Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

CHỦ TỊCH NƯỚC: "ĐÂY LÀ ĐIỀU RẤT ĐÁNG XẤU HỔ"

Bùi Hoàng Támbolapquechoa
17-7-2014

Tại buổi làm việc với ngành tòa án vừa qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói nguyên văn: “Tôi thấy một điều rất buồn là trong lúc GDP tăng trưởng khó khăn thì bậc tham nhũng của ta được đánh giá không giảm, mà lại có xu hướng tăng lên. Đây là điều rất đáng xấu hổ…”.


Vâng! Thật buồn, thật xấu hổ khi mà cái cần tăng là GDP thì rất khó tăng mà cái cần giảm, đáng ra phải giảm là tham nhũng thì lại có xu hướng tăng lên.

Phát biểu những điều này tại buổi làm việc với ngành tòa án, có lẽ Chủ tịch nước còn gửi đến cho ngành một thông điệp, một trách nhiệm bởi không thể nói khác, việc tham nhũng tăng lên không thể không xét đến vai trò trách nhiệm trong khâu xét xử của ngành tòa án.

Đã từng có lúc ở một địa phương, 90% đối tượng tham nhũng được hưởng… án treo!

Chính vì thế, Chủ tịch nước căn dặn: “Cán bộ tòa án là người cầm cân nảy mực, thay mặt nhà nước xét xử người khác, đòi hỏi phải thật sự gương mẫu, giữ gìn uy tín của mình, cũng là giữ gìn uy tín của Đảng, của Nhà nước. Trách nhiệm đó rất lớn. Nhưng nếu có vi phạm thì phải xử lý thật nghiêm minh”.

Chủ tịch nước bày tỏ lo ngại tình trạng thiếu công bằng trong xét xử. Ông nói: “Tòa án phải đem lại công lý cho mọi người, bảo vệ quyền lợi của nhà nước và lợi ích chính đáng của công dân. Không phải cơ quan nhà nước có thẩm quyền cao, được nhân dân giao phó lại nhẹ tay, còn các đơn vị tư nhân lại làm triệt để thì không chấp nhận được. Ai còn tư tưởng này phải thay đổi ngay, bởi tòa là nơi mang lại công lý cho mọi người, tổ chức, cá nhân, bất cứ đó là thành phần nào”.

Không dừng ở đó, theo báo Thanh niên ngày15/7, Chủ tịch nước còn nhấn mạnh: “Tòa xử án phải không gây oan sai cho ai, không bỏ lọt sót tội phạm và không có anh Hai, anh Ba, anh Tư nào hết”.

Nhắc nhở những điều này, chứng tỏ Chủ tịch nước biết rất rõ thực trạng công tác xét xử của ngành tòa án hiện nay. Đây đó vẫn còn hiện tượng thiếu công bằng, doanh nghiệp nhà nước thì xử nhẹ, doanh nghiệp tư nhân thì xử nặng, “anh Hai, anh Ba, anh Tư” thì xử nhẹ, dân thường thì xử nặng…

Những lo ngại của Chủ tịch nước là hoàn toàn có thật và hiện nó vẫn đang diễn ra ngay lúc này. Xin ví dụ hai vụ gần đây nhất, đó là vụ án 194 Phố Huế và vụ cướp mũ (nón) của mấy em học sinh tại Hải Phòng.

Trong vụ 194 Phố Huế, bị cáo Trịnh Ngọc Chung, nguyên là một cán bộ nhà nước (Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự Quận Hai Bà Trưng) bị Viện Kiểm sát TP Hà Nội đề nghị 5-6 năm tù thì tại phiên tòa ngày 7-8/7, Tòa án TP Hà Nội chỉ xử có 30 tháng tù cho hưởng án treo.

Được biết, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu TAND TP.Hà Nội làm rõ căn cứ áp dụng án treo đối với cựu Chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án quận Hai Bà Trưng Trịnh Ngọc Chung trong vụ án, báo cáo lại Chủ tịch nước.

Trong khi đó cùng thời điểm (8/7), tại phiên phúc thẩm TAND TP Hải Phòng đã kết án các em học sinh (trong đó có em chưa đủ 18 tuổi) từ 18 đến 22 tháng tù. Lý do là bởi các em đã giật chiếc mũ trị giá 60.000 đồng của một bạn gái mà theo các em là hành động trêu chọc.

Đối xử với người có chức, có quyền, phạm tội nghiêm trọng thì ưu ái, nương nhẹ. Song, đối với các cháu, các em học sinh trẻ người, non dạ chỉ vì trêu đùa dại dột thì thẳng tay… trừng trị.

Xét xử thế này, tránh sao khỏi bất công, tránh sao khỏi tham nhũng và tránh sao khỏi xấu hổ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét