12-7-2014
(Baodautu.vn) Việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trên vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cũng như chủ trương tạm thời cấm các công ty quốc doanh tham gia đấu thầu hợp đồng mới ở Việt Nam, cùng việc một số công ty du lịch Trung Quốc hủy tour đến nước ta là những tín hiệu tiêu cực mới trong quan hệ giữa hai nước.
Tác động đối với tăng trưởng kinh tế
Để đánh giá tác động của động thái mới này, cần thu thập thông tin từ Trung Quốc và thế giới, cách đánh giá của các chính trị gia, nhà nghiên cứu quốc tế để nhận biết đúng bản chất ý đồ của nhà cầm quyền Trung Quốc; tiếp cận đa chiều từ cả quan hệ song phương giữa hai nước, lẫn quan hệ đa phương giữa nước ta với các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế; trên cơ sở đó, dự báo trạng thái phát triển kinh tế và từng lĩnh vực hoạt động, có giải pháp đề phòng để xử lý các tình huống có thể xảy ra, kể cả tình huống xấu nhất, nhằm giảm thiểu tổn thất kinh tế.
Mậu dịch Việt - Trung đang bị ảnh hưởng bởi căng thẳng ở Biển Đông. Ảnh: Đức Thanh |
Tổ chức đưa ra dự báo sớm nhất là Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách thuộc Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), công bố ngày 29/5/2014, gần một tháng kể từ khi Trung Quốc bắt đầu khiêu khích ở Biển Đông.
Theo dự báo này, tăng trưởng kinh tế năm 2014 không đạt mức dự kiến, mà chỉ đạt 4,15 - 4,88%, giảm khoảng 1% so với năm 2013 (5,42%).
Trong cuộc họp báo ngày 27/6 về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu 2014, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định: “Trong trường hợp thương mại hoàn toàn ngưng trệ với Trung Quốc và không tìm được các bạn hàng thay thế, thì GDP sẽ bị giảm 10%. Tăng trưởng GDP năm 2014 có thể chỉ ở mức 5,5 - 5,6%, không đạt mục tiêu 5,8% đã đề ra”.
Tuy nhiên, ông Lâm cho rằng, Việt Nam sẽ tìm được bạn hàng khác thay thế, như nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Ấn Độ, xuất khẩu nông sản sang Hàn Quốc...
Tại buổi họp báo đó, bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê) cho biết, trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc giảm nhẹ, trong đó, mức giảm nhập khẩu chưa đáng kể.
Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết, du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất. Số khách Trung Quốc đến Việt Nam giảm mạnh trong 2 tháng vừa qua; khách quốc tế đến Việt Nam qua cửa khẩu Trung Quốc giảm 50%, kéo theo các ngành vận tải, khách sạn nhà hàng, bán lẻ... giảm theo.
Tuy vậy, đã có một số tín hiệu tích cực trong tháng 6/2014. Đó là, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 10,7%; hoạt động của doanh nghiệp đã phục hồi trên các thị trường.
TS. Marc Faber, nhà tư vấn đầu tư có uy tín, diễn giả chính của Diễn đàn Đầu tư Việt Nam vừa được tổ chức tại TP.HCM phát biểu: “Tôi luôn có niềm tin và lạc quan đối với nền kinh tế của Việt Nam. Đây là một nền kinh tế sẽ phát triển vượt bậc trong 10 năm tới”.
Ông Don Lam, CEO của Tập đoàn VinaCapital nhận xét: “Sự kiện giàn khoan đã khiến một số nhà đầu tư bán ồ ạt cổ phiếu, nhưng tôi nhắc lại rằng, đó là các nhà đầu tư Việt Nam. Ngược lại, trong khoảng thời gian đó, nhà đầu tư nước ngoài lại mua ròng cổ phiếu để nắm giữ thêm nhiều cổ phiếu ngay cả khi VN-Index giảm 2,2%, vì họ tin tưởng vào tăng trưởng của thị trường Việt Nam”.
Tổ chức xếp hạng quốc tế Standard & Poor’s (S&P’s) nhận định tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam vẫn mạnh, do lĩnh vực sản xuất để xuất khẩu được đa dạng hóa và đang hướng tới sản phẩm giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, sản xuất và dịch vụ ngày càng đóng góp lớn cho GDP và lĩnh vực tư nhân cũng tăng trưởng tốt. Tốc độ tăng trưởng GDP chậm hiện tại phản ánh chính sách nghiêng về bình ổn kinh tế, nhằm có thời gian cải tổ ngân hàng và các công ty nhà nước kém hiệu quả. Các biện pháp bình ổn đã giúp hạ nhiệt lạm phát và tăng niềm tin vào nội tệ.
S&P’s dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2014 - 2017 là 5%/năm và GDP bình quân đầu người đạt trên 3.000 USD vào năm 2017, xếp hạng nợ ngắn và dài hạn của Việt Nam tiếp tục giữ ở mức B và BB.
Thực tế tăng trưởng GDP quý II là 5,25%, cao hơn 0,14% so với quý I (5,09%); GDP nửa đầu năm 2014 ước tăng 5,18% (6 tháng đầu năm 2013 tăng 4,9%), trong đó khu vực dịch vụ đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng (2,57%), tiếp đến là công nghiệp - xây dựng (2.06%), nông - lâm - thủy sản (0,55%).
Tác động từ sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan trên vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đến tăng trưởng kinh tế tùy thuộc vào việc Chính phủ, doanh nghiệp và người dân chủ động đến mức nào trong việc ứng phó với ý đồ và hành động của Trung Quốc trong quan hệ kinh tế với nước ta.
Một số ý kiến cho rằng, thách thức lớn này có thể và cần được biến thành cơ hội để đánh giá toàn diện quan hệ song phương về kinh tế và từng lĩnh vực, như quan hệ thương mại, đầu tư trực tiếp, viện trợ ODA, đấu thầu, dịch vụ, du lịch và lao động Trung Quốc tại Việt Nam, từ đó khắc phục khiếm khuyết về chính sách, luật pháp, quản lý nhà nước, về hoạt động của doanh nghiệp, nâng cao ý thức dân tộc, độc lập, tự chủ, năng lực nội sinh để đề ra định hướng mới và đổi mới cơ bản quan hệ với Trung Quốc dựa trên căn bản lợi ích dân tộc.
Ba kịch bản
Trong bối cảnh khó lường trước những gì nhà cầm quyền Trung Quốc chủ trương và hành động đối với Việt Nam, dự báo quan hệ kinh tế giữa hai nước có thể diễn ra theo ba kịch bản dưới đây.
(1) Kịch bản xấu nhất
Theo đó, Trung Quốc đơn phương ngừng các quan hệ mậu dịch, du lịch, đầu tư với Việt Nam. Không ai dám khẳng định kịch bản này không thể xảy ra, bởi những gì Trung Quốc đã và đang hành xử đối với nước ta, cũng như những luận điệu tuyên truyền đang được các cơ quan truyền thông nước này tiến hành ở trong nước và trên thế giới không cho phép chúng ta lơi là cảnh giác, phải dự phòng trường hợp xấu nhất để chủ động đề ra hệ thống giải pháp của nhà nước, từng địa phương, các doanh nghiệp và của người dân, nhằm giảm thiểu thiệt hại về kinh tế - xã hội.
Tuy vậy, kịch bản này khó có thể xảy ra vì nhiều nguyên nhân:
i) Bối cảnh chính trị, kinh tế quốc tế và khu vực mà Trung Quốc cần phải cân nhắc (Trung - Mỹ, Trung Quốc - Nhật Bản, Trung Quốc - ASEAN) khi có chủ trương và hành động mới trong quan hệ với nước ta.
ii) Tình hình nội bộ của Trung Quốc: chính trị, kinh tế, giới cầm quyền, nông dân, sắc tộc.
iii) Tổn thất mà Trung Quốc gánh chịu khi áp dụng giải pháp xấu nhất trong quan hệ kinh tế đối với Việt Nam.
iv) Khả năng mà Việt Nam có thể đối phó với kịch bản đó từ tiềm lực nội tại, quan hệ với các nước ASEAN, với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU.
(2) Kịch bản giữ nguyên hiện trạng
Mặc dù tình hình Biển Đông căng thẳng, Trung Quốc có thể đề ra chủ trương và hành động mới như cách mà nước này công bố bản đồ “mười đoạn” thay cho “chín đoạn”, khiêu khích, gây hấn nhiều hơn, nhưng vẫn duy trì quan hệ thương mại, du lịch, đầu tư như hiện nay vì lợi ích kinh tế của nước này và của các doanh nghiệp Trung Quốc, không dễ gì từ bỏ thị trường đầy tiềm năng của nước láng giềng “núi liền núi, sông liền sông”, mà trên thực tế, họ đã hưởng lợi lớn trong việc Việt Nam xuất 1 nhập 3, trong buôn bán qua biên giới…
Kịch bản này là mong muốn của chúng ta để góp phần giải bài toán ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội và phục hồi tốc độ tăng trưởng. Các doanh nghiệp Trung Quốc có quan hệ làm ăn lâu dài với Việt Nam đang được hưởng lợi từ quan hệ thương mại, du lịch và đầu tư cũng hy vọng duy trì hiện trạng.
Tuy vậy, đó không phải là mong muốn của nhà cầm quyền Trung Quốc, vì họ luôn tìm cách giảm thiểu lợi ích của Việt Nam trong quan hệ giữa hai nước, không muốn có một Việt Nam hùng mạnh nằm ngoài tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.
(3) Kịch bản trung bình
Trung Quốc tiếp tục hành động gây hấn trên biển (có thể cả ở biên giới trên bộ), lợi dụng mọi lúc, mọi nơi để tìm cách “phá rối” quan hệ thương mại, du lịch, dịch vụ, đầu tư, nhằm gây thiệt hại lớn nhất cho Việt Nam, nhưng vẫn duy trì quan hệ buôn bán hai chiều, du lịch giữa công dân hai nước, đầu tư tại nước ta những dự án không tạo ra sức mạnh để cạnh tranh với Trung Quốc.
Kịch bản này dễ xảy ra nhất, do vậy, dù phải đề ra các giải pháp ứng phó với kịch bản xấu nhất, nhưng cần tính toán chi tiết mọi hậu quả của kịch bản này để chủ động các phương án đối phó.
Có lẽ, vụ bạo động xảy ra ở Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh là điềm báo về kịch bản này. Ai đứng đằng sau những cuộc biểu tình, đốt phá, cướp bóc, đánh người nước ngoài để làm xấu đi hình ảnh một nước Việt Nam ổn định chính trị và an ninh, an toàn cho nhà đầu tư quốc tế? Một ngày sau khi sự kiện xảy ra, Trung Quốc đã sẵn sàng đưa tàu biển vào cảng biển Hà Tĩnh đón người của họ về nước.
Kịch bản nào sẽ xảy ra trong quan hệ kinh tế giữa nước ta với Trung Quốc tùy thuộc vào cả hai phía: ý đồ của nhà cầm quyền Trung Quốc và phương thức hành động của Việt Nam để đối phó với ý đồ đó, cũng như hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội trong việc làm cho dư luận quốc tế ngày càng lên án hành động sai trái của Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình, ngoại giao và luật pháp quốc tế.
GS-TSKH Nguyễn Mại
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét