Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

BẢN TIN NGẮN- "TUẦN LỄ BẠO ĐỘNG Ở VIỆT NAM"


 (SGĐT)- Trích và lọc bản tin tổng hợp của BBC “TUẦN LỄ BẠO ĐỘNG Ở VIỆT NAM”. Theo quan sát của SGDT, 2 ngày 13-14 bộc phát biểu tình chống Trung Quốc và phát sinh bạo động tại các khu công nghiệp Bình Dương và Vũng Áng đã chấm dứt vào 2 ngày hôm nay 15-16 và trật tự được tái lập một cách nhanh chóng, các đơn vị sản xuất đã trở lại hoạt động. Hậu quả đang được cơ quan chúc năng xử lý. Phát biểu của GS Nguyễn Minh Thuyết với BBC, có thể xem là một kết luận bao quát nhất của tình hình nầy. Quay lại với sự kiện chính về việc Trung Quốc tiến chiếm lãnh hải Việt Nam với giàn khoan HD 981., có 4 tin đáng chú ý nhất về vấn đề nầy, xin giới thiệu với bạn đọc.


1.Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Đại biểu Quốc hội) nói với BBC:

- "Nếu nói rằng đây là một sự khủng hoảng là cũng chưa đến mức. Đây chủ yếu là hành động tự phát của người dân Việt Nam do họ vô cùng phẫn nộ trước hành vi khiêu khích và xâm lăng của nhà cầm quyền Trung Quốc.

- Thế còn về cách xử lý của chính quyền Việt Nam, tôi được biết là ở tỉnh Bình Dương, cũng như một số địa phương khác, những người đại diện chính quyền cũng đã đối thoại với những người biểu tình, giải thích cho những người biểu tình và hiện nay cũng chưa có một sự việc nào đáng tiếc xảy ra như là sự trấn áp thô bạo, chẳng hạn mà tôi nghĩ rằng nó là cách xử lý hợp lý.

- Tôi chắc chắn rằng khi mà cái giàn khoan của Trung Quốc còn đó, nhất là khi Trung Quốc ngang nhiên cản phá các tàu chấp pháp của Việt Nam, và ngang nhiên từ chối đàm phán với Việt Nam, thậm chí còn đặt điều kiện đàm phán với Việt Nam (rằng) các tàu chấp pháp của Việt Nam phải rút đi đã, thì phải nói là không thể nào mà làm dịu được sự phẫn nộ của người dân.

- Tôi chắc chắn là người dân (Việt Nam) sẽ còn xuống đường biểu tình nhiều để phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc, còn qua vụ việc xảy ra ở Bình Dương, cũng như ở Hà Tĩnh, tôi chắc chắn rằng cả người dân đi biểu tình để thể hiện lòng yêu nước của mình, thể hiện sự phản đối Trung Quốc, cũng như là chính quyền cũng rút ra được nhiều bài học quan trọng, và chúng ta có thể kiểm soát được tình hình."

2- Quan hệ ngoại giao Việt - Trung

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tiết lộ một thứ trưởng ngoại giao đang thăm Trung Quốc để “trao đổi thẳng thắn các vấn đề giữa hai nước” từ ngày 13-15/5.

Tại cuộc họp báo thường kỳ tại Hà Nội vào hôm 15/5, ông Bình cho biết Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn đã đến Bắc Kinh.

Ông Bình không tiết lộ Thứ trưởng Sơn sẽ đối thoại với cấp nào của Trung Quốc, và nói rằng sẽ “thông báo sớm khi có thông tin”.

Ông Hồ Xuân Sơn nói tốt tiếng Trung vì đã học tại Đại học Bắc Kinh, Khoa Trung văn.

Trả lời các phóng viên trong và ngoài nước, ông Lê Hải Bình nói rằng Việt Nam đã thể hiện “thiện chí” trong giải quyết tranh chấp, nhưng đáp lại Trung Quốc vẫn duy trì hiện diện quân sự lớn với nhiều tàu chiến, máy bay, tàu hải giám, và tàu cá bọc thép.

Ông Bình nói Việt Nam luôn coi trọng hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, nhưng cho rằng quan hệ chỉ có thể tốt đẹp nếu có “thiện chí xử lý các bất đồng”và “tôn trọng lẫn nhau”.

“Rõ ràng các hành động sai trái của Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin cũng như tình cảm của người dân Việt Nam. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn cố gắng duy trì các hợp tác bình thường vì lợi ích của nhân dân hai nước.”

Khi được hỏi giới hạn kiềm chế của Việt Nam sẽ đến mức nào, ông Bình cho biết sẽ sử dụng “mọi biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền hợp pháp”, “kiên trì biện pháp ngoại giao”, nhưng sẽ “có phản ứng thích hợp” tùy theo “diễn biến thực tế”.

"Việt Nam đã và đang kiên trì đối thoại, tiến hành giao thiệp nghiêm túc với Trung Quốc ở nhiều cấp độ, dưới nhiều hình thức, phản đối mạnh mẽ hành vi sai trái của phía Trung Quốc. Đáp lại giao thiệp và thiện chí của Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục duy trì và mở rộng hoạt động sai trái, điều thêm nhiều tàu và máy bay đến khu vực nói trên.

"Theo các cơ quan chức năng của Việt Nam, tính đến ngày hôm nay, Trung Quốc vẫn duy trì sự hiện diện của nhiều tàu quân sự, hải cảnh, hải giám, hải tuần, ngư chính, tàu cá vỏ sắt, các tàu dịch vụ cùng sự hỗ trợ của nhiều máy bay tại khu vực xung quanh giàn khoan Hải Dương - 981.
"Trong khi các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam hết sức kiềm chế thì Trung Quốc tiếp tục có những hành động hung hăng, đưa tàu, máy bay đến uy hiếp, dùng vòi rồng có công suất lớn nhằm vào các tàu công vụ của Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương", ông Bình cho biết, theotrang web Bộ Ngoại giao Việt Nam.

3- Diễn đàn hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng lần thứ 8- (Bộ Ngoại Giao Việt Nam:)

Đã được tổ chức ngày 15/5/2014 tại thành phố Nam Ninh, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Tham dự Diễn đàn có khoảng 200 đại biểu đến từ các Bộ/ngành, viện nghiên cứu và doanh nghiệp của các nước ASEAN và Trung Quốc. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường dẫn đầu tham dự.

Diễn đàn đã tập trung trao đổi về việc triển khai hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng trong 8 năm qua và thảo luận sâu về đổi mới tài chính, đầu tư, phát triển công nghiệp, hợp tác công nghiệp xuyên biên giới, hợp tác cảng biển và xây dựng mạng lưới tiếp vận trong khu vực Vịnh Bắc Bộ mở rộng nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư và giao lưu nhân dân giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.

Phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng hợp tác với các nước liên quan triển khai hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng; đề nghị các nước cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực ưu tiên như cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, nông nghiệp, giao lưu nhân dân…, đặc biệt là huy động vốn và nguồn tài trợ cho các dự án trọng điểm trong khuôn khổ hợp tác này.

Trước tình hình Biển Đông gần đây, Trưởng đoàn ta nhấn mạnh yêu cầu duy trì sự ổn định chính trị và xây dựng, củng cố môi trường thuận lợi cho hoà bình; khẳng định hợp tác cần dựa trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng luật pháp quốc tế, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước tham gia, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử COC.

4- Thông cáo báo chí từ Nhà Trắng ngày 15/5:

Hôm nay, Phó Tổng thống đã gặp Tổng Tham mưu trưởng Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc Phòng Phong Huy tại Nhà Trắng.

Phó Tổng thống và Tổng Tham mưu trưởng Phòng khẳng định tầm quan trọng và sự cần thiết phải duy trì đà phát triển quan hệ quân đội Mỹ-Trung.

Phó Tổng thống nhấn mạnh Hoa Kỳ rất quan ngại về hành động đơn phương của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp với Việt Nam.

Phó Tổng thống khẳng định lại rằng tuy Hoa Kỳ không có quan điểm về những tuyên bố khẳng định lãnh thổ cạnh tranh với nhau, song không nên có bất cứ quốc gia nào thực hiện các bước khiêu khích để thúc đẩy những tuyên bố về các khu vực tranh chấp theo cách thức làm suy yếu hòa bình và ổn định trong khu vực.

Phó Tổng thống và Tổng tham mưu trưởng Phòng cũng thảo luận về tầm quan trọng của mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc trong bối cảnh phải giải quyết một loạt các thách thức khu vực và toàn cầu.

Giàn khoan của Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục hoạt động trên vùng biển tranh chấp, tổng tham mưu trưởng quân đội nước này khẳng định.

Phát biểu trong chuyến thăm Hoa Kỳ hôm 15/5, Thượng tướng Phòng Phong Huy nói Bắc Kinh "không thể mất dù chỉ là một tấc đất" và cáo buộc Hà Nội đang gây bất ổn trong khu vực.

"Đến lúc này thì tất cả đã rõ ... Đâu là bên đang có những hoạt động bình thường và đâu là bên gây rối," ông nói.

Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc cũng cảnh báo nỗ lực gia tăng sự hiện diện tại châu Á của Hoa Kỳ đang châm ngòi cho căng thẳng.

Ông Phòng nói nhiều nước trong khu vực đang tận dụng cái gọi là chiến lược chuyển hướng sang châu Á của Hoa Kỳ để gây rối, đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ không nghiêng về bên nào trong xung đột Việt-Trung hiện nay.

5-Ngoại trưởng Đài Loan Lâm Vĩnh Lạc (David Lin) ngày 15/5 được truyền thông Đài Loan dẫn lời nói Đài Loan sẽ không cộng tác với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.
“Không có bất cứ sự hợp tác nào giữa Trung Quốc và chúng ta trên Biển Đông”, ông nói.

Ông cũng cho biết phía Đài Loan cũng sẽ yêu cầu Việt Nam bồi thường thiệt hại cho các doanh nghiệp Đài Loan bị ảnh hưởng trong các cuộc bạo động chống Trung Quốc../.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét