Vũ Duy Phú - bauxite
25-7-2014
Tác giả Vũ Duy Phú đã gửi cho BVN bài báo này kèm lời chú ngắn gọn “tôi viết vội (tác giả nhấn mạnh) chủ yếu nhằm bàn thảo với giới trí thức người Việt ở nước ngoài”…Mặc dù khiêm tốn tự nhận là viết vội nhưng không khó để nhận ra rằng người viết rất am hiểu tình hình đất nước, hơn thế nữa, ông còn là một người “trong cuộc”, một người tham gia trực tiếp, ở mức độ nào đó, vào các “biến cố” của Đảng, của chế độ trong mấy chục năm qua. Vì nằm trong chăn nên biết chăn có rận, ông hiểu rõ những căn bệnh chết người của Đảng và thể chế xã hội chủ nghĩa. Và ông đã đưa ra các giải pháp để giải cứu Đảng, giải cứu chế độ – mà trong đó, ông là một thành phần không thể tách rời.So với rất nhiều người hiện nay, ông là một người đàng hoàng, chính trực, một ông quan “ngự sử” của thời hiện đại.Có một điều thú vị là mặc dù cụm từ “xã hội dân sự” cho đến nay vẫn bị chính quyền coi là từ “húy” nhưng thực tế thì xã hội dân sự đã hình thành, trước hết là ở sự đa nguyên về tư tưởng mà bài báo này là một minh chứng: chúng ta đã được nghe rất nhiều tiếng nói khác nhau, hôm nay lại được nghe thêm một tiếng nói mới, độc lập, bàn về những giải pháp cho tình hình đất nước hiện nay.Xin trân trọng giới thiệu cùng quý vị tiếng nói của một vị “quan ngự sử” thời hiện đại, không phải vì ông cùng quan điểm với chúng tôi, mà chính vì ông khác với chúng tôi. Xin cảm ơn tác giả Vũ Duy PhúBauxite Việt Nam
Toàn thế giới từ lâu đã sang Thời đại “Làng toàn cầu”. Hầu hết mọi người đang được sống trong một “Thế giới phẳng”. Cuộc đấu tranh sinh tồn, vì hòa bình và hạnh phúc lâu bền của CON NGƯỜI đã vượt ra khỏi biên giới từng quốc gia, đang diễn ra và phụ thuộc lẫn nhau ở tầm khu vực và toàn hành tinh. Chuyển bước theo Thời – Vận là quy luật chung của muôn loài, đối với Loài người thì đó là Tự do, Dân chủ, Nhân quyền. Vậy mà nước ta vẫn còn hiện tượng ôm khư khư lấy cái triết lý “Đấu tranh giai cấp”, “Chuyên chính vô sản”, “Độc đảng toàn trị” lạc hậu và chịu để tồn tại “Hận thù dân tộc”, không chỉ là hậu quả sai lầm tạo ra từ thời hậu chiến trước đây, mà còn do những ung nhọt của thể chế chính trị lạc hậu hiện nay! Đó là cái “ách” ngàn cân tạo bởi cái Gốc sai lầm làm cản bước tiến lên của dân tộc Việt Nam. Vì vậy chúng ta cần nói cho thật rõ một lần để khắc phục dứt điểm.
Trước hết nói về Đoàn kết dân tộc. Hồ Chí Minh đã từng nói tại Ấn Độ, khi có một phóng viên phương Tây hỏi về thái độ của Cụ đối với địch thủ lúc bấy giờ, là ông Ngô Đình Diệm. Cụ Hồ đã nói: “Ông Diệm yêu nước theo kiểu của ông ấy. Tôi yêu nước theo kiểu của tôi”. Ta biết về Hoa Kỳ, cuộc nội chiến Bắc Nam của họ, chính là biểu hiện sự xung khắc kịch liệt trong tư duy và quyền lợi của 2 miền trên con đường phát triển. Nhưng sau khi một bên thắng, họ chỉ thực hiện giải giáp vũ khí bên thua, rồi thả cho cán binh bại trận trở về gia đình, thực thi đoàn kết dân tộc, vì vậy nước Mỹ sau chiến tranh không có hận thù dai dẳng, cả nước đồng lòng tiến tới như chúng ta đã thấy. Còn ở Việt Nam ta, các nhóm yêu nước khác nhau có khi không phối hợp được với nhau, thậm chí hành động đối chọi nhau, như chung quanh sự kiện chuẩn bị giành và lập chính quyền sau ngày Nhật đầu hàng 1945. Đương nhiên khi đó phe nhóm nào có cơ sở quần chúng mạnh hơn, chuẩn bị từ sớm hơn, có cương lĩnh (như của Việt Minh) rõ ràng, thậm chí công bố từ một vài năm trước, được nhân dân hiểu rõ hơn và ủng hộ, vì vậy đã thắng thế. Cuối cùng, nếu không có sự can thiệp chia rẽ phá hoại của bên ngoài, chắc chắn nội quốc sẽ phối hợp và đoàn kết được với nhau. Sự khác biệt giữa hoạt động của các ông Hồ Chí Minh, Trần Trọng Kim và Ngô Đình Diệm chính là ở chỗ đó. Ta có thể thấy điều này sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hồ Chí Minh thậm chí đã thực thi “chế độ lưu dung” (sử dụng người của chế độ cũ mà giữ nguyên lương) đối với toàn bộ cán binh chính quyền cũ, tạo ra một ấn tượng đoàn kết “Thắng – Thua” rất đậm nét: Sau chiến tranh, tất cả cùng hợp sức xây dựng cuộc sống mới. Nhìn về xa xưa, sau khi thắng quân Minh, Vua ta đã cấp phương tiện và lương thực cho quân địch bại trận rút về nước. Còn nhiều tấm gương tốt, anh hào quân tử khác nữa của quá khứ. Giá thử, sau chiến thắng 1975, chúng ta, cũng với tầm nhìn đại nghĩa, quân tử, nhân đạo, xử sự theo “tình người” như những trường hợp đã nêu trên đây, thì có thể mối hận thù dân tộc trong cuộc xung đột thắng thua vừa qua đã không đến nỗi gây “tan cửa nát nhà”, nhiều người phải “ngậm đắng nuốt cay” cho đến tận hôm nay. Hơn thế bao nhân tài cùng máu đỏ da vàng đã phải bỏ nước ra đi tìm đến nơi văn minh hơn. Tại sao như vậy ? Một phần chủ động là tại đội ngũ lãnh đạo của bên thắng lúc đó thiếu một tầm nhìn chiến lược và một tấm lòng đại nhân đại nghĩa quân tử cần thiết. Nhưng thực ra chính còn tại vì cái nguyên nhân thứ hai sau đây ngăn cản: Đó là cái tư duy “Đấu tranh giai cấp một mất, một còn” đầy tội lỗi làm u mê cái trí tuệ và lòng nhân đạo của một bộ phận lãnh đạo của chính phủ VNDCCH, khiến họ đã sản sinh ra biện pháp “tẩy não” và đối đãi mất nhân tâm đối với bên thất bại.
Vì vậy, muốn sửa tận Gốc, cần nói rõ về cái “gông cùm” “Đấu tranh giai cấp” “một mất, một còn” rất tai hại này. Thực ra, căn cứ những việc làm của Phong trào Việt minh đánh Pháp, đuổi Tầu Tưởng về nước, giành độc lập cho đất nước giai đoạn 1944 – 1950 thì chứng tỏ Hồ Chí Minh không dính một chút xíu nào về tư duy “đấu tranh giai cấp” kiểu CN Mác – Lê -Mao. Vì mục tiêu đại đoàn kết đấu tranh giành Độc lập Dân tộc và Xây dựng đất nước, Cụ Hồ mời cả vua Bảo Đại làm cố vấn chính phủ, mời mấy đại thần của Triều đình cũ, như các cụ Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Hồ Tùng Mậu . . . . và nhiều trí thức viên chức cũ, như Phan Anh… tham gia chính quyền cách mạng. Có một trí thức danh tiếng xin ra nhập Đảng CS, Cụ Hồ đã khuyên “Chú cứ tiếp tục hoạt động trong đảng Xã hội, sẽ có lợi hơn cho cách mạng . . .”. Chính phủ đa đảng phái, Tuyên ngôn Độc lập, Hiến pháp 46 của nước VN dựa theo mô hình của Pháp và Mỹ làm cho Stalin tức đến mức không thèm công nhận chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Có nghĩa, điều quan trọng nhất đối Hồ Chí Minh, với phong trào Việt Minh là lòng Yêu nước, là Đại đoàn kết dân tộc. Vậy cái đường lối “đấu tranh giai cấp một mất, một còn” cộng sản rất tai hại tồn tại lâu nay nó thâm nhập rộng rãi vào VN bằng con đường nào? Bằng con đường thụ động, bị ép buộc sau đây: Bởi năm 1947 thực dân Pháp, với sự giúp đỡ của Mỹ, quay trở lại xâm chiếm VN lần thứ hai, đã buộc Hồ Chí Minh phải dựa vào Liên Xô và Trung Cộng để tiến hành cuộc kháng chiến. Hồ Chí Minh đã buộc lòng phải trả giá bằng cái gì để lấy lòng tin của Stalin, và sau năm 1949 cả Mao Trạch Đông nữa để họ tận tình giúp đỡ cuộc kháng chiến của VN ? Từ năm 1950, ngoài mong muốn được giúp lương thực súng đạn, Cụ Hồ từng bước buộc lòng phải tỏ ra thực tâm đi theo đường lối “cách mạng vô sản, tiêu diệt tư bản” của Liên Xô và Trung Cộng , nên kể cả phải trả giá bằng tỏ ra tin tưởng mà nhờ vả đào tạo cán bộ, tuyên truyền huấn luyện “học thuyết Mác – Lê” và xây dựng bộ máy chính quyền non trẻ của VN vì mục đích trên hết là Độc lập dân tộc trước đã. Hồ Chí Minh đã phải “giấu nhẹm” cái tư duy Tự do Dân chủ Cộng hòa, Đa nguyên đa đảng lúc đầu của Người, khôn khéo đến mức không chỉ Stalin và Mao Trạch Đông yên tâm tận tình giúp đỡ Việt Nam, mà chính ngay cán binh cộng sự của Người, của cả nhân dân VN cũng tin là VN đã thực sự là một thành viên đích thực “đầy đủ” của phe Cộng sản quốc tế, của phe XHCN theo mô hình của Liên Xô và Trung Cộng. Vậy đương nhiên, đã là một thành viên của phe XHCN thì phải theo đường lối “Đấu tranh giai cấp một mất một còn”, “không đội trời chung với tư bản”,”khác ta là địch”, “độc đảng vô sản toàn trị” chứ còn làm cách nào khác được?! Chính vì vậy cán bộ cấp dưới của Hồ Chí Minh, đã an tâm làm theo tư vấn (thâm độc, phá hoại) của các chuyên gia TQ, mới có “Cải cách ruộng đất” giết chết hàng loạt cốt cán của Việt Minh xuất thân từ địa chủ, tư sản yêu nước và chính quyền cũ, những người đã đóng góp công sức to lớn với cách mạng tháng 8. Chính vì vậy mới có “Nhân văn giai phẩm”, mới có “tịch thu nhà xây ba tầng” của dân, mới có “Cải tạo công thương nghiệp tư doanh” làm tan nát nền kinh tế miền Nam sau giải phóng ! Cái tư duy và quan điểm “đấu tranh giai cấp” “một mất một còn”, “khác ta là địch” với người giầu, với tư sản (tuy là bé cỏn con tại VN), và với trí thức yêu nước còn kéo dài mãi về sau này. Tuy nhiên, chúng tôi đã nhiều lần nói: Nếu không có cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai 1947 – 1954, thì với Hiến pháp 46, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ đa nguyên đa đảng Hồ Chí Minh, và nếu Hoa Kỳ nhận đầu tư phát triển kinh tế, thì Việt Nam hoàn toàn đã có thể trở thành một Con Rồng như Singapor hay Inđonêxia sau này. Vậy có trách, có căm thù, thì trước hết hãy trách cái sai lầm chiến lược thời ấy của các nước phương Tây trước đã. Ngay Bộ chính trị mọi nhiệm kỳ, ngoài lòng yêu nước và các ưu khuyết điểm của chính họ, họ cũng là nạn nhân của chính cái sai lầm Gốc chết người nói trên. Lại nói, về “CN Mác – Lê”, được hiểu sơ sài ở VN, chỉ có ích trong cuộc đấu tranh vũ trang ở chỗ: Đã kích động lòng căm thù giai cấp, tức là căm thù người giầu bóc lột và thực dân đế quốc (và những người theo họ), để cộng hưởng với tinh thần dân tộc cao sẵn có từ hàng ngàn đời nay nên đã dẫn đến thắng lợi 1975. Nhưng một khi cách mạng đã giành thắng lợi rồi, thì cái tinh thần “đấu tranh giai cấp”, “khác ta là địch”, “căm thù người giầu” máy móc kiểu cũ ấy bây giờ hòa bình phát triển kinh tế rồi thì nó cần dùng vào đâu, vì mục tiêu gì ? Trên giải đất VN sau ngày giải phóng, có nên gạt bỏ, thậm chí tiêu diệt tất cả những ai biết làm ăn kinh tế mà giầu có, đã “liên quan đến địch” hay không ? Tôi thậm chí đã nói một cách nhầm lẫn, một chiều: Trong mỗi loại thể chế, dù CS hay TB, những người giầu có hay làm quan đúng luật của thể chế hiện hành, đều là những người có tài ! Nhưng tôi đã quên: Chế độ của giai cấp công nông, “độc quyền đảng trị” trước đây lại rất coi trọng việc chỉ đưa bà con có lí lịch công nhân, nông dân, binh lính và thân quen vào các vị trí tổ chức lãnh đạo phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, bang giao với thế giới… để xây dựng đất nước, coi trọng kinh tế quốc doanh. Khi không còn Hồ Chí Minh (Người đã hơn 30 năm đi khảo sát học tập kinh nghiệm TBCN và XHCN ở nước ngoài), thì cái sai lầm lớn nhất của VN sau 1975 chính là ở chỗ lẫn lộn, mơ hồ “kiên định” “đấu tranh giai cấp”, “độc đảng toàn trị” không dân chủ cạnh tranh công khai minh bạch để chọn người thật sự có tài. Chính cái đó (độc đảng công nông toàn trị, độc quyền mất dân chủ) là nguyên nhân của bao nhiêu suy thoái tệ hại khác đã diễn ra, nổi rõ nhất mà Đảng CS đã phải thừa nhận là có độc quyền nên có quốc nạn tham nhũng, tiêu cực, trên đất VN. Do đó rõ ràng phải đấu tranh bỏ hẳn cái Gốc thể chế chính trị sai lầm ấy, và vì vậy không cần kéo dài hận thù giai cấp và trù dập cá nhân nữa. Đấy là cái Gốc của câu chuyện quá khứ. Vấn đề là bây giờ nên thế nào đây ?
Đáng lẽ phải đại đoàn kết mọi thành phần, mọi giai cấp, mọi nhân tài quốc nội và quốc ngoại, mọi khả năng hợp tác quốc tế để bảo vệ và phát triển đất nước, thì Đảng CSVN, tuy đa số có lòng nhiệt thành yêu nước và ý chí cách mạng vẫn rất cao, nhưng do tập quán, tầm nhìn và tri thức hạn hẹp, nên vẫn bo bo quan điểm cũ: Cái gì khác ta thì là địch. Mà “ta” thì là cái CN Mác – Lê, cái thứ triển khai rất sai lầm ở các nước XHCN khác, nên CNXH đã tan rã, nhưng lại ngoan cố bảo thủ giải thích rằng sự tan rã đó là do “sai lầm triển khai” ! . Nhưng không phải vậy. Ở ta, chừng nào sau chiến thắng 1975 đã hình thành những tầng lớp quan chức hậu duệ, với việc chiếm lấy độc quyền đã giành được do thắng lợi của cách mạng làm “vốn đầu tư” nên một bộ phận không nhỏ đã trở nên giầu có, biến thành tầng lớp “tư bản đỏ”, thì nguyên nhân của vấn đề “kiên trì” đường lối Mác – Lê quá đát hiện nay không hoàn toàn còn là nhầm lẫn ấu trĩ như cũ nữa, và cũng không thể giải thích là “sai lầm triển khai”. Mà là vì 2 nhân tố cốt tử sau: a)Một là: Trung Quốc vẫn rất ép buộc, đe dọa, không muốn VN thay đổi thể chế để thoát khỏi sự khống chế của TQ như một phên dậu và đồng minh, hơn nữa họ lo sợ sự thoát ra khỏi lạc hậu để tiến bộ của VN sẽ lại kích thích sự vùng lên của nhân dân TQ, sẽ phá hoại ý đồ bằng mọi giá tiến lên thống trị thế giới của TQ (tức Đại cục, Giấc mộng Trung Hoa) (*); b) Hai là: Dù biết rằng thể chế cũ “độc đảng toàn trị mất dân chủ” là sai rồi, Cái sai đó tạo ra một cái “gông” từ phía Đại bá TQ, một cái “xiềng” thể chế tồi tệ đặt lên vai nhân dân, song bỏ “gông xiềng” này đi bằng cách nào đây để Đảng cầm quyền vẫn không bị mất vị trí, tức là bản thân các tầng lớp quan chức từ TƯ đến xã phường không mất quyền và lợi hiện có, nhất là tầng lớp “tư bản đỏ”. Đó là lí do căn bản của mâu thuẫn nội bộ, của sự “nhùng nhằng, trì trệ, lưỡng lự và nhút nhát” của một số không nhỏ lãnh đạo cấp cao. Nhưng về phía nhân dân, một câu hỏi phản biện đặt ra: Có nên vận dụng một lần nữa nguyên lý “đấu tranh giai cấp” của CN Mác – Lê vào đây để lật đổ cái chính quyền mang tiếng là “tay sai (a)” và giai cấp tư bản đỏ “bóc lột (b)” hiện nay hay không? Rõ ràng là không nên, là ảo tưởng ,và có muốn cũng chẳng được, hơn nữa, vì như trên chúng ta đã kết luận: Biện pháp cực đoan công nông “đấu tranh giai cấp” lật đổ chính quyền tư bản (bây giờ là TB đỏ) của CN Mác – Lê là sai lầm cực đoan quá đát rồi còn gì ?! Hơn nữa, đất nước ta lại đang nằm ở tuyến đầu chống Bành chướng bá quyền, chúng ta cần rất thận trọng cân nhắc toàn cục mọi quan hệ, mọi lực lượng trong nước và quốc tế.
Vấn đề hiện nay. Như trên đã nói, VN đã hoàn toàn nằm trong bàn cờ của khu vực và thế giới. Muốn thoát khỏi cái “gông” ngoại bang và cái “xiềng” thể chế sai lầm để tiến lên, chúng ta phải làm gì ? Rất may, sự nôn nóng, bồng bột, ngạo mạn sai lầm của tập đoàn lãnh đạo TQ hiện nay (tuy họ tưởng đã nhắm đúng Vận, nhưng lại cũng đã phát lệnh sai cả về Thời) đã tạo ra một tình thế vĩ mô mới rất nguy kịch cho họ, nhưng lại có lợi cho cách mạng VN. Tôi xin hệ thống lại nhận thức và những ý kiến của nhiều tầng lớp nhân dân, bao gồm của cả các quan chức Đảng và Chính phủ có tầm nhìn xa về cái Gốc của Thời – Vận hiện nay:
- Cùng với việc rà lại cả quá trình lịch sử và hiện tại của TQ, Thế giới đã “bừng tỉnh”, hiểu rõ bản chất “Đại cục”, “Giấc mộng Trung Hoa” của nước này là cái gì. Họ đã hiểu rõ rằng, CN bành trướng bá quyền Đại Hán/TQ chính là Chủ nghĩa phong kiến bành trướng cực đoan cổ xưa + với CN phát xít của thế kỷ XX. Nếu CN BTBQ Đại Hán thống trị được thế giới, thì toàn cầu sẽ trở thành một đại TQ với một thể chế chính trị và xã hội không chỉ lạc hậu dã man, mà còn đại loạn như tại TQ hiện nay. Mọi mâu thuẫn, xung đột các thể loại khác nhau đang diễn ra hiện nay trên khắp thế giới đều không có cái thể loại nào nguy hiểm đe dọa tương lai cả Loài người bằng cái nguy hiểm tột độ của CN BTBQ Đại Hán/ TQ này (**).
Sự bừng tỉnh của thế giới đã kéo theo sự bừng tỉnh thật sự của toàn thể nhân dân và lãnh đạo Việt Nam !
- Rất không vô tình, không ngẫu nhiên, VN lại đang là điểm đối đầu rõ nhất của CN BTBQ Đại Hán/ TQ với “Phần còn lại của Thế giới”. Trước đây, Việt Nam đã từng hoàn toàn “bị động” đứng gọn ở phía TQ rồi, nhưng TQ không để VN yên bình và còn tự xô đẩy VN trở nên đối địch. Vậy nên chăng VN vẫn lừng khừng để chết chẹt giữa 2 lực lượng quốc tế đối đầu, trong khi “Phần còn lại của Thế giới”, mà chủ lực là Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Ấn Độ, Nga , và nhiều nước văn minh tiến bộ khác đang dang tay ra đón đỡ VN, nước vốn cũng đã từng rất anh hùng (và đã thông cảm, bỏ qua những suy thoái, tệ nạn đang hiện hữu khách quan tạm thời tại VN) ! Khi đã bừng tỉnh thì không thể đứng nhìn và chờ đợi. Là một nhân tố “mũi nhọn của lịch sử”, VN dứt khoát và phải mau chóng đứng hẳn về phía Nhân loại văn minh. Để đồng hành không chuệch choạc vênh váo với thế giới Văn minh, việc đầu tiên là chúng ta phải dứt điểm từ bỏ lý luận và quan điểm (chủ nghĩa) biệt lập “đấu tranh giai cấp”, “khác ta là địch”, trở về với đường lối cách mạng của Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đại đoàn kết, trân trọng, hợp tác, liên kết các khác biệt, kể cả đối lập” để dứt khoát đi với Thế giới hiện đại.
- Chúng ta phải chủ động từng bước, nhanh chóng, quyết tâm cao .. . thực thi cái đường lối sáng suốt đó của Hồ Chí Minh. Bằng cách;
+ Hoàn trả lại đầy đủ quyền Làm chủ (Tự quyết) cho nhân dân, sửa đổi để hoàn toàn trở lại tinh thần Hiến pháp 46, có chính sách đối ngoại độc lập, bình đẳng và tiến bộ với các nước, như rất nhiều tổ chức và cá nhân người Việt ở trong nước và nước ngoài đã và đang khẩn thiết kêu gọi. Từng bước mở rộng cửa cho các cá nhân và tổ chức dân sự hoạt động theo pháp luật, sau một thời gian đủ để nhân dân hiểu rõ để lựa chọn, lúc đó sẽ để cho các cá nhân và tổ chức dân sự ngoài Đảng CS có thể tự do bình đẳng tham gia tranh cử vào các cấp lãnh đạo của nhà nước. Đây chính là lúc “Vận nước đã đến rồi”. Khá nhiều người không tin “Cộng sản” chịu làm như vậy. Tại sao họ lại quên những Enshin, Goorbachop, Putin, Võ Văn Kiệt. . . ? Trên thực tế, mọi cải cách trong nước đã và đang buộc phải đi theo chiều hướng trả lại quyền Tự quyết đầy đủ cho nhân dân. Còn ai muốn “dẹp bỏ” cái chính quyền CS mang tiếng “độc quyền” hiện nay trước, rồi sẽ cải cách và chống Bành trướng bá quyền sau. . . là người đó không nắm được tình hình trong nước và quốc tế, là chưa nắm được Vận nước. Hơn nữa: Thời cơ không chờ đợi cho một giải pháp ngược đời, đảo lộn và ngây thơ như vậy !.
+ Song song với, và cần rà lại để hiện thực hóa mọi chương trình kế hoạch nhà nước đang triển khai, nhà nước nên làm nhiều việc bổ sung kịp thời:
- Rà lại tất cả những nội dung hợp tác với TQ. Học tập Mianma: Những nội dung hợp tác nào do nể nang, lo sợ và ảo tưởng với TQ, làm hại đến an ninh và quyền lợi của VN, thì dứt khoát đấu tranh loại bỏ hoặc điều chỉnh. “Không ai chọn được láng giềng”, nhưng cần dũng cảm xây dựng một mối quan hệ hợp tác láng giềng mới bình đẳng, công bằng, hữu nghị, tự tin, đàng hoàng thật sự với TQ;
- Nhất trí với đường lối “Thoát ta”, tức là thoát những sai lầm do thể chế cũ và tầm nhìn hạn chế làm tụt hậu Đất nước như hiện nay. Hãy khách quan mà thừa nhận: Toàn thế giới đang Toàn cầu hóa TBCN. Và như Các Mác đã tiên đoán: Các nước TB phát triển nhất sẽ tiến trước lên CNXH (Hậu Tư bản CN). Do hoàn cảnh lịch sử trớ trêu và số phận cay nghiệt của đất nước ta, chúng ta hãy bình tĩnh học tập cách tổ chức và quản lý đất nước của các nước bạn có chỉ số văn minh cao để có được một xã hội lành mạnh như người ta trước đã, rồi sẽ từ đó mà tiến lên tiếp. Nếu giỏi, lúc bấy giờ sẽ không ai cản bước. Hãy nhìn TQ đó: Dù có nghiên cứu sâu kinh dịch, dự đoán giỏi Vận của Phương Đông và Vận của TQ, song sự nóng vội và ảo tưởng của TQ đang diễn ra sai lệch rất lớn so với Thời Vận của nước này, đó chẳng phải là một bài học để đời không chỉ cho các dân tộc Trung Hoa. Ngược lại, với VN, Thời và Vận đều đã đến gõ cửa, mà còn chần chừ, chậm chạp, thì lại sẽ không tránh khỏi một tai họa kép.
- Đảng CSVN muốn tồn tại, và có thể tồn tại mạnh mẽ hơn trước, nếu Đảng lấy lại được phong thái anh hùng thủa xưa, quyết liệt cải tạo tư tưởng đường lối đạo đức, dân chủ hóa, sòng phẳng công khai đường hoàng cạnh tranh ngay trong nội bộ, dẫn đầu làm gương cho thể chế bên chính quyền, tạo ra một động lực phát triển mới cho đất nước, và . . . . làm gương cho các đảng bạn non trẻ sẽ ra đời trong tương lai… Có thế dân mới cần đến Đảng CS, còn không, hiển nhiên nhân dân sẽ tìm mọi cách chọn một đảng tiên phong mới dẫn đường. Không nên e ngại, rằng sẽ làm phật lòng Trung Quốc, vì, về phía họ, muốn tồn tại, thì TQ cũng phải giải quyết thành công đại sung đột nội bộ còn phức tạp rắc rối muôn phần hơn chính chúng ta, bằng không, nếu họ còn hung hăng bành trướng, thì dưới sức ép của cuộc tổng trừng phạt kinh tế, chính trị, luật pháp và quân sự của “Phần còn lại của Thế giới”, TQ sẽ được chia ra nhiều quốc gia độc lập, bình đẳng, để từ đó sẽ hình thành một “Cộng đồng mới các quốc gia độc lập và văn minh”, thỏa lòng ước mơ của nhân dân TQ, sống hòa bình bên cạnh Cộng đồng Đông Nam Á , làm cho Châu Á ngày càng tiến bộ hơn, phù hợp với Đại Vận toàn cầu đang diễn ra.
Tóm lại, chúng ta hãy cố gắng bỏ qua mọi sai lầm cũ để đại đoàn kết, sửa chữa từ những cái Gốc, cơ hồ có thể yên tâm dũng cảm vận động theo “Làng toàn cầu”, “Thế giới phẳng”, theo Nhân loại văn minh, cũng là để theo được kịp “Thời Vận” của Trời Đất.
Hà Nội, ngày 18, tháng 7, 2014
V.D.P
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét