Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

Trí thức và đối lập

Theo FB Nguyễn Văn Tuấn

Có lẽ không quá đáng để nói rằng ông Nguyễn Trần Bạt là một người mà tiếng Anh gọi là "thinker" của VN. Ông có nhiều ý kiến hay, sâu lắng, và đáng được trích dẫn. Trong bài viết "Tóm lược những ý kiến chính trong cuộc trao đổi giữa ông Nguyễn Trần Bạt với các nhà nghiên cứu của ĐCSVN" của Nhà thơ Hoàng Hưng trên boxitvn.net (1), ông NTB có nhiều phát biểu tôi thấy rất tâm đắc. Ví dụ như ông nói rằng Chính phủ cần phải có đủ trí tuệ để điều hành nền kinh tế, nhưng hiện nay thì Chính phủ chưa đủ trí tuệ như thế. Ông nói rằng "khi quan sát các Bộ trưởng trả lời chất vấn của Quốc hội, tôi nghĩ tại sao người ta lại không tắt truyền hình trực tiếp đi. Các anh không nghĩ rằng như vậy là thông báo sự non kém của nội các với toàn thế giới để rủ tất cả những tên lừa đảo đến." Lời nói nặng nề, nhưng rất đúng!
Ông nhắc nhở rằng những người có bằng cấp tiến sĩ hay thạc sĩ không hẳn là "trí thức", vì theo ông người trí thức là kẻ "mang lại cho xã hội là thông tin, là sự phát hiện những khía cạnh mà xã hội không nhận ra bộ mặt thật của nó chứ không phải danh vị của họ." Ông nhận dạng trí thức chân chính là những người "luôn luôn đối lập một cách tự nhiên đối với nhà cầm quyền". Ngược lại, "những ai không có năng lực đối lập thì dường như rất khó để trở thành trí thức. Những ai không có phản ứng về sự vô lí, về sự thiếu nhân đạo, về sự thiếu hiểu biết thì kẻ đó dứt khoát không phải là trí thức. Trí thức là người có năng lực phản xạ một cách tự nhiên trước những sự vô lí của xã hội mà đặc trưng là nhà cầm quyền."

Tôi chợt liên tưởng đến Nhà văn Nguyễn Quang Lập, anh Hồng Lê Thọ và Nguyễn Hữu Vinh, những người mới bị bắt gần đây vì điều luật 258. Có thể nói họ chẳng thù hằn gì với chính quyền, họ hi sinh thì giờ để chuyển giao thông tin, đem lại sự thật đến cho công chúng (2). Họ trăn trở với sự suy thoái của xã hội, họ bảo vệ lẽ phải, và phản đối những bạo lực trong xã hội. Nhìn như thế, họ là những trí thức đích thực.
Thế nhưng Nhà nước không đối thoại với họ; Nhà nước bắt giam họ. Nguyễn Trần Bạt nhận xét rằng "Trong một xã hội mà nhà chính trị không đủ năng lực để đối thoại với người đối lập với mình về mặt hiểu biết thì rất khó để xã hội ấy trở thành một xã hội phát triển". Quá chính xác!
====
(2) Nhà văn Nguyễn Quang Lập từng tuyên bố trên trang web của ông rằng "Bọ Lập không có khả năng và trình độ để khai dân trí, chấn dân khí nhưng lại có khả năng dùng blog Quê Choa làm con thuyền chuyên chở SỰ THẬT đến với dân. Làm anh nhà văn luôn mồm nói về nhân nghĩa, về cái tâm, về sống vì dân viết vì dân vân vân và vân vân… vô lẽ lại đắp tai cài trốc trước lời kêu gọi khẩn thiết của tiền nhân? Thế thì hèn quá! Thế thì thà vứt bút đi về nhà ôm đít vợ còn hơn suốt ngày ngửa mặt ngóng chờ giải thưởng nọ danh hiệu kia, không thèm biết đến dân tình khốn nạn thế nào, đất nước điêu đứng ra sao. Sống thế khác gì an phận làm con chó giữ nhà cho chủ, mong chờ chủ xón ra giải thưởng nọ danh hiệu kia để vui sướng vẫy đuôi liếm láp?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét