Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

KỲ THỊ NGƯỜI MINH HƯƠNG LÀ MỘT SAI LẦM LỊCH SỬ RẤT LỚN


DuyênSinh 201420-May-2014

Cám ơn ông Mân Việt (Tâm tình của một người Việt gốc Hoa) đã trình bày tình trạng người Minh Hương tại Việt Nam. Tôi nghĩ đây là một hiểu lầm lịch sử rất trầm trọng, mà mọi người dân Việt Nam phải nắm vững, tránh tình trạng chia rẽ, nhất là trong thời buổi chiến tranh chống xâm lược ngoại bang

Tôi xin tóm tắt lịch sử người Minh Hương tại Việt Nam theo hiểu biết của tôi

Năm 1644, Trung Quốc đã xảy ra một biến chuyển lớn, nhiều nhóm người Mãn Châu nổi lên chống lại nhà Minh. Lý Tự Thành, một nông dân Mãn Châu, chỉ huy quân khởi nghĩa nông dânđánh chiếm Bắc Kinh, và chiếm được ngôi hoàng đế nhà Minh là Minh Tư Tông. Minh Tư Tông, được xem là vị hoàng đế cuối cùng của triều đại nhà Minh, tự sát ở Môi Sơn. Một số quan lại và con cháu nhà Minh còn sống sót, di tản xuống vùng Giang Nam, đến thủ đô thứ hai là Nam Kinh, xây dựng thành luỹ, cố thủ Miền Nam Trung Quốc, lập vua mới là Phúc Vương, cháu nội của vua Minh Thần Tông, lên nối ngôi.

Phúc Vương không có tài. Triều thần muốn tổ chức lại quân đội, xây cất thành lũy mới, quyết tâm bám chặc cố thủ phương Nam, chờ ngày phản công, nhưng quốc khố đã bị quân của Lý Tự Thành cướp sạch. Hơn nữa, hai viên đại thần có quyền nhất trong triều lại chống đối nhau. Được tin nhà Nam Minh chia rẽ, nhà Mãn Thanh đem quân xuống đánh Dương Châu. Hai tuần sau, quân nhà Mãn Thanh tới sông Trường Giang, vượt qua sông một cách yên ổn vì quân lính trên các chiến thuyền của Nam Kinh đã bỏ trốn xuống Phúc Kiến. Tháng 4.1645, quân nhà Mãn Thanh chiếm được thủ đô Nam Kinh, bắt đầu chiến dịch truy quét và tiêu diệt từng nhóm nhỏ. Phúc Vương bỏ trốn với vài kị binh, bị quân Mãn Thanh đuổi sát. Túng thế, Phúc Vương đã phải nhảy xuống sông Trường Giang tự tử, hoặc đã bị bắt và đưa về Bắc Kinh, rồi bị giết.

Sau cái chết của Phúc Vương, Các quần thần và con cháu nhà Nam Minh còn sống sót chạy về đóng đô tại Triệu Khánh. Lúc này nhà Nam Minh trải qua một loạt phế lập. Hoàng Đế Vĩnh Lịch là cháu của Hoàng Đế Vạn Lịch, lên ngôi, cầm quyền nhà Nam Minh từ những năm 1646-1661, tiếp tục đóng đô tại Triệu Khánh, được sự hậu thuẫn của Trịnh Thành Công, một viên tướng người Hoa, sinh tại Nhật Bản. Trịnh Thành Công là một tướng tài và trung thành với nhà Minh. Dưới quyền chỉ huy của Trịnh Thành Công, nhà Nam Minh tiếp tục cầm cự với nhà Mãn Thanh ròng rã 15 năm, thì mới hoàn toàn sụp đổ.

Năm 1661, sau nhiều trận thất bại, Hoàng Đế Vĩnh Lịch phải tháo chạy, lìa bỏ kinh đô cuối cùng là Triệu Khánh. Hoàng Đế Vĩnh Lịch bị Ngô Tam Quế, trước đây Quế là một viên tướng tài của nhà Minh, nay thì đã quy thuận nhà Thanh, truy bắt. Ngô Tam Quế đuổi bắt Hoàng Đế Vĩnh Lịch tới tận Vân Nam. Vĩnh Lịch lại vượt biên giới qua trú nạn tại Miến Điện. Vua Miến Điện đã bắtVĩnh Lịch trao lại cho Ngô Tam Quế. Vĩnh Lịch đã tự sát trên đường giãi về Côn Minh.

Năm 1671, Mạc Cửu và gia đình thuộc nhà Nam Minh chạy giặc nhà Mãn Thanh, đến vùng đất Mang Khảm (nay là Hà Tiên), khi đó vẫn thuộc quyền kiểm soát của Khmer. Gia đình của Mạc Cửu, gồm binh sĩ và một số sĩ phu khoảng 400 người lên thuyền rời khỏi Phúc Kiến. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, họ tới một vùng đất hoang trong vịnh Thái Lan. Sau khi dò hỏi và biết vùng nầy thuộc Chân Lạp, ông tìm đường đến Oudong xin tị nạn, nhưng lúc đó Chân Lạp có loạn. Mạc Cửu gặp Nặc Ông Thu và ở lại hợp tác cho đến năm 1681. Năm 1680, Mạc Cửu lập ấp rải rác từ Vũng Thơm, Trủng Kè, Cần Vọt, Rạch Giá, Cà Mau. Hà Tiên trở thành thương cảng quan trọng, thôn ấp nằm sát mé biển, thuận tiện cho ghe thuyền trên sông như sông Cái Lớn, sông Gành Hào, sông Ông Đốc. Năm 1687, quân Xiêm cướp phá Hà Tiên, bắt giam Mạc Cửu, nhưng ông trốn thoát. Từ đó Mạc Cửu dâng đất Hà Tiên, xin thần phục chúa Nam Hà (xứ Đàng Trong) để nhờ che chở.

Năm 1679 tổng binh tỉnh Quảng Tây là Dương Ngạn Địch, phó tướng Hoàng Tiến và tổng binh các châu thuộc tỉnh Quảng Đông là Trần Thượng Xuyên và phó tướng Trần An Bình cử binh đánh nhà Thanh, bị bại trận, hai Tổng Binh đem tướng sĩ xuống thuyền chạy tới Đà Nẵng xin Chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần nhận làm dân Việt. Chúa Nguyễn Phúc Tần cho họ vào Nam lập nghiệp.

Dương Ngạn Địch và Hoàng Tiến theo sông Cửu Long cập bến ở Định Tường, Trần Thượng Xuyên vào cửa Cần Giờ ngược dòng sông Đồng Nai cập bến Ban Lân Cù Lao Phố (Biên Hòa), và Đông Phố (Gia Định) chuyên lo thương mãi và canh nông.

Những người Hoa này được gọi là người Minh Hương. “Hương” có nghĩa là quê hương hoặc là “làng”. “Minh Hương” là quê hương của người Minh. Người Việt Nam gọi người Minh Hương là người “Tàu”, vì họ vượt biển bằng Tàu tới Việt Nam để xin tị nạn.

Lúc đó Miền Nam (Nam Kỳ Lục Tỉnh), bao gồm Sài Gòn, Chợ Lớn, và Gia Định, vẫn còn là đất của người Miên, tuy nhiên vùng đất này vẫn còn đầy dẫy thú rừng như cọp, beo, trâu rừng… Và mỗi khi có một tàu tị nạn của người Minh Hương tới, chúa Nguyễn Phúc Tần đều cho người hướng dẫn họ tới nơi để cư trú và lập nghiệp. Dần dà, người Minh Hương thành lập được vùng “Chợ Lớn”. Có lẽ số đông người Minh Hương tới lập nghiệp tại Miền Nam Việt Nam, còn tới trước cả nhiều người Việt Nam. Vì cuộc nam tiến của chúa Nguyễn Phúc Tần lúc đó chỉ chiếm trọn đất của Chiêm Thành, mà chưa làm gì cả tới đất đai của người Miên, ngoại trừ hướng dẫn người Việt và người Hoa tới để cư ngụ và khai phá vùng đất còn hoang dã của người Miên.

Riêng tôi, tôi chắc chắn người Minh Hương là người Việt Nam; và tôi cũng chắc chắn lịch sử không thể nào phủ nhận được sự thật đó. Tôi nghĩ chuyện cần thiết trước tiên là người Minh Hương nên chú tâm đến bảo vệ quê hương đất nước của mình. Sau gần bốn trăm năm cư ngụ tại Việt Nam, sau gần bốn trăm năm bị nhà Thanh tàn sát và đẩy khỏi Trung Quốc, giờ đây người Minh Hương không còn gì nữa ở Trung Quốc. Những gì người Minh Hương còn là tại Việt Nam. Người Minh Hương còn mồ mả ông bà tại Việt Nam để tôn thờ, còn gia đình tại Việt Nam để chăm sóc; và còn tài sản tại Việt Nam để bảo vệ. Vì vậy người Minh Hương cần thiết nhất là sẳn sàng trở thành một tay súng chống xăm lăng Trung Quốc để bảo vệ tổ quốc, quê hương, gia đình của mình. Và tôi cũng chắc chắc những người Việt Nam yêu công bình và lẽ phải, sẽ không phân biệt và kỳ thị chủng tộc, sẽ sẳn sàng tranh đấu cho việc làm chính đáng cho người Minh Hương.

Xin đồng bào trong và ngoài nước hãy lên tiếng ủng hộ và khích lệ tinh thần yêu nước của đồng bào Việt gốc Minh Hương. Yêu cầu chính quyền Việt Nam xét lại, khích lệ, an ủi hoặc đền bù thiệt hại cho người Việt gốc Minh Hương đã bị phá hoại trong các cuộc biểu tình chống xâm lăng Trung Quốc.

Kính chúc may mắn đến đồng bào gốc Minh Hương

DuyenSinh 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét