06-11-2014
Ngọc Quang
Sau giải phóng miền Nam có 36 tướng nhưng đánh tan nhiều đế quốc. Nhu cầu phong tướng của ta là gì? Có phải do nhu cầu tác chiến?
Sáng nay (6/11) Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhiều Đại biểu đề nghị xem xét lại vì hiện nay phong tướng quá nhiều.
Tướng là để cho tác chiến, không phải cho kinh doanh
Đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) đề cập tới đề xuất phong hàm Thượng tướng cho Chính ủy Học viện Quốc phòng, hay Thiếu tướng cho một số khoa thuộc học viện và nêu quan điểm: "Đối với học viện, như các nhà trường, cái người ta cần là các chức danh liên quan đến Giáo sư, Tiến sĩ, chứ không phải là hàm cấp tướng. Hàm cấp tướng cũng cần, nhưng không phải tuyệt đối. Nếu chúng ta làm theo cách này thì Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phải là Ủy viên Bộ trính chị.
Vì vậy, không nhất thiết phải quy định dạy cũng phải cấp tướng ở đây. Ở trường cần những người có kiến thức cao về an ninh quốc phòng, có kỹ năng sư phạm tốt. Tôi nghĩ người ta tôn trọng trên cương vị ông là Giáo sư giảng dạy vấn đề này".
Đồng tình với quan điểm trên, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, ở các trường cần hàm Giáo sư, Tiến sĩ chứ không phải tướng. Những đơn vị đó cần rà soát lại xem cho phù hợp, nếu làm được sẽ giảm được tướng.
Ông Thuyền chia sẻ: "Có người hỏi tôi vì sao chúng ta phong tướng nhiều thế? Tôi hỏi bác căn cứ vào đâu để nói nhiều hay ít? Bác ấy nói là sau giải phóng miền Nam, chúng ta có 36 tướng, mà chúng ta đánh tan mấy đế quốc lớn. Vậy thì nhu cầu phong tướng của ta là gì? Có phải do nhu cầu tác chiến sau này nhiều hơn? Bác ấy nói là nếu chúng ta cần tăng cường sức mạnh quân đội thì có thể phong gấp 10 lần ngày xưa tức là 360 tướng thì quân đội mạnh gấp 10 gần?".
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: Cử tri nói rằng trước đây rất ít tướng sao bây giờ nhiều thế? Ảnh: TTBC. |
Cũng theo Đại biểu Thuyền, phong nhiều tướng chưa chắc đã được người dân đồng tình.
"Sức mạnh của quân đội cơ bản do lòng dân, chứ còn phong nhiều tướng quá thì thực sự là người dân chưa đồng tình. Các đồng chí giải quyết thế nào đó để khi chúng tôi là Đại biểu về giải thích cho cử tri thông suốt. Tôi đề nghị các đồng chí cân nhắc cái đó. Xác định phong tướng để phục vụ yêu cầu tác chiến, yêu cầu xây dựng quân đội, còn nếu xác định phong tướng để giải quyết chế độ chính sách thì nên tách tiền lương ra khỏi quân hàm thì tốt hơn.
Trước đây nghe đến tướng là khủng khiếp lắm. Tôi ngày xưa đi bộ đội nghe đến Thiếu tá là ghê gớm lắm rồi… Vì vậy, tôi cho rằng cần phải cân nhắc để giới hạn việc phong tướng để nhân dân đồng tình, còn phong nhiều quá thì dân không yên tâm lắm".
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cũng nêu quan điểm, không phong tướng với các đơn vị kinh tế, sản xuất kinh doanh.
"Đối với các đơn vị kinh tế, có thể phong người đứng đầu cấp đại tá là được. Tướng là do nhu cầu tác chiến chứ không phải sản xuất kinh doanh", nói.
Không phong Tướng, anh em tâm tư
Trước những ý kiến về mức trần với các trường kỹ thuật quân sự, hậu cầu, quân y, sĩ quan lục quân, Học viện Chính trị… nên là Thiếu tướng, ông Phùng Quanh Thanh - Bộ trưởng Quốc phòng cho hay: “Chúng tôi đã thảo luận nhiều, xin phép giữ trần hiện hành đã thực hiện mấy chục năm Trung tướng đối với Giám đốc, Chính uỷ.
Học viện Kỹ thuật Quân sự đào tạo kỹ sư cho toàn quân, cả dân sự, nghiên cứu khoa học nên đề nghị cho giữ. Cả toàn quân chỉ có trường này to nhất. Học viện Hậu cần trước đây là 3 trường sỹ quan, trung cấp hậu cần, giờ là ba trong một. Như vậy có từ lâu rồi, giờ hạ xuống, anh em rất tâm tư.
Học viện quân y cũng đào tạo bác sĩ quân y cho toàn quân, vừa đào tạo vừa nghiên cứu khoa học vừa điều trị. Trong học viện có 2 bệnh viện 103 và Viện bỏng Quốc gia của nhà nước giao cho quân đội, trường trung cấp quân y cũng nằm trong học viện.
Trường Sỹ quan lục quân lâu rồi trần cao nhất là Trung tướng. Sếp là tư lệnh quân đoàn, xuống làm hiệu trưởng, đào tạo sỹ quan cấp trung đội, đại đội, trung đoàn. Trường có lúc 18-20 tiểu đoàn học viên, 500 học viên sỹ quan. Số lượng lớn, sau này đưa Phó Tư lệnh binh chủng, quân đoàn, binh chủng, sư trưởng về làm hiệu phó khó sắp xếp”.
Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ảnh: TTBC. |
Bên cạnh đó, Đại biểu Quốc hội cũng có ý kiến không đồng tình với đề nghị phong hàm Thiếu tướng cho Chủ nhiệm Khoa Mác-LêNin và Chủ nhiệm Khoa Quân chủng; Phong hàm Thượng tướng với Giám đốc Học viện Quốc phòng.
Tuy nhiên, theo ông Phùng Quang Thanh cho rằng: “Quá trình thẩm định có ý kiến cho rằng giảm xuống Đại tá, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì trình ra Quốc hội. Nếu Quốc hội cho phép để lại là Thiếu tướng tôi cho là rất mừng. Ban soạn thảo rất tâm tư, tôi trình mà Quốc hội không bấm nút hai khoa này không Thiếu tướng thì tôi về thuyết phục anh em rất khó. Người ta sẽ hỏi là thế bây giờ Khoa Mác-Lê Nin không quan trọng à? Khoa khác quan trọng thế khoa này thì sao, hay là anh có vấn đề gì, rất là khó các đồng chí ạ".
Diễn giải thêm về Khoa Quân Chủng, ông Thanh cho hay, trước đây có Khoa Phòng không, Khoa Hải quân, Khoa Pháo Binh, Khoa Công Binh, Khoa Đặc công... bây giờ tất cả nhập thành Khoa Quân Chủng.
“Sáu binh chủng hợp thành quân chủng, có mỗi Chủ nhiệm khoa trước đây là Thiếu tướng bây giờ cắt đi rất khó, tâm tư lắm các đồng chí ạ”, ông Thanh bày tỏ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét