Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

NGÀY 3 THÁNG 5 (*) - NGHĨ VỀ TƯ TƯỞNG TỰ DO BÁO CHÍ CỦA MÁC

 Nguyễn Khắc Mai
Điều đầu tiên tôi nghĩ đến là sự phản bội của hầu như tất cả các đảng cộng sản theo Đệ Tam Quốc tế. Không có bất cứ đảng nào, từ Liên xô, Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba, Triều Tiên và ở các nước Đông Âu từng theo chế độ XHCN, đã làm theo tư tưởng Báo chí Tự do của Các Mác.
Vì sao thế? Vì tất cả những đảng này không theo tư tưởng của Mác, mà là theo một thứ học thuyết hổ lốn. Trộn một chút lý thuyết cộng sản, mà Mác cuối đời cũng từng hoài nghi, pha trộn với những tư tưởng tả khuynh, được cường điệu bởi lập trường nông dân lạc hậu, hoặc là mugich Nga, hoặc nông dân phong kiến Tàu…, và với một thiết chế kinh tế mà bản chất vẫn là “đổi chác, cống nạp, và tước đoạt” không có thị trường, chỉ đi xin nước ngoài công nhận quy chế thị trường!. Với một hạ tầng và thượng tầng như thế, các tập đoàn cầm quyền trước sau đều biến mình thành “Lãnh chúa phong kiến mới”, không trừ một ai. Trước khi chưa cầm quyền thì nói “dân chủ”, sau khi cầm quyền thì lập tức thi hành “quan chủ” ở Nga cũng như Tàu, cũng như Việt. Chính ông Nguyễn Văn An cựu UV bộ chính trị của ĐCSVN cũng từng công khai nói bộ chính trị là vua tập thể!


Vì thế, họ không thể hiểu và thi hành những tư tưởng Báo chí Tự do như Mác từng quan niệm. Họ chỉ nói lấy chủ nghĩa Mác-Lê nin làm kim chỉ nam cho hành động. Họ đã vứt bỏ tất cả những gì còn có hạt nhân hợp lý trong tư tưởng của Mác. Nếu nói họ phản bội Mác thì cũng đúng, mà nói họ mượn Mác để treo đầu dê, bán thịt chó cũng đúng. Chỉ có nhân dân cả tin là đáng tội nghiệp.

Tư tưởng Báo chí Tự do của Mác tập trung cả vào những trang viết đầu đời của mình, khi ông đăng một loạt bài dưới nhan đề “Những Cuộc Tranh Luận Về Tự Do Báo chí”, trên tờ “Nhật báo Tinh Ranh”(Rheinische Zeitung). Có một điều thú vị, là có người nói rằng nếu đem trích những câu nói (sẽ trình bày dưới đây), mà giấu tên C. Mác đi thì các ban lãnh đạo cộng sản đều sẽ lên án là tà thuyết, hoặc là tư sản phản động!

Xin đọc một số trích dẫn.

*Báo chí nói chung là sự thực hiện tự do của con người. Do đó ở đâu có báo chí, ở đó có tự do báo chí ( Mác-Angghen TT.T1, NXB.CTQG, 1995, tr.84)

*Bản chất của báo chí Tự do-đó là bản chất dũng cảm, có lý tính, có đạo đức của tự do. Tính cách của báo chí bị kiểm duyệt - đó là sự quái dị không có tính cách của sự thiếu tự do, đó là con quái vật được văn minh hóa, cái quái thai được tẩm nước hoa. (Sđd, tr.89).

*Báo chí tự do đó là con mắt sáng suốt của tinh thần nhân dân,là hiện thân sự tin cậy của nhân dân đối với bản thân mình mà lời thú nhận thật tâm như mọi người đều biết thì có khả năng cứu rỗi.…Báo chí tự do là toàn diện,nơi nào cũng có mặt,cái gì cũng biết…(Sđd, tr.100)

*Báo chí tự do đem tình trạng bần cùng của nhân dân dưới hình thái trực tiếp của nó không bị khúc xạ qua bất cứ giới quan liêu nào cả, tới ngưỡng cửa của nhà vua, đưa nó tới trước quyền lực của nhà nước.(Sđd, tr.239)

*Kiểm duyệt chân chính bắt rễ từ chính bản chất của tự do báo chí, là sự phê bình. Phê bình là sự xét xử, mà tự do báo chí sản sinh ra từ bản thân mình. Kiểm duyệt là sự phê bình với tư cách là độc quyền của chính phủ.(Sđd, tr.91)

*Luật kiểm duyệt không phải là luật, mà là biện pháp cảnh sát, thậm chí còn là biện pháp cảnh sát tồi, bởi vì nó không đạt được điều nó muốn, và không muốn điều nó đạt được.(Sđd, tr.98)

*Tệ lớn nhất, tệ giả dối gắn liền với báo chí bị kiểm duyệt… Điều đó dẫn đến cái gì? Chính phủ chỉ nghe thấy tiếng nói của chính mình, duy trì sự lừa dối đó. Còn nhân dân, hoặc sẽ rơi vào tình trạng mê tín chính trị, hoặc hoàn toàn quay lưng lại với cuộc sống quốc gia biến thành đám người chỉ sống với cuộc đời riêng tư.(Sđd, tr.105)

*Trong lĩnh vực báo chí, những người cai trị và những người bị cai trị có khả năng như nhau để phê bình những nguyên tắc và yêu cầu của nhau, nhưng không phải trong khuôn khổ những quan hệ lệ thuộc, mà trên cơ sở ngang quyền với nhau, với tư cách là những công dân của nhà nước - không phải với tư cách là những cá nhân riêng lẻ, mà với tư cách là những sức mạnh của trí tuệ, với tư cách là những người thể hiện những quan điểm hợp lý. (Bài Lời bào chữa của phóng viên ở Mô dên. Sđd, tr.290).

Xin có một bình luận nhỏ. Vì ở VN tất cả báo chí đều là của đảng hoặc của cơ quan nhà nước, nên các nhà báo bị coi như là người làm thuê cho các ông chủ, và họ phải viết theo mệnh lệnh của chủ nhân - người trả lương cho báo chí. Vì thế tư tưởng này của Mác khó mà thực hiện.

Dân tộc VN, đang đứng trước đòi hỏi, phải có một nền chính trị thật sự “Do dân, của dân, vì dân”, tiến bộ, nhân văn, dân chủ. Có một nền báo chí tự do để làm một công cụ lớn cho nhân dân có thể “kiểm tra, giám sát, phê bình”(thông điệp của LHQ và UNESCO nhân ngày 3-5-2014) hệ thống chính quyền, để tạo ra một thế chân vạc: có nền thiện chính (good government) có Xã hội dân sự, có Kinh tế thị trường thứ thiệt. Chưa bao giờ Báo chí Tự do lại cần thiết và cấp bách đến dường vậy ở VN.

Tôi nghĩ nhân dịp này, Chính phủ VN, để thực hiện thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đầu năm nay, kêu gọi cải cách thể chế, xây dựng nhà nước pháp quyền, hình thành thị trường thứ thiệt và chiến lược đối với nông nghiệp, hãy trả lại tự do cho tất cả những nhà báo, người viết báo khác ý với đường lối của Đảng CSVN đang bị giam cầm.

Hãy bắt đầu với ngày báo chí VN 21-6, thi hành một chính sách báo chí, ít ra là như chính phủ Hồ Chí Minh đã từng thi hành. Bấy giờ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ là Võ Nguyên Giáp, rồi tiếp theo đó là Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã bắt đầu bằng một cuộc tranh luận về tự do báo chí, rồi ngay sau đó là ra Nghị định về Tự do báo chí, trong đó quy định các báo chí tư nhân hoặc của Hội Đoàn, chỉ đăng ký chứ không phải xin phép, và hàng loạt báo chí tư nhân đã ra đời. Một luận điểm quan trọng lúc bấy giờ là không thể lạc hậu hơn chế độ thực dân Pháp về lĩnh vực này! Chỉ sau khi sao chép mô hình chính trị - xã hội kiểu xô viết, hầu hết những tiến bộ dân chủ trong đó có tự do báo chí của nền Dân chủ cộng hòa đã bị thủ tiêu và phản bội. Hãy để cho Hội Nhà báo Độc lập được hoạt động công khai và chính thức, cùng với Hội Nhà Báo VN tranh đua xây dựng một nền Báo chí Việt Nam độc lập, tự do, nhân văn, tiên tiến, vì Dân vì Nước. Quốc Hội hãy sớm ban hành một Luật Báo chí Dân tộc, Dân chủ, Khoa học và Nhân văn, xứng đáng với Dân tộc trong thời đại mới!

Dù sao vẫn phải hy vọng. Nói như Lỗ Tấn, hy vọng giống như những con đường, ngày xưa trái đất vốn không có đường, con người đi mãi rồi thành đường. Con đường Tự Do báo chí nhất định sẽ thành hình. Ngăn cấm tự do báo chí là đi ngược lịch sử của Dân tộc. Phản dân tộc, phản tiến hóa, chắc chắn là không có hậu vận tử tế./.
--------
(*) Ghi chú bởi Saigon Điểm Tin : Wiki : Theo đề nghị của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc, ngày 20.12.1993 Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã công bố ngày 3 tháng 5 là "Ngày Tự do Báo chí thế giới" (Nghị quyết số 48/432)[1][2] để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tự do báo chí và nhắc nhở các chính phủ về bổn phận phải tôn trọng và duy trì quyền tự do ngôn luận theo Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và đánh dấu ngày kỷ niệm Tuyên ngôn Windhoek, một tuyên ngôn về những nguyên tắc tự do báo chí do các nhà báochâu Phi đưa ra năm 1991. Các tổ chức như Phóng viên không biên giới (RSF) đã dùng ngày này để chỉ ra những biện pháp bạo lực và độc đoán của các nhà cầm quyền đối với báo chí, như bắt giam và giết hại các nhà báo. /-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét