Nguyên Thảo - Baodatviet
19-7-2014
(Tin tức thời sự) - Công tác quản lý lao động nước ngoài đặc biệt lao động Trung Quốc hiện nay tại địa phương có rất nhiều vấn đề cần phải quan tâm, xem xét.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận cho biết trong cuộc trao đổi với PV báo Đất Việt ngày 18/7.
Tăng cường bằng mọi biện pháp
Cụ thể, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng sắp tới tỉnh Bình Thuận sẽ tăng cường công tác quản lý nhiều hơn nữa bằng mọi biện pháp, bằng mọi cách để quản lý tốt hơn những lao động nước ngoài làm việc tại địa bàn, kể cả lao động có phép hay không có phép.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, lao động tại địa phương có đủ để đảm bảo các hoạt động sản xuất cũng như nhu cầu tại địa phương. Vấn đề đặt ra là thời gian tới lãnh đạo địa phương cố gắng nâng cao tay nghề cho lao động địa phương.
Thừa nhận tình trạng kiểm soát lao động nước ngoài thời gian vừa qua có một vài hạn chế, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ những biện pháp khắc phục được đề ra là tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay theo quy định chỉ có công nhân có trình độ cao của phía nước ngoài vào theo hợp đồng đã ký kết giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam với đơn vị thầu thì mới được vào làm nhưng đã có tình trạng công nhân có giấy chứng nhận tay nghề cao, chất lượng cao nhưng thực chất chỉ là lao động phổ thông.
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân tại Bình Thuận
"Theo đánh giá của chúng tôi, nhiều khi đối chiếu giấy chứng nhận của họ với công việc của họ đang làm thì không đúng là lao động có chất lượng, tay nghề cao vì có những công việc rất giản đơn, công nhân có chất lượng cao, trình độ cao người ta sẽ không làm việc đó. Nhưng giấy chứng nhận của nhà thầu Trung Quốc họ xuất trình tình hình như vậy", ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, sự nhập nhèm giấy chứng nhận chất lượng lao động nước ngoài người chịu trách nhiệm là nhà thầu Trung Quốc nhưng việc quy trách nhiệm là rất khó.
"Địa phương chỉ biết kiểm tra theo đúng quy định hiện hành còn giấy tờ do nước ngoài cấp, việc quản lý lao động nước ngoài vượt quá khả năng", ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng chia sẻ, trong trường hợp cần thiết với những bấp cập đang tồn tại, địa phương sẽ xin thêm ý kiến của bộ quản lý chuyên ngành và các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết, làm sao các cá nhân, tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật của Nhà nước.
Khó vì thiếu chế tài
Trước đó, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Thuận từng cho biết, việc quản lý người lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động Trung Quốc ở Bình Thuận rất khó khăn bởi thiếu nhiều chế tài.
"Tình hình quản lý lao động nước ngoài còn bất cập. Việc xử phạt cũng khó bởi trong Nghị định 102 và Thông tư 03 chỉ nói không đủ điều kiện thì trục xuất nhưng ai trục xuất thì không nói rõ", ông Nguyễn Thanh Hồng nói.
Lao động phổ thông Trung Quốc tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân đã hình thành một "làng" ngay tại gần khu vực nhà máy
Qua báo cáo của các cơ quan chức năng thì phần lớn lao động Trung Quốc tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân đều gắn mác là chuyên gia, kỹ sư, nhưng thực chất chỉ là lao động phổ thông.
Theo quy định của Nghị định 102 của Chính phủ ban hành tháng 9/2013 và Thông tư 03 có hiệu lực 10/3/2014 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện thì Việt Nam chỉ tuyển các lao động nước ngoài là các chuyên gia, nhà quản lý… không chấp nhận lao động phổ thông.
Nếu các lĩnh vực mà chuyên gia Việt Nam có thể làm được thì cũng không tuyển chuyên gia nước ngoài. Vì thế, điều mà các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Thuận quan tâm là việc xử lý kẽ hở này bởi Thông tư 03 này lại không có qui định về chế tài xử phạt.
Chính quyền huyện Tuy Phong chỉ quản lý về cư trú, an ninh trật tự, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội chỉ kiểm tra về giấy phép lao động chứ không xử lý được các lao động Trung Quốc gắn mác kỹ sư.
Báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Bình Thuận, trong quý I/2014 đã có hơn 1000 lao động Trung Quốc làm việc tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. Tuy nhiên, trong số này chỉ có hơn 160 lao động có giấy phép.
Ngày 1/4/2014, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh cùng với Phòng xuất nhập cảnh- Công an tỉnh Bình Thuận đã kiểm tra 4 công ty tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân. Khi kiểm tra công ty Hồ Bắc thì trong tổng số 269 lao động, chỉ có 144 lao động Trung Quốc có giấy phép lao động, 125 lao động không phép, có 36/269 lao động không có hộ chiếu.
Lao động phổ thông Trung Quốc tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân đã hình thành một "làng" ngay tại gần khu vực nhà máy. Nhiều nhà hàng, quán ăn ở đây cũng xuất hiện nhiều chữ Hoa trên bảng hiệu.
Nguyên Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét