Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

NÊN ĐƯA TRUNG QUỐC RA TÒA ÁN QUỐC TẾ

Ngô Vĩnh Long
Thứ Năm,  15/5/2014
(TBKTSG) - Liên quan đến những vấn đề nóng trên biển Đông hiện nay, dù dư luận quốc tế có rất nhiều tiếng nói phê phán hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng biển của Việt Nam, nhưng dường như các bên chỉ mới bày tỏ “mối quan ngại” như thể họ xem đó là vấn đề giữa Việt Nam với Trung Quốc.

Tàu Trung Quốc (trái) bắn súng nước vào tàu kiểm ngư của Việt Nam đang làm nhiệm vụ. Ảnh Cảnh sát biển VN

Có thể họ cho là hiện nay việc Trung Quốc cắm giàn khoan trong vùng biển trên thềm lục địa của Việt Nam chỉ là vấn đề khiêu khích Việt Nam chứ chưa phải là đe dọa nghiêm trọng đối với khu vực và thế giới cho nên họ chưa cần phản ứng mạnh hơn.

Cũng có thể họ sợ là nếu họ phản ứng mạnh hơn thì Trung Quốc sẽ trả thù và quan hệ kinh tế của họ với Trung Quốc, chẳng hạn, sẽ bị thiệt hại.


Bất cứ vì lý do gì đi nữa, Việt Nam rõ ràng cần vận động các nước ASEAN hơn nữa để thuyết phục họ rằng hành động của Trung Quốc ở biển Đông đã và đang đe dọa lợi ích và an ninh toàn khu vực. Ít nhất Việt Nam cần gia tăng hợp tác với các nước bị đường chữ U lấn chiếm như Philippines, Malaysia và Brunei để có tiếng nói chung trong việc thúc đẩy các cường quốc phải có trách nhiệm cho hòa bình và ổn định chung.

Trên khía cạnh này Việt Nam cần tích cực ủng hộ việc Philippines kiện Trung Quốc ra trước Tòa Luật Biển của Liên hiệp quốc vì vụ kiện này là để chứng minh sự phi pháp của đường chữ U (còn được gọi là đường lưỡi bò). Thực ra, đường chữ U gây thiệt hại cho Việt Nam nhiều nhất vì Việt Nam có lãnh thổ và lãnh hải dài nhất ở khu vực biển Đông. Nếu Việt Nam không cùng nước khác bảo vệ lợi ích của chính mình thì khó có thể bảo các nước bị thiệt hại ít hơn hay chưa bị thiệt hại lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam trong cơn hoạn nạn được.

Để xây dựng “lòng tin chiến lược” với các nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền các đảo ở Trường Sa thì Việt Nam cần tuyên bố rõ ràng là Việt Nam triệt để tuân thủ Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Tức là không chấp nhận đảo nào có hơn 12 hải lý lãnh hải hết và sẵn sàng thương nhượng tất cả những đảo hay mỏm đá nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của các nước khác.

Trong quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đang xây cất trên đảo Gạc Ma mà họ đã dùng vũ lực đánh chiếm của Việt Nam năm 1988 với ý đồ là sẽ đòi đặc quyền kinh tế từ đảo này như họ đã và đang làm với quần đảo Hoàng Sa.

Mới đây, sau khi đặt giàn khoan HD 981 cách đảo Tri Tôn 18 hải lý nhưng nằm rất sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói thẳng thừng rằng họ làm như thế vì đây là vùng đặc quyền của Hoàng Sa.

Theo Luật Biển thì không thể nào Hoàng Sa có lãnh hải hơn 12 hải lý hết. Giả định có đi chăng nữa thì việc Trung Quốc ngang nhiên cắm giàn khoan trong EEZ của Việt Nam (mà vùng này nếu có trùng lắp với EEZ giả định của Hoàng Sa) trước khi thương lượng với Việt Nam là việc làm bất hợp pháp. Chỉ việc này cũng đã có đầy đủ lý do để kiện Trung Quốc ra Tòa Luật Biển.

Nhưng trong việc cắm giàn khoan HD 981 hiện nay Trung Quốc đã đem theo tàu chiến, tàu hải giám và các tàu khác để không những đe dọa Việt Nam mà còn gây thiệt hại nữa. Thêm vào đó, vụ việc này đang gây mất an ninh cho khu vực và đe dọa hòa bình của thế giới. Do đó, Việt Nam hay bất cứ nước nào khác, cũng có thể khiếu nại Trung Quốc trước Hội đồng Bảo an của Liên hiệp quốc. Việt Nam nên vận động các nước giúp làm việc này.

Đưa ra Hội đồng Bảo an thì sẽ có tranh luận, nhưng sẽ không có quyết định của Hội đồng Bảo an được vì Trung Quốc sẽ phủ quyết. Nhưng ít ra thì Việt Nam và những nước ủng hộ Việt Nam sẽ có cơ hội trình bày vấn đề Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa như thế nào, giết người Việt Nam như thế nào, và từ đó đến nay đã dùng vị thế của Hoàng Sa để đe dọa an ninh trong khu vực và cho thế giới ra sao.

Cùng lúc với việc làm trên, Việt Nam và các nước khác cũng có thể đem việc Trung Quốc đe dọa an ninh trong khu vực qua vụ việc vừa qua ra trước Đại hội đồng (General Assembly) của Liên hiệp quốc để xin một thảo luận và đưa ra một nghị quyết tố cáo các hành động của Trung Quốc. Trong nhiều thập kỷ qua các nước nhỏ đã nhiều lần tranh đấu như thế và đã có được nhiều kết quả tích cực.

Việc tranh đấu hay vận động về biển Đông nói chung và về Hoàng Sa nói riêng chủ yếu là tranh đấu chính trị và như thế phải gắn liền với việc tranh đấu để bảo vệ luật pháp và an ninh chung chứ không phải chỉ là vấn đề tranh đấu về chủ quyền. Không nên tiếp tục hô khẩu hiệu trống rỗng như: “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam”. Ngoài ra những khẩu hiệu như thế tỏ ra những đòi hỏi của Việt Nam cũng không khác những yêu sách của Trung Quốc nhiều lắm.

Để xây dựng “lòng tin chiến lược” có hiệu quả thì phải thành thực và quyết tâm gia tăng hợp tác với các nước khác để xây dựng một khuôn khổ an ninh chung. Nếu Việt Nam sẵn sàng đứng mũi chịu sào và sớm kiện Trung Quốc ra các tòa án và tổ chức nói trên thì thế nào cũng huy động được sự ủng hộ của nhân dân thế giới và trong nước. Càng chần chừ thì tình thế có thể càng bất lợi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét