Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

'ĐỂ CẢI CÁCH CẦN KIỂU LÃNH ĐẠO KHÁC'

17-7-2014

Trước khi kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ Anh tại Việt Nam, tiến sỹ Antony Stokes từng nói rằng quan hệ Anh - Việt 'rộng lớn và sâu sắc hơn trước' rất nhiều.

Trả lời BBC Tiếng Việt, trước tiên ông mô tả quan hệ giữa hai nước đã phát triển như thế nào và hiện đang ở đâu:

Đại sứ Antony Stokes: Tôi làm đại sứ ở Việt Nam đến tháng tới nữa là tròn bốn năm. Tôi là đại sứ Anh có thời gian phục vụ lâu thứ nhì ở Việt Nam, và tôi nghĩ mối quan hệ giữa hai nước đã thay đổi rất nhiều trong thời gian đó và đã trở nên mạnh mẽ hơn và chúng tôi đã gần nhau hơn so với trước đây.

Tôi rất may mắn khi đến nhận nhiệm sở tại Việt Nam sau khi hai nước ký hiệp định đối tác chiến lược và đó là khuôn khổ để hai nước có sự hợp tác rộng lớn, sâu sắc hơn và ở tầm cao hơn.

Rộng lớn hơn có nghĩa là hai nước đã hợp tác trong nhiều lĩnh vực mới mà trước đây không có. Sâu sắc hơn có nghĩa là chúng tôi làm việc với nhau chặt chẽ hơn, chẳng hạn như làm việc trực tiếp với Đảng Cộng sản Việt Nam. Còn ở tầm cao hơn có nghĩa là chúng tôi đã chứng kiến lãnh đạo hai nước có sự giao tiếp chặt chẽ hơn. Đã có nhiều chuyến thăm chẳng hạn như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến London.

Tôi nghĩ chúng tôi còn có thể làm được nhiều hơn nữa, và tôi rất tham vọng khi nhìn về tương lai.

BBC: Vậy ông có nghĩ là quan hệ giữa hai nước tương xứng với khuôn khổ đối tác chiến lược?

Vâng, tôi cho là như vậy. Tôi nghĩ đối tác chiến lược chỉ là khởi đầu, là nền tảng và chúng tôi đã đi xa hơn mức độ đó.

Nhưng chắc hẳn vẫn còn những trở ngại trong quan hệ giữa hai nước chứ thưa ông, nhất là trong lĩnh vực nhân quyền?

Chắc chắn là lúc nào cũng có những trở ngại và thách thức. Một trong số đó là trở ngại truyền thông. Vẫn còn nhiều lĩnh vực vẫn rất chưa tương xứng với tiềm năng mà lĩnh vực tôi muốn nhấn mạnh là thương mại và đầu tư.

Giao thương giữa hai nước đã tăng 150% trong suốt nhiệm kỳ của tôi nhưng xuất khẩu của Anh vào Việt Nam vẫn còn ở mức rất thấp so với tiềm năng.

Về vấn đề nhân quyền thì chúng tôi công bố phúc trình về nhân quyền hàng năm và Việt Nam vẫn là một phần trong phúc trình của Chính phủ Anh mà các bạn có thể đọc trên mạng để thấy những vấn đề mà chúng tôi đang đối mặt và giải quyết.

Chúng tôi cũng có kênh đối thoại mang tính xây dựng về nhân quyền và tôi nghĩ gần đây cũng có những dấu hiệu tích cực nhưng vẫn còn những thách thức.


Một trong những thách thức này là truyền thông. Tôi suy nghĩ rất nhiều về khả năng truyền thông có thể đóng vai trò mạnh mẽ hơn để giúp nâng cao tính trách nhiệm của chính quyền.

Thách thức, nhất là đối với một đất nước độc đảng, là làm sao để chính quyền hay toàn thể Đảng Cộng sản có trách nhiệm giải trình trước người dân để đảm bảo các cải cách có thể diễn ra và tôi nghĩ truyền thông có thể đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề này.

Một trong những thách thức lớn nữa là tham nhũng. Đây là vấn đề nước nào cũng có. Chúng tôi đã làm việc về vấn đề này rất nhiều ở Việt Nam vì chúng tôi là nhà tài trợ hàng đầu cho Việt Nam trong vấn đề chống tham nhũng trong ba năm qua.

Và ở đây một lần nữa chúng ta thấy tầm quan trọng của quyền tự do biểu đạt để người dân có thể tố cáo tham nhũng mà không phải lo sợ và chúng tôi đã nói với Chính phủ Việt Nam về điều này. Và tôi nghĩ đã có một số dấu hiệu tích cực.

Việc mở rộng không gian mạng xã hội cũng rất có ích nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều việc cần làm và còn nhiều vấn đề thực sự khó khăn mà Chính phủ Anh hiện quan ngại.

Anh đang 'theo dõi chặt chẽ' những diễn biến trên Biển Đông

BBC: Đâu là ưu tiên của Anh quốc trong quan hệ với Việt Nam: nhân quyền, thương mại hay nghị trình chính trị?

Tôi nghĩ chúng tôi cần sự cân bằng. Tất cả những lĩnh vực này đều rất quan trọng.

Nhân quyền và quản trị là điều quan trọng và tôi nghĩ nó cũng quan trọng với Việt Nam vì suy cho cùng chính quyền Việt Nam đã ký kết những nguyên tắc quốc tế cơ bản về nhân quyền, và cơ chế Kiểm điểm định kỳ phổ quát là cơ hội để cho Việt Nam biết những chỗ cần cải thiện.

Quản trị và nhân quyền cũng gắn kết với môi trường kinh doanh. Chúng tôi tin rằng nếu Việt Nam có nền quản trị mạnh và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế thì nó có thể củng cố kinh tế và môi trường kinh doanh.
Điều này rất quan trọng vì nó là chìa khóa đối với sự thịnh vượng và hạnh phúc của người dân.

Phát triển cũng là một lĩnh vực quan trọng đối với chúng tôi và Việt Nam đã làm rất tốt việc giảm nghèo. Tuy nhiên Việt Nam vẫn là một nước nghèo và vấn đề đói nghèo vẫn là vấn nạn ở những vùng sâu vùng xa và ở nông thôn.

Nhưng cũng có những vấn đề lớn khác, trong đó có giáo dục, khoa học và nghiên cứu. Và an ninh cũng là vấn đề hết sức quan trọng.

BBC: Bây giờ xin nói về những diễn biến trên Biển Đông. Như ông đã biết thì phía Trung Quốc vừa mới di dời giàn khoan ra khỏi vùng biển tranh chấp. Theo nhận định của ông đấy có phải là thắng lợi của phía Việt Nam hay không hay Trung Quốc đang có động cơ gì đằng sau hành động này?

Tôi nghĩ tình hình trên Biển Đông là rất quan trọng không chỉ đối với Việt Nam hay Trung Quốc mà còn quan trọng đối với nước Anh.

Trước hết là vì tầm quan trọng của hòa bình và ổn định. Thứ hai là vì tự do hàng hải – rất nhiều tàu bè và hàng hóa của Anh đi qua vùng biển này. Thứ ba là vì chúng tôi mạnh mẽ thúc đẩy một khuôn khổ pháp lý quốc tế và chúng tôi ủng hộ cách giải quyết vấn đề thông qua hệ thống luật pháp quốc tế đó.

Nước Anh cũng có những khuyến nghị với Việt Nam về nhân quyền trong khuôn khổ UPR

BBC: Theo như ông nói thì nước Anh rất quan tâm đến tranh chấp trên Biển Đông nhưng theo tôi biết thì đến nay nước Anh dường như có tiếng nói rất mờ nhạt về vấn đề này so với Mỹ và tôi tự hỏi nước Anh có thể đóng vai trò gì trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông?

Tôi không chắc là Vương quốc Anh có vai trò gì. Nước Anh là nước nhỏ hơn Mỹ nhưng chúng tôi theo dõi tình hình rất chặt chẽ và cố gắng hiểu góc độ của những đòi hỏi chủ quyền khác nhau trên Biển Đông.

Sự tham gia của chúng tôi với Việt Nam đã mạnh hơn vì mối quan hệ giữa hai nước đã mạnh hơn và trên thực tế chúng tôi đã có đối thoại an ninh với Việt Nam. Lần đầu tiên chúng tôi cũng đã bổ nhiệm tùy viên quốc phòng ở Hà Nội.

Chúng tôi sẵn sằng ủng hộ các biện pháp xây dựng lòng tin, chẳng hạn như chúng tôi đã mở các hội thảo về Luật Biển mới đây ở Việt Nam.

Chúng tôi sẽ đóng vai trò hỗ trợ để thúc đẩy giải quyết các vấn đề một cách hòa bình trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế.

Việt Nam đứng ở đâu trong tổng thể chính sách đối ngoại của Anh đối với khu vực đông Á và đông nam Á?

Chúng tôi rất coi trọng và ngày càng coi trọng quan hệ với Việt Nam và chúng tôi cũng đang xây dựng những mối quan hệ chặt chẽ hơn trong khu vực.

Không lâu sau khi (cựu) Ngoại trưởng William Hague lên nhậm chức, ông đã quyết định chuyển nhiều nguồn lực hơn cho các mối quan hệ đối tác mới mà Việt Nam là một trong số đó.

Và chúng tôi đã có sự hiện diện lớn hơn ở đông nam Á và có sứ quán ở tất cả các nước Asean.

Anh-Việt đã có những cuộc đối thoại trực tiếp

BBC: Trong hơn ba năm làm việc ở Việt Nam, chắc hẳn ông đã tiếp xúc với một số lãnh đạo cấp cao của nước này. Ông có thể chia sẻ với chúng tôi những cảm nhận của ông không?

Điều làm tôi ấn tượng nhất ở Việt Nam là người dân Việt Nam. Nền văn hóa Việt Nam cũng vậy, rất ấn tượng.

Tôi nghĩ các nhà chính trị Việt Nam phải làm việc trong một hệ thống hơi rắc rối và một trong những thách thức họ phải đối mặt là làm sao để cải cách vấn đề này.

Một trong những vấn đề trong hệ thống lãnh đạo Việt Nam là quyền quyết định được phân ra rất rộng cho nhiều vị khác nhau. Đó cũng là thách thức đối với các nhà ngoại giao ở Việt Nam. Chúng tôi phải hiểu những mối quan hệ khác nhau và phải xây dựng các mối quan hệ và xây dựng lòng tin với nhiều cơ quan khác nhau.

Điều làm tôi ấn tượng nhất về giới lãnh đạo Việt Nam là họ đã đưa nền kinh tế Việt Nam đến điểm như hiện nay – Việt Nam đã có thành tích rất lớn về tăng trưởng và giảm nghèo.

Nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam đã từng tham gia trong cuộc chiến tranh Việt Nam của người Mỹ và tôi phải nói là tôi kính trọng điều đó. Tôi chưa từng phải bao giờ tham gia chiến tranh.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã đưa đất nước từ chỗ chiến tranh và đói nghèo đến chỗ tốt hơn rất nhiều như hiện nay. Nền kinh tế đã mạnh hơn và phát triển hơn và giảm nghèo bền vững. Tôi khâm phục những điều đó.

Bước kế tiếp tôi nghĩ cải cách kinh tế và quản trị là rất quan trọng, và để làm điều đó Việt Nam cần có một kiểu nhà lãnh đạo khác.

Ông có nói là ông rất ấn tượng với người dân Việt Nam. Ông có thể nói rõ hơn được không?

Hết sức năng động. Rất coi trọng việc học hành. Rất tham vọng. Mọi người đều nỗ lực để có cuộc sống tốt hơn.

Đây cũng là quốc gia xã hội nhất mà tôi biết. Một ví dụ là mạng xã hội Facebook. Việt Nam là nước phát triển nhanh nhất thế giới về Facebook.

Mọi người đều rất thân thiện về đều có những mối liên hệ xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét