Singapore
là thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) không chỉ được
ca ngợi là quốc gia có nền kinh tế phát triển mà còn được đánh giá có
một chính phủ trong sạch. Singapore có bốn kinh nghiệm chống tham nhũng có hiệu quả.
Xin giới thiệu đến độc giả bốn kinh nghiệm này.
1. Làm cho quan chức không dám tham nhũng
Ở Singapore khi một người được tuyển vào làm công chức, quan chức chính
phủ thì hằng tháng phải trích một phần tiền lương để gửi tiết kiệm.
Thoạt đầu trích 5%, sau tăng dần. Người có chức vụ càng cao, thì phần
trăm trích ra gửi tiết kiệm càng lớn, có thể lên tới vài chục phần trăm
lương tháng. Số tiền này do nhà nước quản lý. Bất kỳ công chức, quan
chức nào phạm tội tham nhũng dù nhẹ ở mức xử phạt ra khỏi ngạch công
chức thì toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm bị trưng thu.
Quan
chức càng to thì số tiền bị trưng thu càng lớn. Vì vậy, mỗi quan chức
khi nảy ý định tham nhũng đều phải tính toán: Nếu tham nhũng, nhận hối
lộ mấy trăm, thậm chí cả ngàn đô la Singapore mà bị tịch thu hàng chục
ngàn đô la, bị sống trong hoàn cảnh không lương bổng cho đến lúc chết
thì “mất” lại nhiều hơn “được”. Vì thế, đại đa số chọn giải pháp không
tham nhũng; quan chức cấp càng cao, lương càng nhiều càng sợ không dám
tham nhũng.
2. Làm cho quan chức không thể tham nhũng
Chính phủ
Singapore quy định và thực hiện mỗi năm công chức, viên chức, quan chức
phải khai báo một lần với nhà nước về tài sản của bản thân hoặc của vợ
(chồng) bao gồm: tiền thu nhập, tiền gửi tiết kiệm, tiền cổ phiếu, đồ
trang sức, ô tô, nhà cửa… Những tài sản tăng lên phải khai rõ nguồn gốc,
cái gì không rõ nguồn gốc có thể coi là tham ô, tham nhũng.
Nhà
nước còn quy định: Quan chức chính phủ không được phép nợ nần; không
được vay một khoản tiền lớn vượt quá tổng ba tháng lương. Singapore có
thị trường mua bán cổ phiếu, nhưng quan chức chính phủ muốn mua cổ phiếu
phải được lãnh đạo cơ quan chủ quản đồng ý và chỉ được phép mua cổ
phiếu của công ty trong nước. Với cổ phiếu của các công ty nước ngoài
đang kinh doanh ở Singapore cũng được phép mua, nhưng với điều kiện các
công ty đó không có quan hệ lợi ích với chính phủ. Công chức và quan chức chính phủ không được phép đến các sòng bạc, nhà chứa.
Luật
báo chí Singapore quy định những điều khoản nhằm chống tham nhũng trong
lĩnh vực này. Theo đó, các nhà báo, ký giả muốn gửi bài viết của mình
ra nước ngoài phải qua tổng biên tập xem xét. Khi được trả tiền nhuận
bút, nhà báo đó phải báo cáo với cơ quan chức năng của chính phủ trong
vòng 7 ngày kể từ khi nhận được tiền v.v...
3. Làm cho quan chức không cần tham nhũngSingapore
có chế độ trả lương chênh lệch khá cao giữa quan chức cấp cao với cấp
thấp, với công chức và giữa công chức với nhân viên, công nhân. Thu nhập
thấp nhất là người bảo mẫu mỗi tháng 400 đô la Singapore. Nữ công nhân
lắp ráp điện tử mỗi tháng từ 600 đến 900 đô la. Công chức cơ quan chính
phủ tất cả đều tốt nghiệp đại học, lương khởi điểm khoảng 1.300 đô la.
Cấp thứ trưởng lương tháng từ 10.000 đến 20.000 đô la. Thủ tướng lương
tháng hơn 40.000 đô la (thời điểm năm 2000).
Với
mức lương như vậy, quan chức đủ sống và chu cấp cho gia đình mà không
cần tham nhũng. Hơn nữa với cách trả lương như vậy công chức và quan
chức chính phủ luôn có sự so sánh: Mình được trả lương cao hơn người lao
động bình thường rất nhiều. Nếu mình tham ô, tham nhũng nữa thì là kẻ
vô đạo lý, mất hết liêm, sỉ. Sự so sánh và tự vấn đó đã làm cho quan
chức tự tiêu hủy những tham vọng không trong sáng của mình.
4. Làm cho quan chức không muốn tham nhũng
Ở Singapore
muốn tham nhũng một thứ gì đó, dù nhỏ cũng rất phiền hà. Ví dụ, khi
khách nước ngoài đến Singapore, nếu họ muốn tặng các quan chức nước chủ
nhà một món quà để cảm ơn về sự đón tiếp và thắt chặt mối quan hệ thì
món quà đó phải mang ý nghĩa văn hóa với giá trị tiền không nhiều. Món
quà nào có giá trị 100 đô la Singapore trở lên là họ từ chối hoặc phải
xin phép lãnh đạo cơ quan, nếu đồng ý mới được nhận. Nhưng khi nhận rồi
lại phải báo cáo với lãnh đạo cơ quan xem xét. Nếu món quà đó có giá trị
tiền quá mức quy định và quan chức đó vẫn muốn nhận thì phải nộp tiền.
Số tiền nộp thêm đưa vào tài khoản quỹ “nộp phạt” của chính phủ.
Chuyện
kể rằng, một phái đoàn quan chức của Chính phủ Singapore được cử sang
một nước nọ để ký một hiệp định liên doanh sản xuất. Nhận thấy hiệp định
này đem lại nhiều lợi ích cho mình, giới chức nước chủ nhà đã tặng
những món quà lưu niệm có giá trị cao cho quan chức đoàn Singapore. Bởi
sự quá nhiệt thành của chủ nhà, họ không sao từ chối được. Nhưng cứ nghĩ
đến việc khi về nước lại mang quà biếu này đến cơ quan khai báo, phải
mua lại và chuyển tiền vào tài khoản quỹ “nộp phạt” thì quả là phiền
toái, cả đoàn đều phải “đành lòng” viết thư cảm ơn và gửi lại quà ở sân
bay trước khi trở về Singapore.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét