31-10-2014
Đức Tâm
Thời sự Châu Á đáng chú ý với bài «Hồng Kông hay sự bế tắc của Trung Quốc» trên báo Les Echos. Theo phân tích của tờ báo: Sau giai đoạn đầu sôi sục, phong trào phản kháng tại Hồng Kông đã phần nào xẹp xuống. Trong khi đó, Trung Quốc tỏ ra cứng rắn và sử dụng vũ khí tài chính để buộc lãnh thổ này phải tuân thủ luật lệ do Bắc Kinh đề ra.
Người biểu tình chiếm giữ khu tài chính ở Hồng Kông, ngày 28/10/2014REUTERS |
Trong thời gian qua, phong trào đấu tranh đòi dân chủ của giới sinh viên Hồng Kông, được truyền thông quốc tế liên tiếp đưa tin, đã làm cho các nước phương Tây nghĩ rằng, 25 năm sau cuộc nổi dậy ở Thiên An Môn, Bắc Kinh, phải chăng, giờ đây lại có một cuộc đối đầu giữa một bộ phận dân chúng ở Hồng Kông với chính quyền Trung Quốc? Liệu Bắc Kinh có đưa xe tăng vào Hồng Kông để trấn áp không hay ngược lại, Bắc Kinh phải nhượng bộ trước đà tiến không thể đảo ngược được của dân chủ?
Thế nhưng, một tháng sau, theo Les Echos, người ta nhận thấy, không có xe tăng Trung Quốc, không có cách mạng, và thậm chí, không có một tiến bộ thực sự nào để giải quyết tình trạng bế tắc hiện nay trong xã hội Hồng Kông. Cụ thể, bên phía những người đấu tranh cho dân chủ : Họ không còn đông như trước, nhưng vẫn tiếp tục tỏ ra kiên quyết và đòi phải có bầu cử thực sự chức Trưởng đặc khu, theo hình thức phổ thông đầu phiếu. Bên chính quyền thì tuân thủ Bắc Kinh, tức là không bao giờ chấp nhận từ bỏ quyền kiểm soát chính trị đối với Hồng Kông. Có một bức tường ngăn cách hai bên.
Tình hình cách nay một tháng có vẻ năng động, giờ đây, trở nên trì trệ một cách nguy hiểm, trên nhiều lĩnh vực.
Les Echos phân tích, trước tiên, nguy cơ tương lai kinh tế Hồng Kông bị trì trệ. Vào lúc các dự báo đều cho rằng tăng trưởng của Hồng Kông sẽ giảm, thì Bắc Kinh đã dùng lá bài tài chính để gia tăng sự ràng buộc. Từ vài tháng nay, giới tài chính ở Hồng Kông có vẻ tự tin hơn, bởi vì Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã hứa tạo mối liên hệ giữa thị trường chứng khoán Hồng Kông và Thượng Hải. Về mặt kỹ thuật, biện pháp này rất quan trọng, cho phép các nhà đầu tư, thông qua thị trường Hồng Kông, mua hoặc bán cổ phiếu được niêm yết trên thị trường Thượng Hải. Sự hứng khởi đã nhường chỗ cho bi quan. Do tình hình tại Hồng Kông, kế hoạch kết nối giữa hai thị trường vào cuối tháng 10 không thể thực hiện được.
Les Echos bình luận, Bắc Kinh đã sử dụng rất khéo léo chiến lược im lặng và để cho thị trường Hồng Kông tự phát ra các tín hiệu về sự bấp bênh này. Không cần nói một câu nào, Bắc Kinh đã đưa ra được một thông điệp rất rõ ràng : Hơn bao giờ hết, Hồng Kông cần có sự năng động kinh tế của Trung Hoa lục địa. Hồng Kông sẽ mất hết nếu muốn thoát ra khỏi sự đỡ đầu của Trung Quốc.
Yếu tố thứ hai, theo Les Echos, là sự trì trệ của xã hội Hồng Kông. Đằng sau các khát vọng dân chủ của giới trẻ, sinh viên, có một thực tế kinh tế mà không một nhà phân tích nào có thể bác bỏ : Đó là xã hội Hồng Kông phân cực một cách nguy hiểm. Giữa một bên là thiểu số rất nhỏ, nhưng rất giàu có và bên kia là đa số tầng lớp trung lưu đang phải đối mặt với giá bất động sản tăng vọt, có một sự ngăn cách, không thông cảm, hiểu biết lẫn nhau. Điều làm Bắc Kinh lo ngại nhất là sự thất vọng của giới trẻ về những hứa hẹn ngày mai tươi sáng, dân chủ hơn. Chính quyền Trung Quốc hiểu được là Hồng Kông không thể tiếp tục có tốc độ tăng trưởng cao như trước đây. Do vậy, Bắc Kinh đã đánh đổi việc khước từ cải cải chính trị với lời hứa cải thiện cuộc sống của người dân.
Yếu tố cuối cùng, đó là tính toán chính trị của Bắc Kinh. Theo Les Echos, những ai cho rằng, tình trạng bế tắc hiện nay tại Hồng Kông sẽ buộc Bắc Kinh, bằng cách này hay cách khác, phải đi theo con đường dân chủ, những người này sẽ thất vọng và ít ra là trong ngắn hạn. Trên góc độ kinh tế, cuộc khủng hoảng tại Hồng Kông đã tạo cơ hội cho lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tập trung quyền lực, tăng cường kiểm soát tất cả các lĩnh vực. Khi tiến hành một chiến dịch đánh bóng lại hình ảnh của đảng Cộng sản, ông Tập Cận Bình không chỉ tấn công vào tệ nạn tham nhũng, mà rộng hơn, ông nhắm vào việc quản lý, trách nhiệm của giới lãnh đạo ở Hồng Kông. Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, nhiệm vụ của giới lãnh đạo là lắng nghe người dân và hết lòng phục vụ người dân. Trong bối cảnh này, lãnh đạo hành pháp Hồng Kông, ông Lương Chấn Anh là biểu tượng của tất cả những gì trái ngược với lời huấn thị của Chủ tịch Trung Quốc : Tê liệt trước tình trạng bất bình đẳng, tách rời thực tế, cực kỳ giàu có và không đủ khả năng lãnh đạo Hồng Kông.
Như vậy, tình hình chính trị tại Hồng Kông bị bế tắc một cách nguy hiểm và có nguy cơ trở thành một chủ đề chán nản đối với giới truyền thông quốc tế. Theo Les Echos, không nên bỏ rơi Hồng Kông, bởi vì trong chiến lược đọ sức và từ chối lắng nghe nguyện vọng dân chủ của giới trẻ Hồng Kông, chính quyền Bắc Kinh cho thấy họ không đủ khả năng hỗ trợ, đi cùng với bước tiến của Lịch sử, một khi quyền lực kiểm soát của họ bị đe dọa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét