Theo BVN
Thục Quyên
Dù Cộng hòa Liên bang Đức là một nước giàu mạnh, dẫn đầu
trong khối Âu châu và thế lực trong thế giới, lễ kỷ niệm 25 năm "Bức tường
Ô nhục Berlin sụp đổ "(13/08/1961-09/11/1989) đã không chú trọng biểu dương
lực lượng quân sự hay sức mạnh tài chính. Mọi cố gắng tổ chức là để nêu cao
giá trị tình người, sự gắn bó dân tộc, sức mạnh văn hóa và chiến thắng của tinh
thần bất bạo động.
Cuộc thăm dò ý kiến trong những năm qua tại Đức cho thấy 70%
dân chúng đánh giá cuộc thống nhất đất nước họ từ tốt tới rất tốt, và bằng
lòng với tình hình chính trị, xã hội cũng như kinh tế hiện tại . Ngay 30% còn
lại, với những chỉ trích nặng nhẹ, cũng dứt khóat không muốn trở lại tình trạng 25
năm trước. Câu nói của cố Tổng thống Mỹ J.F.Kennedy ngày 26/06/1963 khi
đứng trước Bức Tường trong cuộc viếng thăm Berlin của ông đã nói lên một sự
thật đơn giản : Tự do có nhiều khó khăn, và dân chủ không phải là tuyệt hảo.
Nhưng chúng tôi không bao giờ phải dựng lên một bức tường để giữ lại những
người dân của chúng tôi - để ngăn cản họ rời bỏ chúng tôi. "Freedom has many difficulties and
democracy is not perfect. But we have never had to put a wall up to keep our people in --
to prevent them from leaving us".
Cùng với dân tộc Đức, cả thế giới đã xúc động cực độ khi sự
sụp đổ "Bức tường ô nhục Berlin" đến như với một phép lạ: Ngoạn mục. Bất
thần. Nhanh chóng. Không đổ một giọt máu.
Nhưng không một người Đức nào cho tới ngày nay, kể cả các
chính trị gia và các nhà tranh đấu dân chủ, tuyên bố là mình đã biết trước thời
điểm hay cách thức xảy ra. Mọi người đều đồng ý , con đường đưa tới Tự Do và
Thống Nhất đã rất dài, khó khăn, và chỉ có thể đạt được với chủ lực đóng góp và hy
sinh của dân chúng cả hai miền Đông và Tây trong ý nguyện rõ ràng: Chúng ta là nhân dân. Chúng ta là một dân tộc.
(Wir sind das Volk. Wir sind ein Volk).
Chính phủ và nhân dân Đức cho tới nay luôn luôn khiêm nhường
và nhớ ơn sự tiếp tay của những nước bạn.
Vào thời điểm cuối năm 1988, sự độc quyền của các đảng cộng
sản được sự hỗ trợ Liên bang Xô viết trong mấy chục năm đang trên đường tan
rã. Một nhân tố quan trọng là vị Tổng thống Liên Xô đương nhiệm Mikkhail
Gorbachov, đứng trước những thất bại và nguy cơ tan rã của các nước thuộc
khối Xã hội Chủ nghĩa, đã sáng suốt bác bỏ chủ thuyết Brezhnev. Theo đó Moscow có
thể dùng vũ lực can thiệp nếu bất cứ nước nào tìm cách tách ra khỏi sự kiểm
soát của Xô viết (như đã từng xảy ra năm 1956 tại Hungary, và năm 1968 tại
Tiệp Khắc).Từ đó các diễn biến dân chủ ở Đông Âu và nhất là ở Đông Đức tăng hẳn
nhịp độ. Phát biểu trước đài tưởng niệm các nạn nhân của Bức Tường
Berlin sáng ngày 9/11/2014, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố: "Thông điệp của Bức Tường Berlin là chúng ta có khả
năng để xây dựng, chúng ta có thể chuyển đổi để sự việc trở nên tốt đẹp hơn, một thông
điệp cho chúng ta ở Đức cũng như cho những người khác ở châu Âu và thế giới.
Và trong tình hình ngày hôm nay, càng đặc biệt cho những người ở Ukraine, Syria, Iraq và trong nhiều, rất nhiều vùng khác trên thế giới, nơi mà tự do và
nhân quyền đang bị đe dọa hoặc thậm chí chà đạp.
Wir haben die Kraft zu
gestalten. Wir können Dinge zum Guten wenden. Das ist die Botschaft des
Mauerfalls – sie richtet sich an uns in Deutschland ebenso wie an andere in Europa und
der Welt, in diesen Tagen ganz besonders an die Menschen in der Ukraine, in
Syrien, im Irak und in vielen, vielen anderen Regionen unserer Welt, in denen Freiheits-
und Menschenrechte bedroht oder gar mit Füßen getreten werden.
Bối cảnh: quỵ ngã và
điêu tàn
Sự thành hình của "hai nước Đức" bắt nguồn từ sự
qụy ngã sau thế chiến thứ Hai (1939-1945) của Âu Châu, với hơn 49 triệu người thiệt mạng,
các thành phố lớn bị tàn phá nặng nề, các khu công nghiệp hủy hại. Hạ tầng cơ
sở kinh tế điêu tàn, hàng triệu người vô gia cư.
Riêng nước Đức, sau khi Berlin thất thủ và Hitler tự tử, chỉ
còn lại là một mảnh đất nhỏ từ Na Uy phía Bắc cho đến phần trên của Ý, và sau
ngày 09/05/1945 khi các lực lượng Đức cuối cùng đầu hàng vô điều kiện, đã bị các
lực lượng Mỹ, Anh, Liên Xô và Pháp chiếm đóng. Ngoài ra Đức còn bị buộc phải
phi quân sự hóa, phi phát xít hóa, và bị tịch thu tài sản để bồi thường chiến
tranh.
Ngay sau đó, chính liên minh Đồng Minh đã bị rạn nứt vì xung
đột ý thức hệ. Tại châu Âu, mỗi phía liên minh với nhau trong khu vực ảnh
hưởng. Về phía Tây, các nước Mỹ, Anh và Pháp đã lập ra Liên minh Bắc Đại Tây Dương
(NATO) . Về phía đông, Liên Xô lập ra liên minh với các nước Đông Âu khác với
Hiệp ước Warsaw.
Các nước phụ thuộc Hoa Kỳ chịu ảnh hưởng chính trị thông qua
viện trợ kinh tế theo kế hoạch Marshall, trong khi các nước kia trở thành các
nước cộng sản phụ thuộc Liên Xô.
Năm 1949, với sự gia tăng căng thẳng của Chiến tranh Lạnh,
nước Đức đã tách đôi trên cơ sở các vùng kiểm soát của Đồng Minh phương Tây
và Liên Xô thành Cộng hoà Liên bang Đức (Tây Đức) và Cộng hoà Dân chủ
Đức (Đông Đức).
Để ngăn chận làn sóng người Đông Đức chạy sang Tây Đức ngày
càng nhiều, bắt đầu từ năm 1952, biên giới giữa hai nước Đức được bảo vệ
bằng hàng rào và có lực lượng canh phòng. Tuy nhiên ranh giới của các khu vực
chiếm đóng giữa Tây Berlin và Đông Berlin lại vẫn còn bỏ ngỏ, vì thế mà gần như
không thể kiểm soát được và trở thành một lỗ hổng để người dân chạy qua Tây
Berlin.
Từ 1949 đến 1961 khoảng 2,6 triệu người đã rời bỏ Đông Đức
và Đông Berlin, trong số đó vẫn còn 47.433 người chạy trốn chỉ riêng trong
hai tuần đầu của tháng 8 năm 1961. Vì những người này thường là những người
trẻ tuổi và được đào tạo tốt nên việc di dân này là mối đe dọa cho sức mạnh kinh
tế của Đông Đức và cuối cùng là cho sự tồn tại của "quốc gia" này.
Đêm 12 rạng sáng ngày 13/08/1961 phía Đông Đức bắt đầu cho
phong tỏa các đường bộ và đường sắt dẫn đến Tây Berlin. Quân đội Xô Viết
được đặt trong tình trạng báo động và hiện diện tại các cửa khẩu biên giới của
Đồng Minh. Tất cả các liên kết giao thông còn tồn tại giữa hai phần Berlin đều bị
gián đoạn.
Erich Honecker, sau này trở thành Chủ tịch Hội đồng Nhà
nước, lúc đó với cương vị là bí thư trung ương Đảng về an ninh đã nhân danh ban lãnh
đạo Đảng Cộng sản, chịu trách nhiệm chính trị về việc lên kế hoạch và thực
hiện việc xây bức tường. Cho đến tháng 9 năm 1961, ngay trong lực lượng canh
phòng đã có 85 người đào ngũ sang Tây Berlin.
Bài học từ bạn và thù
Trước mắt người dân Đức và thế giới, bức tường Berlin xây
bằng bê tông, gạch và giây kẽm gai đã cụ thể hóa Bức Màn Sắt trừu tượng. Dân chúng
thành phố Berlin đã ngay tức khắc phản ứng mãnh liệt với bức tường được chính
phủ Cộng hòa Dân chủ Đức gọi là "Tường thành bảo vệ chống phát
xít" và ngược lại đối với Cộng Hoà Liên Bang Đức là một "Bức tường Ô
nhục".
Suốt ngày 13/08/1961 và những ngày nối tiếp, khắp Đông
Berlin đã có nhiều cuộc biểu tình vài trăm người tự phát. Cảnh sát Nhân dân
giải tán những người biểu tình bằng hơi cay, vòi rồng và dùi cui. Lác đác có những cuộc đình công nhỏ.
Ngày 16/08, gần 300.000 người phía Tây Đức cùng với thị
trưởng Willy Brandt tập trung trước tòa thị chính Schöneberg ở phía tây của
thành phố, kêu gọi phản ứng mạnh mẽ của các cường quốc phương Tây và sự bảo đảm tự
do cho Tây Bá Linh. Nhưng các cường quốc phương Tây phản ứng rất chậm và dè dặt.
Bức tường Berlin đánh dấu sự thất bại kép của chính sách
nước Đức trong thời gian đó.
Phía Cộng hòa Dân chủ (Đông Đức) đã thất bại trong nổ lực
thiết lập một nước theo chủ nghĩa xã hội được dân chấp thuận, để đối ngược với
chủ nghĩa tư bản Tây phương. Hàng triệu người, trong đó có nhiều lao động trẻ
và có kỹ năng, đã rời bỏ Đông Đức để qua phía Cộng hòa Liên bang, gây một tình
trạng xuất huyết trầm trọng.
Nhưng Bức Tường cũng cho thấy nổ lực của Chính phủ Cộng hoà
Liên bang (Tây Đức) dựa vào các cường quốc Tây phương mong dùng chính sách
"sức mạnh" để ép Liên Xô lui, hòng đạt được thống nhất nước Đức, cũng thất
bại. Mỹ đã không can thiệp quân sự khi bức tường Berlin được xây dưới sự bảo
vệ của Liên Xô. Họ tôn trọng những lĩnh vực mà Liên Xô đã đặt ảnh hưởng, như đã
từng không phản ứng nhân dịp cuộc nổi dậy và bị Hồng quân đàn áp ngày
17/06/1953 tại Đông Đức và cuộc cách mạng năm 1956 tại Hungary.
Việc phát hiện rằng không có cách ngắn hạn nào để thống nhất
nước Đức, và ngay cả sự liên lạc tình cảm thiêng liêng giữa người dân
hai miền còn mắc nguy cơ bị gián đọan nói chi là sự thống nhất kinh tế hay
chính trị , đã đưa tới một làn sóng xét lại cách suy nghĩ cũng như đường lối
chính trị tại Cộng hoà Liên bang Đức.
Willy Brandt và cú
sốc thực tế
Đêm 12 rạng sáng ngày 13/08/1961 khi được tin Berlin bị chia
cắt , thị trưởng đương nhiệm Willy Brandt đã tức tốc bỏ dở cuộc vận động đang
tới cao điểm tranh cử chức thủ tướng Cộng hoà Liên bang Đức để trở về
Berlin dầu sôi lửa bỏng, chung vai sát cánh với người dân của mình. Vừa tới
nơi, ông đã dứt khóat tuyên bố đường hướng đấu tranh tại buổi họp đặc biệt của
Quốc hội:
Một phe đảng tự gọi là chính phủ mà ra sức để
bỏ tù người dân của mình: Trụ bê tông, dây thép gai, vùng đất chết, tháp canh
và súng máy, đó là những đặc thù của một trại tập trung. Nhưng chúng sẽ không tồn tại. Trong tương lai, chúng ta sẽ đưa thêm nhiều
người từ khắp thế giới đến Berlin, nhiều hơn chúng ta đã làm trong qúa khứ, để họ
có thể nhìn thấy thực tế trần truồng, lạnh lùng và tàn bạo của cái hệ thống
đã hứa hẹn một thiên đường trên trái đất. [...]
Eine Clique, die sich
Regierung nennt, muß versuchen, ihre eigene Bevölkerung einzusperren. Die Betonpfeiler, der Stacheldraht, die Todesstreifen, die Wachtürme und die
Maschinenpistolen, das sind die Kennzeichen eines Konzentrationslagers. Es wird keinen Bestand
haben. Wir werden in Zukunft noch sehr viel mehr Menschen als früher
nach Berlin bringen, aus allen Teilen der Welt, damit sie die kalte, die nackte, die
brutale Wirklichkeit eines Systems sehen können, das den Menschen das Paradies
auf Erden versprochen hat. [...]
Trong suốt tháng 8/1961, tương ứng với những cảm xúc của
người dân Berlin, Willy Brandt đã bước ra khỏi thế đứng chính trị đảng phái
của mình để mang một vai trò phi đảng phái và hoàn toàn có tính cách dân tộc. Ông
trực tiếp nhắc nhở các cường quốc phương Tây giữ vững lời cam kết bảo vệ nền Tự
do của Tây Bá Linh, kêu gọi Mỹ có phản ứng mạnh mẽ với Liên Xô, đồng thời
tìm cách hướng dẫn người dân Berlin giữ bình tĩnh, tránh tạo dịp cho Đông
Đức và Liên Xô gây ra một cuộc tàn sát đẫm máu.
Tuy nhiên, những cố gắng của ông lúc đó đã không thành công
hoàn toàn như ý muốn: Chính phủ Mỹ đã từ chối lời đề nghị và yêu cầu trợ
giúp của ông; Tổng thống J.F.Kennedy sau nhiều ngày tránh né không lên tiếng,
đã viết thư khuyên Brandt từ bỏ hy vọng về một đất nước được thống nhất nhanh
chóng, và phải chấp nhận thực tế.
Với Bức tường Berlin,
sự tách đôi Đông và Tây Đức đã được "bê tông hóa" theo đúng nghĩa đen. Hy
vọng cuối cùng của Willy Brandt dựa vào Berlin để ngăn chận sự phân chia nước Đức
đã một sớm một chiều chỉ là ảo tưởng. Trong tức tưởi ông phải đối diện với một
bên là tấn công vũ bão của kẻ thù, bên kia là sự tháo lui của đồng minh, chung
quanh là sự nghi ngờ thù hằn của những nước láng giềng đã một thời bị đàn áp
xâm chiếm bởi Đức Quốc Xã, và ngặt nghèo hơn cả là sự mâu thuẫn thế hệ trong
toàn quốc: thế hệ sau thế chiến lên tiếng buộc tội gắt
gao thế hệ cha ông mình đã vì lý do này hay lý do khác
tiếp tay với độc tài gây ra cuộc thảm sát người Do Thái và thế chiến thứ 2 nên
mới đẩy dân tộc rơi vào tình trạng kiệt quệ, chia cắt bởi các thế lực Đông-Tây:
Tại sao qúi vị có thể để những điều đó (bắt bớ và tàn sát) xảy ra cho người Do Thái?
Tại sao cha mẹ lại tham dự trong đoàn thanh niên Hitler? Tại sao lại chấp nhận
và tự nguyện tham dự chiến tranh? Từ 1945, sau khi thua trận, qúi vị có xét lại
mình hay không? Đảng Quốc Xã và Lãnh tụ của nó (Hitler) không bao giờ có thể
tung tác được nếu không có sự im lặng đồng ý và sự vô tâm bất động của đại
đa số công dân Đức. Mọi người đều có trách nhiệm!
Willy Brandt: "Cách
tốt nhất để dự đoán tương lai là tạo ra nó"
Nhưng chính hoàn cảnh khắc nghiệt cũng là dịp để người anh
hùng nổi trội khỏi đám đông. Bị dồn vào thế bí, Willy Brandt đã chứng tỏ khả năng vượt
khỏi khuôn khổ những lối suy nghĩ và hành động thông thường, lội ngược dòng những
xu hướng chính trị để tìm cách xoay chuyển thời thế.
Cái chết thảm thương của một thanh niên 18
tuổi bị lính canh Đông Đức bắn và bỏ mặc nằm vướng trong dây kẽm gai chảy máu
cho tới chết ở chân bức tường Berlin ngày 17/08/1962 là tác động khơi mào
cho "Chính sách phương Đông" của Brandt, đưa tới ký kết những hiệp ước rất
quan trọng giữa Cộng Hoà Liên bang Đức với các nước Đông Âu láng giềng và
Liên Xô, để giảm bớt sự căng thẳng của Chiến tranh Lạnh với thế giới cộng sản,
khiến Đông Đức không thể đơn độc cưỡng lại việc ngồi vào bàn hội nghị.
Vì mục tiêu cuối cùng của "Chính sách phương Đông" chính là để tạo lợi thế đưa đến vô hiệu
hóa cái Brandt gọi là "bức tường vô nhân đạo" chia đôi dân tộc Đức.
Biết không thể phá bỏ bức tường này bằng những lời tuyên bố
vĩ đại, bằng nguyền rủa hay bằng bom đạn, Willy
Brandt đã sáng chế một giải pháp cực kỳ tinh tế là đi từng bước nhỏ, tạo sự liên hệ
và tiếp xúc văn hóa cũng như kinh tế cho dân chúng hai bên để chính sức
mạnh đoàn kết của họ đục thủng dần bức tường ngăn cách kiên cố.
Tháng 12/1972 một hiệp ước ký kết giữa Tây và Đông Đức chấp nhận Đông Đức là một lãnh thổ độc
lập và có chủ quyền (nhưng chỉ có một quốc tịch Đức duy nhất). Đổi lại,
người dân Tây Đức được thăm viếng, xum họp với gia đình bên Đông Đức. Chính sự
gặp gỡ, trao đổi tin tức và những giúp đỡ tài chính họ mang cho thân nhân đã
đánh thức sự so sánh giữa cuộc sống tại hai phần đất nước và gây ý thức về
Tự do Dân chủ nơi người dân Đông Đức.
Cùng với Egon Bahr , Willy Brandt gọi ý tưởng cách mạng của
mình là "Đổi thay bằng cách xích lại gần",
dùng sự cảm thông và liên hệ giữa con người với con người để phá vỡ ngục tù ý thức hệ. Tuy được giới trẻ và số
đông ủng hộ nhưng cũng không thiếu những chông gai đến với ông từ không những
nhà cầm quyền CS Đông Đức mà Willy Brandt còn chịu sự chống phá quyết liệt
của những thành phần bảo thủ Tây Đức, ngay cả trong đảng Xã hội (SPD) của
ông, buộc tội ông "cấu kết với cộng sản". Sự chống phá đôi khi gồm
cả những thủ thuật ty tiện như vu cáo, bôi nhọ thanh danh, cuối cùng cũng đã đẩy ông đến
bước phải từ chức Thủ tướng năm 1974 nhưng trong lòng người dân ông đã mãi mãi
giữ chỗ đứng của một "Thủ tướng của trái tim" (Kanzler der Herzen).
Lấy can đảm "dứt khoát nhận lãnh trách nhiệm tội ác
chiến tranh" làm nền tảng xây dựng tương lai
Mặc dù nước Đức đã phải trả một cái giá rất đắt sau chiến
tranh nhưng đối với thế giới điều này không chứng tỏ dân tộc Đức đã thực tình
nhìn nhận lỗi lầm liên đới với Đức Quốc Xã mà có thể chỉ vì bị thua trận. Phải tới
khi vị thủ tướng Đức Willy Brand qùy xuống trước đài tưởng niệm
người Do Thái ở Warsaw ngày 7/12/1970 trong chuyến thăm Ba Lan của ông,
những vết thương của các nạn nhân chiến tranh mới được phần nào xoa dịu.
Một cử chỉ can đảm cho thấy tầm vóc lớn của con người Willy Brandt, làm cả thế
giới khâm phục. Đó cũng là dấu hiệu chân thành thiết yếu để thế giới khôi
phục lại lòng tin tưởng vào dân tộc Đức. Tháng 12 năm 1971 Willy Brandt nhận giải
Nobel Hoà Bình.
Lời cuối cho Việt Nam
Trong bài phát biểu nhận giải thưởng Nobel Willy Brandt nhấn
mạnh: "nói chuyện Hoà Bình không đủ, chúng ta phải xây dựng Hoà Bình
bằng hành động". Và ông đã chấm dứt bài, nhắc đến dân tộc Việt Nam và những
nước nhược tiểu khác:
Tôi không thể ngưng nhắc nhở qúi vị và chính
bản thân tôi cần phải nhớ đến những con người còn đang sống lầm than trong
chiến tranh ngay trong giờ phút này, đặc biệt là trong tiểu lục địa Ấn Độ và
Việt Nam. Cũng như ở Trung Đông và các khu vực khủng hoảng khác. Tôi không muốn
ồn ào kêu gọi, vì đòi hỏi người khác phải giữ chừng mực, biết điều và khiêm
tốn thì rất dễ. Tôi chỉ gởi lời cầu mong từ trái tim tôi tới tất cả những người
đang có thế lực trong tay để gây chiến tranh, hãy nhường bước cho lẽ phải và gìn giữ
Hoà Bình.
Aber ich kann nicht
aufhören, ohne Sie und mich an die zu erinnern, die in diesem Augenblick im Krieg
leben und leiden, vor allem auf dem indischen Subkontinent und in Vietnam. Ich
beziehe die Menschen im Nahen Osten und in anderen Krisengebieten mit
ein. Mir ist nicht nach dem lauten Appell zumute. Es ist leicht, von anderen Maß,
Vernunft, Bescheidung zu fordern. Aber diese Bitte kommt mir aus dem Herzen: Alle,
die Macht haben, Krieg zu führen, möchten der Vernunft mächtig sein und
Frieden halten.
Dân tộc Việt Nam đã
được gì sau gần 40 năm thống nhất và không chiến tranh?
Nhìn sức mạnh xã hội, kinh tế của nước Đức, xuất phát từ một
nền tảng chính trị TỰ DO DÂN CHỦ nhân bản và đứng đắn, người Việt chúng ta thay
vì chỉ sôi sục niềm ao ước có lẽ nên nhập tâm khẩu hiệu "Can đảm đòi
Dân chủ” của Willy Brandt làm ngọn lửa soi sáng cho mọi hoạt động của mình. Và
xây dựng sự cảm thông, liên hệ giữa con người với con người để phá vỡ ngục
tù ý thức hệ bằng cách mỗi người trong chúng ta tự quỳ xuống trước tổ tiên và
dân tộc, thẳng thắn can đảm nhận lãnh trách nhiệm đã nhầm lẫn trong qúa khứ của
chính bản thân mình.
T.Q.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét