Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

Trung Quốc lại đề nghị VN giải quyết xung đột một cách ôn hòa

10-11-2014

Ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc lại vừa đề nghị Việt Nam hợp tác, xử lý bất đồng một cách ôn hòa và duy trì sự ổn định ở biển Đông.

Bãi Chữ Thập nay đã được biến thành đảo nhân tạo nhằm hỗ trợ cho yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền ở biển Đông. (Hình: Internet)
Đề nghị vừa kể được nêu ra với ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch Nhà nước CSVN, khi ông Sang đến Bắc Kinh tham dự Hội nghị Thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22.
  
Trong cuộc gặp bên lề APEC 22, ông Bình nói với ông Sang rằng, Trung Quốc luôn muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với Việt Nam và mong muốn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia phát triển mạnh mẽ hơn nữa.


Theo Tân Hoa Xã, cả ông Bình lẫn ông Sang cùng cam kết sẽ xử lý các tranh chấp ở biển một cách thỏa đáng thông qua đối thoại, đồng thời tiếp tục phát triển quan hệ song phương.


Ông Bình thừa nhận, đôi khi,  quan hệ Trung - Việt có “sóng gió” nhưng nếu cả hai bên “cùng tập trung vào đại cục, cùng nhìn xa, tôn trọng lẫn nhau, tham khảo ý kiến của nhau” thì vẫn có thể duy trì và phát triển quan hệ song phương.

Ông Sang khẳng định, Việt Nam sẵn sàng giải quyết các tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc “một cách đúng đắn” để quan hệ song phương không bị ảnh hưởng.

Trong tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, Trung Quốc luôn luôn khẳng định, chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa là “không thể tranh biện”. Trung Quốc chỉ đàm phán, giải quyết các tranh chấp về chủ quyền ở quần đảo Trường Sa theo phương thức song phương (đàm phán trực tiếp với quốc gia có liên quan), không chấp nhận đàm phán đa phương (các bên có liên quan cùng thảo luận để giải quyết tranh chấp).

Trước nay, Trung Quốc luôn luôn hứa hẹn, khuyến khích Việt Nam hợp tác, giải quyết tranh chấp một cách ôn hòa để duy trì, phát triển quan hệ Việt – Trung. Những lời hứa, khuyến khích kiểu như vừa kể vốn đã được lập đi, lập lại hàng trăm lần và sau đó, Trung Quốc lại dấn thêm những bước sâu hơn, mạnh mẽ hơn trong việc khẳng định yêu sách về chủ quyền trên biển Đông.

Gần đây nhất, Trung Quốc loan báo đã hoàn thành việc mở rộng phi đạo trên đảo Phú Lâm, một hòn đảo nằm trong quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm của Việt Nam năm 1974.

Trung Quốc cũng đã hoàn tất công việc biến nhiều bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa - trong đó có bãi đá Gạc Ma mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm của Việt Nam năm 1988, thành các hòn đảo nhân tạo để thiết lập những căn cứ quận sự mới ở biển Đông.

Trước đó một chút, hồi trung tuần tháng 9, Tập đoàn dầu khí CNOCC của Trung Quốc loan báo sẽ phát thông báo mời các tập đoàn ngoại quốc dự cuộc đấu thầu 33 lô dầu khí, trong đó có 25 lô ở biển Đông. Năm 2012, Tập đoàn dầu khí CNOCC của Trung Quốc cũng đã từng làm như thế nhằm củng cố các yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc trên biển. Vào thời điểm vừa kể, Tập đoàn dầu khí CNOCC mời thầu 9 lô dầu khí ở biển Đông, cả 9 lô này đều nằm sát bờ biển miền Trung và miền Nam của Việt Nam.

Vào thượng tuần tháng 8, Trung Quốc đưa tàu vào vùng biển của Việt Nam để khảo sát địa chất – thăm dò trữ lượng dầu khí và tìm địa điểm dựng năm hải đăng ở năm hòn đảo (Đá Bắc, Đá Hải Sâm, Duy Mộng, Cồn Cát Nam và Hòn Tháp) trong quần đảo Hoàng Sa.

Chế độ Hà Nội chỉ trích Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam nhiều hơn và mạnh mẽ hơn so với trước, song những chỉ trích này thường lắng xuống sau khi Bắc Kinh vỗ về, trấn an và kèm theo đó, các hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc lại trắng trợn hơn.

Hồi trung tuần tháng 10, sau khi Trung Quốc hứa hẹn thiết lập liên lạc trực tiếp giữa hai Bộ Quốc phòng để ngăn chặn xung đột trên biển, cam kết sẽ cùng Việt Nam “giải quyết và kiểm soát” tranh chấp, truyền thông Trung Quốc công bố, Trung Quốc đã hoàn tất việc biến Chữ Thập – một bãi san hô chỉ lộ diện khi thủy triều xuống, thành hòn đảo nhân tạo có diện tích một cây số vuông.

Nay, Chữ Thập trở thành hòn đảo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa. Trung Quốc đã đưa 200 quân nhân đến trấn đóng tại Chữ Thập và dự trù sẽ xây một phi trường ở đó. Các chuyên gia quân sự nhận định, nếu Trung Quốc hoàn tất việc xây dựng phi trường tại đảo Chữ Thập, Trung Quốc sẽ khống chế toàn bộ vùng trời bên trên Trường Sa. (G.Đ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét