhiễm, cùng với mối nguy hại tiềm ẩn lâu dài chưa lường trước được.

5. Rời bỏ Trung Quốc, Việt Nam sẽ hợp tác cùng các nước tiên tiến khác, sẽ được tiếp cận nền công nghệ hiện đại, nguồn hàng hóa chất lượng cao, phương thức sản xuất hiện đại, nề nếp lao động khoa học văn minh.

6. Điều quan trong nhất là, rời bỏ Trung Quốc, Việt Nam có cơ hội xây dựng một nền kinh tế tự chủ hiện đại, có thể trở thành một quốc gia hùng mạnh và không bị phụ thuộc. Khi cắt bỏ quan hệ với Trung Quốc nền kinh tế Việt Nam chỉ bị ảnh hưởng trong một giai đoạn rất ngắn và sẽ hồi phục nhanh chóng. Có thể nói, rời bỏ Trung Quốc là cơ hội “lột xác” của Việt Nam.

Về điểm thứ hai: Việt Nam cần một khoản vay tài chính lớn từ Trung Quốc nhằm đảm bảo sự ổn định kinh tế chính trị để phát triển và duy trì thể chế

Vay tiền để mà mất đất mất chủ quyền thì nhân dân Việt Nam nhất quyết không chịu. Từ ngàn xưa, khi động chạm đến chủ quyền lãnh thổ, thì nhân dân Việt Nam quyết hy sinh tất cả, bất chấp sinh mạng tiền bạc giàu nghèo sướng khổ. Nếu không có nguồn tài chính của Trung Quốc, kinh tế Việt Nam chỉ bị ảnh hưởng tạm thời, Việt Nam sẽ có ngay nguồn tài chính từ các nước khác để bù lại. Không có nguồn tài chính của Trung Quốc,Việt Nam vẫn ổn định về kinh tế và chính trị. Được lòng dân thì thể chế còn, mất lòng dân thì thể chế mất. Sự tồn vong của thể chế không phụ thuộc vào khoản vay của Trung Quốc.

Về điểm thứ ba: Việt Nam không có liên minh quân sự để cân bằng với Trung Quốc

Hiện tại Việt Nam quả không có liên minh quân sự. Nhưng khi Trung Quốc tấn công Việt Nam, tức khắc Việt Nam sẽ nhận được sự giúp đỡ của nhân dân toàn thế giới, trong đó có cả nhân dân Trung Quốc. Đó chính là một liên minh vô địch.

Nếu so sánh số liệu đơn thuần giữa hai nước thì số lượng vũ khí và quân đội của Trung Quốc nhiều hơn Việt Nam. Nhưng bất cứ lúc nào, nếu Trung Quốc xâm lược Việt Nam thì Trung Quốc sẽ bị thất bại. Lịch sử hàng ngàn năm bang giao hai nước đã chứng minh điều đó. Trung Quốc chỉ có thể gia tăng gây áp lực chứ không thể tiến hành chiến tranh xâm chiếm Việt Nam.

Về điểm thứ tư: Việt Nam phải dựa vào Trung Quốc để bảo vệ sự lãnh đạo một đảng

Khi đã nói đến độc lập dân tộc thì người Việt Nam nào cũng bảo vệ Tổ Quốc. Những người lãnh đạo Việt Nam phải biết dựa vào nhân dân Việt Nam để duy trì sự lãnh đạo, chứ không thể dựa vào Trung Quốc để bảo vệ sự cầm quyền. Đảng thì hữu hạn nhưng Dân tộc thì vĩnh cửu. Mô hình nào có lợi cho Dân tộc sẽ được nhân dân quyết định chứ không do ai đó muốn là được.

Về điểm thứ năm: Trong giới quyền lực Việt Nam tồn tại bộ phận chịu ảnh hưởng của Trung Quốc

Việt Nam đã từng có một đội ngũ lãnh đạo cứng rắn trước sự ngang ngược của Trung Quốc. Nhưng từ sau Hội nghị Thành Đô, Trung Quốc ngày càng gây ảnh hưởng hơn trong công việc nội bộ Việt Nam.

Tuy nhiên, đòi hỏi toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng và áp lực từ khí phách của nhân dân sẽ tạo nên sức bật kháng cự sự ảnh hưởng của lãnh đạo Trung Quốc. Xu thế độc lập cứng rắn tất sẽ thắng thế.

Tổng thể lại từ tất cả các phương diện, có thể thấy Trung Quốc không dám cắt đứt hoàn toàn quan hệ kinh tế với Việt Nam. Nếu Trung Quốc cắt đứt quan hệ kinh tế thì thật may mắn cho Việt Nam. Càng rời xa Trung Quốc, Việt Nam càng có cơ hội để phát triển một nền kinh tế tự chủ hiện đại bền vững. Tiếc thay Trung Quốc chỉ có thể đe dọa, chỉ có thể cắt đứt một phần mà không dám cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ kinh tế với Việt Nam.

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà tốc độ tích hợp toàn cầu ngày một gia tăng. Không có quốc gia nào có thể cô lập tuyệt đối với thế giới còn lại. Bởi thế chúng ta không thể không có quan hệ với Trung Quốc. Nhưng mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc càng ít đi bao nhiêu thì càng có lợi bấy nhiêu cho Việt Nam. Tiếc là không thể đưa mối quan hệ giữa hai nước về zerô.

Phải nắm được bản chất vấn đề là không phải Việt Nam, mà chính Trung Quốc sợ hãi sự cắt đứt quan hệ với Việt Nam. Vì thế Trung Quốc tìm mọi cách để bắt Việt Nam phải phụ thuộc, từ các biện pháp mềm cho đến các hành động rắn. Trung Quốc không muốn và không dám cắt đứt quan hệ kinh tế với Việt Nam, trừ phi giữa hai nước xảy ra xung đột vũ trang lớn. Sự cắt đứt quan hệ của Trung Quốc sẽ nhanh chóng đẩy Việt Nam ra khỏi quỹ đạo phụ thuộc Trung Quốc. Đó thực sự là một đòn “Gậy ông lại đập lưng ông”.

Bởi vậy, hãy luôn nhớ rằng, quyền cắt đứt quan hệ kinh tế giữa hai nước nằm trong tay Việt Nam chứ không phải ở phía Trung Quốc. Đừng bao giờ sợ Trung Quốc.

V.C.D.

1 nhận xét:

  1. Bài viết hay hơn bất cứ nhận định nào của các chuyên gia nhà nước.

    Trả lờiXóa