Hoàng Đức Thân - vietnamnet
23-7-2014
LTS: Cuối tuần qua, tại hội thảo tổng kết kinh tế 6 tháng đầu năm do Ban Kinh tế Trung ương Đảng, Ủy ban Kinh tế QH và trường ĐH Kinh tế Quốc dân tổ chức, chủ đề về làm ăn với TQ đã được các đại biểu tập trung thảo luận. Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu ý kiến của GS.TS Hoàng Đức Thân, Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (ĐH Kinh tế Quốc dân).
Cửa khẩu Móng Cái tại Quảng Ninh. Ảnh: Qtv.vn
|
"Bạn hàng lớn"
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sang Trung Quốc năm 2013 lên tới gần 50 tỷ USD (tăng 22,0% so với năm 2012).
Còn theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2014 của Việt Nam sang Trung Quốc là 7,4 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 10,4% so với tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2013.
Trong các năm qua, Trung Quốc là bạn hàng lớn trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là nhóm hàng nông sản. Nhu cầu nông sản Trung Quốc hiện đang rất lớn, xu hướng tăng và khả năng tự đáp ứng của sản xuất nội địa chỉ xấp xỉ 50%.
Trung Quốc luôn là là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Năm 2012 nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc chiếm 25,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. So với năm 2011, nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc tăng 17,6%, cao gấp 2,5 lần tốc độ tăng của tổng kim ngạch nhập khẩu chung của cả nước.
Phần lớn nhóm hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam được nhập khẩu từ Trung Quốc (lớn nhất là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; tiếp đến là điện thoại các loại và phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; vải; sắt thép; xăng dầu).
Trung Quốc là quốc gia mà Việt Nam nhập siêu lớn nhất, xu hướng nhập siêu tăng mạnh và sự lệ thuộc ngày càng nhiều. Trong 3 năm gần đây, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng trung bình hàng năm khoảng 800 triệu USD, nhưng nhập khẩu tăng khoảng 3-3,5 tỷ USD/năm từ thị trường này.
Nguyên nhân chính làm cho Việt Nam nhập khẩu và nhập siêu lớn từ Trung Quốc là cấu trúc kinh tế lạc hậu; sản xuất trong nước ngày càng tăng, ngành công nghiệp phụ trợ còn hạn chế. Việc phụ thuộc vào Trung Quốc về các yếu tố đầu vào cho sản xuất của nhiều ngành dự báo sẽ ngày càng lớn nếu như Việt Nam không có giải pháp hữu hiệu.
Nguyên nhân thứ hai là giá cả hàng hoá của Trung Quốc rẻ; hai nước có chung đường biên giới dài, tại các vùng biên giới xuất nhập khẩu tiểu ngạch phát triển, người dân qua lại mua bán thuận tiện, mua bán bằng tiền của cả hai nước, mặt hàng phong phú, đa dạng, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng.
Nguyên nhân thứ ba cần đặc biệt quan tâm là nhiều doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam vì lợi ích cục bộ, vì lợi nhuận cao nên không quan tâm tới chất lượng, bất chấp nhiều mặt hàng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc là công nghệ cũ lạc hậu, tiêu tốn nhiên liệu vẫn sẵn sàng làm hậu thuẫn cho thương nhân Trung Quốc. Trong nhiều trường hợp thực chất là của doanh nghiệp, doanh nhân Trung Quốc nhưng đội lốt doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động.
Nguyên nhân cuối cùng là các doanh nghiệp Trung Quốc dùng thủ thuật tiếp thị, bỏ thầu giá thấp các công trình tổng thầu rồi dây dưa kéo dài để điều chỉnh giá, vốn đầu tư và cung cấp các thiết bị không đúng yêu cầu.
Bị động, lúng túng?
Trong quan hệ thương mại giữa hai nước, Việt Nam luôn ở trạng thái nhập siêu, tốc độ tăng nhập siêu ngày càng cao. Trung Quốc luôn có chiến lược khoa học, mục tiêu rõ ràng và tổ chức bài bản chặt chẽ trong quan hệ thương mại với các đối tác. Trong khi đó chúng ta thường bị động, lúng túng đối phó thiếu tầm chiến lược và chưa tạo ra tiếng nói chung từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân.
Trong cả xuất khẩu và nhập khẩu Việt Nam đang ở thế yếu so với Trung Quốc. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là nông sản thô, khoáng sản và các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp, khó xuất khẩu vào thị trường các nước phát triển. Trong khi đó các mặt hàng như máy móc, thiết bị Việt Nam nhập khẩu từ TQ về thường lạc hậu, tiêu tốn năng lượng và nguy cơ ô nhiễm môi trường và nguyên vật liệu nhập về thì kém chất lượng. Trong quan hệ "đầu vào - đầu ra" thì Việt Nam xuất nguyên liệu giá rẻ cho TQ và nhập hàng hóa về giá cao.
Khoảng ¼ đầu vào của nền kinh tế phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Nhiều ngành phải nhập tới 70 - 80% nguyên liệu cho sản xuất từ Trung Quốc. Sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường nhiều bất ổn, bất thường, thiếu tin cậy sẽ có nhiều rủi ro, tiềm ẩn các nguy cơ bất lợi.
Nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam do thương nhân Trung Quốc chi phối, lệ thuộc vào thương nhân Trung Quốc. Nó thể hiện sự yếu kếm về công tác thị trường và hệ thóng phân phối hàng hóa của Việt Nam.
Không chỉ vấn đề qui mô thương mại với Trung Quốc mà cần phải chú ý vấn đề an ninh kinh tế với Trung Quốc. Trung Quốc có chủ đích buộc Việt Nam lệ thuộc là vấn đề phải cảnh giác và có sự hóa giải chủ động.
Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam không lớn về tổng vốn đầu tư nhưng các dự án lại triển khai ở những địa bàn trọng yếu và những ngành, lĩnh vực then chốt có tính chất chi phối, ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội,an ninh, quốc phòng như năng lượng. Mặt khác Trung Quốc lại thông qua đầu tư trực tiếp vào nước ta để hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại đa phương mà Việt Nam tham gia. Trong khi chúng ta chưa tận dụng được lợi ích này.
Phải bảo đảm sự hợp lý, hiệu quả trong quan hệ thương mại quốc tế. Ảnh: Thanh niên
|
Việt Nam cần làm gì?
Khi xảy ra những xung đột về kinh tế giữa hai nước thì tác động nặng nề nhất là thiếu nguyên liệu nên dẫn đến sản xuất giảm và giảm cả lượng hàng hóa cung ứng trên thị trường.
Còn xét trong dài hạn, đây là thời cơ để giảm lệ thuộc vào Trung Quốc. Điều kiện tốt để tái cấu trúc ngành thương mại, bắt buộc sản xuất trong nước phải thay đổi để phát triển đa dạng các thị trường; thay đổi tổ chức sản xuất và tổ chức thương mại trong nước. Cơ hội để thu hút các nước khác đặc biệt là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU vào Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tham gia vào mạng sản xuất, mạng phân phối khu vực và quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Phải hành động quyết liệt, cụ thể chứ không phải chỉ khuyến nghị đối với cả chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Chủ động, tích cực làm ngay chứ không chờ "có sự cố" với Trung Quốc mới tiến hành.
Những việc cần làm trước mắt là quản lý chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu với Trung Quốc. Đặc biệt là vấn đề truy xuất xuất xứ hàng hóa. Cấm xuất khẩu tài nguyên khoáng sản, hạn chế xuất nguyên liệu thô. Xây dựng tiêu chuẩn và hàng rào thương mại, môi trường phù hợp với qui định của của tổ chức thương mại thế giới để kiểm soát hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Kiểm soát biên giới, hạn chế xuất nhập khẩu tiểu ngạch. Tước giấy phép kinh doanh, mạnh tay trừng trị các hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, dùng hàng Trung Quốc giả hàng nước khác. Thành lập Ban điều phối một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Tìm đối tác ở các nước đang phát triển thay thế nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc. Thông qua các đối tác trung gian khi Trung Quốc sử dụng biện pháp thương mại với Việt Nam. Mời trực tiếp các cơ quan xúc tiến, chuyên gia các nước sang giúp nông dân, doanh nghiệp tổ chức sản xuất hàng hóa theo qui định của các nước.
Còn về lâu dài, cần tiếp tục thúc đấy xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc trên cơ sở khai thác lợi thế của Việt Nam. Khuyến khích xuất khẩu chính ngạch và hàng hóa chế biến sâu, giá trị gia tăng cao. Tích cực khai thác và tận dụng các lợi ích từ thị trường Trung Quốc. Đặc biệt khi xây dựng các chính sách kinh tế, thương mại phải hạn chế các nguy cơ bị lợi dụng từ phía Trung quốc.
Ngoài ra, cần tái cấu trúc nền kinh tế và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Thúc đẩy quan hệ thương mại với Hoa kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Việt Nam có cơ hội để thể hưởng lợi một khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc suy giảm và căng thẳng trong quan hệ với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Sự chuyển hướng của dòng vốn đầu tư nước ngoài ra khỏi Trung Quốc để đến các thị trường có điều kiện sản xuất tương đương nhưng bớt rủi ro hơn diễn ra rõ nét trong những năm qua. Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư với triển vọng gia nhập TPP trong những năm tới, trong khi Trung Quốc thì không tham gia hiệp định này. Trên thực tế, thu hút vốn FDI ròng của Trung Quốc đã liên tục sụt giảm kể từ năm 2008 trở lại đây trong khi ở Việt Nam, dòng vốn FDI có sự khởi sắc. Xu hướng này dự kiến sẽ còn tiếp diễn trong năm 2014.
VN cũng cần tận dụng cơ hội do gia nhập TPP đem lại: Thực trạng cấu trúc nền kinh tế và mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp, khả năng nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc trong các năm tới có thể vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, điều này có khả năng thay đổi tích cực khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Khi tham gia TPP các doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam sẽ phải chú ý nhiều hơn đến nguyên tắc xuất xứ hàng hóa để được hưởng các ưu đãi thuế suất từ TPP bằng cách chuyển sang nhập khẩu máy móc, nguyên phụ liệu từ các nước là thành viên tham gia ký kết hiệp định này, thay vì nhập khẩu từ Trung Quốc như hiện nay. Nhưng mặt khác cũng phải có giải pháp đối phó làn sóng đầu tư từ Trung Quốc vào một số ngành tại Việt Nam để họ hưởng lợi do Việt Nam tham gia TPP.
Trong điều kiện Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và quốc tế thì quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia là tất yếu. Vấn đề là phải bảo đảm sự hợp lý, hiệu quả trong quan hệ thương mại quốc tế. Một mặt Việt Nam phải giảm sự lệ thuộc bất lợi, bất an và rủi ro, mặt khác không kém quan trọng là khai thác những lợi ích, lợi thế và hiệu ứng tích cực trong quan hệ thương mại với Trung Quốc. Điều chỉnh là một quá trình nhưng phải làm ngay không chờ những bất trắc xảy ra.
Hoàng Đức Thân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét