Bên cạnh hồ sơ bầu cử Châu Âu - diễn ra vào cuối tuần này -
chiếm các tựa trang đầu, thời sự Châu Á cũng thu hút chú ý với thiết
quân luật ban hành ở Thái Lan và vụ gián điệp Mỹ -Trung: Tư pháp Mỹ
vừa truy tố đích danh 5 sĩ quan Trung Quốc về tội gián điệp kinh tế, tin
tặc, làm dấy lên phản đối của Bắc Kinh.
FBI ĐÃ TRUY LÙNG 5 TIN TẶC TRUNG QUỐC NHƯ THẾ NÀO ?
Cục điều tra
liên bang Mỹ FBI phát lệnh truy nã 5 sĩ quan quân đội Trung Quốc - Reuters
Tờ báo nhấn mạnh trước tiên là Tư pháp Mỹ chưa bao giờ đưa ra lệnh truy lùng người của một nhà nước khác như lệnh truy nã 5 sĩ quan quân đội Trung Quốc hiện nay. Khi đưa ra thông cáo ‘Wanted’ như người ta thấy trong các phim ‘cao bồi’, quả là Mỹ muốn đưa ra một lời cảnh báo ghi đậm dấu ấn về mặt tâm lý trong cuộc chiến chống tin tặc, vì dĩ nhiên không ai nghĩ những người bị nêu tên sớm bị bắt và đưa ra trước tòa án Mỹ.
Nhưng làm sao FBI lần được dấu vết những người nằm trong đơn vị 61398 này, chốt tại môt khu phố ở Thượng Hải ? Dĩ nhiên không ai tiết lộ chi tiết. Nhưng theo Le Figaro nhân viên tinh báo Mỹ và các chuyên gia đã tung ra chiến dịch truy lùng rộng lớn trên mạng.
Ngành tư pháp Mỹ đã mất 8 tháng để tập hợp bằng chứng, và truy tố được thủ phạm, nhờ việc các tập đoàn Mỹ bị tấn công lần đầu tiên đã chấp nhận cho nêu tên. Những công ty này trước đây vẵn e ngại sự trả đũa của Trung Quốc.
Le Figaro dựa trên báo cáo năm 2013 của công ty Mỹ đảm trách an ninh tin học Mandiant cho biết là 5 người nói trên nằm trong một nhóm tin tặc được biết đến dưới danh hiệu ‘Comment Crew’ nêu lên trong báo cáo.
Báo cáo của Mandiant cũng cho thấy là những hệ thống gián điệp trên mạng của Trung Quốc, cho dù có tinh vi đến đâu, cũng không phải là hoàn hảo, không sơ hở, vì lẽ không có hệ thống nào tự hoạt động, trước mỗi bàn phím đều có con nguời. Và như báo cáo đã nêu lên, những con người đã chọn sai cách bảo mật, làm cho công việc tìm kiếm của các nhà điều tra dễ dàng hơn, ghi lại được dấu vết hoạt động của họ.
Le Figaro cho là sơ hở đôi khi là do tính kiêu ngạo. Một số người đã ký bí danh vào phần mềm độc hại ‘malware’ của họ, một số người khác công khai nói đến sự ham mê về ‘chiến tranh tin học’ của Trung Quốc, và còn khoe hoạt động từ khu Phổ Đông, người thì sử dụng điện thoại di động từ Thượng Hải để ghi lại e mail được sử dụng để thâm nhập máy tính của các tập đoàn bị nhắm.
Tờ báo cho là các nhà điều tra còn nêu lên một sơ hở rất buồn cười : đó là bức tường lửa ‘Great Firewwall’ công cụ để kiểm duyệt của Trung Quốc nhằm ngăn chặn việc tiếp cân các mạng Facebook, Twitter hay Youtube, đã giúp ích cho công việc các nhà điều tra Mỹ : Bức tường lửa này tạo ra tình huống là đối với các tin tặc của nhóm ‘Comment Crew’, phương thức đơn giản nhất là truy cập vào Facebook, Twitter từ cơ sở tấn công của họ. Một khi bị khám phá thì truy ra danh tánh của họ không khó.
Thiết quân luật trên khắp Thái Lan
Le Figaro ghi nhận : Ở Thái Lan, quân đội chơi trò thiết quân luật, trong lúc mà trước nỗi lo ngại của quốc tế , họ ra sức trấn an là không phài đảo chính mà chỉ ‘vãn hồi trật tự’.
Tuy nhiên đối với tờ báo, tại một nước mà quân đội đã tiến hành ít nhất là 11 cuộc đảo chính từ khi chế độ quân chủ chuyên chế kết thúc năm 1932, thiết quân luật ban hành hiện đã làm dấy lên nhiều lo ngại, một số tổ chức như Human Rights Watch, xem đây hiển nhiên là đảo chính trên thực tế, một tổ chức khác cho là không phải một cuộc đảo chính ‘chính thức’ nhưng rõ ràng là một sự can thiệp quân sự.
Le Monde cũng có cùng nhận định, nói đến quân đội áp đặt thiết quân luât để ‘vãn hồi hòa bình’. Le Monde nêu bật là một cố vấn của Thủ tướng lâm thời – không được báo trước về quyết định của quân đội - đã tố cáo trên đài CNN là thiết quân luật không khác một cuộc đảo chính bán phần.
Le Monde kết luận là những ngày sắp tới sẽ cho thấy rõ hơn đây có phải một cuộc đảo chính được giấu tên hay không. Nhưng tờ báo cũng nhận thấy là dù ẩn ý của quân đội như thế nào chăng nữa thì họ cũng tránh được cho Bangkok cuộc đụng độ đẩm máu giữa các phe.
Les Echos cũng rất nghi ngờ hậu ý của quân đội Thái trong bài tựa đề : « Thái Lan : Quân đội triệu tập các tác nhân cuộc khủng hoảng ».
Tờ báo nhắc lại là tướng Prayuth Chan-ocha đã mời đến họp vào hôm nay Thủ tướng lâm thời, lãnh đạo các phe Áo Đỏ, Áo Vàng, Phó chủ tịch Thượng viện Thái. Bên cạnh, còn có lãnh đạo các đảng phái, Ủy ban bầu cử …
Nhưng theo Les Echos, Thủ tướng lâm thời dường như đã quyết định không dự cuộc họp. Một trong những lý do có lẽ do những tin vào giờ phút chót là Thượng viện có thể đề nghị vào chiếc ghế thủ tướng, ông Prawit Wongsuwan, một tướng lãnh về hưu, từng là tư lệnh quân đội và Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan.
Les Echos cũng nhắc lại chi tiết là sáng nay, quân đội đã ngăn cản không cho chính phủ sử dụng tổng hành dinh gọi là ‘đối phó khủng hoảng’, sử dụng từ mấy tháng qua, khi mà trụ sở chính quyền trong Bangkok bị người biểu tình bao vây. Tờ báo trích lời một viên chức xin giấu tên cho biết là Bộ Quốc phòng đã yêu cầu Thủ tướng và thành viên chính phủ không sử văn phòng hiện nay của họ nữa.
Báo Libération chạy một tựa hóm hỉnh trang Thế giới : « Khủng hoảng chính trị ở Thái Lan : Quân đội thổi còi kết thúc cuộc đấu ». Tờ báo giải thich bên dưới : Những người ủng hộ và chống đối chính quyền cũ đe dọa đối đầu tại Bangkok, quân đôi đã ban hành thiết quân luật hôm qua (20/05).
Libération nhận định là có một điểm tích cực cho quân đội là lần này họ cho cảm giác là đã hành động một cách vô cùng dè dặt : vì từ tháng 11/2013, Thái Lan đã rơi vào khủng hoảng chính trị hầu như không lối thoát, biểu tình không nguôi trên đường phố Bangkok ; đến ngày 07/05, Thái Lan hầu như không có chính phủ sau khi bà Yingluck bị truất phế vì ‘lạm quyền’, các phe thân và chống chính quyền đe dọa đụng độ với nhau ở thủ đô.
Chính trong tình hình này, mà quân đội mới ‘bước vào sân khấu’ và tốt hơn nữa là đã không gây xáo trộn gì trong sinh hoạt của thủ đô, bất quá là họ làm gia tăng hiện tượng kẹt xe rất nổi tiếng ở Bangkok.
Tờ báo cũng ghi nhận là như lần đảo chính 2006, các cô gái ở Bangkok đã ra chụp hình bên cạnh quân lính được triển khai ở thủ đô.
Nhưng Libération cũng công nhạn là có kiểm duyệt thông tin : hôm qua, ngay lúc sáng, quân đôi đã vào các đài truyền hình yêu cầu không đưa thông tin có thể làm ‘mất ổn định’, yêu cầu tạm ngưng chương trình một số đài nằm trong tay các nhóm chính trị.
Báo La Croix cũng nêu bật thái độ thận trọng của quân đội. Tờ báo trích lời chuyên gia, ghi nhận là « quân đội đang đứng ra làm trọng tài. Nhưng bước đi cẩn thận vì cuộc đảo chính năm 2006 đã không giải quyết các vấn đề chính trị. »
Trung Quốc : Cuộc gặp kỳ lạ Putin-Giang Trạch Dân
Ngoài hồ sơ Thái Lan, nhìn về Châu Á, báo Les Echos còn theo dõi chuyến đi Trung Quốc của tổng thống Nga Putin. Điều làm tờ báo ngạc nhiên như nêu bật trong hàng tựa trang quốc tế là « Cuộc gặp kỳ lạ giữa Putin và Giang Trạch Dân ».
Sau khi tiếp xúc với đương kim chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga tối qua đã tiếp xúc với ông ...Giang Trạch Dân. Điều mà Les Echos lấy làm ngạc nhiên vì ông Giang Trạch Dân đã rời khỏi chức vụ lãnh đạo từ hơn 10 năm qua.
Cuộc gặp, trong mắt của Les Echos, cho thấy ảnh hưởng còn rất mạnh của nguyên chủ tịch trên đời sống chính trị Trung Quốc. Theo tờ báo, đứng đầu cái mà nhiều người gọi là phe Thượng Hải, ông Giang Trạch Dân vẫn là một trong những người hùng mạnh nhất của chế độ.
Trong cuộc gặp, ông Putin và Giang Trạch Dân chỉ có những trao đổi bình thường, ca ngợi tình hữu nghị Nga Trung, nhưng theo Les Echos các nhà bình luận đều thấy là ông Giang muốn gởi một thông điệp đến đương kim chủ tịch Trung Quốc : là cho dù ông Tập Cận Bình có tập trung quyền lực trong tay, ông vẵn phải tính đến mạng lưới thân thế của ông Giang và khả năng quấy phá của ông.
Đây là một thông điệp đầy ý nghĩa vào lúc chiến dịch chống tham những của Tập Cận Bình không nể nang những nhân vật tai to mặt lớn của chế độ, mà phía sau người ta có thể thấy bóng dáng ông Giang Trạch Dân.
Trung Quốc : Thời vàng son của xuất khẩu đã hết
Về mặt kinh tế, thương mại, Les Echos chú ý đến Nhật với tin vui là thất thu thương mại có phần giảm nhẹ, vì nhập khẩu tăng không nhiều, 3,4%, nhưng xuất khẩu thì tăng cao hơn, 5,1%, do đơn đặt hàng của Mỹ và Trung Quốc về máy công cụ.
Nhưng nhìn sang Trung Quốc, ngược lại tờ báo nêu tình trạng ngoại thưong không khỏe mạnh, với hàng tít : « Bắc Kinh công nhận thời vàng son của xuất khẩu đã kết thúc ».
Tờ báo trích dẫn lãnh đạo ngoại thương Trung Quốc hôm qua đã công nhân thời kỳ mà ngoại thương Trung Quốc tăng mạnh đã qua rồi. Nhân vật này nêu lý do là lương hướng tăng cao, chi phí cho vôn liếng, là gánh nặng đối với các công ty Trung Quốc : Nhìn chung thời đại mà ngành ngoại thương tăng mạnh đã vĩnh viễn qua rồi.
Trong tháng Tư, xuất khẩu Trung Quốc chỉ tăng 0,9% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Giá nhân công Trung Quốc từ nay lên đến gấp đôi, có khi gấp 3 so với các nước như Ấn Độ, Việt Nam hay Cam Bốt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét