10-11-2014
Hôm nay Tổng thống Barack Obama đến Bắc Kinh dự APEC. Trong tư thế gì? Trên National Interest (7-11-2014), nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Hoa Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) viết: “So với những trạng huống mà Obama đối mặt cách đây 5 năm, khi Trung Quốc được đặt cược chắc chắn trở thành cường quốc tương lai, thì (bây giờ) ông ấy (Obama) có thể đang ở vị trí mạnh hơn so với Tập trong việc giành được cảm tình đối với các nước tham dự APEC”. Họ Bùi đánh giá có phần thiên lệch cho Obama. “Cảm tình” mà Bùi Mẫn Hân đề cập có thể là cảm tình dành cho nước Mỹ chứ không phải cá nhân Obama. Châu Á-Thái Bình Dương trong thực tế đang mất niềm tin vào chính sách tái cân bằng của tổng thống Mỹ.
Không so sánh nước Mỹ và Trung Quốc, trong đó có các yếu tố liên quan quân sự, kinh tế, chính trị-xã hội…, chỉ so sánh cá nhân giữa hai nguyên thủ, có thể thấy Obama thật ra lép hơn Tập. Quan sát kết quả các cuộc “giao đấu” giữa hai bên tại Đông Nam Á đã có thể thấy điều đó. Lên nắm quyền muộn hơn Obama 4 năm nhưng Tập tăng tốc dữ dội với các động thái leo thang đe dọa an ninh khu vực. Tập tận dụng tốt khoảng trống thời gian khi Obama dò từng bước triển khai chính sách tái cân bằng (đến mức các tướng tư lệnh vùng của Mỹ còn bày tỏ bất mãn). Tập luôn đặt trước mọi sự ở thế đã rồi. Obama là người đi trước quân cờ nhưng ông không ấn định được thế đánh hòng khiến đối phương phải nghĩ cách gỡ. Mà là ngược lại.
8 năm Mỹ dính vào cuộc chiến chống khủng bố thời Bush đã tạo điều kiện cho Trung Quốc tranh thủ tác oai khu vực. Obama đã nhận ra điều đó từ ngay khi mới vào Nhà trắng và ông nhanh chóng “sửa sai” hậu quả di sản George W. Bush. Tuy nhiên, như cách ông thừa nhận rằng “tranh cử và lãnh đạo là hai điều khác nhau” (trong cuộc phỏng vấn truyền hình ngày 9-11-2014), việc ông nói với việc ông thực hiện cũng là hai điều khác nhau. Nhà bình luận Fareed Zakaria đã phải thốt lên: “Chính sách xoay trục châu Á vẫn nghe hùng biện hơn thực tế. (Mỹ) đã hứa tăng cường quân sự rộng hơn tại Philippines, Singapore và Úc nhưng gần như không có bằng chứng cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào của những điều đó trên thực tế” (CNN 9-11-2014). 5 năm sau khi tuyên bố xoay trục châu Á và nhấn mạnh rằng nơi này mới là trọng điểm đối ngoại của Mỹ, Obama nay đến Bắc Kinh, lần thứ hai, với kết quả không đáng là bao. Điều đáng tiếc nhất là Obama đã thành công trong việc đánh động mối nguy hiểm Trung Quốc đối với an ninh khu vực nhưng ông làm không đủ mạnh để khống chế đối thủ mà có phần làm cho nó hung dữ và liều lĩnh hơn.
Một nước Mỹ suy yếu về đối ngoại là điều người Mỹ không bao giờ chấp nhận. Và Mỹ cũng là quốc gia có truyền thống sửa sai nhanh. Hai năm còn lại của Obama có thể sẽ ít nhiều mang màu sắc Cộng hòa hơn là phản ánh đường lối theo nguyên bản Obama. Điều đó, nếu xảy ra, sẽ mang lại ảnh hưởng tích cực cho châu Á. Cộng hòa ủng hộ TPP, ủng hộ tăng cường quân sự tại châu Á, ủng hộ tăng ngân sách cho Lầu năm góc, ủng hộ thắt chặt bang giao Đài Loan, ủng hộ nhân quyền và dân chủ châu Á, ủng hộ thắt chặt quan hệ quân sự Việt-Mỹ. Và tất nhiên họ ủng hộ một chính sách cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh. Với cách tư duy quen thuộc của người Mỹ, có thể đoán rằng, một kịch bản đối ngoại của Cộng hòa chắc chắn đang được phác thảo ngay từ thời điểm này, bất luận họ có thành công trong việc vào Nhà trắng sau hai năm nữa hay không. Như đã nói, người Mỹ không dễ dàng đầu hàng, và rất giỏi sửa sai. Lần này là “sửa sai” của “sửa sai”!
AP PHOTO/PABLO MARTINEZ MONSIVAIS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét