VÕ VĂN TẠO
22-05-2014
Lâu nay, đôi khi các học giả chẳng cần viết cụ thể cái ý thức hệ mà Việt Nam và Trung Quốc “có chung” là cái gì, hầu như ai cũng hiểu đó là “ý thức hệ XHCN”, hay “lý tưởng cộng sản”. Và hầu như ai cũng tin đó là sợi dây liên kết chặt chẽ chóp bu hai nước, là sợi xích trói chặt Hà Nội vào Bắc Kinh từ nhiều thập kỷ nay.
Nhưng, nếu chịu khó nghiền ngẫm từ sự thật lịch sử quan hệ giữa các quốc gia tuyên bố theo CNCS – xây dựng CNXH, sẽ thấy bản chất hoàn toàn không phải vậy:
Các nhà nghiên cứu chính trị biết rõ, lý tưởng CS hay XHCN không bắt nguồn từ Mác và Ănghen – vẫn được coi là hai ông tổ của phong trào công nhân thế giới. Nó bắt nguồn từ trước đó, do một số triết gia Âu châu khởi xướng, vẫn được gọi là lý thuyết, tư tưởng, trào lưu hay chủ nghĩa “cộng sản không tưởng”, khi Âu – Mỹ bắt đầu thời đại ồ ạt công nghiệp hóa, với thực tế bần cùng lao khổ của công nhân, trong khi giới chủ ngày càng quá giàu sang. Giảm thiểu, hoặc loại trừ bất công – cái lõi của lý tưởng cộng sản – là ý tưởng không tệ, nếu không nói là tốt đẹp (tuy nhiên, hiểu “thế nào là công bằng?”, cần cả chuyên đề, xin bàn ở một dịp khác). Trên thực tế, có nhiều phương cách để giảm thiểu bất công, chênh lệch giàu nghèo phi lý, cũng như nỗi cơ cực của công nhân.
Cũng trên thực tế, các chính khách nắm quyền, dù cộng sản ở khối XHCN, dân chủ xã hội ở nhiều nước châu Âu, thậm chí cả Dân chủ hay Cộng hòa ở Hòa Kỳ… có khuynh hướng thực thi công bằng xã hội, đã vận dụng khác nhau trong quản lý, điều hành kinh tế – xã hội, cho kết quả hoàn toàn khác nhau.
Mác và Ănghen, cũng như người được coi là kế thừa là Lê Nin, phê phán CNCS không tưởng, chủ trương xây dựng CNCS mà họ gọi là “khoa học”, tạo lập công bằng bằng thiết lập chuyên chính vô sản, với đặc trưng độc tài, đề cao bạo lực, tước đoạt tài sản của người giàu, tiêu diệt giới chủ, tiêu diệt tư tưởng đối kháng, thậm chí tiêu diệt mọi khác biệt (kể cả quần loe, tóc dài như thuở nào). Tuỳ mức độ, nước Nga xô viết sau Cách mạng tháng Mười -1917, kế đó là Liên Xô, rồi một loạt quốc gia Đông Âu – nơi giới chức cầm quyền được Maxcova đặt lên “ngai vàng” sau Thế chiến 2, cũng như Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba, Triều Tiên, Cămpuchia thời Polpot và Lào đều thiết lập chuyên chính vô sản.
Cuối thập niên 1950 – đầu 1960, Liên Xô muốn “xưng đế” trong trào lưu cộng sản thế giới, nhiều lần triệu tập đại diện các đảng cộng sản và công nhân thế giới đến Maxcova để “tập huấn” xây dựng CNXH theo khuôn mẫu Liên Xô. Trung Quốc, vốn khúc mắc với Liên Xô từ khi ĐCSTQ mới thành lập năm 1921 – phải tranh giành quyền lực với ba thế lực khác khi đó, trong đó có Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch, vì Liên Xô giúp Tưởng vũ khí, lương thực, chỉ “chi viện” ĐCSTQ sách báo Mác – Lê, đã ra mặt bài xích Maxcova là “bọn xét lại hiện đại”. Bắc Kinh bất thần phục Maxcova và cũng muốn “xưng đế” trong trào lưu cộng sản thế giới, với các chư hầu Rumani, Anbani, Bắc Triều Tiên. Ngoài ra, Nam Tư dưới thời Tito, vốn tự giải phóng bằng chiến tranh du kích trong Thế chiến 2 (không phải nhờ Hồng quân Liên Xô như hầu hết các quốc khác ở Đông Âu), cũng chẳng chịu “vâng dạ” Maxcova, mặc dù cũng tuyên bố xây dựng CNXH (Liên bang CHXHCN Nam Tư), bị Maxcova tẩy chay, vu là “xét lại”, đành tranh ngôi “bá” trong Phong trào không liên kết. Hai thập niên 1960 – 1970, Hà Nội, trong nỗ lực khôn khéo của Hồ Chí Minh, không muốn mất lòng ai giữa cuộc tranh hùng Maxcova – Bắc Kinh, vẫn âm thầm tôn thờ Maxcova là Tổ quốc của Lê Nin, cội nguồn của CNCS, thành trì và khuôn mẫu của CNXH, nhìn Bắc Kinh như một kẻ dị hợm.
Nhân sự kiện Đại cách mạng văn hóa quái gở và tệ hại ở Trung Quốc thời kỳ 1966-1976, nhiều học giả Tây phương muốn tìm hiểu, giải mã điều gì tạo nên tính cách của họ Mao và động cơ xách động vụ này. Mới hay, Mao luôn dèm pha sách vở Mác – Lê, chỉ hâm mộ tiểu thuyết Tàu nói vể giang hồ tranh bá đồ vương.
Năm 1979, Trung Quốc bất ngờ xâm lăng, tàn sát nhiều vạn quân dân Việt ở biên giới phía Bắc, ĐCSVN ra nghị quyết, nhận định: “Từ khi thành lập, thực chất ĐCSTQ chưa bao giờ là một ĐCS chân chính. Lập trường của ĐCSTQ vừa qua là phản động, phản bội” (kể cũng lạ, chưa bao giờ là ta, sao lại dùng chữ “phản bội”?). Thời gian Mao trị vì, ĐCSTQ rẻ rúng lý thuyết Mác – Lê, ca tụng và ra sức truyền bá tư tưởng Mao ra thế giới. Thời họ Đặng, ĐCSTQ tung hô tư tưởng Đặng, hô hào xây dựng CNXH “đặc sắc Trung Quốc”, Mác – Lê chìm vào dĩ vãng, vật vờ che chắn lợi ích nhóm của chóp bu.
Nhưng sự kiện “động trời” CNXH và trào lưu cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu bất ngờ sụp đổ, tan rã cuối thập kỷ 1980 – đầu 1990 làm Bắc Kinh và nhất là Hà Nội quá hoảng hốt. Bất chấp hiểm họa thường trực Bắc Kinh bành trướng, bất chấp vụ Bắc Kinh xua quân đánh cướp đảo Gạc Ma – 1988, xương máu 64 bộ đội VN chưa kịp phôi pha, đầu tháng 9 -1990, chóp bu VN, do TBT Nguyễn Văn Linh và cố vấn Phạm Văn Đồng dẫn đầu (Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh đã bí mật chủ động liên lạc cầu thân trước đó với Đại sứ Tàu tại Hà Nội là Trương Đức Duy, được Bắc Kinh “bật đèn xanh”) kéo nhau sang Thành Đô, mật bàn và ký tuyên bố chung bí mật, núp chiêu bài khôi phục “quan hệ hữu nghị” để “giữ CNXH”, mà người trong cuộc là Thứ trưởng Ngoại giao VN Trần Quang Cơ cùng nhiều tướng lĩnh, chính khách, trí thức tâm huyết của VN từng vạch trần là “mở ra một thời kỳ Bắc thuộc mới đầy nguy hiểm”, “tự chui đầu vào thòng lọng Bắc Kinh”, “phản bội quyền lợi dân tộc”, “hậu duệ Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc”…
Yêu sách tiên quyết của Bắc Kinh khi Hà Nội xin bình thường hóa quan hệ là phải loại Bộ trưởng Ngoại giao VN Nguyễn Cơ Thạch khỏi Bộ Chính trị ĐCSVN. Và đòi hỏi trịch thượng đó đã được Hà Nội lập tức cúc cung đáp ứng. Cùng với cố TBT Lê Duẩn, Bộ trưởng Thạch là người “đi guốc trong bụng” cái ý đồ bành trướng bá quyền nham hiểm của Bắc Kinh luôn nung nấu từ hàng nghìn măm nay. Để đối phó, ông chủ trương ngoại giao đa phương hóa toàn diện, đẩy mạnh quan hệ với các cường quốc dân chủ Tây phương, kể cả Hoa Kỳ (nếu chóp bu Hà Nội khi ấy cùng quan điểm với ông Thạch, chắc chắn hôm nay VN không rơi vào thế đã nghèo yếu lại cô thân đối phó với gã khổng lồ Bắc Kinh hung bạo).
Theo cam kết Thành Đô, bia mộ anh hùng, liệt sĩ chống Bắc Kinh xâm lược lục tục bị đục bỏ, sử sách VN tảng lờ các sự kiện chiến tranh biên giới Việt – Trung 1979, các vụ Bắc Kinh dùng vũ lực cưỡng đoạt đẫm máu Hoàng Sa – 1974, Trường Sa – 1988. Hà Nội tránh né việc nhắc lại các sự kiện bi tráng ấy, đưa lên phạm trù “húy kỵ” (!). Người dân VN mặc áo HS -TS – VN (Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam) hay No U (phản đối “đường lưỡi bò” ôm trọn biển Đông do TQ ngang ngược yêu sách), hoặc biểu tình ôn hòa phản đối Bắc Kinh bành trướng gây hấn, tưởng niệm liệt sĩ chống TQ xâm lăng, thậm chí tập Pháp luân công (luật pháp TQ cấm)… bị an ninh VN móc nối lưu manh côn đồ cản phá, đánh đập dữ dằn, bắt bớ, tra tấn, khủng bố bằng mọi thủ đoạn đê tiện.
Những luận điệu hoa mỹ “4 tốt”, “16 chữ vàng” do Bắc Kinh rêu rao để ru ngủ, che đậy bộ mặt thật bành trướng hiểm độc, được Hà Nội hợp xướng phụ họa, đầu độc nhân dân.
Nhưng thực chất Hà Nội có tin vào cái gọi là “tình hữu nghị” dựa trên cái gọi là “cùng ý thức hệ” đó không?
Hoàn toàn không!
Tuy lúc này lúc khác sao nhãng, tự mê hoặc, nhưng giới chức Hà Nội không ai không biết âm mưu Hán hóa từ nghìn đời, Bắc Kinh vẫn ấp ủ (đến thường dân tối ngày lo cơm áo còn nhận thức rõ, huống hồ chóp bu?).
Bắc Kinh cũng vậy, trong thâm tâm, giới chức chóp bu phương Bắc luôn nhìn Hà Nội rặt lũ cơ hội, sẵn sàng trở mặt phản phúc.
Mạt cưa gặp mướp đắng. Vốn thâm hiểm vào hàng cao thủ, nhưng Bắc Kinh chẳng lừa nổi Hà Nội. Hà Nội làm sao mong lừa nổi Bắc Kinh?
Nhưng tại sao Hà Nội vẫn ôm chân Bắc Kinh?
Như trên đã phân tích, rõ ràng Hà Nội và Bắc Kinh có quá nhiều khác biệt ở tầm mức quan điểm đường lối về CNXH, làm sao có thể nói cùng ý thức hệ?
Điểm chung duy nhất ràng buộc họ là thể chế độc tài. Ở đó, lợi ích vị kỷ của chóp bu là tối thượng. Cả hai thể chế hà khắc đều do “vua tập thể” cai trị. Bản thân họ và con cháu, dù tài hèn đức mỏng, vẫn mặc sức đục khoét, vơ vét, kiếm chác, đè đầu cưỡi cổ nhân dân, các “thái tử đỏ” có cơ may nhận “truyền ngôi”. Khi cần thiết, họ đều tìm cách khích lệ người dân, lợi dụng chủ nghĩa dân tộc cực đoan để gia cố “ngai vàng”. Trong khi con em nhân dân lao động lương thiện và đáng thương của hai dân tộc lao vào bắn giết nhau nơi biên ải, họ vẫn đáp chuyên cơ đến với nhau ở thủ đô, hội đàm trong hội trường máy lạnh, nhấm nháp sâm banh cùng mao đài, tay bắt mặt mừng, ôm hôn hỉ hả. Họ sẵn sàng gác quá khứ xung đột đẫm máu, để hân hoan chào đón các chóp bu bên kia chiến tuyến. Nhưng với những ai yêu tự do, đấu tranh cho dân chủ thì khác hẳn. Dân chủ, tự do là kẻ thù không đội trời chung truyền kiếp của thể chế độc tài. Điều tốt đẹp nhất họ làm với những người yêu tự do, dân chủ là thả tù trước thời hạn, nhằm đối phó với áp lực nhân quyền quốc tế hoặc mặc cả kinh tế, ngoại giao nhất thời. Chưa bao giờ, và có lẽ sẽ không bao giờ, họ chịu tiếp xúc, tranh luận hoặc lắng nghe bất cứ ai tâm huyết với nhân dân và đất nước, can đảm đấu tranh cho tự do, dân chủ, vì hạnh phúc thật sự của nhân dân, vì một Việt Nam dân chủ, tiến bộ xã hội và cường thịnh, như hướng đi của nhân loại văn minh.
Lật giở trang sử khối XHCN các thập niên 1950 -1980 sẽ thấy, các cuộc đình công hay xuống đường đòi tự do, dân chủ, đòi quyền sống, chống độc tài ở Hungary, Balan, Tiệp Khắc, Đông Đức, đều bị xe tăng đi tiên phong và mật vụ Maxcova đứng sau chỉ huy nghiền nát. Thế nhưng, trước khi bức tường ô nhục Berlin bị đập bỏ năm 1989, quen nếp cũ, Tổng Bí thư CHDC Đức Honecko đã cầu cứu Goorbachop (nhưng đã bị người đứng đầu Liên Xô lạnh lùng khước từ: “chính sách mới của ĐCS Liên Xô là không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác”).
Dã tâm và ý chí sắt máu tàn bạo có một không hai của Bắc Kinh trong vụ đem xe tăng chà nát hàng nghìn sinh viên đòi dân chủ tự do ở Quảng trường Thiên An Môn mùa Hè 1989, đã làm Hà Nội lóe lên cái hy vọng cầu cạnh Bắc Kinh bảo kê cho “ngai vàng” vị kỷ của họ, trong tình thế khối XHCN ở châu Âu bắt đầu tan rã từng mảng lớn. Chẳng nệ nhục nhã, trong tâm thế hèn hạ, họ lết đến Thành Đô, cúi xin làm đồ đệ “trung thành”.
Ngưu tầm mưu, mã tầm mã, không chỉ bám lưng Bắc Kinh, Hà Nội luôn đứng về phía các nhà độc tài, tham nhũng khét tiếng như Sadam Hussen, Kadaphi, Putin (kể cả trong vụ thôn tính Crimée vừa qua)… mặc dù đám này chẳng “khoái” cái gọi là CNXH như Hà Nội quan niệm.
Trong khi vụ giàn khoan HD981 gây chấn động thế giới, Putin sang Bắc Kinh hội kiến họ Tập, Nga tập trận chung với TQ ở biển Đông. Điều đó cho thấy nhãn quang và “viễn kiến” của Hà Nội ở tầm mức ra sao.
Vì những lẽ trên, rõ ràng, tuyệt nhiên không phải ý thức hệ, mà chính quyền lực và lợi ích vị kỷ của “vua tập thể” mới là sợi xích trói chặt Hà Nội dưới chân Bắc Kinh.
V.V.T.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét