Tổng hợp 3 bài báo của Thanh Niên và Tuổi Trẻ:
"Với luật tồi, quan chức tốt, việc trị nước vẫn còn được. Nhưng với quan chức tồi, thì các luật lệ tốt nhất cũng không giúp ích gì cả". Bismarck.
Tinh thần bè phái, chia chác quyền lực và lợi lộc với nhau, ....là nguồn gốc của mọi thất bại của Việt Nam. Cho nên cuộc "cách mạng nhân sự" là tiên quyết cho mọi thành công...
BỘ TRƯỞNG BÙI QUANG VINH:
Tăng trưởng 8-9% thì 40 năm nữa VN mới bằng Hàn Quốc
01-4-2014
TTO - Chiều 1-11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh đã có bài phát biểu đầy tâm huyết.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh - Ảnh: Hoàng Nam |
Bài phát biểu này được ông Vinh trình bày trước khi Quốc hội kết thúc phiên thảo luận về kết quả tái cấu trúc các lĩnh vực ngân hàng, đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước.
Không phải tài nguyên mà là thể chế
Luật chứ không phải lời khuyên
“Quốc hội đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Bởi vì đổi mới thể chế, ra các luật lệ là của Quốc hội. Chỉ có luật mới làm cuộc sống thay đổi được. Không thể dùng lời khuyên hay mong muốn để thay đổi mà phải thay đổi bằng luật.
Tôi nghĩ trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, trí tuệ của các đại biểu Quốc hội là cực kỳ quan trọng. Chúng ta tạo ra động lực trong toàn xã hội, trong Quốc hội, trong Đảng thì tôi nghĩ Chính phủ sẽ có nguồn lực để đổi mới”.
|
Ông Vinh nói: "Chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế đang có vấn đề. Động lực để chúng ta tăng trưởng cao hơn nữa cũng đang có vấn đề. Đã đến lúc chúng ta đổi mới mô hình tăng trưởng. Chúng ta phải thay đổi thể chế."
"Tôi nghĩ đây là điều mọi người dân đều mong muốn chứ không chỉ các đại biểu Quốc hội chúng ta. Chúng tôi có những con số cụ thể để đánh giá những nguy và và sự tụt hậu của nền kinh tế VN… Nếu chúng ta không đổi mới thì tăng trưởng sẽ không cao được."
"Các đồng chí nói là tăng trưởng dưới tiềm năng. Tôi chưa đồng tình quan điểm này. Nói là tiềm năng thì chúng ta tính bằng cái gì, căn cứ vào đâu để tính tiềm năng? Tiềm năng của VN là tăng trưởng 7% à? Không phải. Tiềm năng có đúng là 8-9% không? Quốc tế đang đề nghị VN phải tăng trưởng 8-9%/năm thì khoảng 40 năm sau chúng ta mới đạt được như Hàn Quốc bây giờ."
"Tiềm năng hay không thì cái chính là ở con người, chứ tài nguyên không phải là cái quyết định. Thể chế sẽ quyết định tăng trưởng. Những đất nước không có tiềm năng về tài nguyên nhưng có tiềm năng về con người và phát huy tiềm năng con người thì họ là những nước phát triển mạnh mẽ nhất. Cho nên giới hạn tiềm năng chính là giới hạn ở trí tuệ con người và VN mình có rất nhiều tiềm năng."
Không ai tự chặt chân mình đâu
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói tiếp: "Chúng ta phải tiếp tục tái cấu trúc lại nền kinh tế. Những kết quả vừa qua chỉ là ban đầu. Ba lĩnh vực tái cấu trúc vừa qua chỉ là ba lĩnh vực then chốt thôi, chứ không phải là tất cả. Mục tiêu mà nền kinh tế hướng đến là tính cạnh tranh cao hơn, chất lượng cao hơn, hiệu quả cao hơn, bền vững hơn."
"Để đạt được mục tiêu như vậy thì tất cả các ngành đều phải làm, ví dụ ngành nông nghiệp đã làm 16 đề án tái cơ cấu rất cụ thể. Cho nên mỗi một ngành, mỗi một cấp đều phải viết đề án của mình. Tôi đề nghị Thủ tướng Chính phủ tới đây chỉ đạo quyết liệt hơn để các ngành, các cấp dựa vào các tiêu chí đó để viết lên các đề án của mình. Trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khoa học công nghệ…"
"Đồng thời với các ngành, các cấp là các doanh nghiệp phải làm. Vừa rồi có ý kiến phê bình địa phương làm chậm, tôi không đồng tình, địa phương muốn đổi mới thì phải dựa vào tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ, của các ngành, lĩnh vực, tức là trông đợi vào thể chế. Địa phương đâu có làm được thể chế. Cái mà địa phương cần làm là phân tích những lợi thế của mình là gì, hạn chế là gì, phải có biện pháp gì để tận dụng lợi thế và khắc phục hạn chế."
"Và đặc biệt là tổ chức nữa. Tôi nghĩ các đồng chí nói một ý rất hay. Không đổi mới cán bộ thì không đổi mới được nền kinh tế. Các chuyên gia quốc tế nói với tôi rằng nếu ông đổi mới DNNN mà ông vẫn để nguyên cán bộ là những người từng sinh ra doanh nghiệp đó, lãnh đạo doanh nghiệp đó thời kỳ vẻ vang thì hôm nay họ không thể tự mình chặt chân mình đâu, phải người khác đến thì mới đổi mới được. Đó là kinh nghiệm của Indonesia và nhiều nước khác. Cho nên, đổi mới đội ngũ cán bộ là một bước phải làm. Tự mình đổi mới mình thì khó lắm."
"Mục tiêu của chúng ta không phải là tái cơ cấu kết thúc vào năm 2015, mà phải là cả giai đoạn tiếp theo và lâu dài hơn nữa. Làm gì có chuyện tái cơ cấu mấy năm mà nền kinh tế cất cánh được. Tái cấu trúc là làm cho VN cất cánh lên. Cho nên phải làm dài hạn. Nhưng từng năm một, từng nhiệm vụ một phải đặt ra những mục tiêu cụ thể để phấn đấu."
LÊ KIÊN ghi
'Nếu không đổi mới cán bộ thì không thể đổi mới nền kinh tế'
Thanh Niên
01-11-2014
(TNO) Đóng góp ý kiến cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chiều nay (1.11), nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng cần phải tổ chức lại bộ máy, cán bộ, chống tham nhũng thì quá trình này mới hiệu quả.
ĐB Nguyễn Văn Hiến đặt vấn đề tái cơ cấu tổ chức bộ máy và tái cơ cấu trách nhiệm - Ảnh: Ngọc Thắng |
Theo ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), trong tái cơ cấu kinh tế, về đầu tư công, Nhà nước cần giảm cơ chế cấp vốn mà tăng cơ chế tín dụng vì đồng tiền đi vay dù sao cũng sẽ được cân nhắc sử dụng có trách nhiệm hơn đồng tiền được cấp. Đồng thời phải gắn thẩm quyền với trách nhiệm, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng trong đầu tư để giảm những chi phí vô lý, trái pháp luật.
|
ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng nhấn mạnh cần chống tham nhũng lãng phí trong đầu tư công.
ĐB Hiến đặt ra hàng loạt vấn đề cử tri bức xúc: “Chúng ta có cần cầu không? Cần, nhưng không cần những cây cầu dây văng lung linh, lập kỷ lục. Có cần sân bay không? Cần, nhưng lúc nào cần xây dựng lại và quy mô bao nhiêu? Có cần công trình văn hóa đến 2.300 tỉ nhưng giờ để cho thuê đám cưới hay phim trường cho phim kinh dị không? Tại sao chúng ta lại có những con đường đắt nhất thế giới?”.
Qua đó, ĐB Hiến đề nghị cần có tiêu chuẩn, định mức cho đầu tư công, chứ không đầu tư, chi tiêu cho các công trình hoành tráng không cần thiết.
Đồng thời, theo ĐB Hiến: "Nhiều người đặt vấn đề là tái cơ cấu doanh nghiệp, nền kinh tế nhưng tại sao lại không tái cơ cấu tổ chức bộ máy và tái cơ cấu trách nhiệm".
“Đất nước ta không thiếu những người tâm huyết, tài năng nhưng lại không có cơ hội và vị trí xứng đáng để đem năng lực ra giúp dân, giúp nước. Vì vậy, rất cần những giám khảo có tài, có đức, có tâm trong tuyển dụng cán bộ công chức chứ không thì nhiều người tài sẽ mãi không có vị trí, phải đứng thứ 4 sau 'hậu duệ, quan hệ và tiền tệ', ĐB Hiến nói.
Trong khi đó, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đánh giá trong quá khứ đầu tư công có quá nhiều khuyết tật. Hiện, về tái cơ cấu đầu tư công thì vẫn còn nhiều dự án không hiệu quả, công trình đã nghiệm thu nhưng chất lượng không như mong đợi.
Theo ĐB Ngân cần luật hóa để quy trách nhiệm trong việc phê duyệt đầu tư.
|
Mặt khác, ĐB Ngân cũng cho rằng tái cơ cấu DNNN không chỉ là chú trọng vào số lượng, phải sắp xếp bao nhiêu DN mà cần tăng hiệu quả hoạt động cho DNNN, tăng tự chủ cho DNNN, tránh việc có quá nhiều cơ quan, bộ ngành quản lý, can thiệp vào hoạt động DN nhưng khi có chuyện thì không ai chịu trách nhiệm. DNNN phải tự chịu trách nhiệm trước nhân dân về hiệu quả hoạt động của mình.
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) kiến nghị tái cơ cấu đầu tư công phải phục vụ cho mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
“Cử tri nói rằng sao chỉ nghe các ông nói nhiều quá chỗ nào cũng kiên quyết. Vậy giờ chúng ta cần những giải pháp cụ thể để làm”, ĐB Lịch nói.
Phản hồi ý kiến của các ĐB, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết đánh giá rất cao ý kiến của các ĐB và “chúng tôi đều ghi lại các ý kiến để tiếp thu, điều chỉnh, nhiều ý kiến rất có giá trị”.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng nhìn nhận chất lượng của nền kinh tế của chúng ta đang có vấn đề và động lực tăng trưởng cũng có vấn đề. Chính phủ, Bộ Kế hoạch-Đầu tư yêu cầu các cấp, các ngành, lĩnh vực đều phải viết ra đề án tái cấu trúc của mình.
Đặc biệt, đại diện người đứng đầu Bộ Kế hoạch-Đầu tư cũng khẳng định: “Nếu không đổi mới cán bộ thì không thể đổi mới nền kinh tế”.
Nguyên Mi
Đến lúc phải thay đổi mô hình tăng trưởng
Thanh Niên
02-11-2014
Hôm qua, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về báo cáo tình hình thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế.
Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh phát biểu tại nghị trường - Ảnh: Ngọc Thắng |
Nội dung thảo luận bao gồm tái cơ cấu (TCC) đầu tư công, khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và hệ thống ngân hàng thương mại.
Ám ảnh nợ xấu
Một trong những vấn đề được thảo luận sâu trong ngày là TCC khối ngân hàng gắn với việc xử lý nợ xấu và tình trạng sở hữu chéo. Theo ĐB Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội), nợ xấu là một vấn đề lớn, dù vừa qua Ngân hàng Nhà nước VN đã có một số giải pháp tốt, giải quyết được trên 52% tổng số nợ xấu mà chưa cần đến sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. “Tuy nhiên, tôi cho rằng xử lý nợ xấu vẫn chưa đạt như mong muốn. Các khoản nợ mới có xu hướng tăng cao. Nếu không có cách thức giải quyết đồng bộ sẽ khó giải quyết nợ xấu như mong muốn”, ĐB Bình nhấn mạnh.
|
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng: “Những khoản nợ xấu là sản phẩm của thị trường phải để thị trường giải quyết. Hiện nay, vướng mắc nhất là vấn đề xử lý tài sản thế chấp nhưng thủ tục giải quyết quá phức tạp nên phải tháo gỡ thì ngân hàng mới giải quyết được, xử lý được nợ xấu”.
Đồng tình ý kiến trên, ĐB Phan Văn Quý (Nghệ An) đề nghị: “Mạnh tay hơn nữa để xử lý nợ xấu và tình trạng sở hữu chéo ở các ngân hàng”. “Hoạt động TCC ngân hàng theo tôi đã có nhiều kết quả tốt, đã ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ hệ thống trước đây nhưng vẫn cần phải giám sát nợ xấu, minh bạch con số nợ xấu ở từng tổ chức tín dụng, thường xuyên phân loại, đánh giá và cơ cấu lại từng khoản nợ”, ĐB Quý nói và cho rằng phải làm rõ hơn tình trạng sở hữu chéo đã đến mức báo động vì đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nợ xấu và tình trạng thao túng tài chính ở một số ngân hàng, cần phải ngăn chặn để xây dựng một thị trường tài chính minh bạch, chuẩn mực. “Cần hợp nhất ngân hàng mạnh với ngân hàng yếu, đổi mới quản trị. Ngân hàng nào yếu kém quá phải cho giải thể để đảm bảo thị trường lành mạnh, bền vững”, ĐB Quý kiến nghị.
TS Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng hiện nay vẫn còn một số ngân hàng thương mại ở trong tình trạng cần “chăm sóc đặc biệt”, tình trạng sở hữu chéo rất phức tạp. “Chính phủ cần hoàn thiện thể chế để tăng cường minh bạch trong hệ thống, những hành vi lợi dụng sở hữu chéo để lũng đoạn ngân hàng phải cấm và trừng trị”, ông Ngân nói và đề xuất một số giải pháp: tăng cường giám sát, thanh tra các tổ chức tín dụng, tăng quyền cho Công ty quản lý tài sản (VAMC), giảm tỷ lệ dự phòng rủi do cho các khoản đã chuyển cho VAMC...
“Coi chừng thất thoát tài sản”
Theo ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), tiến độ TCC DNNN còn chậm so với yêu cầu. Những năm qua, số DNNN đã giảm sâu từ 12.000 xuống còn hơn 1.000 nhưng với việc hình thành các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước với các công ty con, công ty cháu đã làm tỷ trọng của khu vực DNNN trong GDP vẫn ở mức cao, chiếm 32%. Một số khoản đầu tư ngoài ngành có hiệu quả thấp, thua lỗ, không bảo toàn được giá trị đầu tư ban đầu. “Việc cải cách khối doanh nghiệp này chưa thực sự quyết liệt. Cần làm rõ những gì nhà nước không cần chi phối nắm giữ. Lĩnh vực gì các thành phần kinh tế khác làm được ta huy động vào”, ĐB Khá nói.
Ông Thân Đức Nam, Phó chủ nhiệm Văn phòng QH, cũng cho rằng phải làm mạnh hơn nữa hoạt động TCC các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. “Tuy nhiên, đối với mô hình tổng công ty thuộc diện nhà nước, kinh doanh theo Nghị quyết Trung ương 3, sau khi cổ phần hóa, thoái vốn 100% không nên giữ lại cổ phần, việc thoái vốn theo lộ trình, không thể làm ngay một lúc. Cổ phần hóa nên thực hiện ở tổng công ty, không nên làm riêng rẽ từng thành viên”, ông Nam góp ý.
TS Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) lại cho rằng cổ phần hóa DNNN không cần chạy theo số lượng, mà “quan trọng hơn là phải tạo ra cơ chế để việc sử dụng, quản lý tài sản, vốn của nhà nước hiệu quả hơn”. “Nếu chỉ chạy theo cổ phần hóa được bao nhiêu doanh nghiệp thì coi chừng thất thoát tài sản”, ông Ngân cảnh báo và cho rằng TCC khối DNNN thời gian tới cần chú ý thay đổi cách thức quản trị, thay đổi mô hình quản lý, tách bạch cơ quan quản lý với cơ quan đại diện vốn. Chẳng hạn các bộ không thể vừa là chủ sở hữu vừa ban hành chính sách. Cơ quan quản lý không thể chỉ lo cho DNNN mà còn phải lo cho nhiều thành phần khác. “Tách bạch chỗ này thì mới đảm bảo cạnh tranh minh bạch rõ ràng, cơ quan quản lý mới đưa ra chính sách phù hợp cho mọi thành phần kinh tế”, ĐB Ngân phân tích.
Theo ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), hoạt động TCC đầu tư công cũng cần phải điều chỉnh lại. “Theo tôi, TCC đầu tư cần phải có cơ chế đầu tư phù hợp hơn. Chúng ta cần phải giảm đầu tư nhà nước, giảm đầu tư từ ngân sách và tăng đầu tư tín dụng, tăng tỷ lệ đầu tư của tư nhân, của nước ngoài và đặc biệt là phải đảm bảo cơ chế công khai minh bạch trong đầu tư. Tăng thẩm quyền đi kèm trách nhiệm đến cùng trong phân bổ và quản lý sử dụng vốn đầu tư”, ông nói.
“Không đổi mới tổ chức cán bộ thì không thể đổi mới nền kinh tế”
Trong phần phát biểu của mình vào cuối ngày, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh nhìn nhận những ý kiến góp ý của ĐBQH trong ngày là “rất xác đáng và có giá trị”, Chính phủ sẽ tổng hợp lại để tiếp thu, đẩy mạnh quá trình TCC trên nhiều lĩnh vực.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, những thay đổi trong chính sách đầu tư đã đem lại những hiệu quả tốt. “Nhiệm kỳ trước, khi kinh tế khó khăn, chúng ta phải đổ vốn rất lớn để kích cầu. Nhiệm kỳ này không kích cầu mà còn giảm đầu tư công giai đoạn này còn dưới 31%. Chúng ta không bỏ vốn đầu tư lớn vẫn tăng trưởng khá”, ông nói và cho rằng để TCC nền kinh tế, Chính phủ đã chọn những khâu “đột phá”, “gai góc” nhất và có kết quả, dù vậy quá trình TCC là “có chậm trễ so với mong muốn”.
“Nhiều ĐBQH góp ý rất đúng. Không đổi mới tổ chức cán bộ thì không thể đổi mới được nền kinh tế. Nhiều chuyên gia nước ngoài họ nói với tôi: Các ông đổi mới DNNN mà để nguyên lãnh đạo thì họ không thể tự chặt chân mình đâu. Đấy là kinh nghiệm của Indonesia. Tự đổi mới mình khó lắm”, Bộ trưởng Vinh nói và “đúc kết”: “Thực tiễn yêu cầu phải làm nhanh hơn, tốt hơn nữa. Nhưng đi sâu vào bản chất, chất lượng nền kinh tế của chúng ta đang có vấn đề. Động lực tăng trưởng cao hơn nữa cũng có vấn đề. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi mô hình tăng trưởng, cải cách thể chế. Đã có những dấu hiệu tụt hậu, cho thấy tăng trưởng những năm qua đang giảm dần tốc độ như chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế đang giảm dần: chi phí năng lượng cho một đơn vị tăng trưởng cao, năng suất lao động thấp, tiết kiệm so với GDP cũng đang giảm đi... Do đó, cần đổi mới mô hình tăng trưởng, nếu không sẽ không tăng trưởng cao được”.
Phấn đấu hoàn thành cơ bản tái cơ cấu kinh tế trong năm 2015
Trong báo cáo trước QH hôm qua về kết quả giám sát thực hiện TCC nền kinh tế trong các lĩnh vực đầu tư công, DNNN và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của QH về Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011 - 2015, Ủy ban Thường vụ QH kiến nghị cần tiếp tục kiên trì thực hiện Đề án tổng thể TCC nền kinh tế để đến năm 2015 bảo đảm hoàn thành cơ bản cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh và bền vững.
Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Nguyễn Văn Giàu cho biết Đoàn giám sát của QH đã nghe báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan; tổ chức giám sát tại 6 bộ, ngành; 12 tỉnh, thành phố; 3 quận, huyện và 22 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại.
Về việc thực hiện TCC đầu tư công, báo cáo đánh giá vốn đầu tư khu vực nhà nước dù giảm về số tuyệt đối nhưng vẫn giữ tỷ trọng cao trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Một số lĩnh vực đã huy động vốn từ khu vực ngoài nhà nước đầu tư vào, nhất là các dự án xây dựng hạ tầng giao thông đã huy động gần 117.000 tỉ đồng. Năm 2012 cắt giảm 1.288 dự án, năm 2013 cắt giảm 220 dự án, năm 2014 cắt giảm 42 dự án. Về việc thực hiện TCC DNNN, từ năm 2011 - 2013 cả nước đã sắp xếp được 180 doanh nghiệp (DN), trong đó cổ phần hóa 99 DN. 9 tháng đầu năm 2014 đã sắp xếp 92 DN, trong đó cổ phần hóa 71 DN. Theo kế hoạch cuối quý 3/2015 toàn bộ các DN được phê duyệt phương án cổ phần hóa để tiến hành bán cổ phần lần đầu. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện TCC các DNNN chậm so với yêu cầu, chưa có chuyển biến về phân bổ lại nguồn lực và áp dụng phương thức quản trị DN hiện đại.
Về việc thực hiện TCC hệ thống NH, đã có 8/9 phương án cơ cấu lại của các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém được phê duyệt. Từ 2012 đến 8.2014, toàn hệ thống đã xử lý được 214.000 tỉ đồng nợ xấu. Tính đến cuối 9.2014, Công ty quản lý tài sản (VAMC) đã mua nợ xấu với tổng nợ gốc là 82.800 tỉ đồng từ các tổ chức tín dụng, bán được 1.400 tỉ đồng nợ xấu.
Ủy ban Thường vụ QH kiến nghị cần tiếp tục thực hiện đồng thời bổ sung, hoàn thiện Đề án TCC; rà soát trình QH sửa đổi, bổ sung các đạo luật phù hợp với Hiến pháp mới, nghiên cứu hoàn thiện các hình thức hợp tác công tư (PPP)... Việc xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém, tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm nợ xấu và đến cuối năm 2015, tỷ lệ nợ xấu còn dưới 3% tổng dư nợ... Xác định rõ trách nhiệm để xử lý nghiêm người đứng đầu các cấp, cá nhân và tổ chức nếu không làm đúng nhiệm vụ được giao và kết quả tổ chức thực hiện các đề án TCC đã phê duyệt; cải cách mạnh mẽ hành chính công và tài chính công theo hướng làm rõ trách nhiệm của từng cấp; nâng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương...
Trường Sơn
|
Mạnh Quân - Trường Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét