04-11-2014
Chính phủ Việt Nam vừa ra báo cáo trong đó cho biết hơn một nửa số nợ xấu, được xác định từ cuối quý ba năm 2012, đã được xử lý.
Phân loại nợ xấu tại Việt Nam vẫn có khoảng cách lớn so với tiêu chuẩn quốc tế |
Theo đó, tính đến tháng 10 năm 2014, Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) đã xử lý được 54,3% tổng số nợ xấu từ tháng Chín năm 2012.
Bản báo cáo cũng dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nói tính đến tháng 10, VAMC đã "thu hồi được gần 95 nghìn tỷ đồng nợ xấu ... bán được gần 4 nghìn tỷ đồng nợ xấu và có lãi."
"Tỷ lệ nợ xấu cho đến nay giảm còn 5,43% so với mức 17% vào năm 2012", báo cáo có đoạn.
Tuy nhiên, những con số này đã bắt gặp phải sự hoài nghi từ giới chuyên gia trong nước.
"95 nghìn tỷ đồng này chỉ là trái phiếu mà VAMC viết cho các ngân hàng thương mại đã bán lại nợ xấu cho họ, chứ sự thật thì nợ xấu vẫn đang tồn tại ở đó", tiến sỹ Phạm Thế Anh, giảng viên tại Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, nói trong cuộc phỏng vấn với BBC hôm 4/11.
"Việc nói giải quyết 4 nghìn tỷ ... tôi nghĩ là nếu khoản nợ xấu nào đó thực sự hấp dẫn và ngân hàng thương mại có đối tác bên ngoài muốn mua thì họ có thể bán trực tiếp, chứ VAMC không có chức năng đó," ông nói thêm.
"Vốn điều lệ của VAMC chỉ có 500 tỷ đồng thôi, quá nhỏ so với 95 nghìn tỷ đồng, đó không phải là tiền để giải quyết nợ xấu. Đây chỉ là khâu trung gian để ngân hàng thương mại có thể tái cấp vốn từ NHNN".
Ông Thế Anh cũng đặt câu hỏi về độ tin cậy của các số liệu do NHNN đưa ra.
"Con số của NHNN công bố thì rất khác nhau", ông nói.
"Trong cuộc họp hồi tháng Chín thì thống đốc NHNN thông báo nợ xấu là 5,43%. Nhưng sau đấy một hai tuần thì vị phó thống đốc lại đưa ra con số hơn 3%.
"Không thể nào chỉ trong vài tuần mà con số nợ xấu giảm mấy phần trăm được."
"Con số nợ xấu là bao nhiêu, ngay bản thân những người đại diện cho NHNN nói khác nhau đã là một điều vô lý rồi."
"Cá nhân tôi không tin vào con số đó. Nhưng tôi biết chắc rằng nợ xấu của NHNN và các tổ chức tín dụng là khá lớn."
"Nợ của Vinalines đã lên đến 75-80 nghìn tỷ đồng rồi, nợ tại một số công ty, tổ chức tín dụng khác cũng lên đến vài trăm nghìn tỷ đồng."
Cơ chế thị trường?
Chính phủ Việt Nam cho biết một trong các mục tiêu trong thời gian tới là "nâng cao năng lực, phát huy vai trò của VAMC, trong đó có việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường".
Tuy nhiên, theo tiến sỹ Thế Anh, tình trạng thiếu minh bạch trong thống kê hiện nay là lực cản lớn cho nỗ lực thành lập một cơ chế thị trường cho việc mua bán nợ xấu tại Việt Nam.
"Trong khoảng 2 năm qua thì thực sự tôi chưa nhìn thấy sự tiến bộ nào trong việc minh bạch hóa thông tin về nợ xấu của ngân hàng thương mại và thống kê nợ công của chính phủ", ông nói.
"Cách phân loại, thống kê nợ của họ không hề công khai minh bạch. Tôi không biết được nợ như thế nào gọi là nợ xấu".
"Các con số mà giới chuyên gia và các tổ chức đưa ra là phỏng đoán và không ai biết con số thực sự là bao nhiêu."
Ông cho rằng để thành lập một cơ chế thị trường cho việc bán nợ xấu, "trước tiên phải công khai minh bạch về tiêu chí xếp hạng nợ xấu và quy mô nợ xấu".
"Các nhà đầu tư họ tiếp cận được thông tin, đánh giá được khoản nợ xấu thì mới định được giá mà mua bán trao đổi", ông nói.
"Ở Việt Nam chưa hình thành thị trường mua bán nợ xấu. Ngay cả các ngân hàng thương mại cũng chưa chắc đã muốn công khai những khoản nợ xấu đang gánh."
"Cũng có thể đó là thông tin nhạy cảm vì quy mô nợ xấu của họ quá lớn so với hoạt động của họ và làm lo ngại về tính an toàn của họ nên họ không muốn công khai."
Nợ công vẫn tăng
Các thông tin về nợ xấu được công bố giữa lúc các lãnh đạo cao cấp trong nước tiếp tục đưa ra nhận định trái chiều nhau về nợ công.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong cuộc họp chính phủ thường kỳ hôm 29/10, khẳng định “nợ công vẫn đang trong giới hạn cho phép" và tuyên bố chính phủ sẽ "chịu trách nhiệm trước nhân dân về vấn đề này”.
Phát biểu của ông Dũng có vẻ như đi ngược lại với nhận định trước đó của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Phát biểu trước cử tri TP.HCM sáng 15/10, ông Sang nói: "Cách đây mấy năm, tổng thu ngân sách chi thường xuyên khoảng 50%, bây giờ chi thường xuyên đã lên tới 72%", ông nói.
“Nếu cái đà này còn lên nữa. Như thế, phần còn lại không đủ trả nợ đến hạn và phải vay để trả nợ”.
“Nó nguy cỡ đó đó, chứ không phải đơn giản đâu. Không thể rủng rỉnh được, không phải đơn giản được, không thể thoải mái được lúc này”.
“Tôi nói hơi gay gắt, chúng tôi trước hết phải chịu trách nhiệm”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét