02-11-2014
VNTB: Nếu tại kỳ họp đầu năm 2014, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi về tổ chức tín dụng, trong đó dành hẳn một chương về phá sản các tổ chức tín dụng, thì đến kỳ họp cuối năm nay, tình hình đã trở nên bi đát đến mức "cơ quan quản lý đang tiến hành xem xét cho giải thể một số TCTD phi ngân hàng".
Có thể coi đây là tín hiệu chính thức dẫn dắt đến một chiến dịch cho phá sản ngân hàng trong tương lai không xa.
Vào giữa năm 2014, có đến gần một chục ngân hàng đã phải lộ thiên về tình trạng nợ xấu vượt quá mức cho phép 3%, trong đó cái tên Agribank được nhắc đến đầu tiên với nợ xấu quán quân và số lượng kỷ lục cán bộ quản lý bị bắt.
Sở hữu chéo, rút ruột và tham nhũng cùng vô số di hại của chúng đang làm cho hệ thống ngân hàng trở nên vô phương xử lý. Đặc biệt là xử lý về nợ xấu.
Ngay trước kỳ họp quốc hội, lần đầu tiên Thống đốc ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình đã buộc phải công bố về con số nợ xấu lên đến 500.000 tỷ đồng.
Đánh giá về quá trình "tái cơ cấu ngân hàng', chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành gần đây nói thẳng: "Ngân hàng nhà nước đã chẳng làm gì cả"!
Sẽ cho phá sản một số tổ chức tín dụng phi ngân hàng
Cơ quan điều hành cũng đang xem xét cho giải thể một số TCTD phi ngân hàng.
Sáng 1/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng.
Xóa tên một số TCTD phi ngân hàng
Trình bày báo cáo giám sát về tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, hệ thống tài chính ngân hàng dù trải qua 3 cuộc “đại phẫu” lớn (giai đoạn 1 từ 1998 – 2003; giai đoạn 2 từ 2005 – 2008 và giai đoạn 3 từ 2012 – nay), nhưng còn rất nhiều vấn đề đáng lo ngại đặt ra đối với hệ thống này.
Đặc biệt, nhiều nhà băng dù đã trải qua cuộc “đại phẫu” ở giai đoạn đầu tiên, song tới nay vẫn rơi vào khó khăn. Vì thế, hầu hết các NHTMCP được sắp xếp, chấn chỉnh lần thứ 3 (từ năm 2012 đến nay) cũng là những ngân hàng đã từng tái cơ cấu 2 lần trước.
Đơn cử, NHTMCP Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa, Sài Gòn (đã tái cơ cấu lần 1); NHTM Nhà Hà Nội (lần 1), Sài Gòn-Hà Nội (lần 2 chuyển đổi từ NHTM cổ phần nông thôn Nhơn Ái), Nam Việt (lần 2 từ NHTM cổ phần nông thôn Sông Kiên), Phương Tây (lần 2 từ NHTM cổ phần nông thôn Miền Tây), Đại Tín (lần 2 từ NHTM cổ phần nông thôn Rạch Kiến), Dầu khí toàn cầu (lần 2 từ NHTM cổ phần nông thôn Ninh Bình).
Với cuộc “đại phẫu” lần thứ 3, sau hơn 2 năm thực hiện đã phê duyệt 8/9 NHTMCP yếu kém. Đã có 3 ngân hàng đã hợp nhất với nhau, 1 ngân hàng đã được hợp nhất với 1 tổ chức tín dụng khác, 1 ngân hàng đã được sáp nhập vào 1 ngân hàng khác, 3 ngân hàng đã được chấp thuận phương án tự cơ cấu lại.
Các NHTM Nhà nước tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt thị trường. Cùng với đó, cơ quan quản lý đang tiến hành xem xét cho giải thể một số TCTD phi ngân hàng.
Đánh giá về tái cơ cấu ngân hàng, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu nhìn nhận, các giải pháp vừa qua về sắp xếp, chấn chỉnh trong hệ thống ngân hàng chưa có sự thay đổi lớn về chất, chưa có sự tham gia của các NHTM lớn, có tiềm lực tài chính mạnh trong quá trình tái cơ cấu các ngân hàng nhỏ, yếu kém. Một số giải pháp áp dụng trong quá trình tái cơ cấu còn mang tính tình thế. Các giải pháp được triển khai trong thời gian qua chủ yếu là TCTD tự xử lý nợ xấu, đã làm giảm mức độ năng lực tài chính, hiệu quả kinh doanh của TCTD trong ngắn hạn.
“Nếu các biện pháp tự xử lý nợ xấu của TCTD và cơ cấu lại nợ không được hỗ trợ tích cực bởi sự phục hồi kinh tế, thực thi có hiệu quả các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, xử lý nợ tồn đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản chậm, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường bất động sản và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì nợ xấu vẫn tiềm ẩn rất lớn, xử lý khó khăn hơn và có nguy cơ tăng mạnh”- ông nói.
Sở hữu chéo thao túng hoạt động ngân hàng
Một trong những tồn tại lớn nhất của hệ thống ngân hàng là vấn đề sở hữu chéo. Nếu nợ xấu được ví như “cục máu đông” thì sở hữu chéo với ma trận chằng chịt được ví như “ung nhọt” đang tồn tại.
“Sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống tổ chức tín dụng thiếu minh bạch, vốn điều lệ ở một số ngân hàng thương mại cổ phần không phản ánh đúng thực chất, dẫn đến nguy cơ chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng”- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế báo cáo.
Tình trạng lũng loạn sở hữu chéo tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng tới an toàn từng nhà băng, cũng như toàn hệ thống ngân hàng. Thực tế trên tồn tại kéo dài nhiều năm, cần được xử lý từng bước, nhưng quyết liệt, triệt để và bằng nhiều giải pháp đồng bộ.
Bên cạnh đó, việc xử lý nợ xấu chậm do vướng mắc cả về thể chế và mô hình. Hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) còn gặp một số vướng mắc. Cơ sở pháp lý cho mua bán nợ xấu chưa rõ ràng, thiếu cơ chế, nguồn lực cho việc xử lý nợ xấu. Trong khi các bên liên quan thiếu động cơ để đẩy mạnh tiến trình xử lý nợ xấu thì bản thân VAMC không đủ nguồn lực để thực hiện theo phương thức "mua đứt bán đoạn”.
Một vấn đề nữa cũng được đoàn giám sát chỉ ra là khách hàng vay cũng chưa chủ động cơ cấu lại hoạt động, tăng cường năng lực tài chính, quản trị và tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh để trả nợ ngân hàng do tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trong đó nhiều trường hợp khách hàng vay trây ỳ, trốn tránh trách nhiệm trả nợ và không hợp tác với ngân hàng trong việc xử lý nợ. Một số tổ chức tín dụng thì chưa chủ động tái cơ cấu và tích cực xử lý nợ xấu, bán nợ xấu cho VAMC, đồng thời chưa minh bạch chất lượng tín dụng và nợ xấu.
Theo Infonet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét