Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

HỘI NHÀ BÁO ĐLVN: NHỮNG VIỆC CẦN LÀM NGAY

SGĐT:  Vạn sự khởi đầu nan. Câu chuyện của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam là một kinh nghiệm đáng giá.

03-9-2014

(VNTB) - Có những thời điểm, ta buộc phải lùi cái Cá nhân để nhường cho Cái chung. Hiện nay, vấn đề ra đời các tổ chức là dễ dàng, nhưng để duy trì và phát triển nó là cực kỳ khó.
Khó không hẳn vì sự đánh phá của chính quyền, mà khó ở cả việc các tổ chức ra đời thường hay rơi vào tình trạng đấu đá nội bộ, gây mất đoàn kết trầm trọng. Khó vì phải đấu tranh để giữ sự khách quan thay vì phục vụ nhu cầu cực đoan cho một nhóm người.



Tôi cho đó là hiện tượng viên đạn bọc kẹo – một hiện tượng phản ánh sự xung đột, mâu thuẫn giai đoạn ở những tổ chức dân chủ trẻ.

Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam hay Chính quyền?

Ngay từ khi ra đời, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam đã vướng ngay phải sự nghi ngờ về mục đích. Lý do, người ta nhìn thấy một người từng là người phụ trách an ninh trong bộ máy chính quyền nay giữ chức chủ tịch Hội (Phạm Chí Dũng).

Không ít người nghĩ ngay đó là cái bẫy, người ta dự đoán sau khi nắm đọc kha-khá thành viên Hội, thì bản thân tổ chức này sẽ tự giải tán theo-cách-riêng của nó.

Ví như Bs. Hồ Hải cũng từng nghi ngờ về sự ra đời của Hội, khi ông để ngỏ trường hợp về sự ra đời liên tiếp của các Hội đoàn Độc lập chỉ là cách mà chính quyền muốn trải đường vào TPP. Và sau khi hoàn thành nhiệm vụ, thì các tổ chức ấy sẽ tự giải tán như “số phận của Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam” hoặc bị “xóa sổ như Nhân Văn – Giai Phẩm”…

Bs. Hồ Hải nghi ngờ như thế vì đã có “một câu chuyện tương tự”, cụ thể là về Thiền Viện Làng Mai (Thiền sư Thích Nhất Hạnh) lập ra để Việt Nam được đưa ra khỏi “Các Quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo” CPC (Country of Particular Concern). Song, ngay khi thoát được CPC, thì lập tức Thiền Viện Làng Mai bị đàn áp…

Do đó, có thể nói, điều Bs. Hồ Hải nghi ngờ là không thừa, nhất là trong tình trạng các tổ chức ra đời ngày một nhiều nhưng lại không hiếm độ ảo về mặt tổ chức, tính bẫy nhiều, dẫn đến sự tin cậy giữa các thành viên dân chủ với nhau còn thiếu, cách nhìn của người đấu tranh về các tổ chức còn chưa đủ độ tin. Đó là tình trạng chung (căn bệnh kinh niên), trong một xã hội Đảng trị.

Tuy nhiên, chúng ta được phép nghi ngờ về một cá nhân/ tổ chức bất kỳ. Nhưng điều đó không ngăn được sự dấn thân của chính chúng ta. Chính chúng ta, chính sự dấn thân của chúng ta có ý nghĩa hơn bất kỳ điều gì khác, nó giúp chúng ta theo đuổi lý tưởng của mình một cách bền bỉ trong môi trường đầy cám dỗ và phức tạp (thử thách), đi đến tận cùng của chân lý, sự thật và sự cống hiến. Định hình nên tổ chức, và chuyển biến tổ chức bất kỳ nào đó do chính quyền “đẻ” ra trở thành một tổ chức độc lập về sau. Bài học của Đảng Quốc Đại - một trong những chính Đảng lớn của Ấn Độ, vốn được chính quyền Anh “khai sinh” nhưng sau đó tách ra khỏi sự ảnh hưởng và hoạt động một cách đối lập chẳng phải rõ ràng đấy sao.

Do đó, Hội đoàn Độc lập này-kia, do ai lập ra không quan trọng bằng việc nó ra đời đảm nhiệm vai trò gì và hoạt động thực tế của nó trong tiến trình xã hội ra sao.

Việc cứ mải miết tranh cãi về “Độc lập” nhưng điều ấy còn nghĩa lý gì khi chúng ta đang bất chấp tất cả lý lẽ và sự thật để đấu tố nhau, gây nghi ngờ nhau, hạ uy tín nhau, làm mất đoàn kết nhau…???
Bên cạnh đó, trong khi đang kêu gọi sự dấn thân, nhưng một số người lại tìm mọi cách để hạ bệ (bằng sự nghi ngờ) những người từng là Đảng viên/ từng phục vụ trong chính quyền nay đã quay về phía Nhân dân. Và tìm cách “đánh” họ bằng quá khứ của chính họ chứ không phải là những gì mà hiện tại họ đã đang và sẽ làm?

Sự nghi ngờ thái quá đó có tác dụng “lớn lao” gì trong quá trình góp phần cho một nền dân chủ ở Việt Nam vững mạnh? Hay đơn thuần nó chỉ khiến cho nền dân chủ đó trở nên cực đoan?

Ai là người làm mất đoàn kết nội bộ?

Sự kiện thông báo số 5 và ông Ngô Nhật Đăng là một sự kiện đáng buồn của Hội Nhà báo Độc lập. Nhưng nó cũng là một phép thử để nhìn nhận lại toàn bộ hoạt động, những thiếu sót trông khâu quản lý nhân sự, về tiêu chí, tôn chỉ đặt ra, sự thống nhất…

Ngày 30/08, ông Ngô Nhật Đăng có đăng tải một Thông Báo, trong đó có nhấn mạnh: Thực tế trong hai tháng qua, những Hội viên điều hành trang Website (hay gọi là Ban Biên tập) hoàn toàn độc lập với những Hội viên điều hành trang Facebook.

Sự độc lập đó là gì? Có phải là không liên đới về trách nhiệm, nghĩa vụ và mục tiêu theo đuổi của Hội nhà báo Độc Lập hay không?

Sự độc lập đó là gì? Có phải là sự vô tổ chức và vô kỷ luật hay không?

Đến ngày 01/09, khi ông Phạm Chí Dũng cho đăng Thông báo số 5 thì ông Ngô Nhật Đăng đã cho đăng liên tiếp 5 bài đả phá Hội và cá nhân ông Phạm Chí Dũng.

Tôi công nhận, chúng ta cần phải công khai và rõ ràng, nhưng chúng ta không biến thành một cuộc “đấu tố” không thương tiếc, bất chấp những lý lẽ - sự thật để đoạt được những ý muốn cá nhân.

Vì thế, tôi rất ngạc nhiên khi ông Ngô Nhật Đăng đưa ra các thông tin không được kiểm chứng qua bài “Ông Phạm Chí Dũng – Hay sự mất đoàn kết nội bộ?” như:

- Việc ông Dũng đòi quyền biên tập, cắt xén bài trước khi đăng.

- Việc ông Dũng sử dụng các bút danh khác nhau để định hướng dư luận.

- Việc hai tháng hoạt động, ông Phạm Chí Dũng không-hề-đăng-bài của các hội viên gửi đến.

Những lời vu cáo này ông Ngô Nhật Đăng dựa vào đâu? Bằng cớ như thế nào? Hội viên là gồm những ai minh chứng những dòng chữ tố cáo đó của ông là đúng sự thật? Nếu ông không trưng ra được bằng cớ về những hành vi sai phạm của ông Phạm Chí Dũng như ông đã vạch ra trên, thì chính ông (Ngô Nhật Đăng) đã cố tình tạo ra những thông tin sai sự thật, nhằm mục đích bôi nhọ ông Phạm Chí Dũng dựa trên sự đả kích về mặt cá nhân và như thế, cũng chính ông là người vô tình (hoặc cố tình) phá hoại Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.

Kẻ thù nguy hiểm nhất là kẻ thù từ bên trong, sự phá hoại nguy hiểm nhất là sự phá hoại đoàn kết nội bộ.

Do đó, mục đích cuối cùng của Hội là cùng với các Hội đoàn Độc lập khác xây dựng nên phong trào dân sự mạnh, với tiếng nói phản biện với tính xây dựng, đoàn kết cao trong giới dân chủ ở nội lẫn ngoại quốc liệu có đạt được không khi còn những lời vu cáo – những hành động đầy tính cá nhân trong một tổ chức Hội như trường hợp của ông Ngô Nhật Đăng?


Những việc cần làm

Cần ngay lập tức chấn chỉnh lại vấn đề nội bộ. Trong đó đảm bảo sự đoàn kết trong ban lãnh đạo/điều hành, chỉ khi đó thì chúng ta mới đảm bảo được tôn chỉ, mục tiêu đề ra được thực thi hóa trong tiến trình tồn tại và phát triển. Nhưng trước khi đi đến điều đó, đề nghị Ban lãnh đạo Hội:

- Ngay lập tức họp và đưa ra quyết định miễn nhiệm chức vụ của ông Ngô Nhật Đăng.

- Chấm dứt ngay tình trạng đăng bài, đả phá nhau trên facebook (Ngô Nhật Đăng) lẫn trên website.

- Thành lập ban giữ gìn sự thống nhất trong Hội để tránh những trường hợp tố nhau sai-sự-thật giữa các thành viên lãnh đạo và Hội viên.

- Thiết lập lại quyền quản trị của Ban lãnh đạo Hội ở tất cả các phương tiện truyền thông. Bao gồm facebook; youtube; website… Tránh tình trạng một số cá nhân tự tách và chiếm dụng riêng về sau này.

- Công khai lãnh đạo họp bất thường để ra thông báo số 5 là gồm những ai lên facbeook và website.

Chỉ cần bình tĩnh, sáng suốt và nghiêm khắc trong những giai đoạn như thế này, cắt bỏ những thứ đáng bị cắt bỏ nếu nó ảnh hưởng đến tôn chỉ, mục đích của Hội. Tôi tuy rằng, Hội sẽ tiếp tục phát triển một cách vững mạnh.

Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả.

1 nhận xét: