03-12-2014
Bauxite Việt Nam
Thời gian gần đây, nhà cầm quyền Trung Quốc ngày càng gia tăng âm mưu lấn chiếm vùng lãnh hải Biển Đông thuộc chủ quyền CHXHCN Việt Nam, bằng cách xây dựng các công trình quốc phòng trên khu vực thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Một trong số đó là đảo Gạc Ma, tên tiếng Anh là Johnson South Reef.
Vùng đá ngầm Gạc Ma là một rạn san hô nằm ở đầu phía tây nam của cụm Sinh Tồn và là một trong sáu đảo mà Trung Quốc chiếm vào ngày 14 tháng 3 năm 1988. Khu này nằm ở phía Nam quần đảo Trường Sa.
Ngày 25 tháng 5 năm 2014, Hoàn cầu thời báo cho biết, Trung Quốc "xây dựng một đảo nhân tạo tại Trường Sa có thể là Gạc Ma, trên đó có một sân bay, hải cảng để cho tàu chiến có thể đáp ứng nhanh".
Gạc Ma vốn là bãi đá ngầm không lớn nhưng có vị trí quan trọng trên Biển Đông, bởi nó cách đại lục hàng ngàn ki lô mét, được Trung Quốc sử dụng như một căn cứ phòng thủ chiến lược, đồng thời là nơi trung chuyển vũ khí, khí tài cho một kế hoạch lâu dài độc chiếm Biển Đông. Bất kể ngày đêm, các tàu công suất lớn liên tục hút cát bơm từ biển lên hàng triệu mét khối thành một hòn đảo nhân tạo có diện tích đến 100.000 mét vuông (10 ha) rồi chuyển vật liệu từ đất liền ra xây dựng các cơ sở hạ tầng cho một dự án lớn. Tất nhiên ai cũng biết đó là các công trình quân sự như sân bay, bến cảng, các kho ngầm, nhưng, bề ngoài Trung Quốc tuyên bố cơ sở này làm “trạm cung cấp” cho ngư dân và xây dựng các văn phòng, nhà nghỉ, gồm cả nông trại. Cảng biển có thể tiếp nhận các tàu lên đến 5.000 tấn.
Hình do vệ tinh chụp giữa Tháng 8, 2014 cho thấy đảo nhân tạo Gạc Ma đang được Trung Quốc gấp rút xây dựng. (Hình: Airbus DS / Spot Image S.A. / IHS). Báo Người Việt: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=195420&zoneid=1#.VH3Gyr6AAlJ |
Có thể coi vụ Giàn khoan Haiyang Shiyou 981 như một phép thử phản ứng của nhà cầm quyền Việt Nam. Phép thử thành công và Bắc Kinh đã đọc được “vị” của Hà Nội, vì vậy, vụ Gạc Ma, thực chất chỉ là các động thái tiếp theo của một kịch bản dàn dựng sẵn mà đạo diễn đã lường trước đến cả tình huống “cháy vở”. Tuy nhiên tất cả đều diễn ra suôn sẻ. Từ đó có thể thấy, việc Giàn khoan Haiyang Shiyou 981 rút trước thời hạn so với tuyên bố ban đầu của Trung Cộng cũng là một trò mỵ dân nhằm “rửa mặt” cho đám đàn em, bị đặt vào tình thế bất khả kháng, hoàn toàn không phải “do thái độ mềm dẻo, đấu tranh bền bỉ, có phương pháp của Đảng và Nhà nước ta”.
Giàn khoan Haiyang Shiyou 981 xét đến cùng chỉ là đám hoả mù đùa cợt với cộng đồng thế giới theo kiểu “đánh rắn động cỏ”, Gạc Ma mới là bản chất của vấn đề sau bản đồ Đường lưỡi bò nhằm âm mưu độc chiếm Biển Đông.
Sự kiện Trung Quốc biến bãi đá Gạc Ma thành hòn đảo nhân tạo làm cho cả thế giới quan ngại, đặc biệt là các nước vùng Đông Nam Á. Các tờ báo lớn của Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Canada, Úc… đều đồng loạt đưa tin với những bình luận sắc sảo, chỉ trích hành vi côn đồ, hung hăng, bất chấp luật pháp Quốc tế của tập đoàn lãnh đạo Bắc Kinh. Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ngày 20/11/2014 đã thông qua một nghị quyết về Biển Đong và Biển Hoa Đông. Trong khi đó, Việt Nam là bên bị hại, thì tới lui cũng chỉ thấy Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình “kiên quyết phản đối”!
Nếu Giàn khoan Haiyang Shiyou 981 là cái gai nhọn cắm trên vùng biển thuộc đặc quyền khai thác của Việt Nam, thì các công trình quốc phòng xây cất trên đảo Gạc Ma chẳng khác gì Cột đồng Mã Viện mấy ngàn năm trước dựng trên Ải Bắc. Đó là thứ cột đồng cắm sâu vào tâm thức người Việt có tàu ngầm hạt nhân và máy bay tiêm kích cùng hàng chục tàu chiến yểm hộ, tạo nên một căn cứ quân sự kiên cố độc nhất vô nhị vùng Đông Nam Á.
Lịch sử đã từng chứng kiến những sự kiện đau lòng. Trước khi Đặng Tiểu Bình xua 60 vạn quân bất ngờ tấn công sáu tỉnh biên giới Việt Nam, Ải Nam Quan đã lùi sâu về phía Đồng Đăng vài trăm mét. Sau khi cuộc chiến biên giới nổ ra, thác Bản Giốc mất hai phần ba. Tháng 1 năm 1974, mất Hoàng Sa. Năm 1988, mất một phần Trường Sa. Và bây giờ là Gạc Ma.
Trước thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt lấn chiếm biển đảo theo phương châm gặm nhấm dần từng bước của đế quốc Đại Hán, Đảng Cộng sản Việt Nam dường như vẫn tỏ ra vô cảm với khẩu hiệu “Kiên trì đấu tranh bằng đường lối hoà bình” để che giấu nỗi khiếp nhược của mình. Cho nên, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước là Quốc hội, qua hai kỳ họp vẫn không ra nổi một nghị quyết về Biển Đông, Nhà nước Việt Nam sợ kiện Trung Quốc ra Toà án Quốc tế cũng không có gì là lạ. Tổ Quốc lâm nguy. Biển đảo đang mất dần vào tay ngoại bang mà người ta vẫn véo von ca ngợi tình hữu nghị trên các phương tiện truyền thông mà không thấy ngượng với quốc dân đồng bào!
Cột đồng Mã Viện ngày xưa đã thành bụi tro lịch sử. Nhưng còn Gạc Ma, thứ cột đồng công nghệ cao, đứng sừng sững giữa biển trời Tổ Quốc như một nỗi sỉ nhục cho phẩm giá chín chục triệu con cháu Lạc Hồng, thì những bậc “trí tuệ đỉnh cao thời đại” đang chăn dắt muôn dân, các vị nghĩ sao?
Hỡi ôi! Quốc hội! Các nghị sĩ đáng kính còn lấn cấn điều gì, hay là bởi áp lực của “Mười sáu chữ vàng” và “Bốn tốt” mà “thiên triều” hào phóng ban cho?
Đánh đổi dù chỉ một tấc đất thiêng liêng của Tổ Quốc, lấy thứ hữu nghị hão huyền của kẻ thù dân tộc, các vị sẽ là tội đồ thiên cổ với dân tộc và lịch sử!
BVN
***
Trung Quốc xây dựng trái phép tại bãi đá Tư Nghĩa: Ngày càng lộ rõ âm mưu độc chiếm Biển Đông
(LĐ) - Số 136 NHÓM PHÓNG VIÊN - 7:11 AM, 14/06/2014
article-inner-photo
Những thông tin hình ảnh mới nhất từ hiện trường cho thấy Trung Quốc không chỉ xây dựng trái phép trên đảo Gạc Ma, mà còn thực hiện hàng loạt hành động đưa tàu vận tải công suất lớn cấp tập xây dựng tại bãi đá Tư Nghĩa - một rạn san hô thuộc cụm Sinh Tồn - thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Clip tàu cuốc Trung Quốc mở luồng, xây dựng trái phép trên bãi đá Tư Nghĩa: https://www.youtube.com/watch?v=VfHx1MM3B9I
Ghi nhận của Lao Động tại hiện trường cho thấy Trung Quốc đã điều tàu vận tải công suất lớn, tàu cuốc Thiên Kình mở luồng, hút phun cát, cấp tập xây dựng trên bãi đá Tư Nghĩa thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo các chuyên gia pháp luật quốc tế, hành động trên là bằng cứ sống động thể hiện rõ âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc.
Bằng hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Việt Nam, ngang nhiên cấp tập xây dựng căn cứ quân sự, xây dựng đảo nhân tạo trên đảo Gạc Ma, bãi đá Tư Nghĩa… Trung Quốc đã tự ý xé bỏ thoả thuận DOC, bất chấp pháp luật quốc tế.
Những hình ảnh ghi nhận từ hiện trường cho thấy không chỉ quy mô xây dựng, mà còn là bằng chứng sinh động thể hiện sự ngang nhiên của Trung Quốc trong việc xây dựng trái phép các công trình trên bãi đá Tư Nghĩa.
Những ngư dân Việt Nam đánh cá quanh khu vực này cho biết, tàu cuốc Thiên Kình liên tục hoạt động ầm ầm suốt ngày đêm, mở luồng, phun những cột cát cao hàng chục mét. Ngoài ra Trung Quốc còn điều nhiều tàu quân sự đến bảo vệ cho việc xây dựng này.
Trước đó, Báo Philstar (Philippines) dẫn báo cáo mật của Chính phủ Philippines cho biết, Trung Quốc đang tiến hành cải tạo đất trái phép không phải trên 1 mà là 5 khu vực - đá Gạc Ma, đá Châu Viên, đá Tư Nghĩa, đá Ga Ven và đá Én Đất - thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Các quan chức cấp cao Philippines cũng xác nhận với Đài TV5 và chỉ ra rằng, Philippines đã phát hiện ra các hoạt động nạo vét trái phép và di dời vật liệu của tàu Trung Quốc. Cụ thể, các bức ảnh mà họ cung cấp cho TV5 cho thấy tàu kéo, tàu hút bùn với những đường ống dài ngang ngược cắm xuống đáy biến hút vật liệu rồi đổ lên các rạn san hô.
Những quan chức này cho rằng Trung Quốc đã hoàn thành hoạt động trái phép này của mình tại đá Gạc Ma từ cuối tháng 3. Các hoạt động trái phép khác tại đá Én Đất và đá Châu Viên sẽ kéo dài khoảng 1 tháng. Tại đá Ga Ven, việc cải tạo đất trái phép có thể kéo dài khoảng 1 tháng hoặc hơn.
Hiện tại Philippines không phát hiện các hoạt động tương tự tại 3 khu vực khác mà Trung Quốc đang chiếm đóng và xây dựng cơ sở đồn trú trái phép là đá Chữ Thập, đá Su Bi và đá Vành Khăn. Tuy nhiên, báo cáo không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục cải tạo chúng sau khi hoàn tất mọi việc trên 5 rạn san hô trên.
Báo cáo cũng dự đoán rằng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ bắt đầu thực hiện các hoạt động trái phép của mình ở đá Chữ Thập và đá Su Bi trước tiên.
Các nhà quan sát Philippines và quốc tế đều thống nhất quan điểm cho rằng, việc Trung Quốc mở rộng các cơ sở đồn trú của mình ở những khu vực đó là một phần trong những âm mưu của nước này nhằm đạt được tham vọng nắm quyền kiểm soát hoàn toàn trong khu vực.
Hồi tháng 3, Philippines đã tố cáo Trung Quốc tiến hành cải tạo đất trái phép tại đá Chữ Thập. Bộ Ngoại giao nước này đã công bố những bức ảnh cho thấy những thay đổi của 2 cơ sở đồn trú của Trung Quốc, từ một diện tích nhỏ đã lên tới gần 9ha, chỉ sau 2 năm.
Theo Philstar, Trung Quốc được cho là sẽ xây dựng một sân bay tại đá Gạc Ma. Một khi đi vào hoạt động, sân bay này sẽ là một cơ sở để Trung Quốc đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông.
Trên cơ sở đồn trú trái phép tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã triển khai hệ thống radar giám sát mặt đất và trên không cũng như hệ thống truyền dữ liệu vệ tinh, bãi đỗ trực thăng, cầu tàu. Đã có 200 lính Trung Quốc đóng phi pháp trên đó cùng nhiều vũ khí hạng nặng.
Còn tại cơ sở đồn trú trái phép trên đá Su Bi, Trung Quốc cũng đã xây dựng bãi đỗ trực thăng và bố trí khoảng 200 lính đồn trú.
Trang web Stratfor - chuyên phân tích về các vấn đề địa chính trị - đánh giá rằng, Trung Quốc đang sử dụng chiến lược khai thác dầu và cải tạo đất để củng cố những đòi hỏi chủ quyền phi lý trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, đồng thời làm suy yếu khả năng các quốc gia khác thách thức quyền lực của mình. Stratfor cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng biên giới của mình bằng chiến lược đó khi mà nước này vẫn đang nâng cao năng lực hậu cần hải quân.
***
Trung Quốc đã xây dựng trái phép tại Gạc Ma như thế nào?
Hơn 20 năm sau khi chiếm đóng trái phép Gạc Ma của Việt Nam, Trung Quốc đang cải tạo biến rạn san hô ngầm trở thành đảo nhân tạo quy mô với sân bay, quân cảng.
Bãi đá Gạc Ma, tên tiếng Anh là Johnson South Reef, là rạn san hô thuộc cụm Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nó nằm ở đầu phía tây nam của cụm Sinh Tồn và cách rạn san hô gần nhất là Đá Cô Lin hơn 3 km về phía đông nam. Chúng nằm giữa quần đảo Trường Sa, thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam. Ảnh: NASA
Đây là rạn đá ngầm màu nâu, được bao quanh bởi vành đai san hô trắng. Phần lớn đá Gạc Ma chìm dưới mặt nước, chỉ vài hòn đá nổi lên. Ảnh: Google Maps
Trung Quốc chiếm đóng trái phép Đá Gạc Ma năm 1988 sau khi tấn công các tàu công vụ thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Sau đó, Bắc Kinh tiến hành xây dựng trên Gạc Ma nhằm hiện thực hóa âm mưu chiếm đóng vĩnh viễn hòn đảo. Ảnh: Google Maps
Ban đầu, Trung Quốc chỉ dựng những căn cứ hình bát giác trụ trên cọc gỗ ở Gạc Ma. Chúng tồn tại trong suốt hơn 20 năm. Ảnh: Philstar.com
Năm 2013, máy bay do thám của Philippines phát hiện Bắc Kinh đã hoàn thành cơ sở hạ tầng kiên cố bằng bê tông trên rạn san hô ngầm. Ảnh: Philstar.com
Cuối tháng 2/2014, Philippines tiếp tục công bố hình ảnh cho thấy Trung Quốc đang bơm cát lên Gạc Ma nhằm biến nó trở thành một hòn đảo nhân tạo kích thước lớn hơn. Ảnh: Philstar.com
Giới chức Manila cáo buộc Trung Quốc đang xây dựng căn cứ quân sự lớn trên rạn san hô ngầm ở phía tây nam cụm Sinh Tồn. Thậm chí, Bắc Kinh còn dựng sân bay quân sự, quân cảng trên đảo nhân tạo ở Gạc Ma. Ảnh: Philstar.com
Các hoạt động xây dựng của Trung Quốc diễn ra tấp nập bất chấp sự phản đối của các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Chuyên gia Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao các vấn đề châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), cho biết mục tiêu đầu tiên của Trung Quốc là “tạo thực tế mới trên Biển Đông”. Ảnh: Philstar.com
Ảnh chụp từ clip của phóng viên Rupert Wingfield-Hayes (BBC) cho thấy hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc tại Gạc Ma trong thời gian gần đây. Ảnh: BBC
Video phóng sự của BBC: https://www.youtube.com/watch?v=zN3e-_hKAJo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét