Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

Năng suất lao động Việt Nam thấp nhất châu Á

03-12-2014

Việc con số về năng suất lao động tại Việt Nam thấp nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, hay là chỉ xấp xỉ Lào… không oan! Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh đã chia sẻ góc nhìn của mình về năng suất lao động của Việt Nam mới đây được Tổ chức Lao động Quốc tế công bố. Hiện cũng có nhiều ý kiến xung quanh những con số này khi nói rằng năng suất lao động của Việt Nam quá thấp.

dinhcong

Thưa ông mới đây tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong một hội thảo sau đó của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, các chuyên gia chỉ rõ, năng suất lao động của Việt Nam chỉ xấp xỉ Lào. Ông có bất ngờ về con số này hay không và vì sao?

Thực ra những con số này không có gì bất ngờ. Tuy nhiên con số này không phản ánh hết tình hình kinh tế của Việt Nam.
Phải nói thẳng là không có công thức chuẩn mực quốc tế nào phản ánh đúng hiện trạng tình hình của Việt Nam. Đơn cử từ câu chuyện thất nghiệp của người lao động, như ở các nước khi họ thất nghiệp là sẽ báo ngay cho cơ quan phụ trách nhóm này để họ lấy tiền trợ cấp hàng tháng. Thế nhưng ở Việt Nam thì có việc cũng như thất nghiệp.
Do đó nếu tính như chuẩn mực của ILO đưa ra thì tỉ lệ thất nghiệp, hay có việc làm của Việt Nam sẽ khác. Cũng chính vì thế mà con số 1,84% người lao động thất nghiệp ở Việt Nam cũng khiến mỗi người hiểu theo một ý.
Nhưng nhìn từ thực tế có thể thấy nói năng suất lao động của Việt Nam thấp cũng không oan.
Trở lại cách tính năng suất lao động của ILO, tổng sản phẩm nội địa chia cho tổng số người làm việc trong nền kinh tế. Như vậy những yếu tố nào của nền kinh tế Việt Nam đẩy năng suất lao động xuống thấp: tổng sản phẩm nội địa thấp hay số người làm việc trong nền kinh tế quá cao so với số người trực tiếp làm việc tạo ra sản phẩm? Xin ông phân tích cụ thể. Điều này có liên hệ như thế nào với việc tinh giản biên chế mà Việt Nam đã đặt ra từ nhiều năm nay?
Năng suất thấp sâu xa chính là do cơ cấu kinh tế. Cơ cấu kinh tế dẫn đến hàm lượng tri thức trong giá trị gia tăng trong sản phẩm rất thấp mà gần như là hoàn toàn gia công.
Cho nên với một đất nước hoàn toàn gia công thì đừng đặt vấn đề năng suất lao động ra sao? Bởi vì giống như việc dùng một tiếng đồng hồ để đạp máy khâu thì làm được hai cái áo nhưng chỉ mang tính chất lắp ráp. Nếu năng suất cao hơn thì được 2,5 cái áo hoặc 3 cái, như vậy năng suất có cao hơn cũng chỉ là bỏ ra nhiều mồ hôi hơn mà thôi.
Hay như việc khâu giày, làm quên ăn quên ngủ, trưa không nghỉ để làm ra 5 đôi giày thì cái được hưởng thì cũng chỉ được hưởng phần gia công. Ví dụ đôi giày đó có giá 1.000 USD thì người lắp ráp được hưởng vài đô là cao.
Nói như vậy để thấy năng suất cao hay thấp cũng chỉ là gia công. Vấn đề là phải có hàm lượng chất xám trong sản phẩm ấy thì mới có ý nghĩa.
Đó là còn chưa kể đến nhóm công chức sản phẩm của họ là dịch vụ công. Dịch vụ này rõ ràng là kém. Nhìn từ việc thời gian nộp thuế, hiện mỗi doanh nghiệp tại Việt Nam phải tiêu tốn tới 872 giờ một năm, trong khi đó nước kém nhất cũng chỉ mất khoảng 300 giờ.
Hệ thống hành chính cồng kềnh chắc chắn ảnh hưởng đến năng suất. Thực tế dịch vụ công của mình không có gì nhiều nhưng lượng người để làm dịch vụ này lại quá nhiều.
Từ đó lấy số người người làm để chia cho giá trị gia tăng trong khu vực dịch vụ công sẽ thấy cả một vấn đề lớn. Chính nó cũng góp phần kéo năng suất lao động xuống thấp.
Theo ông liệu có phải nghịch lý không khi dù năng suất lao động của VN không có tính cạnh tranh nhưng dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam vẫn tăng đều trong nhiều năm qua? Nếu cứ chấp nhận gia công cho nước ngoài với giá rẻ như hiện nay, năng lực của nền kinh tế Việt Nam sẽ thế nào?
Nhiều nhà đầu tư vẫn nhận định môi trường kinh doanh của Việt Nam kém, năng suất lao động không cao nhưng vẫn chú tâm đầu tư là vì họ được ưu đãi nhiều thứ và phần nào là giá lao động của chúng ta rẻ.
FDI hoạt động ở Việt Nam thực sự thế nào không ai biết, tuy nhiên giá trị xuất khẩu chiếm 68% trong tổng giá trị xuất khẩu, tỷ trọng giá trị sản xuất của khu vực này chiếm xấp xỉ 70% trong tông giá trị sản xuất của ngành công nghiệp nhưng giá trị gia tăng chỉ có 19%. Con số này chứng tỏ phần Việt nam được hưởng là rất thấp.
Chính vì sự gia công đó nên có mở rộng sản xuất cũng chỉ bóc lột sức lao động hơn. Cho nên nếu nói năng suất lao động trong trường hợp này cũng không ý nghĩa nhiều.
Phải khẳng định một điều gia công không phải là xấu nhưng mãi như thế thì không phát triển được. Chỉ đến một lúc nào đó phải dừng lại, nếu không nền kinh tế sẽ không cải thiện hơn được và người lao động chỉ suốt đời đi làm thuê. Hiện đóng góp của Việt Nam vào trong chuỗi giá trị toàn cầu là rất thấp.
Ông có giải pháp nào hiến kế để năng suất lao động của Việt Nam được cải thiện?
Như tôi đã nói ở trên việc tăng năng suất hay không thì cũng không liên quan nhiều. Gia công mà tăng năng xuất thì cũng giống như người đi cuốc đất nay cuốc được 2 sào ruộng thì ngày mai cố tăng lên 2,5 sào cũng không đi đến đâu. Tăng năng suất trong điều kiện chưa hoàn toàn tái cơ cấu cũng không để làm gì.
Thay vì gia công làm nhiều hay làm ít thì phải tăng hàm lượng chất tri thức trong sản phẩm thay vì bán sức lao động rẻ mạt.

Bích Ngọc/Đất Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét