Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Seminar: “ALBERT EINSTEIN – MỘT CUỘC ĐỜI, MỘT Ý TƯỞNG”



Thời gian: 14h00 – 16h30 Thứ 6 ngày 30/5/2014
Địa điểm: Hội trường tấng 3, Liên hiệp các hội Khoa học kĩ thuật Việt Nam, 53 Nguyễn Du, Hà Nội

Đơn vị tổ chức: NXB Tri Thức/ Nhóm Tinh thần Khai Minh/ Book Hunter Club

Chủ trì chương trình: Giáo sư Chu Hảo – Giám đốc NXB Tri Thức

Diễn giả: Nhóm Tinh thần Khai Minh

Điều phối: Book Hunter Club

Khách mời: Dịch giả Đinh Bá Anh – Người dịch cuốn sách “Thế giới như tôi thấy” của Albert Einstein 


Đây là chuỗi Seminar được tổ chức đều đặn hàng tháng do NXB Tri Thức, Nhóm Tinh thần Khai Minh và Book Hunter Club đồng tổ chức nhằm mục đích khuyến khích tinh thần học hỏi thông qua sách vở, đồng thời tạo dựng một môi trường trao đổi kiến thức và ý tưởng cho giới trẻ.


Mở đầu chuỗi Seminar này, chúng tôi xin được tổ chức buổi giới thiệu và thảo luận “Albert Einstein: Một cuộc đời, một ý tưởng” để giới thiệu cuốn sách “Thế giới như tôi thấy” cũng như tìm hiểu về cách ông “thấy” về thế giới chúng ta đang sống.


Timeline:


14h00: Giới thiệu chuỗi Seminar (Giáo sư Chu Hảo)

14h10 - 14h35: Phần giới thiệu cuốn sách “Thế giới như tôi thấy” (Nhóm Tinh thần Khai Minh)

14h35 - 14h45: Phần bình luận của Dịch giả Đinh Bá Anh

14h45 - 15h00: Giải lao vào thu thập câu hỏi

15h00 - 16h30: Hỏi đáp về cuốn sách “Thế giới như tôi thấy”, thảo luận mở rộng về nhận thức và tư tưởng của Einstein, vai trò của ông trong lịch sử phát triển của nhân loại.


Giới thiệu về Einstein và cuốn sách “Thế giới như tôi thấy” 


Albert Einstein là nhà bác học nổi tiếng với học thuyết tương đối và các khám phá khác trong lĩnh vực vật lý. Tuy nhiên ông cũng tham gia vào nhiều hoạt động xã hội, nhân đạo trên thế giới. Ông thường được mời đưa ra phát biểu về những vấn đề không liên quan tới thuyết vật lý hay toán học. Vị trí của Einstein trong xã hội giúp ông có thể nói và viết thẳng thắn, thậm chí chỉ trích vào thời điểm mọi người phải im lặng trước các thế lực cực đoan. 


Các bài viết, diễn văn, tuyên bố, thư từ của Albert Einstein về các chủ đề triết học, chính trị, đạo đức, giáo dục… được tổng hợp trong cuốn sách “Thế giới như tôi thấy” – xuất bản tại Việt Nam bởi NXB tri thức. 


Albert Einstein sinh ra vào năm 1879 tại Đức, và đã sống qua thời kì thế giới diễn ra hai cuộc đại chiến là chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918) và chiến tranh thế giới thứ hai (1937? – 1945). Ông là người Do Thái, vì vậy những cuộc chiến tranh cùng những cuộc diệt chủng do phe Phát Xít tiến hành lại càng tác động nhiều đến ông. Những điều trên ảnh hưởng rất rõ tới quan điểm của ông về thế giới. Trong các bài viết, diễn văn… của mình, Einstein luôn hướng tới hòa bình, nhân đạo.Ông cho rằng “gìn giữ hòa bình là trách nhiệm mà không ai có ý thức về trách nhiệm luân lý có thể lảng tránh”. 


Trong cuộc đời nghiên cứu của Einstein, năm 1905 được coi là năm kỳ diệu của Einstein, khi ông công bố bốn bài báo đột phá, về hiệu ứng quang điện, về chuyển động Brown,thuyết tương đối hẹp, và sự tương đương khối lượng và năng lượng (E=mc2), khiến ông được chú ý tới trong giới hàn lâm trên toàn thế giới. Tuy vậy, phải đến năm 1921, Einstein mới nhận được giải Nobel cho hiệu ứng quang điện.và các đóng góp cho vật lý. Sự chậm trễ này có một phần không nhỏ là do các nhà vật lý học Đức trong hội đồng Nobel còn những định kiến với người Do Thái, coi các thuyết của Einstein là “vật lý lừa đảo của Do Thái”. Dũng cảm chống lại thái độ này, Einstein đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của tự do học thuật, tự do tư tưởng đối với sự phát triển lành mạnh của khoa học và đời sống văn hóa, thể hiện trong những bài diễn văn của mình. Thật may mắn cho chúng ta  khi học thuyết của Einstein đang được đánh giá cao và được giảng dạy đại trà trong các trường học của Việt Nam. 


Einstein đã phát biểu: “Chừng nào tôi còn có quyền lựa chọn, tôi sẽ chỉ lưu lại xứ sở nào mà quy tắc của nó là tự do chính trị, khoan dung, và bình đẳng giữa mọi công dân trước luật pháp. Tự do chính trị là quyền tự do phát biểu quan điểm chính trị của mình bằng lời nói và bằng văn bản; khoan dung là tôn trọng mọi xác tín của bất kỳ cá nhân nào”. Nước Đức tất nhiên cấm đoán quan điểm này, và Einstein đã chuyển sang sống và tiếp tục nghiên cứu ởMỹ. vào năm 1932. Tại Mỹ, Einstein tiếp tục tham gia nhiều hoạt động xã hội nhân đạo. Đây quả là một hành động dũng cảm, kiên quyết và sáng suốt, và chúng ta không thể phủ nhận ảnh hưởng của hành động này tới cục diện chiến tranh thế giới thứ hai. 


Trong cuốn sách “Thế giới như tôi thấy”, Albert Einstein cũng nhắc tới dân tộc của mình, người Do Thái. Ông tuyên dương tinh thần mưu cầu tri thức vì bản thân tri thức, một tình yêu hầu như sùng bái đối với công lý, và lòng khao khát độc lập cá nhân, cho đây là đặc trưng truyền thống dân tộc Do Thái. Ông kịch liệt phê phán sự thoái hóa nhầy mỡ, dễ dãi của người Do Thái và sự lệ thuộc vào thế giới người châu Âu quanh mình. Ông cho rằng tinh thần Do Thái cần được giữ vững thì mới có hi vọng khôi phục dân tộc Do Thái. 


Tóm lại, Einstein không chỉ ảnh hưởng tới thế giới thông qua học thuyết về vật lý của ông mà còn thể hiện qua hành động hàng ngày, các bài viết, diễn văn, thư từ ngoài lĩnh vực vật lý và toán học. Ông là một biểu tượng sống mãi trong mỗi người dân của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, đại diện cho khoa học phục vụ lợi ích của thế giới, sự tự do tư tưởng, hòa bình và nhân đạo. 

Trong cuốn sách “Thế giới như tôi thấy”, bạn đọc còn có thể đọc chi tiết hơn về các quan điểm của Albert Einstein. Các tài liệu viết về Einstein thì rất nhiều, nhưng một cuốn sách do chính tay Einstein viết thì rất hiếm. Đây sẽ là một tài liệu quan trọng và bổ ích cho những người quan tâm, tìm hiểu về tư tưởng của Einstein. Một cách tiếp cận mới về nhà khoa học thiên tài, một Einstein - nhà tư tưởng. 


Cuốn sách được NXB Tri Thức ấn hành trong Tủ sách Tinh Hoa.

LIÊN HỆ
Ban Truyền thông Nhà xuất bản Tri thức

Điện thoại: 04.3944.7280 - Emailseminar.trithuc@gmail.com

Ban tổ chức trân trọng kính báo và kính mong sự tham dự của Quý vị tại chương trình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét