Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

AI LÀ NGƯỜI GIÀU TRÊN CON ĐƯỜNG CÔNG NGHIỆP HOÁ

Trần Văn Thọ (Viet-studies.info)

 Từ năm 1996 Việt Nam đã có mục tiêu trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020. Gần đây các văn kiện đại hội hoặc các Nghị quyết trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng nhấn mạnh “tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

  Chỉ còn 5-6 năm là đến cái mốc đó. Bây giờ là lúc mọi người, kể cả nhà nước, đang đánh giá tình hình công nghiệp hóa hiện tại và bàn về khả năng đạt mục tiêu năm 2020. Có nhiều cách tiếp cận vấn đề. Hôm nay tôi thử đưa ra một cách tiếp cận nhìn từ kinh nghiệm Nhật Bản, một quốc gia đã thành công trong quá trình trở thành một nước công nghiệp hàng đầu thế giới. Cách tiếp cận ở đây là xét xem ai là những người giàu lên và giàu như thế nào trong quá trình đó.


  Một nước được xem là có nền công nghiệp hiện đại đương nhiên phải có nhiều mặt hàng công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao cạnh tranh mạnh trên thị trường thế giới, ngày càng chiếm vị trí chủ đạo trong sản xuất và xuất khẩu. Tác nhân của bức tranh sống động đó không ai khác hơn là nhà doanh nghiệp. Dĩ nhiên đứng đàng sau đó là nhà nước, có vai trò tạo ra môi trường pháp lý và các chính sách cần thiết để kích thích tinh thần doanh nghiệp (entrepreneurship) của họ. Tinh thần doanh nghiệp là tính tiến thủ của nhà doanh nghiệp, không bằng lòng với hoàn cảnh đương có mà là xông xáo tìm kiếm và nắm bắt cho bằng được các cơ hội do công nghệ và thị truờng mang lại. Người có tinh thần doanh nghiệp có con mắt nhìn xa trông rộng vào thế giới trong tương lai, giàu trí tưởng tượng về thành quả của công nghệ, biết là sẽ có nhiều bất xác định và rủi ro nhưng vẫn quyết đoán và đi tới hành động đầu tư, phối trí nhân lực và các nguồn lực kinh tế khác vào lãnh vực mới vừa khám phá được.

  Những quyết định, hành động đó có nhiều rủi ro vì nhiều bất xác định nhưng khi thành công thì lợi nhuận sẽ rất lớn. Đó là lợi nhuận chân chính, là thứ lợi nhuận mưu tìm (profit-seeking) qua nỗ lực khám phá công nghệ, khám phá thị trường và tổ chức sản xuất kinh doanh. Lợi nhuận đó khác với trường hợp những nhà kinh doanh móc ngoặc với những người có chức có quyền để được “cho” những ưu đãi về tín dụng, về đất đai, về ngoại tệ, về độc quyền, v.v.. và đó chỉ là hành động mưu tìm đặc lợi (rent-seeking).

Những người có tính thần doanh nghiệp thành công sẽ giàu lên một cách chính đáng. Nhìn từ góc độ này, có thể nói một nước thành công trong quá trình công nghiệp hóa sẽ ngày càng có nhiều những nhà doanh nghiệp giàu lên trong lãnh vực sản xuất hàng công nghiệp.

Vào giữa thập niên 1950, cơ cấu sản xuất và xuất khẩu của Nhật rất giống Việt Nam ngày nay. Năm 1955, nông lâm thủy sản còn chiếm tới 19% trong GDP và 41% trong tổng lao động có việc làm; hàng dệt may còn chiếm tới 37% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhưng đó cũng là thời kỳ nở rộ tinh thần doanh nghiệp của giới kinh doanh trong ngành công nghiệp nên sang thâp niên 1960, cơ cấu sản xuất và xuất khẩu chuyển dịch hẵn lên các ngành công nghiệp chủ đạo của thế giới như thép, ô-tô, đồ điện gia dụng,…Trong đó có nhiều công ty khởi đầu từ trước chiến tranh thế giới thứ hai (như Toyota, Panasonic,…) nhưng cũng có nhiều công ty bắt đầu sau năm 1945 (như Sony, Honda,..).

Trong một xã hội lành mạnh, những người giàu nhất cũng là những người nộp thuế nhiều nhất. Ta thử xem vào năm 1960 chẳng hạn, ai là những người giàu nhất ở Nhật. Biểu dưới đây cho thấy trong 10 người giàu nhất có tới 8 người là nhà kinh doanh sản xuất và xuất khẩu hàng công nghiệp.


Nói thêm về ông Matsushita Konosuke (1894-1989), người xếp thứ hai trong biểu. Thật ra vào năm 1955 ông xếp thứ nhất và lúc đó ông là nhà doanh nghiệp trong lãnh vực công nghiệp lần đầu tiên chen vào top 10 của những người giàu. Ông là người sáng lập và điều hành công ty tổng hợp điện và điện tử Matsushita (tên bây giờ là Panasonic) mà các thương hiệu National và Panasonic đã len lỏi vào nhiều gia đình trên khắp các lục địa. Matsushita Konosuke lập công ty trước chiến tranh thế giới thứ hai, lúc đầu chỉ sản xuất những bộ phận nối dây điện, dần dần mở rộng ra các loại đèn điện dùng hằng ngày như đèn xe đạp, đèn bàn, rồi đến các loại đồ điện gia dụng như máy gịăt, tủ lạnh, TV, máy nghe nhạc, v.v.. Ông làm tổng giám đốc đến năm 1961, làm chủ tịch từ 1961 đến 1973 và sau đó làm cố vấn công ty cho đến khi mất năm 1989. Những năm truớc và sau 1960 Matsushita được giới thiệu trên các tờ báo lớn trên thế giới, đặc biệt năm 1962 được chọn là nguời trong năm (Man of the Year) của báo Time.

 Tại Nhật, từ năm 1954 trở về trước người có thu nhập cao nhất thường là giám đốc những công ty được nhà nước bảo hộ (như than thép) hoặc chủ bất động sản. Nhưng năm 1955 lần đầu tiên giám đốc một công ty chế tạo khởi nghiệp và trưởng thành hoàn toàn bằng sức mình trở thành người có thu nhập cao nhất. Người đó là Matsushita Konosuke. Hiện tượng nầy gây phấn chấn trong xã hội Nhật, không những dư luận đánh giá đó là thành quả đương nhiên của năng lực và nỗ lực của Matsushita mà dân chúng Nhật còn xem đó là sự cổ vũ đối với chính mình vì thấy rằng Nhật là một xã hội bình đẳng về cơ hội, cá nhân nào có năng lực và cố gắng bền bỉ nhất định sẽ thành công.

Không phải chỉ riêng Matsushita, trong quá trình phát triển, Nhật Bản còn có nhiều nhà kinh doanh khác được xã hội tôn vinh. Một trong những điểm chung của họ là không màn tư lợi mà trước hết là vì sự phồn vinh của đất nước, của dân tộc. Tài sản to lớn mà cuối cùng họ có được là kết quả chứ không phải là mục tiêu của nỗ lực kinh doanh ban đầu. Do đó ta chưa từng nghe ai trong số các nhà doanh nghiệp vĩ đại đó đã có một lối sống hào nhoáng, xa hoa, chưa nghe thấy họ đã tiêu dùng những gì đắt giá nhất thế giới mà chính Nhật chưa sản xuất được.

Từ góc độ phân tích ở trên ta có thể đánh giá tình hình ở Việt Nam. Tại Việt Nam hiện nay ai là những người giàu nhất? Chưa thấy có thống kê chính thức về những người giàu ở Việt Nam nhưng qua báo chí tôi có ấn tượng những người giàu hiện nay phần lớn ở trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, (và một phần không nhỏ là một số quan chức vừa về hưu!). Nhìn từ góc độ này ta thấy nền tảng công nghiệp của Việt Nam còn quá yếu, chẳng những mục tiêu đề ra cho năm 2020 chắc chắn là không đạt được mà viễn ảnh về một nước công nghiệp tiên tiến còn rất xa trong tương lai. Việt Nam muốn trở thành một nước công nghiệp hiện đại, phải sớm có những nhà giàu bắt nguồn từ tinh thần doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét