Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

Lần này phải là thể chế chính trị

Theo Blog Phalanxist
02-11-2014

Không hề có gì phi lý với những gì sẽ diễn ra trong những năm tiếp theo nếu không có những thay đổi thể chế, lần này phải là thể chế chính trị.

VỀ SỐ PHẬN CỦA MAFIA TÀI CHÍNH – NGÂN HÀNG – BẤT ĐỘNG SẢN

Sự kiện đáng quan tâm nhất trong những tuần vừa qua: ông Hà Văn Thắm – chủ tịch ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank), bị khởi tố và bắt tạm giam. Tiếp theo đó, những thông tin theo kiểu “ai cũng biết chỉ một số rất ít người giả đò không muốn biết” về mối liên hệ giữa ông Thắm và các ông anh ông chú đỡ đầu cho ông ta được bung ra. Những đồn thổi về câu chuyện đấu đá quyền lực ở thượng tầng lãnh đạo là điều không thể tránh khỏi. Những phát biểu nơi nghị trường, những thông tin bạch hóa từ các quan chức chính phủ và từ các đại biểu quốc hội về thực trạng nợ công, việc phát hành trái phiếu chính phủ (một hình thức vay nợ của chính phủ nhưng tránh được việc in thêm tiền) v.v và v.v…liên tiếp được truyền tải trên các phương tiện thông tin. Rồi đến việc ông Đinh La Thăng thuyết trình đề án cổ phần hóa sân bay Phú Quốc, cổ phần hóa đường cao tốc quốc gia (cổ phần hoá – một uyển ngữ của hình thức tư nhân hóa), sân bay Tân Sơn Nhất quá tải & đầu tư mới sân bay Long Thành…khiến chúng ta không thể không liên hệ đến đề cập của T.T Nguyễn Tấn Dũng hồi đầu năm: đã đến lúc cải cách thể chế. Hiểu được những gì đã – đang xảy ra, mối liên hệ giữa những động thái này và tại sao sẽ khiến cho chúng ta có cái nhìn rõ ràng hơn về tương lai mù mịt phía trước, chúng ta sẽ trở thành cái gì và cái giá phải trả gồm những gì. Đặc biệt hơn, khi chúng ta xem xét cách thức các mối liên hệ ở một góc lùi nhất định, chúng ta sẽ thấy rõ các động cơ chính trị đã nhấn chìm xã hội chúng ta như thế nào. Hãy bắt đầu bằng việc ông Hà Văn Thắm bị bắt và những mối liên hệ giữa giới mafia tài chính – ngân hàng – bất động sản với giới cầm quyền.

Những khủng hoảng theo chu kỳ là một phần của chu trình “bùng – vỡ” (boom – bust / một khái niệm của George Soros). Khủng hoảng hiện tại vẫn chưa phải là đỉnh điểm của một pha bùng phát đã kéo dài từ những năm 1986 (thời kỳ bắt đầu chính sách mở cửa), nó chỉ mới ở đâu đó giữa những điểm của cái mà George Soros gọi là còn-lâu-mới-cân-bằng. Đợt bùng nổ kinh tế dưới thời kỳ đầu mở cửa (1986) kết thúc vào giữa những năm 90, đồng thời khi cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á xảy ra (nhưng nó đã không tác động nhiều đến Việt Nam). Sau đó là một thời kỳ mới phát triển nhanh và mạnh hơn với những động lực cải cách kinh tế sâu và rộng hơn, thời kỳ này cũng đã chấm dứt đồng thời với cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, khi đó Việt Nam đã hội nhập với nền kinh tế thế giới, nó đã không thể đứng ngoài những tác động như thời 1997. Những động lực phát triển được tạo ra từ những thay đổi trong tư duy thay đổi thể chế kinh tế đã chạm biên . Và đã chấm dứt một cách rùm beng với hàng loạt những ông trùm tài chính – ngân hàng – bất động sản hoặc phải vướng vòng tù tội hoặc nhẹ nhàng hơn – rút êm trong nước mắt. Từ quan điểm này, không hề có gì phi lý với những gì sẽ diễn ra trong những năm tiếp theo nếu không có những thay đổi thể chế, lần này phải là thể chế chính trị. Nếu không Việt Nam sẽ vướng lâu vào cái vòng còn-lâu-mới-cân-bằng và còn có thể dẫn đến những bất ổn không đoán trước được như những gì đã xảy ra ở Indonesia với sự ra đi của đế chế Suharto.
Khi cuộc khủng hoảng kinh tế trở nên trầm trọng, người dân sẽ đặt ra nghi ngờ đối với tính liêm chính và vai trò lãnh đạo của giới lãnh đạo đang nắm quyền. Điều này có thể tạo ra bất ổn về chính trị và dẫn đến bất ổn xã hội. Đây là điều mà chúng ta đang chứng kiến. Sự bất ổn xã hội này, đến lượt nó sẽ làm cho giới lãnh đạo bất an mặc dù họ liên tục tự trấn an: chúng ta không sợ hãi gì ngoài chính nỗi sợ hãi. Quyền lực chính trị phải đối mặt với sự nổi lên của các quyền lực kinh tế, cho dù thứ quyền lực kinh tế được ân sủng bởi quyền lực chính trị, thì quyền lực đó vẫn đang ngày một tăng lên. Trong số những khuôn mặt đang nắm quyền, không ai trong số họ khả dĩ có khả năng lèo lái quốc gia vượt qua những bất ổn của một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Và cũng không ai trong số họ biết cách giải quyết vấn đề thông qua chính sách kinh tế hiện hữu (đã chạm biên). Những cố gắng, có chăng chỉ là khía cạnh tâm lý của vấn đề, cố gắng tạo cảm giảm rằng giới cầm quyền đang làm một số việc thông qua những câu thần chú đại loại như: quyết liệt phòng chống tham nhũng, chống âm mưu bè phái – lợi ích nhóm, tái cơ cấu nghành tài chính – ngân hàng…Một phần của việc khôi phục lòng tin là phải có người chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng này. Đây chính là lúc số phận của giới mafia tài chính-ngân hàng-bất động sản được định đoạt. Bằnng cách đổ tội cho nhóm này, cùng một lúc những người nắm quyền lực đạt được nhiều mục tiêu khác nhau. Nó làm hài lòng phe bảo thủ bởi việc củng cố sức mạnh nhà nước. Như thường lệ, phần đông người dân bị thu hút bởi những vụ bắt bớ kiểu này, họ thỏa mãn tạm thời. Dân chúng được nhìn thấy lãnh đạo đang hành động quyết liệt và tước bỏ quyền lực của đám mafia chuyên hút máu quốc gia.
Nhưng thực tế, những nguyên nhân cơ bản gây nên cuộc khủng hoảng trầm trọng lần này vẫn chưa được giải quyết. Tương lai bất ổn nào đang ở phía trước? Sẽ còn nhiều điều phải bàn về việc khuynh hướng nào sẽ được lựa chọn. Những mâu thuẫn giữa quyền lực nhà nước và quyền lực thị trường cần phải được giải quyết ra sao?
Sài Gòn, 02/11/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét