08-9-2014
Trả lời báo Đức, ngày 07/09/2014, lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, tuyên bố ông muốn là nhà lãnh đạo tâm linh cuối cùng của định chế Lạt Ma hóa thân. Việc từ bỏ định chế Lạt Ma hóa thân có thể là một giải pháp cho phép Tây Tạng gia tăng dân chủ hóa và thoát khỏi ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh đạo tinh thần Tây Tạng. Reuters |
Nói chuyện với báo Đức « Welt am Sonntag », ấn bản Chủ nhật của nhật báo « Die Welt », Đức Đạt Lai Lạt Ma nói : « Định chế Đạt Lai Lạt Ma tồn tại đã gần 5 thế kỷ. Truyền thống này có thể chấm dứt với vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 rất được yêu mến ». Theo lời thuật của tờ báo, với nụ cười, lãnh tụ Tây Tạng 79 tuổi giải thích : « Giả như vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 15 xuất hiện và gây ảnh hưởng xấu trên cương vị này, thì toàn bộ định chế Đạt Lai Lạt Ma sẽ bị khinh rẻ ».
Giải Nobel Hòa bình hiện đang sống lưu vong nhấn mạnh : « Định chế Đạt Lai Lạt Ma quan trọng chủ yếu vì (nắm được) quyền lực chính trị. Trong khi đó, tôi đã hoàn toàn từ bỏ quyền lực vào năm 2011, lúc tôi quyết định về nghỉ ». Ông khẳng định rõ : « Định chế Đạt Lai Lạt Ma đã hết thời ».
Theo nhiều nhà quan sát, ngay từ những năm 1990, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 Tenzin Gyatso đã có những bước chuẩn bị để « dân chủ hóa » triệt để định chế chính trị-tâm linh của chính quyền Tây Tạng lưu vong, đặc biệt với việc để cho cộng đồng bầu ra nhà lãnh đạo chính trị, tách sinh hoạt tôn giáo khỏi hoạt động chính trị. Tháng 3/2011, Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 chính thức từ bỏ cương vị lãnh đạo chính trị.
Định chế tiếp nối quyền lực chính trị và tôn giáo tại Tây Tạng thông qua sự hóa thân của Đạt Lai Lạt Ma qua các thế hệ bắt đầu vào khoảng thế kỷ XVII, khi Tây Tạng còn phụ thuộc vào đế chế Mông Cổ. Đứng đầu định chế này là Đạt Lai Lạt Ma, người nắm cả quyền hành thế tục lẫn uy quyền tâm linh. Tuy nhiên, một nhân vật quan trọng có vai trò quyết định trong quá trình này là Ban Thiền Lạt Ma. Đây chính là người lãnh đạo cuộc tìm kiếm một « hóa thân » mới của Đạt Lai Lạt Ma, sau khi « hóa thân » trước qua đời.
Năm 1995, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã chỉ định một cậu bé 6 tuổi làm hóa thân thứ 11 của Ban Thiền Lạt Ma, nhằm chuẩn bị trước cho việc tìm người kế vị. Tuy nhiên, chỉ ba ngày sau, chính quyền Trung Quốc đã bắt cóc người được chỉ định. Cũng cùng năm đó, Bắc Kinh chọn một cậu bé khác làm Ban Thiền Lạt Ma tương lai. Theo chính quyền Trung Quốc, ông Gyancain Norbu được coi là Ban Thiền Lạt Ma « chính thức » thứ 11 của Tây Tạng. Tuy nhiên, Đạt Lai Lạt Ma Tây Tạng không thừa nhận người này.
Tháng 07/2011, trả lời phỏng vấn của kênh truyền thông NBC Hoa Kỳ, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, đã tuyên bố sẽ đích thân chủ trì việc lựa chọn người kế nhiệm. Tiếp đó, trong chuyến công du Úc hồi tháng 6/2013, Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố không loại trừ khả năng một vị nữ tu kế vị.
Tuyên bố hôm qua của nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng càng khẳng định thêm ông muốn từ bỏ hẳn một truyền thống xa xưa của dân tộc mình, để mở cửa cho quá trình dân chủ hóa và cũng là cách để thoát hoàn toàn khỏi ảnh hưởng của Bắc Kinh, muốn tiếp tục dùng truyền thống « lạt ma hóa thân » chi phối người Tây Tạng.
Chấm dứt truyền thống Lạt Ma hóa thân không có nghĩa là chấm dứt các truyền thông tâm linh Tây Tạng nói chung. Năm 2012, báo chí từng đăng tải phát biểu của Đức Đạt Lai Lạt Ma, theo đó, nhiều sư tăng trẻ tuổi có thể trở thành các lãnh đạo tâm linh của Phật giáo Tây Tạng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét