Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014

“HUYỀN THOẠI KÉP” HỒ CHÍ MINH : vinh quang và những hệ lụy

NGÔ TRẦN ĐỨC 

  (Saigon ĐiểmTin) : Với chủ trương là nghiên cứu, nâng cao nhận thức cùng với bạn đọc, SGĐT giới thiệu bài "Huyền thoại kép" về chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhân vật lớn không chỉ của Việt Nam, mà còn là con người có vai trò liên quan đến một số sự kiện lớn trong thế kỷ 20. Nhiều sử gia thế giới nói về ông, nhiều phe phái chính trị lên án ông, cả những người Cộng sản quốc tế, những người "đồng chí" Việt Nam của ông nói về ông, phê phán, chỉ trích, hoặc bênh vực... Và ông vẫn còn là một "huyền thoại kép" dành cho sự công bằng của lịch sử.

 

Mở đầu

Trong Lời giới thiệu công trình nghiên cứu của mình - “Hồ Chí Minh: Những năm tháng chưa được biết đến” - bà Sophie Quinn-Judge gọi Hồ Chí Minh là một “huyền thoại kép” (The double myth), với ý nghĩa ông là lãnh tụ duy nhất của phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á nửa đầu thế kỷ 20 mang hai nhân cách: vừa là người yêu nước (dân tộc), vừa là người cộng sản (quốc tế).
Theo tôi, chính “huyền thoại kép” này đã đem lại cho ông cả vinh quang lẫn cay đắng, với nghĩa là đã phải chịu đựng những hệ lụy không đáng có, liên tục trong những năm dài hoạt động cách mạng của mình.

Đối với phần đông nhân loại tiến bộ là bạn bè của Việt Nam, Hồ Chí Minh là biểu tượng trong sáng, là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa “người chiến sĩ yêu nước nồng nàn” với “người chiến sĩ quốc tế trong sáng” - suốt đời chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc mình và sự nghiệp giải phóng tất cả các dân tộc bị áp bức. Ông J.Sainteny - người đã “đối mặt với Hồ Chí Minh” trong nhiều năm, từng viết: “Trong đời tôi, có biết bao nhiêu lần người ta đã hỏi tôi: ông là người biết rõ Cụ Hồ, vậy Cụ là một người quốc gia (dân tộc) hay là người cộng sản? Câu trả lời rất đơn giản: Cụ Hồ vừa là người này vừa là người kia. Đối với Cụ, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cộng sản, mục đích và phương tiện, bổ sung cho nhau, hay nói đúng hơn, hòa quyện vào nhau”(1). Với một cách diễn đạt khác, cố Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng cũng có lần nói: Hồ Chí Minh là người yêu nước 100% mà cũng là người cộng sản 100%!
Bác Hồ nói chuyện với các chiến sĩ tại  Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ
Nhưng oái oăm thay, trong một thời gian dài, từ những năm 30 cho đến những năm 50 thế kỷ trước và cả ngày nay, Hồ Chí Minh lại lâm vào thế ở giữa hai làn đạn: 
Đối với những người đối lập, Hồ Chí Minh không phải là Nguyễn Ái Quốc - người yêu nước. Theo họ, sau khi rời bỏ Đảng Xã hội Pháp, bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế 3, rồi đi Moskva, Nguyễn đã từ bỏ chủ nghĩa quốc gia-dân tộc của nhóm Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, trở thành người cộng sản - một người cộng sản thuần thục, một phần tử staliniste, một Kominterchik đắc lực, được Stalin cử về để “xích hóa” cả khu vực Đông Nam Á! v.v…
Theo họ, không có cái gọi là “sự thất sủng” của Hồ Chí Minh thời kỳ 1934-1938, vì hầu hết các lãnh tụ cộng sản đại diện cho đảng mình ở Quốc tế cộng sản thời gian đó đều bị thanh trừng và giết hại, duy chỉ có một mình Hồ Chí Minh sống sót, ngôn luận Hồ Chí Minh khi phê phán trốtxkít hồi đó đều giống hệt ngôn luận của Stalin…
Đối với chính phủ các nước phương Tây như Mỹ, Anh, Pháp và Trung Hoa Tưởng Giới Thạch…, Chính phủ Hồ Chí Minh vỏ là Việt Minh nhưng ruột là cộng sản! Người Pháp không lạ gì lai lịch Hồ Chí Minh - con người mà họ đã tốn bao công sức săn đuổi, tìm diệt mà không thành công. Người Mỹ, theo tình báo của họ, cũng cho Hồ Chí Minh là cộng sản, thân Moskva, nên không công nhận Chính phủ Hồ Chí Minh sau 1945. Lúc đầu họ còn giữ thái độ trung lập trong cuộc xung đột Việt-Pháp, sau khi Roosevelt chết, Truman đã hoàn toàn ủng hộ Pháp trở lại cai trị Đông Dương.
Lư Hán, Tiêu Văn… đem gần 20 vạn quân Tưởng vào Bắc Việt Nam, tiếng là để giải giáp quân Nhật, nhưng không giấu diếm mục tiêu “diệt Cộng, cầm Hồ” (bắt giữ Hồ - H.V.), hòng dựng lên một chính quyền gồm những tay chân trung thành với họ. Một học giả Đài Loan, ông Tưởng Vĩnh Kính, cũng cho Hồ Chí Minh là “nhất cá dân tộc chủ nghĩa ngụy trang giả”, nghĩa là một người cộng sản đội lốt chủ nghĩa dân tộc mà thôi!
Nhưng bi kịch hơn lại là ở chỗ chính Quốc tế cộng sản và các học trò của Hồ Chí Minh, từng được ông huấn luyện, sau được Moskva đào tạo lại, trở thành những người cộng sản “cứng rắn”, đã quay lại phê phán Hồ Chí Minh rất nặng nề: là phần tử hữu khuynh, dân tộc chủ nghĩa… nhất là sau khi thoát khỏi vụ án Hồng Kông, trở về được Moskva, Hồ Chí Minh không chỉ bị phê phán về quan điểm mà còn bị nghi vấn nghiêm trọng cả về chính trị. 

Có thể chia những hệ lụy mà Hồ Chí Minh phải chịu đựng, chung quanh mối quan hệ dân tộc và giai cấp, thành mấy giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1: 1928-1933 (từ Hội nghị hợp nhất đến khi Nguyễn Ái Quốc bị bắt).

1. Sau phản biến của Tưởng Giới Thạch 12-4-1927, mặt trận Quốc-Cộng hợp tác tan vỡ, tín nhiệm của Hồ Chí Minh bị suy giảm, các nhân vật chủ chốt trong phái bộ của M.Borodine đều mất chức, ít năm sau thì bị thanh trừng. Hồ Chí Minh không được giữ lại Moskva, phải tự tìm đường về Xiêm để tiếp tục hoạt động. Thời gian ở Xiêm, trước và sau Đại hội VI Quốc tế cộng sản (1928), Hồ Chí Minh cũng không có liên lạc gì với Quốc tế cộng sản.
Trước tình trạng chia rẽ giữa các nhóm cộng sản trong nước, một thành viên cũ của tổ chức “Thanh niên” đã tìm đường sang Xiêm báo cáo với Hồ Chí Minh. Ý thức được cương vị và trách nhiệm của mình đối với Cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã chủ động đứng ra triệu tập Hội nghị hợp nhất, xóa bỏ được bất đồng, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thảo Chính cương, Sách lược vắn tắt, ra Lời kêu gọi… Từ nội dung các văn kiện đến cách tiến hành hội nghị của Hồ Chí Minh, đều thể hiện sự quán triệt tinh thần của Lenin và Nghị quyết Đại hội V Quốc tế cộng sản (1924).
Có thể tóm tắt mấy quan điểm cơ bản của Lenin trong Sơ thảo Luận cương cũng như khi ông phát biểu tại Đại hội II Quốc tế cộng sản (1920) về vấn đề dân tộc và thuộc địa, như sau:
- “Mọi phong trào dân tộc (ở thuộc địa) chỉ có thể là dân chủ tư sản thôi, vì quảng đại quần chúng nhân dân ở các nước lạc hậu là nông dân, tức là những người đại diện cho những quan hệ tư bản. Nếu… những đảng vô sản ở trong các nước đó… không ủng hộ phong trào này trên thực tế, mà lại có thể thi hành sách lược và chính sách cộng sản trong những nước lạc hậu đó, thì là không tưởng”. 
- “Quốc tế cộng sản nên lập khối liên minh tạm thời với phái dân chủ tư sản ở các nước thuộc địa và các nước chậm tiến… nhưng phải giữ vững tính độc lập của phong trào vô sản, dù cho phong trào này còn ở dưới hình thức phôi thai nhất”. 
- “Phải áp dụng như thế nào sách lược và đường lối chính trị cộng sản trong những điều kiện các quan hệ tiền tư bản chủ nghĩa còn thống trị ở đó, vì thế không thể nói đến phong trào thuần túy vô sản được, do ở đó hầu như không có giai cấp vô sản công nghiệp”…(2).
Những quan điểm này của Lenin đã được Nguyễn Ái Quốc tiếp thu vì nó đúng với thực tiễn của phong trào giải phóng dân tộc ở phương Đông và Việt Nam, nên đã quán triệt nó khi viết Đường kách mệnh và soạn thảo Chính cương, Sách lược vắn tắt…Nhưng tất cả đều bị phủ định và phê phán, vì vào thời điểm này người ta đã xa rời các quan điểm đúng đắn ấy của Lenin.
Vậy bước chuyển sang đường lối “tả” khuynh của Stalin và Đại hội VI Quốc tế cộng sản (1928) diễn ra trong bối cảnh lịch sử nào?
- Cuộc phản biến của Tưởng Giới Thạch - đại biểu của giai cấp tư sản Trung Quốc - đã phá vỡ mặt trận hợp tác Quốc-Cộng của Tôn Dật Tiên đồng thời cũng làm thất bại sách lược liên minh của Stalin và Quốc tế cộng sản.
- Cuộc tổng khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản 1929-1933 đang đến gần, dẫn đến những dự báo lạc quan về triển vọng bùng nổ cách mạng vô sản ở châu Âu, đến sự đánh giá phiến diện về tính chất của giai cấp tư sản và vai trò của các đảng dân chủ xã hội Quốc tế 2. Khẩu hiệu “giai cấp chống giai cấp” được đề cao, họ nhấn mạnh độc quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản và nôn nóng thực hiện ngay cách mạng vô sản…
- Đây cũng là thời điểm Stalin đã giành được chiến thắng tuyệt đối trong cuộc đấu tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô. Tại Hội nghị toàn thể Ban chấp hành Quốc tế cộng sản thời gian đó, Otto Kuusinen - Ủy viên Đoàn CT Quốc tế cộng sản, phụ trách vấn đề thuộc địa - đã kêu gọi các đảng cộng sản “hãy gột rửa mình khỏi chủ nghĩa cơ hội để trở nên tinh khiết”. Ông cũng nhắc nhở các đảng cộng sản ở thuộc địa cần có sự điều chỉnh chính sách, sao cho có tính chất giai cấp mạnh mẽ hơn.
Vì vậy, báo cáo của Nguyễn Ái Quốc về kết quả của Hội nghị hợp nhất đã không được thừa nhận. Trong một thư gửi Nguyễn Ái Quốc, Ban Viễn Đông Quốc tế cộng sản có viết: “Chúng tôi có thể quả quyết rằng, trong thực tế, đồng chí đã xa rời những nguyên tắc đó” (tức những nguyên tắc mà Đại hội VI Quốc tế cộng sản (1928) đã thông qua, được nêu trong Chỉ thị mà Nguyễn Ái Quốc không nhận được - hoặc không được gửi cho)(3).

Trần Phú, Ngô Đức Trì là những học viên lớp đầu của Trường Phương Đông trong khoảng thời gian từ 1927 đến 1930, đã được đào luyện rất kỹ theo tinh thần “giai cấp chống giai cấp” của Đại hội VI, trở thành những người cộng sản “cứng rắn”, được cử về để “uốn nắn” lại những “sai lầm” của Nguyễn Ái Quốc!

Người phê phán Nguyễn Ái Quốc gay gắt nhất là Trần Phú. Tại Hội nghị Trung ương tháng 10-1930, ông phê phán những sai lầm về chính trị và tổ chức của Hội nghị hợp nhất là “chỉ lo đến việc phản đế mà quên mất lợi ích giai cấp đấu tranh, ấy là một sự rất nguy hiểm”, về “chia địa chủ làm đại, trung và tiểu địa chủ”, về “nói phải lợi dụng bọn tư bản mà chưa rõ mặt phản cách mạng”, cùng một số sai lầm khác, sau đó ra nghị quyết “thủ tiêu Chính cương, Sách lược và Điều lệ cũ của Đảng”(4). Sau Hội nghị Trung ương 10-1930, trong thư gửi Quốc tế cộng sản ngày 17-4-1931, ông còn phê phán nội dung Hội nghị hợp nhất “mang nặng dấu ấn các tổ chức cách mạng cũ, các vấn đề cơ bản đều mâu thuẫn với đường lối Quốc tế cộng sản (do thiếu một chính sách giai cấp)… mang dấu ấn nhất định của thời kỳ Quốc-Cộng hợp tác 1925-1927(5).

Trần Phú được cử làm Tổng bí thư, Nguyễn Ái Quốc sau đó bị mất vai trò lãnh tụ tối cao, chỉ còn là cái “thùng thư” trung chuyển giữa Ban chấp hành Trung ương trong nước với Quốc tế cộng sản và ngược lại. Nhiều bài báo Nguyễn Ái Quốc gửi về Moskva thời gian này đã không được đăng trên Inprecor, như chính Nguyễn Ái Quốc thắc mắc trong thư gửi Quốc tế cộng sản ngày 2-1-1931.
2. Sau khủng bố trắng 1930-1931, Ban chấp hành Trung ương trong nước hầu hết bị bắt và hy sinh, Nguyễn Ái Quốc và nhiều cán bộ của Chi nhánh Ban Viễn Đông ở Thượng Hải cũng bị bắt, nhân vật nổi lên lúc này là Hà Huy Tập. Tuy chưa về nước, nhưng trong những tài liệu viết gửi Quốc tế cộng sản, để tỏ rõ sự kiên định mácxít của mình, ông đã không bỏ lỡ cơ hội nào có thể để phê phán những quan điểm “sai lầm” của Nguyễn Ái Quốc về mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, về sắp xếp lực lượng cách mạng và về sách lược liên minh, hợp tác trong cách mạng v.v…
Ông từng viết: Đường Kách mệnh là cuốn sách cực kỳ sơ đẳng, đã định nghĩa cách mạng Việt Nam là một cuộc cách mạng chống đế quốc “nhưng họ chưa bao giờ nói rõ rằng giai cấp nào phải là người lãnh đạo cuộc cách mạng này (giai cấp tư sản hay giai cấp vô sản?)… Người ta cho rằng trước hết cần phải tiến hành cách mạng dân tộc, trước khi làm cách mạng thế giới, nhưng hoàn toàn quên rằng cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận không tách rời của cách mạng thế giới… Họ vẫn có một lý luận chính thức, theo đó cần phải liên kết tất cả mọi giai cấp trong thời kỳ tranh đấu chống chủ nghĩa đế quốc. Không hơn không kém, lý luận đó có nghĩa là sự hợp tác giai cấp… không xác định động lực của cách mạng Đông Dương và không hiểu đúng độc quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản…”(6). Ông mỉa mai: đó là thứ lý luận “ngu ngốc”, “không thể nhịn cười được”.
Ngay cả khi được tin Nguyễn Ái Quốc đã lâm bệnh, qua đời ở Hồng Kông(7), trong bài viết như để truy điệu, Hà Huy Tập cũng không quên nhắc đến những “sai lầm” của Nguyễn Ái Quốc: [điều này gợi lại sự kiện ghê tởm mà Vũ Mão đã làm với Trần Độ sau này. Đương nhiên so sánh Vũ Mão, một tên hề, với Hà Huy Tập thì cũng quá khập khiễng, nhưng đành vậy!] “Công lao mà ông đã đóng góp cho Đảng chúng ta thật là lớn. Song các đồng chí chúng ta trong lúc này không được quên những tàn dư dân tộc chủ nghĩa của Nguyễn Ái Quốc, các chỉ thị sai lầm của ông về những vấn đề cơ bản của phong trào cách mạng… Ông đã không đưa ra bàn luận trước về những sách lược mà Quốc tế cộng sản đòi hỏi phải áp dụng để loại bỏ những phần tử cơ hội trong Đảng. Ngoài ra, ông còn khuyến dụ một sách lược cải lương và hợp tác sai lầm: trung lập hóa tư sản và phú nông, liên minh với trung và tiểu địa chủ”(8). 
Đương nhiên, đây là sự phê phán một chiều, do một mình Hà Huy Tập tiến hành, trong khi Nguyễn Ái Quốc vẫn còn đang bị tù ở Hồng Kông.

Giai đoạn 2: 1934-1938 (sau khi Nguyễn Ái Quốc đã trở về Moskva).
 
Có thể nói đây là giai đoạn khó khăn nhất của Nguyễn Ái Quốc, là những năm tháng ông phải chịu đựng những thử thách nặng nề, phải vượt qua những nghi kỵ đau đớn, không phải trước kẻ thù mà trước những người đồng chí của mình. Trong thư ngày 29-6-1935 của bà V.Vasilieva gửi Ban bí thư Ban Viễn Đông, có nêu một nghi vấn: “Khó xác định được tại sao đồng chí ấy lại dễ dàng ra khỏi nhà tù và thoát khỏi tay cảnh sát Pháp và tóm lại tại sao đồng chí ấy lại nhận được một bản án nhẹ nhàng như vậy?”(9).
Thời gian này, Hà Huy Tập đã trở về Trung Quốc, đứng đầu Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng. Ngày 31-3-1935, trong thư gửi Quốc tế cộng sản, ngoài nội dung chính là báo cáo kết quả của Đại hội Ma Cao, trong 10 điểm nói thêm, có 2 điểm báo cáo về Nguyễn Ái Quốc, ở điểm thứ mười, ông đã viết: “Ở Xiêm và Đông Dương, các tổ chức cộng sản đã tiến hành một cuộc đấu tranh công khai chống lại những tàn dư của tư tưởng dân tộc cách mạng pha trộn với chủ nghĩa cải lương của đảng Thanh niên và của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, những tàn dư ấy rất mạnh và tạo thành một chướng ngại nghiêm trọng cho sự phát triển chủ nghĩa cộng sản… Chúng tôi đề nghị đồng chí Lin viết một quyển sách để tự phê bình những khuyết điểm đã qua(10). Ngoài ra, báo cáo còn nói thêm một vài điểm được “nghe kể lại” nữa, rất nguy hại về chính trị cho Nguyễn Ái Quốc.
Những thông tin của Hà Huy Tập, cùng với những nghi vấn đang đặt ra cho Nguyễn xung quanh vụ án Hồng Kông, đã dẫn đến quyết định của Ban Viễn Đông Quốc tế cộng sản về tương lai của Nguyễn Ái Quốc: 
- Không chấp nhận Nguyễn Ái Quốc là đại biểu chính thức của Đảng Cộng sản Đông Dương tham dự Đại hội VII Quốc tế cộng sản sẽ diễn ra vào tháng 7-1935;
- Không chấp nhận Nguyễn Ái Quốc là đại diện thường trú của Đảng Cộng sản Đông Dương bên cạnh Quốc tế cộng sản, đề nghị cử một ứng viên khác;
- Thông báo về thân phận của Nguyễn Ái Quốc trong 2 năm tới: Sẽ cử đi học, phải nỗ lực học cho tốt, rồi mới có kế hoạch sử dụng sau(11).
Thời gian này, Nguyễn chỉ được tập trung vào việc học, không được viết báo, không được đi thực tế địa phương, xí nghiệp, công trường… như các học viên khác. Sau khi tốt nghiệp, Nguyễn trở về nhận công tác ở Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, do Pavel Mif làm giám đốc. V.Vasilieva đã có những cố gắng để giải thoát cho Nguyễn. Bà lập một dự án đào tạo mới cho các học viên Đông Dương, “đề cử đồng chí Lin tổ chức và điều hành trường này, lý do đồng chí đã hoàn tất việc học tập và nghiên cứu của mình tại Moskva”. Nhưng dưới bản đề nghị có bút phê của ai đó: “Mọi đề nghị đều bị hủy bỏ, chỉ giải quyết sau khi vấn đề đã được làm sáng tỏ”. Vấn đề gì, không ai biết, nên Nguyễn lại phải ghi tên vào học tiếp một lớp nghiên cứu sinh ngành lịch sử Đảng. Chẳng có thú vị gì phải ngồi học khi tình hình thế giới đang chuyển biến mạnh mẽ, nên kết quả học tập của Nguyễn đa số chỉ đạt trung bình!
Vào thời kỳ này, trong Đảng Cộng sản Liên Xô diễn ra một cuộc thanh trừng lớn. L.Trotsky, G.Zinoviev, N.I.Boukharine đã bị đánh bại và xử trí từ 1928-1929, nay đến lượt nhiều bạn bè, đồng chí quen biết của Nguyễn bị vào cuộc: Pavel Mif, Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, bị bắt năm 1937. Rất nhiều thành viên Quốc tế cộng sản đã giúp thực hiện đường lối cứng rắn những năm 1928-1929 cũng bị trừng trị: Rylsky, Gailis, Vasiliev, cả Piatnhitxky (tức Orgwald, một tên tuổi lớn), rồi Dombal, Voline… đều bị lôi cuốn vào cuộc thanh trừng.
Vậy tại sao Nguyễn Ái Quốc lại có thể tồn tại được trong tình hình ấy? Nhờ đâu? Được ai bảo vệ? Hiển nhiên là Nguyễn Ái Quốc không tránh được có ý kiến khác với đường lối của Stalin. Sự im lặng, phục tùng không đủ sức để cứu ông, nếu ông là người Ba Lan, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, người vùng Baltic - những nước láng giềng có chung biên giới với Liên Xô. Họ đều bị loại, trong khi đại diện các đảng cộng sản Anh, Pháp, Mỹ - những nước ở xa, được đối xử khoan dung hơn. Trường hợp Nguyễn Ái Quốc có thể giải thích như thế nào?
- Có thể vì chỉ là cán bộ cấp thấp, không quan trọng, là người bản xứ ở một nước xa xôi, không có vị trí chiến lược trong chính sách đối ngoại của Liên Xô?
- Có thể vì Nguyễn Ái Quốc biết giữ mình, biết hành xử thận trọng, không bao giờ tỏ ra là một nhà lý luận (không thích tranh cãi như M.N.Roy của Ấn Độ, ông này đã bị khai trừ ngay sau Đại hội VI Quốc tế cộng sản).
- Có thể vì Nguyễn Ái Quốc đã nghiêm chỉnh chấp hành đầy đủ mọi quy định của Quốc tế cộng sản trong thời gian kiểm tra, thử thách, được V.Vasilieva và André Marty… bênh vực, che chở, được D.Manuilsky - một người có thế lực, thân cận với Stalin - thông cảm, ủng hộ v.v..?
Năm 1938, Pavel Mif bị xử tử, giữa năm đó, Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa bị đóng cửa. Có lẽ đây là thời điểm chín muồi để ngày 6-6-1938, Nguyễn Ái Quốc quyết định viết thư cho D.Manuilsky, giãi bày tâm trạng và nguyện vọng được “giúp đỡ thay đổi tình cảnh đau buồn” của mình: “Hãy phân tôi đi đâu đó… Hãy giao cho tôi làm một việc gì mà theo đồng chí là có ích… đừng để tôi phải sống quá lâu trong tình trạng không hoạt động, giống như là sống ở bên lề, bên ngoài của Đảng”(12).
Ngày 29-9-1938, nguyện vọng của Nguyễn Ái Quốc được chấp thuận. Do đâu? Hiển nhiên là trước nguy cơ chủ nghĩa phát xít, các lực lượng dân chủ cần liên minh lại với nhau, ở Pháp đã hình thành Mặt trận Nhân dân, ở Trung Quốc, mặt trận hợp tác Quốc-Cộng lần thứ hai đã được tái lập. Thực tế đó buộc người ta phải trở lại với quan điểm của Lenin về mặt trận thống nhất. Trước khi Nguyễn lên đường đi Trung Quốc, V.Vasilieva đã thuyết phục D.Manuilsky gặp để nghe ông phát biểu. 
Đến đây, kết thúc thời kỳ gần 10 năm Nguyễn Ái Quốc bị đánh giá sai, nghi kỵ, vô hiệu hóa, để về nước trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi năm 1945.

Giai đoạn 3: 1945-1950 (thời kỳ Cách mạng Việt Nam bị cô lập với phong trào cộng sản quốc tế).

- Bối cảnh chính trị thế giới và Việt Nam giai đoạn này: 
Năm 1943, Quốc tế cộng sản tuyên bố tự giải tán, để cho các đảng cộng sản được quyền tự chủ công việc của mình theo đặc điểm mỗi nước (một phần là sách lược, do Liên Xô đã gia nhập Đồng minh, phần khác, do hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, khó có điều kiện chỉ đạo). Đến khi chiến tranh kết thúc, tháng 7-1947, Stalin cho lập ra Cục thông tin Quốc tế cộng sản (Kominform) để nắm dần lại.
Việt Nam giành được độc lập từ trong tay Nhật, nhưng chỉ vài ngày sau lễ tuyên ngôn độc lập, gần 20 vạn quân Tưởng và các tổ chức tay chân ồ ạt kéo vào miền Bắc; hàng vạn quân Anh - Ấn, núp sau là quân viễn chinh Pháp, kéo vào miền Nam; tàn quân Pháp tháo chạy sang Vân Nam trước đây, được tái vũ trang, cũng đang rục rịch trở lại miền Bắc.
Vào thời điểm đó, Việt Nam như hòn đảo tự do giữa vòng vây của thế giới tư bản, với sức ép của một lực lượng quân đội nước ngoài khổng lồ ở ngay cạnh sườn (kể cả quân đội Nhật chưa giải giáp, con số lên đến non nửa triệu quân), trong khi lực lượng vũ trang của chúng ta còn quá nhỏ bé, trang bị rất thô sơ, chưa được huấn luyện về chiến đấu, có thể bị đè bẹp bất cứ lúc nào.

Về chính trị, Tiêu Văn vào Việt Nam còn để hỏi tội Hồ Chí Minh: đã nhận lời hợp tác với họ để hỗ trợ “Hoa quân nhập Việt” sao lại dám lập chính phủ độc quyền cộng sản? Sau nhiều lần hạch sách, trách cứ, có lần họ đã giữ Hồ Chí Minh lại tại bản doanh như một kiểu giữ con tin để gây áp lực. Các tổ chức Việt Quốc, Việt Cách dựa thế quan thầy, ra sức gây rối hòng giành chính quyền về tay họ. Ngày 8-11-1945, Nguyễn Hải Thần gửi tối hậu thư yêu cầu Hồ Chí Minh từ chức, xóa bỏ ngay chế độ độc tài, lập chính phủ mới không có sự kiểm soát của Đảng Cộng sản! Tối hậu thư này, được sự chuẩn bị và chuẩn y của Lư Hán và Tiêu Văn, đe dọa: nếu Hồ Chí Minh không chấp nhận tối hậu thư, họ sẽ không chịu trách nhiệm về một cuộc xung đột vũ trang giữa hai bên!
Một cuộc đảo chính quân sự có thể xảy ra dưới sự đạo diễn và hỗ trợ của quân đội Tưởng, đó là việc trong tầm tay của họ. Trước khả năng ấy, cần phải hy sinh, nhượng bộ một cái gì đó để thoát hiểm(13). Có thể tham khảo ý kiến của ai? Đảng Cộng sản Trung Quốc ở tít tận Diên An và Mãn Châu. Đảng Cộng sản Pháp, từ sau Cách mạng tháng Tám, chưa có liên hệ gì với Việt Nam. Trước nguy cơ mất còn, tự mình phải quyết đoán, Hồ Chí Minh đã thuyết phục Trường Chinh, rồi với tinh thần dũng cảm, sẵn sàng chịu trách nhiệm trước lịch sử, ông đã đưa ra một quyết định phi thường:

1. Tuyên bố Đảng Cộng sản Đông Dương tự giải tán ngày 11-11- 1945 (thực chất là Đảng rút vào hoạt động bí mật, báo Cờ Giải Phóng được thay bằng tờ Sự Thật, lập ra tổ chức mới: Hội những người nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương, song vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng vẫn được giữ nguyên).

2. Chấp nhận cải tổ Chính phủ (
lùi ngày Tổng tuyển cử, tạo điều kiện cho các đảng đối lập tham gia, rồi thuyết phục Quốc hội mới chấp nhận cho họ thêm 70 ghế đại biểu không qua bầu cử), lập Chính phủ Liên hiệp gồm 10 bộ (Việt Minh: 2, Dân Chủ: 2, Việt Quốc: 2, Việt Cách: 2, Không đảng phái: 2).
Sự nhượng bộ này là một cách tháo ngòi nổ của một cuộc đảo chính quân sự (mà phe Tưởng đang chuẩn bị tiến hành), nhằm bảo vệ thành quả cách mạng mà vai trò lãnh đạo của Đảng vẫn tồn tại trong thực tế. Tuy vậy, giải pháp này đã gây ra phản ứng trong một bộ phận cán bộ của Đảng (dù không bộc lộ công khai). Họ cho rằng quyết định này làm tổn hại đến uy tín của Đảng và đòi Đảng phải được khôi phục lại ngay(14).
Nhưng đến năm 1949, thì sự phản ứng này đã bộc lộ công khai, thành một sự kiện làm ảnh hưởng đến quan hệ của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhất là của Hồ Chí Minh, với Đảng Cộng sản Liên Xô và Stalin. Đó là sự kiện Trần Ngọc Danh - nguyên Trưởng phái đoàn đại diện Chính phủ ta ở Paris, tự ý bỏ nhiệm vụ, đào ngũ sang Praha, từ đó viết 2 bức thư gửi Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, với nội dung:
Phê phán đường lối chính trị cơ hội của Đảng Cộng sản Đông Dương: đã công khai giải tán Đảng ngày 11-11-1945, việc này được thực hiện với sự can thiệp tích cực của Hồ Chí Minh. Đường lối mà Hồ Chí Minh áp dụng hiện nay chính là sự tiếp tục đường lối mà ông ta đã khởi xướng từ năm 1930 (tức Chính cương, Sách lược vắn tắt) và đường lối ông ấy đưa ra tại Hội nghị Trung ương 8 tháng 5-1941, là đường lối theo chủ nghĩa dân tộc tư sản.
Từ đó, Trần Ngọc Danh quy kết những người cộng sản Việt Nam hiện nay đang đi ngược lại chủ nghĩa Mác-Lenin, Hồ Chí Minh đã trở thành người chống Đảng, thù nghịch với Liên Xô, đã từ bỏ chủ nghĩa quốc tế vô sản và học thuyết đấu tranh giai cấp của Mác… Cuối thư, Trần Ngọc Danh cam kết trung thành với ngọn cờ của Lenin và Stalin, mãi mãi là người cộng sản chân chính…(15).
Sự kiện Trần Ngọc Danh xảy ra tháng 10-1949, gần kề với chuyến đi của Hồ Chí Minh tới Bắc Kinh và Moskva đầu năm 1950, nhằm phá vòng vây, tìm kiếm sự công nhận về ngoại giao và sự viện trợ quân sự cho cuộc kháng chiến của Việt Nam, sự kiện đó đã gây cho Hồ Chí Minh không ít phiền toái!
- Bối cảnh chuyến đi của Hồ Chí Minh đầu năm 1950: 
Như đã nói ở trên, cuộc kháng chiến của Việt Nam diễn ra trong tình thế gần như bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài: ít được thế giới biết đến, không nhận được sự chi viện nhỏ nào, dù chỉ về chính trị-tinh thần. Ngay Đảng Cộng sản Pháp lúc đó cũng chưa mặn mà gì với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, vì họ vẫn coi trọng đấu tranh giai cấp, còn đấu tranh giải phóng dân tộc vẫn bị coi là thuộc phạm trù cách mạng tư sản!(16).

Hồ Chí Minh đã làm gì để phá thế bị bao vây đó? 
Đầu năm 1946, Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư và công hàm chính thức tới Liên Hiệp Quốc và những người đứng đầu chính phủ 4 nước lớn là Mỹ, Anh, Liên Xô và Trung Hoa Tưởng Giới Thạch, đề nghị 2 điều: can thiệp để giúp chấm dứt cuộc đổ máu đang diễn ra ở Nam Việt Nam và đưa vấn đề Việt Nam ra Liên Hiệp Quốc. Nhưng không nhận được hồi âm nào. Sau này được biết: Liên Xô nhận công hàm, nhưng có bút phê của Thứ trưởng Kozyrev khi đó: “Không trả lời”.
Sau khi ký Hiệp định sơ bộ 6-3-1946, Hồ Chí Minh quyết định cử 2 phái đoàn thân thiện của Chính phủ ta đi thăm Pháp và Trung Hoa. Phái đoàn đi Paris do Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn, phái đoàn đi Trùng Khánh lúc đầu giao cho Cố vấn Vĩnh Thụy, nhưng ông ta không nhận, nên Nghiêm Kế Tổ, người của Việt Nam Quốc dân đảng, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, được làm trưởng đoàn. Đến Trùng Khánh, đoàn xin được yết kiến Tưởng, nhưng Tưởng không nhận tiếp phái đoàn một chính phủ cộng sản, chỉ nhận tiếp riêng một mình cựu hoàng Bảo Đại!
Tiếp theo, Chính phủ ta cho lập 2 Văn phòng thông tin của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một ở Paris, một ở Bangkok, để tuyên truyền quốc tế cho cuộc kháng chiến của ta, nhưng hoạt động cũng không mấy hiệu quả. Năm 1947, Hồ Chí Minh cử Phạm Ngọc Thạch, với tư cách đại diện Văn phòng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vượt sông Mekong, sang Pháp gặp M.Thorez và J.Duclos, rồi sang Thụy Sĩ gặp Đại sứ Liên Xô Koulajenkov, đến Ấn Độ vừa tuyên bố độc lập, gặp J.Nehru… để thông báo về cuộc kháng chiến anh dũng của Việt Nam, đề nghị giúp đỡ về vật chất và tinh thần… Nhưng đều không đạt kết quả gì.
Trong khi đó, giữa năm 1948, Liên Xô lại ra tuyên bố chính thức công nhận Chính phủ Jakarta và lập quan hệ ngoại giao ở cấp lãnh sự! Chính vào đêm 28-5-1948, sau lễ thụ phong hàm Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp, về đến nơi nghỉ, Hồ Chí Minh mở radio nghe bản tin đêm, thì sửng sốt nhận được tin này(17). 
Thu-Đông 1947, ta đánh thắng chiến dịch hai gọng kìm của Pháp, nhưng suýt nữa, họ bắt được cơ quan đầu não của ta. Nếu Pháp liên minh được với Tưởng, dưới đánh lên, trên đánh xuống, cuộc kháng chiến của quân dân ta có nguy cơ bị thất bại.
Điều đó cho thấy phải tranh thủ cầu hòa với Chính phủ Tưởng Giới Thạch, nhằm trung lập hóa vai trò của họ. Cuối 1948 (hay đầu 1949), một phái đoàn được cử sang Trung Quốc, đến Nam Kinh, Thượng Hải, tất nhiên với “lễ vật” hậu hĩnh. Đến nay, chuyến đi vẫn chưa được giải mã, nên chưa thể nói cụ thể, chỉ biết rằng trong chuyến đi đó, có mang theo một cuốn Tiểu sử Hồ Chủ tịch để dịch và xuất bản ở Thượng Hải(18).
Tại sao cần thiết phải công bố tiểu sử Hồ Chí Minh vào thời gian này, lại chỉ công bố ở nước ngoài, nhằm mục tiêu gì? Các thế lực chống đối Hồ Chí Minh chỉ nghĩ ra được một điều xuyên tạc tầm thường: Hồ Chí Minh chẳng phải người có đạo đức khiêm tốn gì, tự mình viết tiểu sử để ca ngợi mình (?) v.v… Nếu chỉ cần có thế thì Hồ Chí Minh đã có thừa. Sự tôn kính, lòng cảm phục và tin tưởng của nhân dân Việt Nam đối với Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh được hình thành từ cuộc đời bôn ba cách mạng, vào tù ra khám của Người; sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám lại được bổ sung thêm bằng những “sáng tác dân gian”, làm cho tên tuổi Hồ Chí Minh đã sớm trở thành huyền thoại, có viết thêm nữa cũng không sánh được!
Cuốn sách này ra mắt chủ yếu nhằm thực hiện sách lược chính trị đối ngoại. Như đã nói ở trên, vào thời gian này, Hồ Chí Minh đang đứng trước hai làn đạn: các chính phủ phương Tây (Anh, Mỹ, Pháp, Tưởng…) coi ông là Cộng sản nên chống lại, còn Quốc tế cộng sản lại cho ông là đã xa rời học thuyết đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản, rơi vào hữu khuynh, dân tộc chủ nghĩa, có vẻ muốn “ve vãn” phưong Tây nên cũng không công nhận!
Trước mắt, để tránh hiểm họa, muốn cầu thân với Tưởng, phải làm giảm nghi ngờ của họ. Cuốn Hồ Chí Minh truyện do Trương Niệm Thức dịch, xuất bản ở Thượng Hải tháng 6-1949 (chưa giải phóng) là nhằm mục tiêu đó. Vì vậy, cuốn truyện của Trương Niệm Thức chủ ý muốn làm cho người đọc thấy Hồ Chí Minh vốn có nhiều mối quan hệ thân tình với Trung Quốc.
Mở đầu, cuốn sách đưa ra bài viết của tướng Hoàng Cường - người đã từng du học ở Pháp, có quen biết Nguyễn Ái Quốc, thời kháng Nhật là Tham mưu trưởng Lộ quân thứ 19, sau ngày Nhật đầu hàng, ông vào Bắc Việt Nam giải giáp quân Nhật - ca ngợi Hồ Chí Minh: là nhà cách mạng giản dị và nhân hậu, biết nhiều ngoại ngữ, đã có nhiều năm sống ở Trung Quốc, rất thạo tiếng Quảng Đông và cả tiếng phổ thông, đã từng dịch cuốn Tam dân chủ nghĩa của Tôn Dật Tiên ra tiếng Việt... Tác giả muốn chứng minh rằng Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội được tổ chức theo chính cương, đường lối và phương pháp đấu tranh của Tôn Dật Tiên: Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc. 
Có người hỏi: ông Nguyễn theo chủ nghĩa cộng sản hay theo chủ nghĩa Tôn Dật Tiên, ông trả lời rất khéo: Khổng Tử, Jesus, Mác, Tôn Dật Tiên, các vị đó đều có mục tiêu giống nhau là mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại… Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của họ. Tôi vẫn là tôi ngày trước: một người yêu nước (nhất cá ái quốc giả) v.v… (Những nội dung này không có trong bản in ở Pháp - thay vào đó là bài của Léo Poldès có nội dung cần cho người đọc ở phương Tây, điều này không có trong Những mẩu chuyện… lần đầu tiên được xuất bản năm 1955 ở Hà Nội cũng như các lần tái bản sau). 
Tuy nhiên, tình hình quốc tế đã chuyển biến quá nhanh. Cuối năm 1949, cách mạng Trung Quốc thành công, nước CHND Trung Hoa ra đời, làm nghiêng hẳn cán cân lực lượng về phe xã hội chủ nghĩa. Tháng 10 năm đó, nước CHDC Đức thành lập. Cuộc chiến tranh lạnh đã lên đỉnh cao ở châu Âu. Ở châu Á, thắng lợi của cách mạng Trung Quốc khiến Mỹ lo ngại: một số nước ở Đông Nam Á có khả năng ngả theo con đường cộng sản hóa, nếu Pháp thất bại ở Đông Dương. Mỹ thấy đã đến lúc phải nhảy vào can thiệp…
Tình hình đó khiến Hồ Chí Minh thấy tự mình phải xuất tướng phá vòng vây, trước tiên là đàm phán với Trung Quốc, sau đó qua trung gian của Trung Quốc để tới Liên Xô. Chuyến đi có hai thuận lợi: Một là Quân đội nhân dân Việt Nam vừa lập một chiến công đầy tinh thần quốc tế: phối hợp với Giải phóng quân Trung Quốc trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, giải phóng Long Châu, Khâm Châu, Phòng Thành… một vùng biên giới sát với Cao Bằng; chiến công này được Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai… hết sức ca ngợi, coi đó là một biểu hiện cao cả của chủ nghĩa quốc tế vô sản. Hai là chuyến đi lại trùng khớp với cuộc hội đàm Trung - Xô để ký kết Hiệp định hợp tác tương trợ giữa hai nước vừa bắt đầu tại Moskva.
Cuộc đàm phán Trung - Việt diễn ra thuận lợi, những yêu cầu Hồ Chí Minh nêu ra với Trung Quốc đều nhanh chóng được đáp ứng, vì nó gắn liền với lợi ích thiết thân của Trung Quốc. Sau đó, nhờ sự thuyết phục của Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai đang có mặt tại Moskva với Stalin, Hồ Chí Minh đã được mời sang thăm Liên Xô.
Nhưng Hồ Chí Minh đã được Stalin đón tiếp như thế nào? 
- Hồ Chí Minh đến Moskva, Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô mở tiệc chiêu đãi, có mặt đủ cả, riêng Stalin tránh mặt, không tiếp. Một, có thể là do bị ràng buộc bởi Hiệp định bất tương xâm đã ký với De Gaulle năm 1944 (có giá trị 20 năm), ông không muốn làm mất lòng Pháp, vì Pháp có vị trí chiến lược quan trọng trong chính sách đối ngoại của Liên Xô ở châu Âu hơn là Việt Nam. Hai, Stalin vốn có thành kiến sẵn với Hồ Chí Minh là hữu khuynh, dân tộc chủ nghĩa, qua những thông tin mà KGB (Ủy ban An ninh Quốc gia) thu lượm được về cuộc tiếp xúc của người Mỹ với Nguyễn Đức Quỳ (Trưởng Văn phòng đại diện của Chính phủ ta tại Bangkok) trong năm 1948-1949, nhất là qua hai bức thư tố cáo của Trần Ngọc Danh. Stalin rất đa nghi, e rằng đây có thể là một nhân vật “Tito thứ hai” ở châu Á!
- Với sự kiên trì thuyết phục của Mao và Chu rằng Hồ là nhà ái quốc nhiệt thành đồng thời là người cộng sản, người chiến sĩ quốc tế chân chính, cuối cùng Stalin cũng nhận tiếp Hồ Chí Minh, ngay tại phòng làm việc của mình, với sự có mặt đông đủ các nhà lãnh đạo chủ chốt của Liên Xô, phía Trung Quốc có Đại sứ Vương Gia Tường, phía Việt Nam có Trần Đăng Ninh.
Stalin mở đầu: Chúng ta là những người bạn, người anh em thân thiết, gặp đồng chí hơi muộn một chút, xin thứ lỗi! Hồ Chí Minh báo cáo tóm tắt tình hình cơ bản về Đảng Cộng sản Đông Dương, về cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam và đề nghị Liên Xô giúp đỡ…  Stalin phát biểu chậm rãi nhưng rành rọt, đại ý:
*Tại sao các đồng chí tự ý giải tán Đảng? Đồng chí tưởng lừa được chủ nghĩa đế quốc à, chính là đồng chí lừa chúng tôi, vì ở xa, không biết thực hư thế nào (có ý trách là không xin ý kiến).
*Chính phủ các đồng chí là cái chính quyền gì, sao mà lắm nhân sĩ, trí thức, địa chủ, quan lại thế? (ý nói không phải chính quyền công nông).
*Tại sao đến nay các đồng chí không tiến hành cải cách ruộng đất? Để đánh thắng đế quốc Pháp, sự chi viện của quốc tế là cần thiết, nhưng phải phát động quần chúng, động viên quần chúng, đem lại lợi ích thiết thân cho họ, đó mới là điểm mấu chốt làm nên thắng lợi. Stalin tỏ ý không hài lòng lắm, hỏi: trong hai cái ghế dân tộc  giai cấp, đồng chí ngồi trên cái ghế nào? (có ý phê bình lập trường giai cấp còn mơ hồ).
*Về vấn đề viện trợ cho cuộc kháng chiến của Việt Nam, Stalin nói: Cách mạng Trung Quốc nay đã thành công, Trung Quốc đã trở thành trung tâm của cách mạng châu Á, từ nay chi viện cho Việt Nam sẽ do Trung Quốc đảm nhiệm, vì sát với Việt Nam. Liên Xô có nhiệm vụ giúp Trung Quốc xây dựng kinh tế, những vũ khí chúng tôi giúp Trung Quốc, nay kết thúc chiến tranh, cái gì không dùng nữa, hợp với Việt Nam, thì có thể chuyển cho Việt Nam (như một sự phân công quốc tế); đồng thời Stalin cũng nhắc nhởViệt Nam phải ra sức học tập kinh nghiệm của Trung Quốc!(19).
Tóm lại, Liên Xô không muốn dính vào vấn đề Việt Nam ở thời điểm này. Cuộc đón tiếp được coi là hờ hững(20). Nhưng thắng lợi lớn nhất của chuyến đi phá vỡ vòng vây đã đạt được, đó là sự công nhận chính thức về ngoại giao đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Trung Quốc ngày 18-1, Liên Xô ngày 30-1-1950, sau đó là các nước dân chủ nhân dân còn lại, cả Nam Tư. Đảng Cộng sản Việt Nam đã tái hòa nhập với phong trào cộng sản quốc tế. Cần thừa nhận rằng thành công này có sự đóng góp quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bởi nếu không phá được vòng vây này, chưa rõ Cách mạng Việt Nam sẽ lâm vào hoàn cảnh khó khăn như thế nào?
Kết luận 
Trình bày lại những điều này để hiểu được những hệ lụy phức tạp mà chúng ta phải gánh chịu về sau. Rất khó có thể giữ được hoàn toàn độc lập, tự chủ trong hoàn cảnh ấy. Sự viện trợ về quân sự đi liền với áp đặt về chính trị. Hồ Chí Minh chỉ có thể trì hoãn chứ không thể từ chối.
Mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, dân tộc và quốc tế là một song đề phức tạp của phong trào cộng sản thế giới, không phải lúc nào nó cũng thống nhất được với nhau, giữa nói và làm, nhất là ở những đảng lớn.
Chính người cộng sản - ái quốc Hồ Chí Minh, trong vai trò “huyền thoại kép” này, đã giúp ông đạt được những thành tựu diệu kỳ cho đất nước, nhưng nó cũng gây cho cá nhân ông bao hệ lụy cay đắng phải gánh chịu. Sở dĩ ông vượt qua được và thành công chính là nhờ khả năng vận động uyển chuyển giữa hai cực đó, nghĩa là biết điều chỉnh và thỏa hiệp nhất định với thực tế cay nghiệt của hoàn cảnh để tồn tại và phát triển, vì lợi ích của dân tộc và lợi ích của cách mạng. 

Có lẽ vì vậy mà ông được thừa nhận rộng rãi ở phương Tây “là một chính trị gia và một nhà ngoại giao tài giỏi, một người đã để lại cho đất nước mình một khuôn mẫu về xây dựng liên minh và thỏa hiệp mà mọi quốc gia đương thời đều đánh giá cao”(21). Đó là một di sản tinh thần quý báu Hồ Chí Minh để lại mà chúng ta phải thấm nhuần và phát huy thật tốt ở bối cảnh chính trị thế giới đang biến chuyển cực kỳ phức tạp và lắt léo hiện nay.
___
(1) Sainteny: Face à Ho Chi Minh, NXB Seghers, Paris, 1970, tr.33. 
(2) V.I.Lênin: Toàn tập, NXB Tiến Bộ, M., 1978, tập 41, các trang: 292, 204, 293. 
(3) Dẫn theo: Tài liệu tham khảo lịch sử cận đại Việt Nam, BNC Văn-Sử-Địa xb, 1956, t.6, tr.187. 
(4) Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính Trị Quốc Gia, 1998, t.2, tr.110-112. 
(5) Tài liệu lưu trữ tại Phòng Quốc tế cộng sản, nay là Trung tâm bảo tồn và nghiên cứu các tài liệu lịch sử hiện đại Nga, viết tắt là R.C., ký hiệu 495.154.462. 
(6) Văn kiện Đảng toàn tập, t.4, tr.367. 
(7) Tờ L’Humanité (9-8-1932) đưa tin Nguyễn Ái Quốc đã chết trong trạm xá nhà tù Hồng Kông vì bệnh lao phổi. (H.V). 
(8) Bài đăng trên Tạp chí Bônsêvích (Cahier du Bolchévisme) số 8, tháng 12-1934. Dẫn lại theo Daniel Hemery: Ho Chi Minh, De l’Indochine au Viet Nam, tr.73. 
(9) Tư liệu lưu tại R.C., ký hiệu 495.201. hồ sơ 1, các tr.154-155-155a. Toàn văn bức thư đã được dịch và in trong sách Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931-1933, NXB Chính Trị Quốc Gia, 2004, tr.239. 
(10) Văn kiện Đảng toàn tập, t.5, tr.204. 
(11) V.Vasilieva: Thư gửi các đồng chí Đông Dương, R.C., ký hiệu 495.154.585, tr.11 
(12) Hồ Chí Minh, toàn tập, t.3, tr.90. 
(13) Stein Tonnesson, trong cuốn Vietnam 1946: How the war began (Việt Nam 1946: Chiến tranh đã khởi đầu như thế nào), NXB ĐH, California, Berkeley, 2010, đã đề cập đến khả năng đảo chính này, nhưng theo ông, Quốc dân đảng Trung Hoa không thực hiện mà ép bọn tay chân phải tham gia chính phủ liên hiệp. Nếu họ cũng hành động như người Mỹ với chính phủ thiên tả ở Seoul, như người Anh với chính phủ ở Jakarta… thì chính phủ Hồ Chí Minh rất ít cơ hội tồn tại. Thay vì cảm ơn, Việt Nam lại chê trách họ (!). Đây là một ngộ nhận của nhà sử học. Điều cần nói là Hà Nội năm 1946 khác xa với Seoul và Jakarta cùng thời điểm ấy. Trung Hoa Quốc dân đảng cũng không có thế mạnh như Anh, Mỹ. Sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và ý chí ngoan cường đấu tranh để bảo vệ nền độc lập của nhân dân Việt Nam như thế nào, những người Trung Hoa Quốc dân đảng có mặt ở Hà Nội đã nhận thấy, họ rất muốn làm mà không dám làm vì đang phải lo đối phó với thất bại trong cuộc nội chiến. Đáng tiếc, đó lại là điều mà ông S.Tonnesson chưa nhận thấy. 
(14) Có thể số thắc mắc không ít, nên đến Hội nghị cán bộ Trung ương lần 5 (từ ngày 8 đến 16-8-1948), thay mặt Ban Thường vụ Trung ương, Lê Đức Thọ đã phải giải thích về sự kiện này. Xem Văn kiện Đảng toàn tập, t.9, tr.316-317. 
(15) Xem thêm: Christopher E. Goscha - Tai bay vạ gió trong ngoại giao? Những nỗi truân chuyên của Việt Nam trên đường hội nhập phong trào Quốc tế cộng sản 1945- 1950. Đông Hiến dịch. Talawas 13-2-2007. 
(16) M. Thorez, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp, năm 1946 đang làm Phó Thủ tướng trong chính phủ liên minh với Đảng Xã hội, đã nói với Đô đốc D’Argenlieu rằng: “Đô đốc ạ… tất nhiên tôi momg rằng mọi sự giải quyết êm thấm với Việt Minh, nhưng tóm lại - với một giọng chắc nịch - màu cờ của chúng ta trên hết! Vậy nếu phải đánh thì cứ đánh, đánh cho mạnh! 
(Chronique d’Indochine 1945-1947 của A.Thierry d’Argenlieu, NXB Albin Michel, tr.168). 
(17) Trong Nhật ký của một bộ trưởng, ông Lê Văn Hiến đã ghi lại cảm xúc vô cùng cay đắng, khó hiểu của mình vào giờ phút đó: Tại sao Stalin có thể công nhận một chính phủ tư sản mà Chính phủ Hồ Chí Minh do Đảng Cộng sản lãnh đạo lại không được ông đoái hoài? 
(18) Cũng thời gian này, một cuốn tiểu sử tương tự cũng được xuất bản bằng tiếng Việt ở Paris, đề tên tác giả là Nghị sĩ Trần Ngọc Danh, do Chi hội Liên Việt tại Pháp xuất bản năm 1949. 
(19) Theo Trương Quảng Hoa: Ghi chép bí mật về quyết sách giúp Việt Nam chống Pháp, đăng trên tạp chí Viêm Hoàng Xuân Thu, số 10 năm 1995. 
(20) Trong cuộc tiếp, nhân trên bàn có cuốn họa báo Liên Xô trên công trường, có ảnh Stalin, Hồ Chí Minh bèn xin Stalin một chữ ký để làm kỷ niệm. Stalin ký tặng rồi sau đó sai KGB bí mật lấy lại. Điều này làm cho Hồ Chí Minh rất bức xúc: “Làm sao lại có thể có chuyện đó giữa những đồng chí cộng sản với nhau? ”. 
(21) Sophie Quinn-Judge: Ho Chi Minh - The Missing Years. University of California Press Berkeley Los Angeles, tr.256-257.

HỒN VIỆT



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét