Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

LỜI KÊU GỌI ỦNG HỘ ĐỀ NGHỊ ĐÌNH CHỈ KHAI THÁC BAUXITE TÂY NGUYÊN

Kính thưa các anh các chị,
Việc khai thác bauxite trên Tây Nguyên ngày càng gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng giữa lúc Tây Nguyên nói riêng và kinh tế cả nước nói chung đang có nhiều khó khăn lớn. Hơn nữa đây là thời điểm Thông báo số 245 của Bộ Chính trị về bauxite Tây Nguyên đã 5 năm. Chúng tôi là Nguyên Ngọc, Lê Văn Cương, Chu Hảo, Nguyễn Thành Sơn và tôi - Nguyễn Trung - nhất trí cùng nhau soạn bức thư ngỏ (gởi kèm theo mail này) kêu goi đình chỉ khai thác bauxite Tây Nguyên và đóng cửa nhà máy Tân Rai, dừng xây dựng tiếp nhà máy Nhân Cơ. Vì tầm quan trọng của vấn đề, chúng tôi kính mời các anh các chị cùng ký tên vào thư ngỏ này. Nếu các anh các chị tán thành, xin các anh các chị cùng đứng tên (không cần gửi chữ ký tươi) và xác nhận bằng cách gửi rõ tên, chức danh và địa chỉ của các anh các chị vào địa chỉ mail


Thư ngỏ
Về khai thác bô-xít ở Tây Nguyên
 Hà Nội ngày 24-04-2014
 Kính gửi:
-       Ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư, Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam,
-       Ông Trương Tấn Sang - Chủ tịch, nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam,
-       Ông Nguyễn Tấn Dũng - Thủ tướng, Chính phủ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam,
-       Ông Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch, Quốc hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam,
-       Ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch, Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam.
Đồng kính gửi:
-       Toàn thể quốc dân đồng bào,
Chúng tôi, những người Việt Nam quan tâm đến vận mệnh đất nước ký tên trong thư ngỏ này, khẩn thiết yêu cầu các quý vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận (dưới đây gọi tắt là các quý vị lãnh đạo) quan tâm và có quyết định giải quyết dứt điểm vấn đề khai thác bô-xít Tây Nguyên trên cơ sở 5 năm thực hiện kết luận của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam (sau đây viết tắt là BCHTƯ ĐCSVN) được nêu trong Thông báo số 245-TB/TƯ ngày 24-04-2009 về “Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô-xít giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025” (dưới đây viết tắt là thông báo số 245).

Thưa các quý vị lãnh đạo, trước tiên, chúng tôi hiểu “Chủ trương thăm dò, khai thác, chế biến bô-xít là chủ trương nhất quán từ Đại hội IX và Đại hội X của Đảng đến nay. Triển khai các nghị quyết đại hội, trong 2 nhiệm kỳ, Bộ Chính trị đã nhiều lần bàn và ra các nghị quyết, kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng ngành công nghiệp bô-xít, alumin, nhôm, phục vụ phát triển kinh tế đất nước nói chung, góp phần phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên nói riêng…” như đã được nêu trong Thông báo số 245.
Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến quan điểm của Bộ Chính trị về khai thác bô-xít Tây Nguyên được nêu trong Thông báo số 245 là:
“- Quy hoạch và kế hoạch triển khai các dự án phải trên cơ sở hiệu quả tổng thể, gồm cả hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội; trong đó, chú ý đúng mức đến việc tiết kiệm tài nguyên, nhu cầu thị trường, sản phẩm phải có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới…
- Khai thác bô-xít, sản xuất alumin có tác động lớn đến môi trường từ khâu khai thác, chế biến, vận chuyển đến xử lý chất thải, nếu không được quản lý tốt không tính hết đến tác động môi trường thì sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng mà việc khắc phục phải mất nhiều năm với chi phí tốn kém lớn.
- Kết cấu hạ tầng Tây Nguyên còn thấp kém, nguồn nước và nguồn điện hạn chế, nên cần phải đẩy mạnh phát triển để vừa đáp ứng yêu cầu khai thác bô-xít, sản xuất alumin, vừa bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội vùng này.
- Việc lựa chọn công nghệ là một nội dung quan trọng; yêu cầu là phải sử dụng thiết bị và công nghệ hiện đại trên thế giới.
- Quan tâm đúng mức đến đời sống và giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc Tây Nguyên; tạo công ăn việc làm cho nhân dân địa phương; việc sử dụng lao động nước ngoài phải đúng quy định của pháp luật.
- Tây Nguyên là khu vực nhạy cảm, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh, quốc phòng cho cả trước mắt và lâu dài, đến môi trường tự nhiên và môi trường văn hoá…”
Đối chiếu giữa một bên là tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị như trong thông báo nêu trên, và một bên là những gì đã diễn ra trong quá trình xây dựng nhà máy, khai thác, chế biến bô-xít để sản xuất alumina suốt 5 năm qua tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắc Nông) do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (dưới đây gọi tắt là tập đoàn TKV) thực hiện, chúng tôi thấy nổi lên những vấn đề rất đáng lo ngại sau đây:
-       Một là: Toàn bộ việc xây dựng nhà máy và triển khai mỏ ở Tân Rai và Nhân Cơ đã diễn ra theo một quy trình ngược, dựa trên các nghiên cứu và quy hoạch có rất nhiều sai sót.
Thực tế cho thấy việc triển khai 2 nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ chỉ dựa trên những nghiên cứu, khảo sát kém chất lượng và không đủ độ tin cậy. Các tính toán, thông số kinh tế - kỹ thuật trong qui hoạch của các dự án và trong thực tế thực thi công trình đều có chênh lệch lớn. Các khâu liên quan đến kết cấu hạ tầng đều không được chuẩn bị trước với sự tính toán chu đáo. Hệ quả là: Việc xây dựng nhà máy alumina và khai thác các mỏ bô-xít được tiến hành trước khi có các phương án khả thi về giao thông vận tải, còn nhiều khó khăn trong cân đối các nguồn cung ứng cho quá trình sản xuất đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra, dẫn tới những ách tắc, việc sau chờ việc trước… Cụ thể là: Nhà máy Tân Rai đã xây dựng xong được 2 năm nhưng vì những yếu kém nêu trên nên không thể thực sự đi vào sản xuất có hiệu quả.Đến nay hầu như không thực hiện được các chỉ tiêu kinh tế - tài chính đã được TKV cam kết. Nhà máy Nhân Cơ đang xây dựng, tiến độ thực hiện chậm 3 năm so với kế hoạch…
Nhà máy Tân Rai đã đi vào sản xuất từ 2 năm nay, song cho đến nay vẫn chưa có phương án khả thi nào cho vấn đề giao thông vận tải (vận chuyển nguyên liệu, nhiên liệu cho sản xuất alumina ở nhà máy và chở sản phẩm xuống cảng để xuất khẩu). Dự án cảng Kê Gà đã phải hủy bỏ và phương án vận tải cho dự án alumina Nhân Cơ càng bế tắc. Việc sử dụng hệ thống đường sá và cảng hiện có cho yêu cầu vận tải của 2 nhà máy đòi hỏi phải mất thêm nhiều thời gian, và ngân sách nhà nước phải có khoản đầu tư mới để nâng cấp hệ thống này (sẽ đắt không kém xây dựng mới) mà vẫn không tránh khỏi ách tắc giao thông trong vùng. Giả thiết có sẵn một hệ thống vận tải như thế, giá thành alumina của 2 nhà máy này cũng sẽ không thể chịu đựng nổi chi phí vận tải đường bộ 2 chiều cho khoảng cách trên 200 km để có thể cạnh tranh được trên thị trường. Nếu thêm nhà máy Nhân Cơ đi vào vận hành, ách tắc trong vấn đề giao thông vận tải sẽ trở nên bất khả kháng hơn.
Do công nghệ lạc hậu, mức sử dụng nước theo cam kết của nhà thầu cho tuyển quặng và sản xuất alumina nhiều gấp 1,4 lần so với mức cao nhất của thế giới. Cho đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa có nguồn cân đối bổ sung cho nhu cầu sử dụng nước để sản xuất alumina tại 2 nhà máy. Tây Nguyên vốn khan hiếm nước, đặc biệt vào mùa khô kéo dài gần 8 tháng / năm, nếu duy ý chí cấp đủ nước cho 2 nhà máy này sẽ dẫn đến hao hụt lớn nguồn nước cung cấp cho cây công nghiệp và dân sinh trong vùng và các khu vực hạ lưu. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho việc khai thác bô-xít và sản xuất alumina trên Tây Nguyên rất không khả thi.
Việc đảm bảo nguồn nhiệt năng cho sản xuất alumina tại 2 nhà máy cũng đang đòi hỏi những khoản đầu tư tốn kém và làm tăng chi phí vận hành. Thực tế cho thấy việc điện phân nhôm trên Tây Nguyên sẽ không có hiệu quả, vì 2 lẽ: (1) giá điện ở Việt Nam và ở Tây Nguyên không rẻ (dù là thủy điện hay nhiệt điện); (2) nền kinh tế hiện rất mất cân đối về năng lượng, điện phải được ưu tiên sử dụng cho các dự án kinh tế mang lại nhiều giá trị gia tăng và lợi nhuận hơn, thân thiện môi trường hơn.
Việc áp dụng công nghệ của cả 2 dự án alumina không phù hợp và lạc hậu đã dẫn đến những hệ quả như: Tỷ lệ tổn thất tài nguyên (quặng bô-xít) lên tới trên 50%, công nghệ khí hóa than ở Tân Rai và Nhân Cơ đã lạc hậu hơn nửa thế kỷ và chứa đựng nhiều rủi ro kỹ thuật. Chất lượng sản phẩm alumina khó được kiểm soát (về độ ẩm, tỷ lệ dưới cỡ). Khâu nghiệm thu/bàn giao công trình đang bị kéo dài và còn để lại nhiều câu hỏi về chất lượng nhà máy, công suất, khả năng vận hành liên tục, mức độ tiêu hao nguyên vật liệu và năng lượng cho đầu vào. Các giải pháp thiết kế, bố trí mặt bằng sân công nghiệp của cả hai nhà máy có nhiều bất cập, gây lãng phí trong sản xuất…
Đặc biệt, cả 2 nhà máy đều áp dụng công nghệ thải bùn đỏ “ướt” (nghĩa là vẫn phải thải cả dung dịch xút ăn da- NaOH ra hồ chứa sau một thời gian mới thu hồi về lại nhà máy). Với công nghệ thải ướt - chờ khô như vậy, trong suốt quá trình vận hành của cả 2 dự án thường xuyên vẫn có các hồ bùn đỏ ướt độc hại ở Tây Nguyên với độ cao 700 – 800m, đe dọa nghiêm trọng các vùng xung quanh và hạ lưu. Thiên tai và biến đổi khí hậu sẽ làm cho hiểm họa bùn đỏ càng trở nên khó lường, nhất là thời tiết Tây Nguyên khắc nghiệt và có nhiều hiện tượng cực đoan trong thời gian gần đây. Việc sử dụng bùn đỏ để sản xuất sắt xốp có thể khả thi trong phòng thí nghiệm, nhưng hoàn toàn không khả thi về mặt kinh tế. Trên thế giới chưa có nơi nào triển khai được ở qui mô công nghiệp cho sắt xốp như vậy. Việc sản xuất các vật liệu xây dựng khác từ bùn đỏ cũng gặp những khó khăn tương tự.
Hai năm khai thác bô-xít vừa qua cho thấy việc hoàn thổ không diễn ra hoặc không thể diễn ra như trong báo cáo của luận chứng kinh tế kỹ thuật. Việc khai thác và hoàn thổ theo qui trình “cuốn chiếu” như dự tính của TKV trước đây không thể thực hiện được bởi vì địa hình thực tế của Tây Nguyên chủ yếu là các đồi: ở đỉnh đồi quặng bô-xít đã bị phong hóa, dưới chân đồi quặng bô-xít đã bị rửa trôi, chỉ còn lại đất sét. Quặng bô-xít chỉ tập trung ở các sườn đồi nên việc khai thác đòi hỏi phải chiếm nhiều diện tích. Công nghệ khai thác đang được áp dụng chủ yếu là bóc các lớp quặng ở sườn đồi (giống như làm đường giao thông trong vùng đồi núi), đất bị gạt xuống chân đồi vốn là nơi có khả năng canh tác nông nghiệp ở Tây Nguyên. Vì vậy, việc hoàn thổ không thể thực hiện được, toàn bộ cân bằng của tự nhiên được tạo ra trong suốt quá trình kiến tạo địa lý hàng chục triệu năm đang bị phá vỡ. Thực tế cho thấy, không thể dự báo được các hệ lụy của việc xâm hại đến môi trường tự nhiên như thế và cái giá phải trả sẽ rất đắt. Kể từ khi bô-xít được khai thác đến nay, trên thực tế TKV chưa thể thực hiện hoàn thổ, phục hồi môi trường đất. Trong khu vực trồng cây thử nghiệm trên đất đã khai thác bô-xít ở Tân Rai không có loại cây công nghiệp nào có thể phát triển  được.
Về mặt tài chính: Vốn Đầu tư ban đầu dự tính khoảng 350 triệu USD cho mỗi nhà máy, sau đã phải điều chỉnh lên đến 466 triệu USD cho nhà máy Tân Rai, và 499,2 triệu USD cho nhà máy Nhân Cơ với cùng một công suất là 650.000 tấn alumina/năm. Cả 2 dự án thử nghiệm đều được giao cho một nhà thầu thực hiện. Theo kinh nghiệm, với cùng một công nghệ và cùng một nhà thầu lẽ ra nhà máy sau phải rẻ hơn nhà máy trước ít nhất 15%, nhưng thực tế đã ngược lại, nhà máy Nhân Cơ (sau) đắt hơn nhà máy Tân Rai (trước) trên 33 triệu USD. Tổng mức đầu tư theo dự toán cập nhật cho chương trình bô-xít ở 2 nhà máy này khoảng 1,6 tỷ USD. Sản phẩm của cả 2 dự án chủ yếu (hơn 95%) để xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu và cả 2 dự án sẽ không có đóng góp đáng kể vào nguồn thu của ngân sách cũng như tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. TKV cho biết nhà máy Tân Rai năm 2013 lỗ 258 tỷ VNĐ, năm 2014 sẽ lỗ 176 tỷ VNĐ, từ 2016 mới thôi không lỗ (?). Nhà máy Nhân Cơ nếu đi vào sản xuất dự kiến sẽ lỗ liên tiếp trong khoảng 5 – 6 năm đầu… Tại các hội thảo phản biện do Liên hiệp các hiệp hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức, dự báo nhu cầu alumina trên thế giới tương đối ổn định và giá sẽ có xu hướng tăng, nhưng do công nghệ lạc hậu và chi phí vận tải quá cao sẽ khiến 2 nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ nếu chạy hết công suất, mỗi năm sẽ lỗ từ 50 – 100 triệu USD. Xin lưu ý: Các con số tính lỗ này, dù là của TKV hay là của VUSTA cũng mới chỉ dựa trên tính toán đơn thuần bên trong nhà máy, chưa bao gồm chi phí từ ngân sách nhà nước phải bỏ ra để nâng cấp / xây dựng mới và duy tu, bảo dưỡng hàng năm cho khoảng 200 km đường giao thông và cảng, ước tính sẽ là nhiều trăm triệu USD nữa mà nền kinh tế của đất nước phải gánh chịu.
-       Hai là: Toàn bộ việc khai thác bô-xít Tây Nguyên vừa qua cho thấy TKV không tuân thủ các quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị nêu trong thông báo số 245. Trong điều kiện hiện nay của đất nước việc khai thác bô-xít Tây Nguyên chỉ đem lại những thua lỗ nặng nề cho nền kinh tế, gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, xã hội cho Tây Nguyên nói riêng và cho cả nước nói chung.
Trước hết, nói về TKV:
Có sự thật khách quan là thông báo số 245 được ban hành giữa lúc đã triển khai xong việc quy hoạch khai thác bô-xít cho nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ. Trong đó, nhà máy Tân Rai đã thực thi xong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Tuy nhiên, lẽ ra phải bám sát quan điểm chỉ đạo của thông báo số 245 để điều chỉnh kịp thời các việc tiếp theo, nhưng TKV chỉ một mực đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đã có. Trong thời gian kể từ khi có thông báo số 245 (24-04-2009) đến khi xây dựng xong nhà máy Tân Rai (2011), trong cả nước tiếp tục có các hội thảo phản biện về đề tài bô-xít Tây Nguyên. Song hầu như các ý kiến phản biện đều không được tiếp thu.
Từ khi nhà máy Tân Rai đi vào sản xuất cho đến nay đã 2 năm, TKV cũng chưa một lần đánh giá lại toàn bộ tình hình công việc theo tinh thần chỉ đạo của thông báo số 245, thậm chí còn đẩy mạnh việc xây dựng tiếp nhà máy Nhân Cơ giữa lúc TKV thiếu vốn và gặp phải rất nhiều khó khăn trong dự án nhà máy Tân Rai. Cũng trong 2 năm qua đã có nhiều đoàn của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành đến Tân Rai và Nhân Cơ kiểm tra, giám sát. Nhưng vì thiếu những thông tin khách quan và đầy đủ của chủ đầu tư, nên việc giám sát / kiểm tra không đạt kết quả xác thực.
Hệ quả là: Việc xây dựng 2 nhà máy và khai thác bô-xít tại Tân Rai và Nhân Cơ hoàn toàn không tuân thủ tinh thần chỉ đạo của thông báo số 245 là chỉ làm thí điểm, phải đảm bảo khắt khe các yêu cầu mọi mặt về phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên, phải gìn giữ môi trường tự nhiên. Việc khai thác bô-xít để chế biến alumina như đang diễn ra ở Tây Nguyên đứng trước thực tế: Cả 2 nhà máy sẽ không thể vận hành đúng công suất nếu vấn đề giao thông vận tải và việc cung ứng nước và than đá không được đảm bảo. Giả định những khó khăn này được khắc phục, việc sản xuất alumina vẫn không tránh khỏi thua lỗ (vì công nghệ lạc hậu và chi phí vận tải quá lớn); những hiểm họa do bùn đỏ, do thiên tai, hoặc do cả bùn đỏ và thiên tai vẫn thường trực và không thể lường trước được.
Việc khai thác bô-xít để sản xuất alumina hiện nay ở Tân Rai và Nhân Cơ đang đặt ra cho cả nước nhiều vấn đề:
Trước hết, hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ và việc khai thác bô-xít như đang làm đã đặt đất nước đứng trước tình trạng bỏ thì thương, vương thì tội. Duy trì để sản xuất thì lỗ nặng và tích tụ nhiều hiểm họa không thể kiểm soát được về các mặt kinh tế, môi trường, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng… cho cả nước. Dẹp bỏ thì tổn thất lớn và chồng chất thêm nợ công mới cho cả nền kinh tế.
Việc khai thác bô-xít trên Tây Nguyên như đang diễn ra là sai lầm nghiêm trọng về chiến lược phát triển kinh tế (phát triển theo chiều rộng: dựa trên đầu tư để bóc lột tài nguyên và tận dụng lao động rẻ, hủy hoại môi trường). Trong khi nền kinh tế đất nước đang đòi hỏi phải chuyển mạnh sang phát triển theo chiều sâu trong quá trình đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng (chiến lược phát triển chủ yếu phải dựa trên phát huy chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng các lợi thế địa kinh tế, tận dụng sự phát triển của công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật). Tình hình còn trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở chỗ nền kinh tế nước ta từ nhiều năm nay lâm vào khủng hoảng cơ cấu sâu sắc, giữa lúc này việc huy động một nguồn lực lớn cho bô-xít Tân Rai và Nhân Cơ chẳng những không hợp lý mà còn gây ra những ách tắc mới và gánh nặng mới cho nền kinh tế cả nước. Điều này đi ngược với định hướng phát triển kinh tế bền vững đã ghi trong nghị quyết đại hội XI của ĐCSVN. Hơn nữa, việc khai thác bô-xít để sản xuất alumina như đang tiến hành sẽ dẫn tới trong thực tế cuối cùng sẽ chỉ có một người sử dụng duy nhất là Trung Quốc; sản phẩm alumina Việt Nam sẽ phải đối mặt với một sự lệ thuộc rất nguy hiểm và không có lối ra; sản xuất càng nhiều, sự lệ thuộc càng lớn. Trong khi đó bài toán dùng alumina để sản xuất nhôm trong nước không có lời giải trên các phương diện kinh tế, kỹ thuật, các lợi thế so sánh.
Có thể dễ dàng so sánh, nếu sử dụng nguồn tiền ước tính khoảng 1,6 tỷ USD đầu tư vào bô-xít Tây Nguyên để phát triển các đề án kinh tế theo hướng phát triển Tây Nguyên xanh, bền vững (các công trình thủy lợi và kết cấu hạ tầng, các dự án kinh tế nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ sinh thái, các dự án kinh tế dịch vụ…) sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm mới, sẽ có thể đem lại những kết quả gì và tránh được những hệ lụy gì cho Tây Nguyên nói riêng và cho cả nước nói chung.
Vấn đề bô-xít – alumina hiện nay ở Tân Rai và Nhân Cơ còn phải được xem xét trong bối cảnh sự phát triển của Tây Nguyên trong những thập kỷ vừa qua chủ yếu dựa trên sự khai thác các yếu tố tự nhiên; sự khai thác này đã tới ngưỡng không được phép vượt qua. Thực trạng hiện nay ở Tây Nguyên: đất đai, rừng, nguồn nước đã bị khai thác cạn kiệt, tới hạn và không thể chịu đựng thêm những dự án khai thác mới; môi trường tự nhiên trên thực tế không thể phục hồi lại được. Trong khi đó, ở Tây Nguyên kết cấu hạ tầng vẫn rất lạc hậu; dân trí và chất lượng nguồn nhân lực nói chung thấp; chênh lệch giàu nghèo ngày càng rộng trong quá trình phát triển và tạo ra những bất công mới; người chịu thua thiệt nhất trong quá trình phát triển này là cộng đồng các dân tộc tại chỗ. Cho đến nay Tây Nguyên vẫn là một trong những vùng nghèo và có chênh lệch giàu nghèo lớn nhất của cả nước.
Trong bối cảnh này cần đặc biệt nhấn mạnh: (1) Tây Nguyên là quê hương tự nhiên của cộng đồng các dân tộc tại chỗ, (2) Tây Nguyên là mái nhà của Đông Dương cả về mặt tự nhiên và về mặt địa chính trị, và (3) Tây Nguyên trong tương lai rất gần còn là không gian sinh tồn mới của cả nước khi biến đổi khí hậu (nước biển dâng) sẽ làm thu hẹp diện tích đất đai sinh sống của cả nước. Bất kể sự phát triển nào ở Tây Nguyên xâm phạm 3 đặc điểm này, đất nước sẽ phải trả giá. Ngay từ bây giờ, sự phát triển của Tây Nguyên nói riêng và của cả nước nói chung nếu không tính đến 3 đặc điểm này của Tây Nguyên, sự bình yên và an ninh của đất nước bị uy hiếp.
***
Kính thưa các quý vị lãnh đạo,
Toàn bộ những vấn đề trình bày trong thư ngỏ này đã được dự báo trước, đã được làm rõ nhiều lần trong rất nhiều hội thảo khắp cả nước, trong các thư và các kiến nghị của các tầng lớp nhân dân khác nhau. Điều đáng tiếc là những ý kiến phản biện như thế đều không được tiếp thu và đáng tiếc hơn nữa là thực tế đã diễn ra ở Tân Rai và Nhân Cơ đang xác nhận tính đúng đắn của các dự báo, các tính toán đã được nêu trong những ý kiến đóng góp, phản biện. Sự việc dẫn tới kết quả hai nhà máy Tân Rai (đã hoàn thành) và Nhân Cơ (đang trong giai đoạn xây dựng) trở thành việc đã rồi, hai nhà máy này đang gây ra những hậu quả không thể cứu chữa đối với đất nước.
Chúng tôi, những người soạn thảo và ký vào Thư ngỏ này một lần nữa cùng nhau đánh giá lại toàn bộ vấn đề khai thác bô-xít như đang tiến hành ở Tây Nguyên, nhất trí bằng thư ngỏ này kiến nghị với các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ra quyết định đình chỉ ngay việc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên. Đóng cửa nhà máy Tân Rai và dừng việc xây dựng tiếp nhà máy Nhân Cơ. Việc khai thác bô-xít Tây Nguyên trong tương lai sẽ chỉ được đặt ra khi đất nước có những điều kiện kinh tế và khoa học kỹ thuật mới.
Chúng tôi hiểu đây là một quyết định rất khó khăn, nhưng là một quyết định có trách nhiệm vì cái giá phải trả sẽ vẫn còn rẻ hơn rất nhiều cho Tây Nguyên, cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân và cho cả nước nói chung so với những tổn thất đã xảy ra, đang xảy ra và sẽ còn tiếp tục xảy ra nếu duy trì hoạt động của 2 nhà máy này. Chúng tôi đề nghị quý vị lãnh đạo kêu gọi nhân dân cả nước phát huy sáng kiến của nhân dân để giảm bớt những tổn thất phải chấp nhận của quyết định này, kể cả việc bán đấu giá các thiết bị của 2 nhà máy này (không bán mặt bằng, càng không nên cổ phần hóa để không “rơi” vào tay những đối tác ngoài mong đợi).
Thưa các quý vị lãnh đạo,
Chúng tôi tin rằng quyết định đầy tinh thần trách nhiệm này của các quý vị lãnh đạo sẽ được nhân dân cả nước đồng tình, hậu thuẫn. Nhân dân cả nước sẽ kề vai sát cánh với các vị lãnh đạo và đồng bào Tây Nguyên khắc phục những khó khăn trong việc thực hiện quyết định này để chung tay xây dựng Tây Nguyên phát triển bền vững. Chúng tôi kính mong các vị lãnh đạo cho nhân dân cả nước được biết ý kiến của các quý vị về đề nghị nêu trong thư ngỏ này của chúng tôi.
Kính thưa toàn thể quốc dân đồng bào,
Vì tầm quan trọng sống còn đối với đất nước và vì nhiệm vụ phát triển bền vững Tây Nguyên, chúng tôi hy vọng toàn thể quốc dân đồng bào sống ở trong nước cũng như ở nước ngoài đồng tình ủng hộ kiến nghị của chúng tôi bằng cách ký tên vào thư ngỏ này. Sự đồng tình hưởng ứng như vậy của quốc dân đồng bào sẽ tăng thêm ý nghĩa quan trọng của thư ngỏ này và củng cố tình đoàn kết của nhân dân cả nước trong giải quyết những việc khó của đất nước.
                                                                         Kính thư

NHỮNG NGƯỜI THAM GIA KÝ TÊN

Stt
Họ và tên
Chức danh
Địa chỉ
Ghi chú
1
Nguyễn Thị Bình
Nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam


2
Nguyên Ngọc
Nhà văn


3
Nguyễn Trung
Nguyên trợ lý cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt


4
Lê Văn Cương
PGS.TS – Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Công an


5
Chu Hảo
GS.TS – Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ & Môi trường


6
Nguyễn Thành Sơn
TS – Giám đốc BQL các dự án than ĐBSH - Vinacomin












1 nhận xét:

  1. Vài anh/chị hỏi cách ký tên, xin xem :

    Nếu các anh các chị tán thành, xin các anh các chị cùng đứng tên (không cần gửi chữ ký tươi) và xác nhận bằng cách gửi rõ tên, chức danh và địa chỉ của các anh các chị vào địa chỉ mail :

    kiennghibauxite2014@gmail.com

    Trả lờiXóa