Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

"Tăng quyền cho thủ tướng": Thường vụ quốc hội bắt đầu "phản kích"

04-11-2014


VNTBĐúng hai tuần sau phiên khai mạc kỳ họp quốc hội cuối năm 2014, cơ quan chóp bu là Ủy ban thường vụ quốc hội đã bắt đầu "phản kích" một cách có hệ thống, bài bản và theo chiều sâu dành cho dự luật "tăng quyền cho thủ tướng" - còn được gọi chính thức là Luật tổ chức chính phủ.

Rất đáng chú ý, hầu hết những thẩm quyền thiết yếu và thiết thân nhất của thủ tướng được đề cập trong dự luật trên đã bị Báo cáo thẩm tra dự án luật - soạn thảo bởi ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - "quy chiếu" theo Hiến pháp, mà có thể hiểu như một cách bác bỏ gián tiếp.

Đó là những quyền về bổ nhiệm, cách chức hàng quan đầu bộ và đầu tỉnh thành. Một quyền khác liên quan đến khả năng "Thủ tướng thống lĩnh quân đội" cũng bị "đặt dấu hỏi". 

Cần nhắc lại, trong phiên họp của Ủy ban thường vụ quốc hội ngay trước kỳ họp quốc hội lần này, một số quan chức quốc hội đã đặt câu hỏi khá thẳng thừng về việc dự luật "tăng quyền cho thủ tướng" đề cập sâu xa một cách bất thường đến vai trò "quản lý quân đội" của thủ tướng. Có dư luận nội bộ còn cho rằng phải chăng quyền hạn đó là một cách "chia sẻ quyền lực" với Chủ tịch nước.

Cũng trong phiên họp trên, Phó chủ tịch quốc hội Tòng Thị Phóng còn đặt ra một câu hỏi chưa từng có tiền lệ: "Thủ tướng độc lập với ai?". 



Đề nghị cân nhắc 4 quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ


Ngọc Quang

(GDVN) - Báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật tán thành nhiều nội dung, đồng thời đề nghị cân nhắc 4 quyền hạn của Thủ tướng.

Báo cáo thẩm tra dự án luật cách đây ít phút, ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết ủy ban này đề nghị cân nhắc 4 thẩm quyền sau của Thủ tướng Chính phủ cho phù hợp quy định của Hiến pháp:

Một là, trong thời gian Quốc hội không họp, trình Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tại khoản 3 Điều 24.

Hai là, giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong trường hợp khuyết Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong khi chờ Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm tại khoản 5 Điều 24.

Ba là, tạm thời giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp chưa bầu được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại khoản 6 Điều 24.

Bốn là, Quyết định và chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể cần thiết để thi hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhân dân tại khoản 9 Điều 24. Bởi vì, trường hợp các biện pháp này hạn chế quyền con người, quyền công dân thì phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 14 Hiến pháp mà không thể quy định chung thẩm quyền này cho Thủ tướng Chính phủ như quy định của dự thảo Luật.


Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: TTBC.
Bên cạnh đó, Điều 47 dự thảo Luật quy định: Thủ tướng Chính phủ báo cáo hoặc ủy nhiệm cho “Bộ trưởng, Văn phòng Chính phủ” là người phát ngôn của Chính phủ thường xuyên thông báo trước nhân dân, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Phan Trung Lý: "Một số ý kiến trong Ủy ban pháp luật cho rằng, theo quy định tại khoản 6 Điều 98 Hiến pháp thì trách nhiệm báo cáo trước nhân dân là trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng Chính phủ đã được Hiến định. Do đó, ý kiến này đề nghị cần quy định rõ những trường hợp nào thì Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho người phát ngôn của Chính phủ. Còn lại, Thủ tướng Chính phủ vẫn có nghĩa vụ thường xuyên thông báo trước nhân dân, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ".

Trước đó, ông Nguyễn Thái Bình – Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình bày trước Quốc hộidự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), trong đó tại Điều 24 quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ gồm 11 điểm:

1. Lãnh đạo công tác của Chính phủ; lãnh đạo xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật.

2. Lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia:

3. Trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, cho từ chức đối với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; trong thời gian Quốc hội không họp trình Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

4. Trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại nước ngoài.

5. Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thứ trưởng, chức vụ tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ; trong trường hợp khuyết Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong khi chờ Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm.

6. Phê chuẩn việc bầu cử, miễn nhiệm và quyết định điều động, đình chỉ công tác, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tạm thời giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp chưa bầu được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đình chỉ, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới, khi không hoàn thành nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao hoặc vi phạm pháp luật.

7. Đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; đình chỉ việc thi hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, đồng thời đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ.

8. Quyết định và chỉ đạo việc đàm phán, chỉ đạo việc ký kết, gia nhập điều ước quốc tế thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; tổ chức thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

9. Quyết định và chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể cần thiết để thi hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhân dân.

10. Quyết định các tiêu chí, điều kiện thành lập hoặc giải thể các cơ quan chuyên môn đặc thù, chuyên ngành thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Quyết định thành lập các cơ quan, tổ chức khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; quyết định thành lập Hội đồng, Ủy ban hoặc Ban chỉ đạo khi cần thiết để giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành.

11. Triệu tập và chủ trì các phiên họp của Chính phủ.

12. Thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Giáo dục Việt Nam

2 nhận xét:

  1. Nếu thực hiện đúng như trong dự thảo luật TỔ CHỨC CHÍNH PHỦ thì tốt nhất không nên có cái ông CHỦ TỊCH NƯỚC nữa ! Vì cái ông chủ tịch nước sẽ làm gì khi mà ông thủ tướng lắm quyền hạn như vậy ? Đây chính là cái trò " phân chia quyền lực " thâm chí có thể gọi là : tranh giành quyền lực !

    Trả lờiXóa
  2. Có thể là một bước tiến đến chế độ bầu cử tổng thống chăng???

    Trả lờiXóa