Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014

Anatoly Tille – Chế độ phong kiến ở Liên Xô - Chương cuối

16-11-2014

Chương 10. Luật hình sự



Chính sách về hình pháp 
   
Lịch sử của “chính quyền Xô viết” là một chuỗi dài, không thể nào kể hết, những tội ác chống lại nhân dân, là một vụ diệt chủng thật sự mà Hitler không thể nào so sánh được. Thực chất nó là một chính quyền tội phạm. Danh sách những tội ác mà nó đã phạm ở nước ngoài cũng dài vô tận (Hungary, Tiệp Khắc, Ba Lan, Afghanistan, các nước vùng Baltic…) 



Thu nạp cống vật là bản chất của hệ thống phong kiến được che đậy bởi mẽ ngoài “xã hội chủ nghĩa” này. Vì vậy, từ quan điểm pháp lí, tất cả những “nhà hoạt động Đảng và nhà nước” được đưa vào hệ thống đều là những kẻ ăn hối lộ, những tên tội phạm. Không phải vô tình mà sau những cuộc cách mạng dân chủ ở Đông Âu vào mùa thu năm 1989, người ta được biết rõ những vụ ăn cắp và hối lộ ở ngay những cấp lãnh đạo cao nhất. Gần như ở đâu cũng đòi đưa các nhà lãnh đạo cũ ra tòa. 





Các nhà khoa học Xô viết xuất phát từ luận điểm cho rằng pháp luật là công cụ của giai cấp cai trị nhằm nô dịch nhân dân lao động. Chính sách hình pháp của Liên Xô khẳng định luận điểm này ngay từ khi nó mới được thành lập. Mặc dù người ta luôn tuyên bố ngược lại rằng hình luật là phương tiện bảo vệ nhân dân, chống lại một nhúm những kẻ bóc lột.
 



Không thể kìm được bất bình khi nói đến “tội lỗi” của nhân dân. Ngay cả bây giờ, trong “giai đoạn cải tổ” mà hàng ngàn người vẫn bị kết án theo điều 198 bộ Luật hình sự: “vi phạm chế độ hộ khẩu”, nghĩa là sống không hộ khẩu, trái hẳn với điều 13 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền mà Liên Xô đã hứa tôn trọng (mãi cuối năm 1991 điều 198 mới bị bãi bỏ). 



Hàng chục ngàn người đã bỏ xác trong các trại cải tạo vì “tội” đó, cũng như vì không có mặt tại vị trí công tác 21 phút, hàng chục ngàn người đã bị bắn vì đi mót những bông lúa rơi trên đồng sau vụ thu hoạch[2]



Sau chiến tranh “luật bảy phần tám”[3] đã mất hiệu lực và nghị định của Chủ tịch đoàn Xô viết Tối cao Liên Xô ngày 4 tháng 6 năm 1947 (dân chúng gọi đơn giản là nghị định) “với mục đích tăng cường cuộc đấu tranh chống ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa” đã quy định mức án tù đến 25 năm. Hàng đoàn người nối đuôi nhau vào trại giam không hẹn ngày về. Như một bài hát trong trại giam ngày đó: 



Đi về Bắc cực… Thời hạn cao su… 



Phải luôn nhớ rằng nhà tù là một loại xí nghiệp xã hội chủ nghĩa làm theo kế hoạch, các xí nghiệp này cần thường xuyên bổ sung nhân lực. Để làm được như thế, nhà nước phải giữ cho tình trạng tội phạm luôn ở một mức nhất định. Vì vậy, khi kế hoạch của các xí nghiệp bị đe dọa, thí dụ, sau vụ ân xá nhân dịp 70 năm Cách mạng Tháng Mười (tạp chí Ngọn lửa nhỏ, số 32, năm 1988), người ta phải bắt đầu chiến dịch “đấu tranh với tội phạm”, cảnh sát bắt người với đủ lí do, tòa án đưa ra “thời hạn” và kế hoạch đã được hoàn thành. 



Nhưng trong “giai đoạn cải tổ”, tội phạm hoành hành khắp nơi. Không chỉ dân chúng mà nhà nước cũng phát hoảng. Các nhà “tội phạm học” Xô viết cho rằng dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa Marx đã không còn giá trị nữa. Chủ nghĩa Marx khẳng định rằng điều kiện xã hội là nguyên nhân của tội phạm. Các nhà khoa học thường nói rằng ở nước ta điều kiện phát sinh tội ác đã không còn, tội ác chỉ là “tàn dư của quá khứ”. Nhưng là một người duy vật, tôi cho rằng tội phạm gia tăng một cách khủng khiếp như hiện nay là do:

1.    sự tan rã một cách toàn diện hệ thống kinh tế xã hội của đất nước và sự phân hóa xã hội mà ai cũng biết (trừ các nhà khoa học): sự bần cùng hóa của công nhân và nông dân cùng với sự giầu lên đột ngột của tầng lớp cán bộ và giới mafia trong lĩnh vực công-thương nghiệp;
2.    sự phá sản của hệ tư tưởng cộng sản, một chân không đạo đức là kết quả của cuộc đấu tranh chống lại tôn giáo;
3.    sự hợp nhất của bộ máy nhà nước với giới tội phạm, sự phát triển của tội phạm có tổ chức và mafia;
4.    hệ thống nhà tù và “hộ khẩu” đảm bảo tạo ra những kẻ tái phạm và bổ sung cho thế giới tội phạm có tổ chức những tên tội phạm ngày càng chuyên nghiệp hơn[4]

  
Những người mác-xít hoàn toàn có lí khi cho rằng luật hình sự mang tính giai cấp. Tính giai cấp thể hiện trong toàn bộ hình pháp, trong quan điểm xét xử, trong việc thi hành án v.v… Hình pháp và luật hình sự có mục đích bảo vệ giai cấp cầm quyền, đe dọa và đàn áp các tầng lớp cần lao. Tôi hi vọng rằng điều này đã được chứng minh trong các chương trên, nhưng nó còn rõ ràng hơn khi ta xem xét luật hình sự và đặc biệt là sự tùy tiện và phi pháp diễn ra trên thực tế hàng ngày. 


Ở Ashkhabad (Turkmenia) đã tổ chức một phiên tòa điển hình[5], xét xử một nhân viên bán hàng tên là Mamedorazova. Chị ta được xác định có tội là đem giấu dưới gầm bàn (không phải là ăn cắp mà chỉ là cất đi cho khách quen) mấy chiếc tất liền quần của trẻ con (báo Sự thật thanh niên, ngày 31 tháng 10 năm 1982)! Trong khi đó tầng lớp cán bộ, các nhà lãnh đạo nước cộng hòa và những công hầu khanh tướng của họ chia nhau hàng triệu rub công quỹ mà không việc gì. 



Việc đưa ra tòa những tên ắn cắp và những kẻ nhận hối lộ giữ chức vụ cao là chuyện hi hữu và thường thì đấy là kết quả của những cuộc tranh chấp giữa các vương tôn. Chúng ít khi bị đem ra tòa, tòa mẫu thì lại càng hiếm vì những kẻ chiến thắng cũng chẳng muốn “vạch áo cho người xem lưng”. Dưới thời Brezhnev, người ta đã phát hiện ra những vụ “chạy” đặc xá của Nasriddinova, “tổng thống” Uzbekistan, nhưng bà ta chỉ bị giáng chức xuống làm .. bộ trưởng! Báo chí đã viết công khai và khá rõ về việc nhận hối lộ của các ủy viên Bộ chính trị như Grishin (Moskva), Romanov (Leningrad), Aliev (Azerbaizhan), Demirtran (Armenia), Kunaev (Kazakhstan) và những người khác, nhưng cũng chẳng ai dám động đến họ và họ vẫn sống vui vẻ trong các biệt thự của mình (biệt thự của Kunaev ở gần ngay bức tượng được dựng khi ông ta còn sống) và còn được nhận lương hưu đặc biệt nữa. Medunov, đầu Đảng của những kẻ ăn hối lộ miền Nam nước Nga còn được nhận một căn hộ ở Moskva (dĩ nhiên là không phải xếp hàng) và an hưởng tuổi già thật xa những nơi ông ta từng hoạt động trước đây. 



Ngay cả tội lỗi của các viên chức cấp thấp hơn cũng thường được bao che, kéo dài và được cho “chìm xuồng”. Chỉ những trường hợp chẳng đặng đừng, thí dụ, có người chết, thì họ mới bị đem ra xét xử và án phạt cũng thường rất nhẹ[6]



“Người thường” thì lại khác. Vụ án “những người tạo mẫu” được báo chí nói đến rất nhiều có thể được coi là vụ điển hình. Nội dung vụ này như sau: tại một nhà máy ở Moskva có mấy người thợ tạo mẫu tay nghề rất cao (phải có các mẫu bằng gỗ với độ chính xác rất cao thì mới có thể đúc được các linh kiện kim loại). Các nhà máy khác cũng đặt mẫu ở đây và thường thì các đơn hàng này đều thuộc loại khẩn cả (thí dụ, khi một linh kiện bị hỏng mà không thể mua được, phải tự làm), đơn giá là của nhà nước, nhưng đây là những đơn giá đặc biệt. Chắc là những người thợ này có thu nhập khá, có kẻ nào đó ghen ăn tức ở đã báo cáo lên trên. Viện kiểm sát khởi tố vụ án và xác định là các bị can đã ăn cắp tổng cộng 260.738,99 rub! Chính xác đến thế là cùng! Với số tiền “ăn cắp” lớn như thế, họ bị xử theo điều 93 bộ luật hình sự với mức hình phạt là 8 đến 15 năm tù và có thể tử hình (mức nào thì cũng kèm theo tịch thu tài sản). Giám đốc các xí nghiệp đặt hàng đã làm chứng tại tòa và khẳng định rằng những người thợ này đã cứu xí nghiệp của họ, rằng nếu không có những người thợ khéo tay như thế thì nhà nước đã bị thiệt hại rất lớn, số tiền họ trả là rất nhỏ, không thể nào so sánh được với thiệt hại có thể xảy ra nếu không có những người thợ ấy… Vô ích! Các quan tòa kiên quyết đứng về phía quyền lợi của nhà nước và mặc dù một bị can có nhiều huân huy chương trong cuộc chiến tranh vệ quốc, ba người công nhân vẫn bị xử với những mức án 8, 12 và 14 năm tù giam (tôi không biết họ bị bắt khi nào, nhưng tòa án thành phố Moskva phán quyết vào ngày 4 tháng 8 năm 1981). 



Cần phải xem xét trường hợp này một cách thật cẩn thận vì nó như một giọt nước phản ánh toàn bộ sự phi lí và tính giai cấp của nền tư pháp Liên Xô: bên đặt hàng kí hợp đồng chính thức với nhà máy, chính giám đốc xí nghiệp kí hợp đồng, dự toán và đơn giá do phòng tài chính kế toán lập. Mấy người công nhân này lĩnh tiền từ thủ quỹ theo bảng lương, mà họ chỉ được một phần, phần lớn hơn (75%) thuộc về nhà máy và được đưa vào công quỹ. Không một cán bộ lãnh đạo nào của nhà máy bị đưa ra tòa cả. 



Tại sao lại là ăn cắp? Phi lí chứ còn gì nữa! Đúng, phi lí đối với những đất nước bình thường, với những con người bình thường, với nhận thức pháp lí bình thường, với nền luật pháp bình thường! 



Nhà văn Burkovski đã nói rất đúng: “Chả lẽ đời sống ở Liên Xô lại là thực ư, chả lẽ Liên Xô không phải là một thế giới điên rồ tưởng tượng, nơi có những người Xô viết bịa tạc đang xây dựng chủ nghĩa cộng sản huyền hoặc, sinh sống ư?” 



Mãi đến ngày 4 tháng 12 năm 1986, tòa án Tối cao Liên Xô mới hủy bỏ bản án “những người tạo mẫu” (Bản tin của tòa án tối cao, năm 1987, số 2). Như vậy là mấy người thợ này đã bị “ngồi” (thực ra là họ không ngồi mà phải làm) tù 6 năm! Chẳng vì lí do gì! 



Những người quen bảo vệ và biện hộ cho “chủ nghĩa xã hội” sẽ nói rằng đây là một trường hợp đặc biệt. Vâng, đây là một trường hợp đặc biệt, nhưng nó đặc biệt chỉ vì hoàn toàn vô tình mà hội thẩm nhân dân trong vụ này là một nhà báo, một người có tư duy bình thường chứ không phải là một luật sư. Vì anh nhà báo này kịch liệt phản đối bản án nên bị cho ra rìa và được thay bằng một hội thẩm nhân dân “gật” khác (giới tội phạm gọi hội thẩm nhân dân là “bọn gật”). Nó đặc biệt vì tờ Báo Văn học đã tham gia vào cuộc đấu tranh gian khổ và kéo dài, từ lúc kết án cho đến khi bản án bị hủy bỏ. Điều đó càng chứng tỏ rằng đây là một vụ án rất bình thường vì việc hủy bỏ bản án đã phá hỏng thực tiễn pháp lí do tòa án Tối cao đặt ra! Tòa án tối cao hủy bỏ bản án, nhưng như thường thấy ở nước ta, để không phải trả tiền đền bù cho những năm tháng tù đày vô cớ, tòa lại gán cho những người công nhân tội theo điều 153 bộ luật hình sự (hoạt động kinh doanh tư nhân). Không thể nào giải thích cho người ngoại quốc hiểu được tội này là gì; đây chính là “cải cách kinh tế” đang được người ta cổ động hiện nay và cho ra tù vì “đã chấp hành đủ thời hạn của bản án” theo điều luật này. Có thể gọi là “hoạt động kinh doanh tư nhân” trong khi người ta làm việc tại nhà máy và lĩnh lương từ thủ quỹ được ư? Phi lí đối với một luật sư bình thường! Nhưng đối luật sư Liên Xô thì không. 



Không phải hàng trăm mà là hàng ngàn vụ như thế (theo tuyên bố của Borovski, Chủ tịch Đảng tự do kinh tế, thì hiện có 127 ngàn người bị kết án những tội tương tự như thế, những tội mà hiện nay được coi là hoạt động kinh tế thị trường bình thường). Một nhà báo kể lại rằng tài liệu về hàng trăm vụ án kiểu đó chất đầy bàn viết của anh ta. Một trong những vụ nổi tiếng và có tiếng vang là vụ án giám đốc một nông trường ở Kazakhstan tên là Khudenko. Nhận làm giám đốc một nông trường đang thua lỗ, Khudenko đã biến nó thành ra có lãi, thu nhập của người lao động tăng lên rõ rệt. Tờ Báo Văn học, ngày 21 tháng 5 năm 1962 đã có bài ca ngợi ông ta (đấy là thời “tự do” dưới trào Khrushchev). Khudenko bị khởi tố ngay khi báo phát hành, người ta định khởi tố cả tác giả bài báo nữa. Nhưng sau khi được tha, Khudenko đã đòi đền bù. Viện kiểm sát lại khởi tố và Khudenko đã chết trong tù (Báo Văn học, ngày 21 tháng 1 năm 1987)! 



Goriatrkin, làm chủ tịch nông trang (tỉnh Moskva) năm 1962 khi nông trang này nợ nhà nước 300 ngàn rub. Trong các năm 1964-1966 nông trang này có tổng số lãi là 1.381 ngàn rub. Goriatrkin và ba người nữa bị bắt, họ bị giam 10 tháng trước khi ra tòa và bị kết án “ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa”. Thế đấy, trước khi bị ăn cắp nông trang nợ đìa, sau khi bị ăn cắp nông trang thành ra có lãi! Ngay người lính áp giải cũng phải thốt lên: “Họ là những tên ăn cắp thì rõ rồi, nhưng tôi cũng không hiểu họ ăn cắp cái gì nữa? (Tin tức, ngày 3 tháng 6 năm 1967). Thực ra là Goriatrkin đã tổ chức một xưởng sản xuất phụ, đơn giá tiền lương ở đây cao hơn đơn giá của nhà nước. Thu nhập của công nhân cao… đến… 300 rub! Trong 3 năm, chênh lệch so với đơn giá của nhà nước là 36 ngàn rub. Và đây chính là “vụ ăn cắp”! Xin nói thêm rằng nông trang là tập thể, là người chủ, vì sao ông chủ lại phải trả lương cho công nhân theo đơn giá nhà nước? 



Giukov, chủ nhiệm một hợp tác xã đánh cá (tỉnh Novorossisk) đã làm cho hợp tác xã thành ra có lãi cũng bị kết án “ăn cắp” mặc dù tất cả nhân chứng đều khẳng định rằng ông ta không bỏ túi một xu nào (nghĩa là ông đã không cống nạp lên trên). Tòa án Tối cao đã xử trắng án, nhưng ông ta cũng đã ngồi tù khá lâu (Báo Văn học, 14 tháng 1 năm 1987). 



Bản án của một vụ tương tự ghi rằng: “Kẻ biển lận không hề thu được một chút lợi ích kinh tế nào” (Báo Văn học, ngày 14 tháng 1 năm 1987). 



Những vụ án như thế xảy ra vào giai đoạn “cải tổ” của Khrushchev, khi một số người tin rằng hệ thống đã thay đổi, sáng kiến có thể phát huy và biến chuyển có thể xảy ra. 



Những vụ án như thế diễn ra suốt những năm đó, khi mà lãnh đạo Đảng và nhà nước trên thực tế đã cướp bóc đất nước một cách trắng trợn mà không hề chịu bất kì sự trừng phạt nào. 



Tuy vậy, những vụ án phi lí như thế cho ta thấy rõ một quy luật chính trị, một sự liên quan của chúng với hệ thống những quan hệ lao động cưỡng bức, với sự độc quyền của nhà nước trong việc áp đặt đơn giá tiền lương thấp. Bất cứ người lãnh đạo nào có ý định thiết lập một hệ thống khác, bất cứ người nào có ý định nâng lương cho người lao động đều bị coi là kẻ phá hoại hệ thống lao động cưỡng bức và đe dọa sự tồn vong của chế độ. Đấy là lí do vì sao có hàng ngàn vụ án và tại sao một tờ báo ở trung ương phải đấu tranh với tòa án Tối cao suốt 6 năm trời mà vẫn không chứng minh được cho các luật sư rằng “những người tạo mẫu” không hề ăn cắp gì cả. 



Tất cả các vụ án đều được nặn ra theo sơ đồ sau: “Người ta áp ‘tiêu chuẩn và đơn giá thống nhất’ lên công việc thực tế đã hoàn thành. Ở đâu mà chả có chênh lệch và đấy chính là ăn cắp… Từ cách tính như thế, điều tra viên rút ra kết luận: “công việc thực tế đã hoàn thành là 10.628 rub, nhưng lại nhận những 13.626 rub, như vậy số tiền bị ăn cắp là 12.628 rub”. Xin độc giả hãy giải bài toán mẹo này. Xin hãy xem xét thật kĩ sự phi lí này. Nhưng đấy chính là bản luận tội (Tin tức, ngày 25 tháng 9 năm 1987). Mức độ chính xác của bản luận tội không phải là điều mà các điều tra viên, công tố viên và tòa án quan tâm. Họ chỉ cần biết rằng can phạm đã trả hoặc đã nhận nhiều hơn “đáng lẽ phải thế” là đủ. Điều này quả thật rất tai hại cho nền kinh tế “xã hội chủ nghĩa”, nhưng chính sách như thế bảo đảm cho sự an toàn của chế độ, bảo đảm sự an toàn cả quyền lẫn tiền cho bộ mày Đảng. Và tất cả đều biết: cần phải trừng phạt, còn nó có phù hợp với luật pháp hay không không phải là điều quan trọng. Trong các văn phòng của bộ máy từng có câu nói vui: “Hãy đưa cho chúng tôi một người, chúng tôi sẽ tìm cho anh ta điều khoản áp dụng[7]”. 



Thật khó xác định “chỉ thị” không được có các vụ xử trắng án được đưa ra từ bao giờ, vì cũng như đã nói bên trên về nguồn gốc của pháp luật Liên Xô, “chỉ thị” thường là miệng, không được thể hiện trong bất cứ tài liệu nào và còn bị phủ nhận một cách công khai nữa. Tôi cho rằng “chỉ thị” được đưa ra vào khoảng những năm 60 của thế kỉ trước, đấy là sau chiến dịch ngưng hàng loạt các vụ án hình sự và giao những tên tội phạm cho các đơn vị “bảo trợ”, tội phạm thì gia tăng mà số nhân công trong các trại giam lại giảm mạnh. 



Lí do của “chỉ thị” là như sau: pháp luật Liên Xô là hiện thân của công lí và công bằng. Tuyên một người vô tội thì chẳng hóa ra đã khởi tố người ta một cách “oan uổng” ư. Không thể có chuyện đó[8]! Nhưng chỉ thị như thế là hoàn toàn trái pháp luật cho nên khó mà tìm được chúng trong sách báo công khai hồi đó, chúng chỉ có thể vô tình lọt lưới kiểm duyệt và biên tập viên mà thôi. Sau năm 1985, có thể tìm được khá nhiều các “chỉ thị” như thế, nhưng tất cả đều ở thời quá khứ. 



Vì vậy, việc khởi tố một người cũng đồng nghĩa với việc kết tội người đó. Các “ma cũ” trong các trại tạm giam thường khuyên “ma mới” nhận ngay: “nhận ngay thì nhẹ”. Các điều tra viên cũng nói ngay từ đầu như thế. Cũng vì lí do đó mà người ta còn khuyên không nên kháng cáo. 



Đây là một vụ điển hình: một phụ nữ bán căng tin tên là Zina Teliakova mất tích (kèm theo 600 rub của căng tin). Sách hình sự dạy rằng các vụ giết người mất xác thường là do những người thân cận thực hiện, mùa xuân năm đó người ta phát hiện được xác một phụ nữ đang thối rữa trên con sông gần đấy. Thế là rõ! Mẹ chồng và chồng của bà Zina tên là Alekseiev bị kết án 5 năm tù. Từ trong tù Alekseiev gửi ra 800 là đơn kêu cứu với tiếng thét: “Zina còn sống! Hiện ở tỉnh Stalingrad!”, nhưng như tờ báo đã viết: “chỉ một lá đơn có kết quả”, đấy là theo kháng nghị của công tố viên, Tòa án Tối cao Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nga đã tái thẩm bản án và… TUYÊN ALEKSEIEV 10 NĂM TÙ GIAM! Những người khác trông gương đó mà đừng kháng án nữa! Sau khi mãn hạn[9], Alekseiev tìm được địa chỉ vợ cũ và lại viết đơn, lần này thì ông được minh oan! 



“Những người bảo vệ” pháp luật có chịu trách nhiệm gì không? Viện trưởng viện kiểm sát tỉnh Tambov bị cách chức… và (xin đừng lo!) chuyển sang làm viện trưởng tỉnh Voronezh. Chánh án tòa án tỉnh bị cảnh cáo nhưng chức vụ thì vẫn giữ nguyên. Một số người khác cũng bị cảnh cáo. 



Trừng phạt thực sự có thể làm tan vỡ cái hệ thống vừa được mô tả. Chúng ta sẽ còn có dịp nói đến quy luật của của những hành động như thế. 



Có những vụ mà ngay chính các quan tòa “chuyên ăn theo nói leo” như thế cũng không thể kết tội. Khi đó họ sẽ chuyển về viện kiểm sát để điều tra thêm và viện này sẽ ra lệnh chấm dứt vụ án[10]. Nhưng chấm dứt điều tra cũng có nghĩa là bên kiểm sát có lỗi cho nên họ sẽ giữ lại một thời gian (trong khi nghi can vẫn ngồi trong trại) và chuyển lại cho tòa án. Việc “đá bóng” như thế cứ tiếp tục mấy lần, và kết quả phụ thuộc vào việc phía nào, viện kiểm sát hay quan tòa có thần kinh và “chân gỗ” vững hơn. Chứ không phải là bản chất vụ án. 



Ông A. M. Iakovlev, một trong những cây đại thụ của khoa pháp luật, “đại biểu” Xô viết Tối cao Liên Xô, nhân thảo luận về việc các tòa án thường không tuyên bố trắng án đã nói đến tính dã man của các bản án (tất nhiên không phải là những bản án dành cho tầng lớp “cán bộ”): “Xu hướng đưa ra các bản án nặng có thể giải thích được (?): chẳng ai muốn bị phê bình là theo phái tự do (bạn có thấy không? Thẩm phán sợ bị phê bình là theo phái tự do! Mà là các thẩm phán độc lập đấy! – tác giả) hay là khuyến khích bọn tội phạm. Các thẩm phán dù không muốn (?!) cũng thường đưa ra các bản án theo khung hình phạt cao nhất”. Iakovlev còn nói rằng các bản kiểm điểm của thẩm phán có mục đặc biệt gọi là … số vụ có thời hạn tù ngắn. “Số vụ như thế càng nhiều thì thẩm phán càng bị đánh giá thấp” (Báo Văn học, ngày 24 tháng 9 năm 1986). Ai có thể đánh giá được công việc của các thẩm phán độc lập? Iakovlev không nói rằng sự nghiêm khắc của hình phạt chỉ áp dụng cho “dân thường”, nhưng số vụ xử “cán bộ” nói chung là hãn hữu. Nhận thức pháp lí của vị luật sư đầu ngành này cũng đáng quan tâm: ông ta nói về các “tòa án cấp trên”, tức là những tòa án có nhiệm vụ “theo dõi” tòa cấp dưới (đã được nói đến bên trên); ông ta cũng nói rằng vì không nghe lời “anh hai” mà chánh tòa bị đưa hạ bậc thành thẩm phán thường, nhưng ông ta chỉ phê bình những sự kiện đơn lẻ chứ không phê phán hệ thống phụ thuộc của các thẩm phán nói chung. 



Đã thảo luận về chính sách hình sự thì không thể không nói đến công tác điều tra, một trong những mắt xích quan trọng của hệ thống khủng bố. Xin bắt đầu bằng tình hình của các điều tra viên. Công việc của họ phải nói là vô cùng nặng nề nhưng lương lại rất thấp. Cùng một lúc một người phải xử lí hàng chục vụ, trong đó có các vụ án kinh tế (chiếm đoạt, ăn cắp .v.v..), cần thẩm vấn hàng trăm nhân chứng, phải nghiên cứu hàng đống tài liệu, phải giám định và kiểm kê tài sản. Điều tra tất cả các vụ một cách nghiêm túc nằm ngoài khả năng, ngay cả về mặt sức khỏe. Thế mà thời hạn điều tra vụ án và chuyển sang tòa là tiêu chí quan trọng để đánh giá một điều tra viên. Lối thoát duy nhất của điều tra viên là kết thúc thật nhanh các vụ án và leo lên các cấp cao hơn. Anh ta lại còn biết rằng cấp trên cũng muốn như thế, nếu có gì thì sẽ được cấp trên bao che. Và mọi phương tiện, kể cả đánh đập, tra tấn, đều tốt, miễn là được việc. 



Hai trẻ vị thành niên, dưới áp lực của điều tra viên, đã khai nhận những vụ ăn cắp mà chúng không hề thực hiện. Như báo chí đã viết: “Có những lời khai như thế là do cơ quan điều tra sử dụng những biện pháp đáng bị điều tra”. Khi thấy vụ án bị “vỡ” (thuật ngữ chuyên môn), chủ tọa phiên tòa đã tuyên bố nghỉ giải lao… 44 ngày! Bản án tuyên: một đứa 7 năm tù, đứa kia 4 năm. Thực ra chúng đã ăn cắp nhưng phần lớn là do người ta “đeo” (cũng là thuật ngữ chuyên môn) cho chúng. Chủ tọa phiên tòa cũng nhận ra điều đó, thế nhưng ông ta lại giải thích với phóng viên: “Không được để tồn đọng nhiều vụ ăn cắp như thế” (Báo Văn học, ngày 11 tháng 6 nắm 1986). Đấy chính là sự “hợp tác” giữa cảnh sát, viện kiểm sát và tòa án nhằm “cải thiện” số liệu thống kê về tội phạm: số vụ “được khám phá” tăng lên. Nhưng xin hãy tưởng tượng số phận những đứa trẻ vị thành niên mà tuổi trẻ sẽ trôi qua trong trại cải tạo chỉ vì những vụ ăn cắp mà người ta cố tình vu cho chúng. Chúng có mang ơn xã hội không? 



Đấy là thực tế quen thuộc đối với người dân Liên Xô, điều đó thể hiện rất rõ qua lời “bà hội thẩm nhân dân” của tòa án Tối cao Latvia. Lời bà này đã lan truyền đến tận hang cùng ngõ hẻm Liên Xô, nhưng trước khi trích dẫn xin được kể về hoàn cảnh phát sinh lời phát biểu nổi tiếng ấy. 



Ba chàng trai bị bắt vì một vụ hiếp dâm mà chính họ không thực hiện. Một người chứng minh được tình trạng ngoại phạm. Vì bị tra tấn hai anh chàng kia “nhận”, người ta còn “tìm” được nhân vật thứ ba: sau vài tháng anh này cũng “nhận”. Nhân vụ này, chính quyền muốn chứng tỏ cho dân chúng thấy khả năng làm việc tuyệt vời của mình nên đã cho quảng bá rộng rãi trên báo chí, TV, đài phát thanh. Nhân Ngày cảnh sát, một số cảnh sát “có công” còn được gắn huân, huy chương, cả người làm chứng (dĩ nhiên là chứng dối) cũng được… khen thưởng nữa. 



Các chàng trai hi vọng người ta sẽ xử công khai và họ sẽ phủ nhận “lời khai”, sẽ kể về việc bị tra tấn. Độc giả có thể tưởng tượng được những ngón đòn tra tấn vì mức án có thể là tử hình! Chưa nói đến sự kinh tởm của chính tội lỗi! Một người đã cố chứng minh rằng anh ta chưa hề bao giờ có mặt tại nơi xảy ra vụ án, nhưng vô ích. .. Không ai thèm nghe! Dư luận xã hội đã được chuẩn bị kĩ lưỡng và đang khao khát báo thù. Các luật sư “đã giúp đỡ việc luận tội (có câu ngạn ngữ: “Luật sư là công tố viên thứ hai”). Một người bị kết tội tử hình, hai người bị án tù dài hạn. Công chúng hoan hô khi nghe xong bản án. 



Rất may là án tử hình chưa kịp thi hành: kẻ thủ ác thực sự đã thú nhận. Không ai tin! Người ta không muốn tin! Mất nửa năm kiểm tra, trong khi mấy anh chàng kia vẫn nằm trong trại. Nhưng rồi người ta cũng buộc phải minh oan cho họ. 



Chỉ vì vụ án đã được quảng bá quá rộng rãi, sự thất bại cũng có tiếng vang không kém cho nên những kẻ có tội trong vụ việc này đã bị khởi tố. Trong quá trình điều tra, người ta đã hỏi “bà hội thẩm nhân dân nọ: “Bà có nghe thấy can phạm nói bị tra tấn không?”. Và bà ta trả lời: “Không đánh thì ai người ta nhận”. Thế mà bà ta vẫn làm hội thẩm ở tòa án Tối cao đấy (Báo Văn học, ngày 17 tháng 12 năm 1986). 



Grant, chủ tọa phiên tòa đó bị bãi chức và đưa…, bạn cho là đưa đi đâu? Đưa về hội luật gia! Và hội luật gia “độc lập” đã kết nạp ông ta vào đại gia đình luật sư! Nhưng sự thật là sau này ông ta đã bị khai trừ khỏi hội. 



Nhưng dù sao thì kết quả của vụ án này cũng là không bình thường. Bình thường thì những người gây ra những vụ án oan không bị trừng phạt. Bạn không tin tôi ư? Vậy xin hãy tin ông Terebilov, chánh án tòa án Tối cao Liên Xô (ông này đã bị cho về vườn vì đã cố ý tiết lộ những hành vi không lương thiện); khi được hỏi đã khởi tố bao nhiêu vụ án hình sự chống lại những người “bảo vệ pháp luật” khi họ cố tình tạo ra những vụ án oan như thế và ông ta đã trả lời một cách ngắn gọn: “Không có vụ nào!” (Báo Văn học, ngày 17 tháng 12 năm 1986) 



Câu hỏi này được đặt ra nhân một vụ án ồn ào khác (được gọi là vụ Viteb). Tại tỉnh Viteb có 36 phụ nữ bị hiếp rồi bị giết. 14 người bị kết án cả thảy! Một người bị bắn! Một người được tha trước thời hạn, ông ta bị mù khi ngồi tù. Một người chấp hành án tù đủ 10 năm. Những người khác thì được tha sau khi kẻ thủ ác thực sự bị bắt. Nhưng tất cả 14 người kia đều “nhận tội”[11]!. Sau này báo chí đã viết về những vụ tra tấn: những người vô tội bị đập đầu vào tủ sắt, bị đá giầy dinh vào mặt, một người còn bị nện bằng… tập Bộ luật hình sự Bạch Nga vào đầu[12]! Đúng như người ta nói, đưa luật pháp vào cuộc sống! Ngay các “nhân chứng” cũng bị tra tấn: một trẻ vị thành niên bị người ta nắm lấy chân và dốc ngược đầu xuống đất (Báo Văn học, ngày 3 tháng 3 năm 1983). Dĩ nhiên là những người bị tình nghi này đã hi vọng vào một phiên tòa trung thực và nhân ái… Vô ích… 



Rất nhiều vụ án như thế[13]. Đa số bị lật tẩy một cách tình cờ. Tại sao lại có thể khẳng định như thế? Thứ nhất, nhiều trường hợp được minh oan (có người được minh oan sau khi đã chết) không diễn ra như trong vụ Viteb (nhờ vào kết quả làm việc thận trọng của điều tra viên); thứ hai, tôi hiểu rõ cách thức tiến hành công việc. 



May mắn ở đây là tôi không phải trình bày việc đó bằng ngôn ngữ của mình mà xin được ghi lại lời của cây bút chuyên về luật pháp trên tờ Tin tức (những chỗ chấm chấm không phải của tôi): “Có một vụ án nghiêm trọng. Người ta cho gọi viện trưởng viện kiểm sát và giám đốc công an (xin lưu ý: không nói ai gọi, ai có quyền gọi những người ấy – tác giả) và ra lệnh: “Phải tìm bằng được, phải vô hiệu hóa… Nếu không…”. Những người này lại hạ lệnh như thế cho cấp dưới, đến lượt mình cấp dưới lại… Và thế là họ đã tìm được. Nhưng không phải lúc nào cũng là kẻ cần tìm” (Tin tức, ngày 20 tháng 2 năm 1987). Tác giả bài báo đã cố tình “thả khói”: dường như người ta “đòi hỏi” phải tìm được tội phạm thật. Rõ ràng là “anh hai” (chính tác giả bài báo có ý nói thế) không mạo hiểm, ông ta không hạ lệnh tìm “bất cứ người nào”. Nhưng “anh hai” biết thực tế không kém gì tôi. Ông ta cần “khép vụ án” lại. Bằng bất cứ giá nào. Tất cả “những người bảo vệ pháp luật” đều biết như thế. Vì vậy khi vụ án bị “vỡ” thì “anh hai” sẽ bảo vệ các công hầu của mình đến cùng, trong trường hợp không được thì đổ tất cả tội lỗi cho họ. 



Những vụ có án tử hình bao giờ cũng được xử ở tòa án Tối cao nước cộng hòa hay tòa án Tối cao Liên Xô. Bạn nghĩ rằng những quan tòa kinh nghiệm như thế không nhìn thấy sự giả mạo ư? Họ nhìn thấy hết. Xin dẫn ra ở đây bằng chứng do O. Temushkin cung cấp: ông ta kể lại rằng phó chánh án tòa án Tối cao Liên Xô tên là V. Smolensev đã kháng nghị bản án tử hình Babaev và Kuliev vì cho rằng bản án này trái luật, nhưng kháng nghị không được xem xét. “Tôi xin mở bức màn bí mật”, Temushkin nói, “Aliev, lúc đó là bí thư thứ nhất ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Azerbaizhan, đã sử dụng tất cả ảnh hưởng của mình, ông ta gọi điện thoại nhiều lần cho L. Smirnov, chánh án tòa án Tối cao Liên Xô (hiện đã ra người thiên cổ) và các nhà lãnh đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật khác. Tôi đã vô tình chứng kiến một cuộc nói chuyện như thế: ông ta trắng trợn yêu cầu không can thiệp vào vụ Babaev. “Chỉ thị qua điện thoại” đã phát huy tác dụng. Hai người đã bị bắn” (Tin tức, ngày 5 tháng 1 năm 1989). 



Như vậy là bộ máy Đảng, với đúng nghĩa của từ này, đã tổ chức những vụ thủ tiêu những người mà họ không ưa, còn các điều tra viên, thẩm phán, luật sư, các cơ quan “bảo vệ pháp luật” thì đóng vai những tên đâm thuê chém mướn. Tất cả những người ấy đều là Đảng viên cộng sản hết. 



O. Temushkin còn thuyết phục độc giả: “Tôi không bao giờ quyết án mà chỉ căn cứ vào lời thú nhận của bị cáo”. Nói dối! Ông ta sẽ quyết nếu người ta ra lệnh như thế, bản án của Siniavski và Daniel đã chứng tỏ điều đó. Nhưng các điều tra viên và thẩm phán thì không đơn giản như thế. Temushkin biết rõ “lời khai đã được củng cố” như thế nào. Đấy là chưa nói đến các “nhân chứng” (bên trên đã kể họ được “chuẩn bị” như thế nào), các bị cáo, sau khi đã bị đánh đập, được đưa tới hiện trường vụ án và các điều tra viên sẽ chỉ cho họ cách họ “phạm tội”. Sau đó (các) bị cáo sẽ tự làm lại ngay trước mặt những người làm chứng. Tất cả đều được chụp ảnh hoặc quay phim, những người làm chứng sẽ phát biểu tại tòa và tất cả những “bằng chứng” này sẽ được đưa vào hồ sơ để gửi lên tòa phúc thẩm. Vì vậy, trong hồ sơ vụ án bao giờ cũng có đủ thứ “bằng chứng” được thu thập “đúng quy định”, nhất là những vụ có án tử hình, chứ không bao giờ lại chỉ gồm mỗi “lời thú nhận” của bị cáo như Temushkin nói. Nhưng những thẩm phán có kinh nghiệm sẽ nhìn thấy ngay sự giả mạo, cũng như khán giả nhìn thấy cách trang trí và đóng kịch trên sân khấu, họ biết rằng Otello không giết Desdemona và cả hai sẽ ra chào khán giả ngay khi vở diễn kết thúc. Nhưng trong phiên tòa phong kiến, lời khai của bị cáo được coi là bằng chứng không thể chối cãi, phiên tòa dưới chế độ Xô viết thì cũng thế[14]



Xin xem xét cách người ta buộc nghi can “thú nhận”. 



Nhà báo Iu. Feofanov, tác giả bài báo trên tờ Tin tức đã dẫn, hỏi các bị cáo rằng họ có bị đánh không? Không. Thế tại sao các anh lại nhận? Thế ông có biết TTG là gì không?, một bị cáo hỏi lại. Feofanov phải tự đi tìm hiểu: “Trại tạm giam là một phòng chật chội, chỉ có giường không, sát bên là các thứ “tiện nghi”, không chăn chiếu gì hết, sáng và chiều được phát một mẩu bánh mì, trưa thì được ăn nóng. Mỗi ngày là 30 xu. Lúc thì nóng như thiêu như đốt, lúc thì lạnh cắt da, đấy là nói nếu cửa sổ bị vỡ vào tháng Chạp. Mà khi bị bắt thì có được thay quần áo đâu, có thế nào mặc vậy (một người tên là Khatrmanukiana chỉ có một chiếc áo sơ mi…). Có thể chịu đựng được trong mươi hôm. Đấy là cách tác động rất có hiệu quả, tác giả viết: “Không cần đánh đập … người ta sẽ nhận hết, miễn là được đưa đi”.. Và tác giả nhấn mạnh: “Đây là phương pháp được luật pháp công nhận, bằng cách làm như thế, người ta có thể buộc một công dân bất kì thú nhận những gì điều tra viên cần, theo những căn cứ đã nói bên trên có thể bắt giam bất cứ người nào. Và làm với họ bất cứ chuyện gì vì theo điều 120 bộ luật hình sự thì luật sư không được tham gia vào quá trình điều tra”. Feofanov kể tiếp rằng có ba người “ngoan cố” vượt qua được giai đoạn đầu tiên, điều tra viên đưa họ vào nhà giam thêm một năm rưỡi nữa, “không phải là không thể làm khác, mà vì có thể làm như thế. Vì pháp luật cho phép làm như thế”. Feofanov bảo: “Không có logic nào, không có pháp luật nào có thể biện hộ cho cách lấy cung như thế trong giai đoạn điều tra ban đầu”. 



Đấy là bước đầu của việc lấy cung. Những điều kiện phi nhân trong giai đoạn tạm giam là những ngón đòn tra tấn thật sự không chỉ đối với nghi can mà còn đối với cả những “nhân chứng” không muốn cung cấp, nói như Feofanov, bằng chứng “cần thiết”. Một người bình thường, đặc biệt là người già, người bệnh (thí dụ, bệnh tiểu đường mà lại không có thuốc) bị ném vào trại tạm giam với những tên tội phạm thực sự, phải nằm trên những chiếc giường trống như thế sẽ không có cách nào khác hơn là nhận hết, miễn là được đưa ra tòa với hi vọng là có thể chứng minh mình vô tội. 



Bước thứ hai: tra tấn về tâm lí, dọa nạt, bắt bớ bạn bè và người thân. Những kiểm sát viên to tiếng kết tội các điều tra viên là Gdlian và Ivanov (không biết rằng như vậy là gián tiếp kết án chính mình vì điều tra được tiến hành dưới sự giám sát của viện kiểm sát). Tôi tin những lời kết án như thế vì họ được dạy tiến hành điều tra theo cách đó, họ không biết cách nào khác, đấy là một cách làm bình thường. Và sự kiện là nhiều vụ án bị “vỡ” thì lỗi không chỉ do những người bảo trợ cho những kẻ ăn hối lộ mà còn là do thói quen của các điều tra viên muốn tòa án chấp nhận “những bằng chứng nhận tội”. 



Bước thứ ba: tra tấn. Từ khi bắt đầu “công khai”, nhiều sự kiện như thế đã được viết trên báo. Những vụ tra tấn dã man, đánh đến dập thận, đánh đến vỡ gan, đánh đến chết… Chuyện đó thường hay xảy ra trong quá trình điều tra tại trụ sở cảnh sát. Những điều tra viên ở viện kiểm sát thận trọng hơn, họ luôn giữ được “bàn tay sạch” bằng cách sử dụng những tên tội phạm cùng phòng giam, những kẻ được hứa hẹn đủ điều. 



Đại tá Shvelev, trưởng phòng điều tra hình sự tỉnh Irkusk kể lại mối nguy hiểm mà nghi can phải chịu như sau. Khi điều tra một vụ án, ông đã thâm nhập vào một băng mafia gồm các quan chức của bộ máy Đảng và giới tội phạm chuyên nghiệp, nhưng nhận ra rằng người ta cũng đang thu thập tài liệu chống lại ông. Shevelev liền bỏ chạy và trốn trong rừng taiga ba năm liền. Ông nói: “ủy ban cần phải bỏ tù tôi, trong tù họ có thể sử dụng bọn tội phạm và muốn làm gì tôi thì làm, kể cả giết” (Tin tức, ngày 5 tháng 12 năm 1988). 



Viện kiểm sát Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nga khi điều tra vụ Mamedov (1987), người bị giam ở phòng giam đặc biệt số 90 tỉnh Astrakhan đã phát hiện ra rằng anh ta bị đánh gãy cẳng chân và một xương sườn. Kẻ đánh Mamedov và các tù nhân khác lại chính là V. Bogdanov, “một kẻ có nhiều tiền án, vì lí do nghiệp vụ (!) đã được giam cùng phòng với các phạm nhân bị giam lần đầu, điều này được pháp luật hiện hành về công tác nghiệp vụ của Bộ nội vụ cho phép. Nhưng hắn được giam ở đây quá 6 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực” (tác giả nhấn mạnh). Nói cách khác, đáng lẽ phải đi đày thì Bogdanov được giữ lại để “giúp đỡ’ điều tra viên, nghĩa là đóng vai một tên đao phủ[15]



Cần phải nói thêm rằng việc bắt và giam trong các phòng đặc biệt có thể kéo dài hàng năm, mặc dù lúc đó thời gian giam theo luật định là rất ngắn[16]



Việc sử dụng những tên tội phạm trong giai đoạn “HỎI CUNG BƯỚC BA” không phải là điều xa lạ đối với tòa án Tối cao Liên Xô, nhưng tôi chỉ tìm được một tài liệu chứng minh: ngày 22 tháng 9 năm 1987 tòa án Tối cao Liên Xô đã hủy bản án của tòa án tỉnh Irkusk ngày 25 tháng 4 năm 1985 (xin tính xem người ta phải tù bao lâu trong khi ngành tư pháp bò!) về vụ án 3 người phạm tội hiếp dâm và giết người vì “đã sử dụng những các biện pháp trái pháp luật trong quá trình điều tra”. Các bị cáo đã phản cung vì họ đã khai như thế “dưới tác động của những kẻ bị giam cùng phòng là T., Tr., và Kh.”. Các thẩm phán cao cấp không viết rõ “tác động” này là gì, có thể họ cho rằng chúng ta sẽ tự đoán được vì nếu công nhận thì ba người kia có thể bị kết án tử hình. Kh. còn viết rằng anh ta “theo sự phân công của cơ quan điều tra, quả thật đã tác động lên B. và anh ta được nghe điều tra viên của viện kiểm sát và nhân viên phòng hình sự kể cho nghe về vụ án”. Đấy chính là bí ẩn của cơ quan điều tra Liên Xô, bí mật đối với báo chí, nhưng lại có thể chia xẻ cho những người “gần gũi về mặt giai cấp”! Trong bản nghị quyết này, không có một lời lên án nào đối với những người cố tình gây ra vụ án oan. 



Và vụ án vẫn chưa chấm dứt, hồ sơ được trả về để điều tra lại từ đầu (Bản tin của tòa án Tối cao Liên Xô, năm 1988, số 1, trang 25). Còn ba nghi phạm thì tiếp tục ngồi tù[17]



Đấy là một thí dụ giấy trắng mực đen chứng minh về quan hệ giữa pháp luật và thực tế, về chính sách về hình luật đã nói đến bên trên, một chính sách tạo ra chế độ khủng bố, độc đoán, có mục đích đè bẹp ngay từ trong trứng nước bất kì ý tưởng chống đối nào. 




Tội ác 


Ngay sau cách mạng năm 1917 phong trào “sáng tạo pháp luật” phát triển như vũ bão. Các tòa án tự phát, được trung ương khuyến khích, thực thi việc xét xử và trừng phạt, không dựa vào luật pháp mà dựa vào “nhận thức pháp lí cách mạng”. Đồng thời những vụ trừng phạt bên ngoài tòa án cũng được thực hiện. 



Ban đầu chính quyền trung ương chỉ quy định trách nhiệm hình sự cho những hành động cụ thể riêng biệt[18]. Các địa phương (tỉnh, huyện và thành phố) tự ban hành các khung hình phạt, kể cả tử hình, cho những hành vi khác nhau, mà có khi đơn giản chỉ vì “thuộc giai cấp bóc lột”. Các bộ và cơ quan ngang bộ cũng quy định cả trách nhiệm hình sự. Thí dụ, nghị định của Hội đồng dân ủy ngày 8 tháng 11 năm 1917 quy định độc quyền của nhà nước trong lĩnh vực thông cáo[19] (một kiểu kiểm duyệt), còn Dân ủy về báo chí quy định trách nhiệm hình sự trong việc vi phạm nghị định của Hội đồng dân ủy trong đó có việc tịch thu tài sản và phạt tù từ 3 đến 4 năm[20]. Chỉ có điều trước khi công bố để đưa vào Bộ văn bản pháp quy, bất cứ văn bản nào, của bất kì cơ quan nào cũng đều phải được Hội đồng dân ủy phê duyệt. 



“Cơ sở chỉ đạo của luật hình sự Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nga”, văn bản đầu tiên điều chỉnh những vấn đề chung nhất của luật hình sự được ban hành vào tháng 12 năm 1919 cũng chỉ là tài liệu của một bộ, đấy là Bộ tư pháp[21]. Tài liệu này lần đầu tiên xác định khái niệm tội ác như là sự phá hoại các quan hệ xã hội được bộ luật hình sự bảo vệ. Tội lỗi, khía cạnh chủ quan của tội ác không được nói tới trong “Cơ sở chỉ đạo”, mặc dù ngay từ lúc đó các luật sư “nói leo” (S. Bulatov) đã có thể, thông qua phân tích logic phức tạp, chứng minh rằng người ta chỉ phải chịu trách nhiệm nếu có thực hiện các hành vi tội lỗi.



Bộ luật hình sự đầu tiên của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nga được ban hành năm 1922. Điều 6 của bộ luật này xác định tội ác là: “Bất kì hành động tội lỗi nào hoặc bất kì việc không hành động nào, đe dọa các cơ sở của chế độ Xô viết và trật tự pháp lí do chính quyền công nông thiết lập trong giai đoạn quá độ tiến lên chủ nghĩa cộng sản”. Bộ luật hình sự năm 1926 giữ nguyên quan điểm này. 



Như vậy là, “bất kì” hành động hay bất động nào cũng có thể bị coi là tội ác, nếu người ta cho rằng hành động đó đe dọa chế độ và trật tự pháp lí. Từ đây có thể rút ra kết luận không thể chối cãi là chính quyền có thể tuyên bố bất kì công dân nào là tội phạm cũng được, dù người đó không hề vi phạm bất kì điều luật hiện hành nào. Điều 16 (tương tự) cũng có mục đích như thế: “Nếu một hành vi nguy hiểm cho xã hội nào đó chưa được luật này quy định thì cơ sở và mức độ trách nhiệm về hành vi đó được xác định theo những điều áp dụng cho những loại tội phạm tương đồng với nó”. Làm sao xác định được sự “tương đồng”? Ông giáo sư về luật hình sự của chúng tôi đã kể lại rằng người ta từng kết án một thày tu Do Thái giáo (ravvin) vì ông này đã thực hiện các vụ cắt bao quy đầu theo tội danh tương tự với nạo phá thai! 



Và để chắc chắn vào khả năng truy tố các công dân không hề có bất cứ hành động tội lỗi nào, điều 7 bộ luật này quy định: “Đối với những kẻ… nguy hiểm vì có liên hệ với môi trường tội phạm hoặc do những hoạt động trong quá khứ thì áp dụng biện pháp bảo vệ xã hội…”. Đấy chính là nguyên tắc quy tội khách quan, đặc trưng của luật pháp trong những giai đoạn đầu của thời kì phong kiến, nghĩa là người ta phải chịu trách nhiệm hình sự mặc dù không có tội hoặc cả chỉ vì người đó có tài sản. Đây là nguyên nhân của những vụ xử án thành viên các gia đình của những kẻ phản bội tổ quốc, những vụ đưa “kulak” và gia đình họ, đưa những người Tarar ở Krưm, đưa người gốc Đức và các dân tộc khác đi đầy, cũng từ đây đã xuất hiện những điều khoản, thí dụ điều 58, được đưa vào bộ luật hình sự vào năm 1934, theo đó thành viên đã thành niên của gia đình các quân nhân bỏ trốn ra nước ngoài cũng phải chịu trách nhiệm hình sự, dù họ không biết gì về công việc chuẩn bị trước khi người đó bỏ trốn. Như vậy là, quy định về con tin đã được những người bolsevik áp dụng ngay từ những ngày đầu cách mạng. Hitler chỉ là học trò của họ mà thôi. 



Việc quy tội khách quan trên thực tế còn đi xa hơn lời văn và các điều khoản của bộ luật hình sự. Giáo sư hình luật trong khi giảng bài đã chứng minh cho chúng tôi rằng việc một bà già mù chữ, vô tình nhặt được truyền đơn và đem vứt vào hố rác mà không hề biết nội dung của nó, bị khởi tố theo điều 5810 bộ luật hình sự (tuyên truyền và vận động phản cách mạng) là đúng vì đây là hành vi “phát tán tài liệu phản cách mạng”. 



Bộ luật hình sự năm 1960, nghĩa là được ban hành vào thời “tan băng” Khrushchev, trong định nghĩa về tội phạm đã có một bước tiến theo hướng tự do hóa. Tội phạm vẫn là “hành vi nguy hiểm cho xã hội” nhưng được “qyi định trong Phần đặc biệt của Bộ luật này, nghĩa là những hành vi vi phạm điều cấm”. Trong bộ luật tố tụng hình sự khi đó cũng đưa ra khái niệm suy đoán vô tội như sau: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án của tòa”. Năm 1977 suy đoán vô tội này được đưa vào hiến pháp, kèm thêm mấy từ sau “và phù hợp với luật pháp”. Nhưng pháp luật phù hợp với thực tiễn đến mức nào lại là chuyện khác, điều đó thể hiện rõ trong việc trừng phạt viện sĩ Sakharov. Bộ luật hình sự năm 1960 cũng bãi bỏ trường hợp tương tự. Không thể không công nhận rằng, về mặt thủ tục pháp lí, đây là một tiến bộ. Nhưng như dưới đây sẽ chứng minh, một bước tiến thì bao giờ cũng kèm theo hai bước lùi. 



Sau khi bộ luật tố tụng hình sự công nhận khái niệm suy đoán vô tội thì một loạt điều khoản tiếp theo đã xóa bỏ hoàn toàn khái niệm đó: thí dụ, điều 9 bộ luật tố tụng hình sự mang tên: “Chấm dứt điều tra và bàn giao can phạm cho tổ chức bảo lãnh”. Điều này nói rằng công tố viên, điều tra viên và cơ quan điều tra (cảnh sát) có quyền chấm dứt vụ án và chuyển giao cho tổ chức hay tập thể để giáo dục, cải tạo “người đã thực hiện hành vi tội phạm”! Nói cách khác, cảnh sát có quyền tuyên bố chúng ta là tội phạm và ra quyết định chuyển chúng ta cho tập thể lao động để cải tạo. Bộ luật tố tụng còn có một số điều cho phép các cơ quan “bảo vệ pháp luật” chấm dứt vụ án vì “những hoàn cảnh không thể phục hồi” với tất cả hậu quả mà “nghi can” phải gánh chịu. Thí dụ, hành vi gây thiệt hại về vật chất thì theo luật lao động người thực hiện hành vi đó phải đền bù toàn bộ thiệt hại. 



Các luật sư của chúng ta, những người đã quen ca ngợi và giải thích luật pháp Liên Xô bất chấp sự thật hiển nhiên, nói rằng không có gì vi phạm khái niệm suy đoán vô tội ở đây cả, vì trong những trường hợp như thế người dân có quyền đòi được minh oan bằng cách… kháng nghị lại quyết định chấm dứt vụ án tại tòa và đòi tòa đưa ra quyết định trắng án! Những kẻ dối trá chuyên nghiệp đó làm như họ không biết rằng các tòa án của chúng ta không tuyên trắng án bao giờ! 



Các nhà làm luật thời “dân chủ” hậu Stalin có nhiệm vụ: một mặt, tiến hành “cải tổ” một cách hình thức quá trình ban hành luật pháp, quảng bá cho sự đoạn tuyệt với chế độ của Stalin, một chế độ dã man và độc đoán chưa từng có, nhưng mặt khác, vẫn phải giữ cho bằng được hệ thống khủng bố, thiếu nó thì không “chế độ xã hội chủ nghĩa” nào có thể tồn tại được. 



Sự kết hợp “nước đôi” như thế thể hiện rõ nhất trong những tiến bộ ở Phần chung và sự phản động trong Phần đặc biệt của bộ luật hình sự: nhà làm luật phản công trong định nghĩa các phần cấu thành tội phạm. Xin so sánh điều 5810bộ luật hình sự năm 1926 và điều 70 bộ luật hình sự năm 1960. Theo điều 5810việc tuyên truyền và cổ động “kêu gọi lật đổ, phá hoại hay làm suy yếu chính quyền Xô viết hoặc kêu gọi thực hiện những hành động phản cách mạng (theo các điều 58- 589 của Bộ luật này), cũng như phát tán, soạn thảo hoặc lưu trữ những tài liệu có nội dung như thế”, nghĩa là kêu gọi hành động chống lại chính quyền thì bị trừng phạt. 



Điều 70 bộ luật hình sự năm 1960 lại nói đến cổ động và tuyên truyền với mục đích phá hoại và làm suy yếu chính quyền Xô viết, cũng như phát tán những “điều bịa đặt vu khống, bôi nhọ chế độ xã hội và nhà nước Xô viết”. Không cần là luật sư cũng có thể nhìn thấy sự khác nhau to lớn giữa hai văn bản. 



Việc áp dụng điều 5810 trên thực tế là trái pháp luật. Chuyện sau đây được coi là bình thường: người kể và người nghe chuyện tiếu lâm đều bị bắt vì người nghe bị buộc tội không tố cáo[22]. Một người phụ nữ tôi quen bị mười năm tù chỉ vì nói một câu mà ai cũng biết: “Đấu tranh, tránh đâu”. Tôi biết một người bị tù vì nói đùa về hai tờ báo Sự thật và Tin tức: “Sự thật thì không có tin tức, màTin tức thì không có sự thật”. Solzhenitsyn kể rằng người ta đã bỏ tù tất cả nhân viên một phòng kế toán vì một kẻ nào đó đã thêm chữ U vào sau khẩu hiệu treo trong phòng: “Sống trở thành tốt hơn, sống trở thành vui hơn. Stalin”[23]. Trong chế độ cộng sản, người ta có thể bị bỏ tù vì câu chuyện tiếu lâm… về Sa hoàng! Thí dụ, anh của họa sĩ A. I. Zernov bị chết trong tù chỉ vì một bài thơ về Piotr I. Bất mãn vì điều kiện lao động, vì thiếu lương thực thực phẩm… tù tất. 



Nhưng từ năm 1962 thì kể chuyện tiếu lâm về Furseva[24]  chứ chưa nói đến Khrushchev là đã bị tù “đúng luật” rồi vì cho mãi đến thời gian gần đây lãnh tụ vẫn được coi là hiện thân của chế độ; chế giễu họ tức là “phá hoại và làm suy yếu chính quyền Xô viết”. Nói rằng trong thành phố của bạn không có bánh mì và sữa, không có gì cho trẻ con ăn đều là những điều vu khống cả..v.v… Như vậy là điều 70 rộng hơn, giới hạn mù mờ hơn điều 58 10 trước đây. 



Điều đầu tiên trong những điều nói về tội phạm quốc gia là điều về tội “phản bội Tổ quốc” (viết hoa) vẫn giữ nguyên hình thức, nhưng các định nghĩa thì mù mờ hơn, vì vậy mà phạm vi áp dụng cũng rộng hơn rất nhiều. Ngoài ra, còn thêm những khoản mới, thí dụ, “giúp đỡ chính phủ nước ngoài trong các hoạt động chống lại Liên Xô”. Ở đây việc thông báo cho phóng viên nước ngoài bất kì sự kiện gì đã đủ để cấu thành tội phạm nếu nhà nước cho rằng điều đó đã giúp cho chính phủ nước ngoài thực hiện những hành động thù địch. Trong khi đó, hướng dẫn thi hành điều luật này còn nói sự trừng phạt “không phụ thuộc vào việc hành động đó có làm hay không làm thiệt hại cho nền độc lập, sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay sức mạnh quân sự của Liên Xô”. 



Xin kể lại vụ án Anatoly Sharansky, người bị tù nhiều năm theo điều luật này (có cả mức án tử hình). Sharansky bị kết tội làm gián điệp. Báo chí Liên Xô, dựa vào những “cơ quan có thẩm quyền” (nhân tiện xin nói thêm rằng ở nước ta những cơ quan có thẩm quyền chủ yếu là KGB, cũng như các cơ quan của Bộ nội vụ, khi viết như thế người ta không ngờ rằng đã coi các cơ quan khác là không có thẩm quyền), đã mô tả những lần tiếp xúc của Sharansky với CIA theo đúng tinh thần của tiểu thuyết tình báo. Nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ người ta nhắc đến tính chất “các bí mật quốc gia” mà ông ta chuyển giao cả. Các bí mật mà một người “ăn bám”, một người không làm việc ở đâu, một người bị KGB theo dõi liên tục có thể chuyển giao cho cơ quan tình báo nước ngoài là gì? Đấy mãi mãi là điều bí mật đối với nhân dân Liên Xô. Theo tôi hiểu thì ông ta đã đưa thông tin về những người Do Thái chán ghét chế độ. Đấy là tất cả bí mật mà vì nó ông ta suýt mất mạng! Nhưng ông ta chỉ bị tù mấy năm mà thôi. 



Từ quan điểm phương pháp biên soạn phần Tội phạm đặc biệt, phần có nhiệm vụ bảo vệ chế độ khủng bố trong bộ luật hình sự theo xu hướng “tự do”, thì điều 206 nói về tội càn quấy: “hành động có chủ đích, vi phạm một cách nghiêm trọng trật tự xã hội và thể hiện một cách rõ ràng sự thiếu tôn trọng xã hội” là đặc biệt đáng chú ý. Điều luật này có thể thay thế cho toàn bộ phần Tội phạm đặc biệt! Điều luật này cũng rất hay được đem ra sử dụng[25]



Một người phụ nữ chán ghét chế độ đã treo trên cửa sổ nhà mình ở phố Gorky biểu ngữ: “Cho chúng tôi đi Israel!”. Người ta đã truy tố bà về tội càn quấy! Chả lẽ không phù hợp hay sao? 



Ban đầu, những người lái trộm xe ô tô, nhưng nếu không xác định được rằng họ có ý định trộm cắp (thí dụ, chỉ muốn lái chơi), thì không phải chịu trách nhiệm hình sự vì trong luật không có khoản đó. Khi việc lái xe như thế xảy ra thường xuyên, người ta liền áp dụng điều 206. Sau này người ta bổ sung thêm điều 212 – lái ô tô đi không phải vì mục đích trộm cắp. Như vậy, nếu coi đây là loại tội phạm đặc biệt thì ta phải đánh giá việc buộc tội những người lái trộm trước kia theo điều 206 như thế nào? 



Những thí dụ vừa nêu chứng tỏ rằng việc hủy bỏ điều 16 (tương tự) của bộ luật cũ không hề cản trở, khi cần, chính quyền sử dụng một cách cực kì rộng rãi các điều khoản cấu thành tội phạm của bộ luật để coi bất kì hành động nào cũng là phạm pháp hình sự cả. 



Điều 1911 “Chống nhân viên công an và đội viên dân phòng” cũng rất hay được sử dụng trong việc đàn áp. Hướng dẫn điều luật này nói rằng người ta phải chịu trách nhiệm hình sự nếu có hành động chống đối khi công an hay dân phòng không áp dụng biện pháp cưỡng chế! Nói cách khác, nếu bạn được chọn làm nạn nhân và cần phải “bỏ tù” bạn thì người ta sẽ cho hai đứa trẻ mặt còn búng ra sữa, mặc thường phục chặn bạn ngay giữa phố và đưa ra thẻ dân phòng (dân phòng là một tổ chức xã hội, nhưng các nhân viên KGB cũng thường đóng vai dân phòng, có thẻ hẳn hoi), rồi đề nghị bạn “đi” với họ vào đồn công an… Bạn từ chối, bạn khăng khăng không chịu… Thế là đủ để “gán” cho bạn một năm giam cứu rồi! Xin nhớ rằng hoàn toàn theo đúng luật[26]



Mặt khác, lại có những điều khoản cho phép không chỉ tòa án mà cả cơ quan điều tra - kiểm sát tuyên bố cho bất kì cá nhân nào đó được miễn trách nhiệm hình sự nếu “do sự thay đổi của hoàn cảnh”… “hành vi đã không còn nguy hiểm cho xã hội hoặc cá nhân đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” (điều 50 bộ luật hình sự). Thế là sao? Không nhà bình luận nào có thể giải thích cho lọt tai được. 



Sự độc đoán của chính quyền được lập trình ngay trong luật từ cả hai đầu: có thể bỏ tù bất cứ người nào mà họ không thích và có thể tha bất cứ tên tội phạm nào nếu họ thích. Thí dụ, trên cơ sở như thế một bí thư tỉnh ủy đánh chết người có thể được miễn trách nhiệm hình sự hay được miễn chấp hành hình phạt “nếu người đó được công nhận là có tư cách gương mẫu và thái độ trung thực đối với lao động … không thể được coi là nguy hiểm đối với xã hội” hoặc nếu “có thể cải tạo được người đó mà không cần áp dụng biện pháp hình sự” (điều 50 bộ luật hình sự). 



Ngày 11 tháng 1 năm 1990, khi cuộc “bầu cử dân chủ” đang hồi sôi nổi nhất, A. Katashev, một nhà khoa học, thành viên của Mặt trận nhân dân Leningrad, đăng kí ứng cử đại biểu Xô viết thành phố, đứng diễn thuyết tranh cử gần ga tầu điện ngầm. Một đội cảnh sát đã bắt giữ ông ta và đưa vào đồn cảnh sát bên cạnh ga. Tại đây họ đã dùng vũ lực để khám xét ông, trói giật cánh khuỷu ông và đưa về đơn vị cảnh sát số 35, nơi thiếu tá Kaleinik lập biên bản về việc ông đã chống người thi hành công vụ. Toàn bộ vụ việc “do một người mặc thường phục” chỉ huy (tạp chí Ngọn lửa nhỏ, 1990, số 6). 



Luật hình sự cũng như luật lao động đều có rất nhiều điều khoản mà tôi gọi là mang tính “trang trí”. Những điều khoản này, ngay từ khi ban hành, đã chỉ có mục đích “làm đẹp” cho bộ luật, để chứng tỏ “sự tiến bộ” của nó, để phục vụ mục đích tuyên truyền mà thôi. 



Lấy thí dụ điều 71 bộ luật hình sự: “Tuyên truyền chiến tranh”. Điều luật này chưa được áp dụng lần nào trong suốt 30 năm. Cho đến tận thời gian gần đây, tại Liên Xô việc tuyên truyền chiến tranh được thực hiện dưới hình thức phim ảnh, tiểu thuyết, kịch bản và các loại hình khác, ca ngợi cuộc nội chiến, chiến tranh 1941-1945, chiến tranh ở Afghanistan v.v… Tất cả các cơ quan của chính phủ, các tổ chức Đảng và đoàn đều tích cực làm công việc “giáo dục lòng yêu nước và huấn luyện quân sự” cho thanh niên, tổ chức các trò chơi quân sự và đi hành quân..v.v.. 



Theo điều 74 bộ luật hình sự thì không chỉ việc tuyên truyền và cổ động kích động lòng thù hận sắc tộc và màu da mà “việc ngăn cản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp quyền hoặc ưu tiên một cách trực tiếp hoặc gián tiếp các công dân dựa vào sắc tộc hoặc màu da của họ” đều bị trừng phạt. Nhưng mọi người đều biết rằng người Do Thái bị cấm làm trong hàng loạt cơ quan của nhà nước, cấm vào một số trường đại học, bị đuổi việc theo “điều 5”, mặc dù các nhà luật học và các cán bộ tuyên truyền luôn luôn phủ nhận chuyện này. Những bài phát biểu bài Do Thái của các tổ chức như Trí nhớ, các bài viết trên các tạp chí: Người đương thờiĐội cận vệ thanh niênNước Nga văn học… đều không gặp bất kì phản ứng chính thức nào. Năm 1989, Trí nhớ tổ chức một cuộc mít tinh tại Hồng trường. Ở đó không ai có thể trương ra hay giữ được bất kì khẩu hiệu nào hay phát biểu được gì, nhân viên KGB sẽ bắt ngay[27]. Không ai động chạm tới Trí nhớ, một bằng chứng không thể chối cãi rằng tinh thần bài Do Thái được Đảng và KGB ủng hộ. Chỉ sau những cố gắng không mệt mỏi của các nhà văn lớn, tên cầm đầu băng đảng du côn bài Do Thái (chỉ có tên cầm đầu thôi) mới bị đưa ra tòa. Đây là trường hợp đầu tiên và duy nhất. Cần phải nói rằng tuy Stalin tiến hành chính sách chống lại người Do Thái, nhưng ông ta lại công khai phản đối chủ nghĩa bài Do Thái. Dù rất nhiều người đề nghị, nhưng Gorbachev đã không bao giờ tuyên bố công khai như thế! 



Cả một chương của bộ luật hình sự gọi là “Tội chống lại quyền lao động và hoạt động chính trị của các công dân” chỉ mang tính chất trang trí. Chưa có ai bị trừng trị theo điều 143 bộ luật hình sự, điều khoản nói về tội cản trở việc thực hiện các nghi thức tôn giáo mặc dù việc đóng cửa các nhà thờ, đàn áp những người theo đạo vẫn diễn ra thường xuyên. Chưa có vụ xâm phạm bí mật thư tín nào bị trừng phạt (điều 135), mặc dù ai cũng biết thư từ gửi từ Liên Xô và đến Liên Xô bị giữ lại cả tháng trời ở đâu và vì sao; không ai bị trừng phạt vì tội đàn áp phê bình (điều 139được đưa vào hồi đầu “cải tổ” cho “đẹp”) dù các vụ đàn áp những người phê bình được báo chí nói đến hàng ngày; cũng chưa có ai bị trừng trị vì cản trở quyền bình đẳng của phụ nữ (điều 134) và các điều khác nữa.



Làm sao có thể đưa một người ra tòa vì không chịu nhận phụ nữ có thai vào làm việc (điều 139). Đào đâu ra một tay thủ trưởng ngu đến nỗi nói thẳng với người đàn bà: “Tôi không nhận phụ nữ đang mang thai!”. Anh ta không nhận là vì cần phải là Đảng viên, cần biết ngoại ngữ hoặc là vì đủ thứ lí do mà anh ta có thể bịa ra… Nhân tiện nói thêm rằng không bao giờ có ai từ chối nhận người Do Thái vào làm vì lí do sắc tộc, luôn luôn có những lí do khác. 



Điều 176 nói về trách nhiệm hình sự nếu cố tình đưa người biết rõ là vô tội vào vòng lao lí! Nhưng ở nước ta người biết rõ là vô tội không bao giờ bị đưa vào vòng lao lí. Bao giờ cũng phải có cơ sở cả! Làm sao không lửa mà lại có khói được? Điều 177: “Tuyên án biết rõ là trái luật”, điều 178: “Giữ người khi biết rõ là trái luật”… cũng thuộc loại như thế cả. 



Thí dụ, làm sao lại có chuyện giữ người khi biết rõ là trái pháp luật nếu bất kì nhân viên nào của “tổ chức” cũng có quyền kiểm tra giấy tờ của mọi công dân? Tài liệu hướng dẫn cho phép “khi có dấu hiệu nghi ngờ”, và tiếp theo, nếu không có giấy tờ (chúng ta không bị buộc lúc nào cũng đem theo giấy tờ) thì bắt giữ và đưa về đồn để “kiểm tra nhân thân”, còn nếu có đủ giấy tờ thì để “kiểm tra giấy tờ”. Nếu bạn từ chối về đồn thì họ sẽ áp dụng điều 1911 bộ luật hình sự[28], điều này thì lúc nào cũng dùng được cả. 



Khi một luật sư nước ngoài nghiên cứu các văn bản luật pháp Liên Xô thì liệu người đó có thể đồng ý với các tác giả những cuốn sách giáo khoa về luật hình sự khi họ khẳng định: “Các điều khoản của phần Tội phạm chung và Tội phạm đặc biệt thể hiện nguyên tắc của chủ nghĩa nhân đạo xã hội chủ nghĩa như là toàn bộ các cơ sở đặc trưng của luật hình sự, thể hiện tính nhân đạo, lòng vị tha và sự quan tâm đối với cá nhân con người, đồng thời trừng trị một cách thích đáng những kẻ cố tình xâm phạm quyền lợi của xã hội, cũng như các cá nhân có những hành vi chống lại quyền lợi của tập thể”, được không[29]



Nhưng nói một cách nghiêm túc, hình luật của Liên Xô đã phát triển từ sự độc đoán và vô luật pháp[30] (đến tận năm 1922 nhu cầu về một bộ luật hình sự vẫn bị chính thức bác bỏ) đến một bộ luật không ngăn cản nhà nước hành động một cách tùy tiện, hành động một cách tùy tiện trên cơ sở của pháp luật. 




Hình phạt 



Trong giai đoạn đầu, cũng là đặc trưng của chính sách mị dân của nền pháp luật Liên Xô, cơ quan lập pháp không sử dụng từ “trừng phạt” mà thay vào đó bằng “các biện pháp bảo vệ xã hội”. Án tử hình cũng không còn. Biện pháp trừng phạt nặng nhất là: “Tuyên bố là kẻ thù của nhân dân và tước quyền công dân của nước cộng hòa, cũng có nghĩa là tước quyền công dân Liên Xô, trục xuất ra khỏi lãnh thổ quốc gia” (khoản а. điều 20 bộ Luật hình sự Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nga, năm 1926). Nhưng án tử hình lại được quy định trong một điều khoản đặc biệt “Nhằm bảo vệ nhà nước của nhân dân lao động” (điều 21 bộ Luật hình sự, năm 1926). Năm 1942 người ta còn đưa thêm vào luật hình thức treo cổ. Các luật sư Liên Xô luôn luôn khẳng định rằng tử hình là hình phạt: a/ đặc biệt, b/ tạm thời, c/ để đấu tranh với những tội ác cực kì nghiêm trọng. (Xin nhắc lại: được áp dụng cho cả những người nông dân đói khát mót lúa sau vụ thu hoạch[31]). 



Trong suốt lịch sử tư pháp Liên Xô, đã có bốn lần người ta hủy bỏ án tử hình vì lí do nhân đạo và cũng có từng ấy lần người ta phục hồi nó nhằm bảo vệ kỉ cương. Lần bãi bỏ thứ nhất, ngay sau cách mạng, đã hoàn toàn không được tuân thủ vì Ủy ban khẩn cấp và các cơ quan tương tự đã bắn giết rất nhiều người mà không cần điều tra hay tòa án gì cả. Ủy ban khẩn cấp thường bắn người vào ban đêm và đưa đi chôn tại những địa điểm bí mật (hiện nay gia đình nạn nhân vẫn chưa nhận được xác). Về mặt hình thức, án tử hình được Trotsky khôi phục ngoài mặt trận và sau đó thì được áp dụng công khai khắp nơi. 



Các giai đoạn bãi bỏ án tử hình thường là ngắn vì trừng phạt dã man chính là đặc trưng cơ bản của pháp luật Liên Xô. Giai đoạn lập pháp “tự do” 1958-1960 rất nhiều tội danh được quy mức xử bắn. 



Bộ luật hiện hành cũng phân chia những biện pháp trừng phạt như bộ Luật những năm 1922 và 1926, nghĩa là đầu tiên người ta liệt kê danh sách, sau đó phân ra thành chủ yếu và đi kèm, rồi đến điều khoản đặc biệt nói về xử bắn, rồi sau nữa mới đến đặc trưng của từng biện pháp trừng phạt cụ thể. 



Trong bộ Luật 1960, thuật ngữ “biện pháp bảo vệ xã hội” được thay bằng “trừng phạt vì phạm tội”, nhưng lại viết thêm rằng “trừng phạt” là để “giáo dục và cải tạo phạm nhân”. 



Nhưng biện pháp trừng phạt chủ yếu vẫn là những hình thức lao động bắt buộc kèm theo tước đoạt tự do hoặc hạn chế tự do. Chủ nghĩa Marx là cơ sở lí luận của quan điểm ấy. Dựa trên luận điểm của Engels rằng lao động đã biến khỉ thành người, những người cộng sản cho đến nay vẫn cho rằng lao động, mà phải là lao động cưỡng bức, sẽ biến một tên tội phạm thành người. 



Những nguyên tắc trừng phạt như trên vẫn được giữ nguyên trong dự thảo Cơ sở của Luật hình sự. 




Hệ thống nhà tù 



Hai trăm năm trước, những người khởi nghĩa ở Paris đã phá ngục Bastille như là biểu tượng của chế độ đàn áp và chuyên chế phong kiến. 



Những người xây dựng “thế giới mới” ở nước Nga không vội vã phá bỏ nhà tù, nhưng cũng không xây dựng những nhà tù mới vì điều đó sẽ mâu thuẫn với bức tranh tuyệt đẹp về “thiên đường của tự do”. Việc mở rộng hệ thống nhà tù được thực hiện bằng cách sử dụng lại những nhà thờ đã bị đóng cửa. Nổi tiếng nhất là nhà thờ Silovky, tại trung tâm Moskva cũng có những nhà thờ như thế (thí dụ, tu viện Andronikov nơi có ông cố đạo là Andrey Rublev). Song việc đánh tráo ngôn ngữ đã tạo ra một loạt từ mới, đấy là “nhà giam”, “trại cải tạo” và những cơ quan “dân chủ khác” thay cho “nhà tù”. Ngay hiện nay nhà tù Butưrskaia (nơi trước cách mạng mẹ tôi từng “ngồi” và sau này con tôi từng tới với danh nghĩa là luật sư) vẫn còn mang tên là “phòng thẩm vấn”. 



Những “người xây dựng tương lai tươi sáng” hiểu ngay rằng nhà tù là một trò vô cùng tốn kém, trại lao động hay như trước đây gọi là trại khổ sai vừa rẻ hơn vừa thực tế hơn nhiều[32]. Đấy là lúc người ta phá bỏ nhà tù vì không còn cần thiết nữa. Tôi không biết người ta đã phá tất cả bao nhiêu, số lượng nhà tù ở nước ta chưa bao giờ được công bố cả. 



Hãy nghe Rafik Nishanov, chiến hữu của nhà “dân chủ” Gorbachev, người rất được lòng phương Tây, tuyên bố: “Trong các trại cải tạo luôn có những điều kiện tốt nhất để đảm bảo bên cạnh việc trừng phạt là việc cải hóa phạm nhân” (Biên bản kì họp thứ VII Xô viết Tối cao Liên Xô, M., 1969, trang 126). Kẻ bênh vực cho hệ thống nhà giam này lại chính là người đứng đầu một trong hai viện của Xô viết Tối cao Liên Xô. 



Mặt khác, không thể nào mở mồm ra nói đến việc xây dựng nhà tù trong chế độ xã hội chủ nghĩa được! Trên thực tế, liệu có thể vừa xây dựng chủ nghĩa cộng sản vừa xây dựng nhà tù cho những người xây dựng chế độ đó được không? Vì vậy hiện nay, khi chủ nghĩa xã hội (tôi cũng không biết gọi là gì, hiện thực hay dân chủ đây, với bộ mặt như thế nào) đang được xây dựng (cải tổ?) thì người ta vẫn còn sử dụng những nhà tù được xây dựng cách đây hai thế kỉ hoặc lâu hơn thế, hoàn toàn không đáp ứng được những yêu cầu về vệ sinh và tiêu chuẩn nhân đạo nói chung[33]



Điều 56 Luật thi hành án hình sự quy định rằng tiêu chuẩn của một người tù “không ít hơn 2m2, còn trong các trại lao động-cải tạo không ít hơn 2,5m2”. Nhưng nếu những người xây dựng chủ nghĩa xã hội (bây giờ là nhà nước pháp quyền) “ngoài tự do” còn không phải lúc nào cũng được bảo đảm về tiêu chuẩn nhà ở[34] thì thật khó tin rằng tiêu chuẩn đó được bảo đảm đối với nhà tù[35]. Xin dẫn ra ở đây bằng chứng có giá trị nhất, đấy là lời ông V. Gulaev, lãnh đạo mới của GULAG (đã đổi tên thành Tổng cục cải tạo: một thí dụ điển hình của “cải tổ” – thay tên nhưng bản chất thì vẫn như cũ): “Đa số các phòng giam đều trong tình trạng hư nát. Các phòng 4 người đôi khi phải giam đến 20 người” (Tin tức, ngày 14 tháng 6 năm 1990). Trong bài trả lời phỏng vấn, Gulaev còn công nhận rằng chưa có thay đổi đáng kể nào trong hệ thống trại giam: “Nói thực, hiện chúng tôi chẳng có gì để tự hào cả. Hệ thống trừng phạt đã hình thành trong hàng chục năm. Nó tập trung vào trong mình tất cả các hiện tượng tiêu cực tồn tại ngoài xã hội trong nhiều năm qua. Điều kinh khủng nhất là tâm lí “nhà tù” đã ăn sâu vào nhận thức của mọi người. Đáng tiếc là cái tâm lí này có sức sống rất dai. Tôi luôn luôn lấy làm ngạc nhiên là làm sao các sĩ quan trẻ của lực lượng bảo vệ nội bộ lại tiêm nhiễm cái tâm lí này nhanh đến thế. Chỉ cần công tác vài ba tháng trong các đơn vị cải tạo là họ đã không còn thấy con người trong các phạm nhân nữa, cứ như họ đã được chuẩn bị cho quan điểm ấy từ vô thức vậy”. Rất thẳng thắn và chính xác. Vấn đề đặt ra là, với tâm lí như thế, làm sao người ta có thể giáo dục và cải tạo phạm nhân? Việc một nhà hoạt động trong lĩnh vực nhà tù không hiểu “tâm lí nhà tù” của các sĩ quan thật đáng quan tâm (đa số họ đều là Đảng viên cộng sản; hai loại tâm lí này có gì chung không?). Gulaev không hiểu một việc đơn giản: giữa nhà tù và “ngoài tự do”, nơi bộ máy quan liêu của Đảng cũng không coi tất cả chúng ta là người, sự khác nhau là không đáng kể. Sự khác nhau chỉ là khoảng cách đến hàng rào kẽm gai mà thôi. 



Trại giam là biểu hiện tập trung của “xã hội xã hội chủ nghĩa”, nơi tính phi nhân được đẩy đến “vô giới hạn”. 



Xin bắt đầu xem xét nhà tù. Tù được coi là hình thức trừng phạt nghiêm khác hơn trại cải tạo. Nhà tù Vlamimirskaia đã trở thành nổi tiếng thế giới, dù nó không phù hợp với quan niệm của chủ nghĩa xã hội phương Tây. Điều 67 luật thi hành luật hình sự quy định: “Những người bị phạt tù là: những người bị kết án nặng và những người tái phạm nguy hiểm, những kẻ bị tước quyền tự do dưới hình thức phạt tù cũng như những người bị đưa từ trại lao động cải tạo theo điều 53 của bộ luật này” cũng như những người bị chuyển đến tạm thời. 



Trong nhà tù cũng có hai chế độ: chế độ chung và chế độ nghiêm khắc (điều 68 Luật thi hành luật hình sự). Phạm nhân bị giam trong phòng chung hoặc bị giam trong phòng cách li. 



Người bị giam theo chế độ chung có thể được mua thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác không quá 3 rub một tháng, nghĩa là 10 xu một ngày (tương đương 2 bao diêm); được nhận không quá 2 gói quà trong sáu tháng, một bức thư một tháng; được gặp người thân 2 lần một năm và mỗi ngày được đi dạo 1 giờ (điều 69). Nếu có thái độ tốt thì được tiêu thêm… MỘT RUB! 



Chế độ nghiêm khắc: được tiêu 2 rub một tháng, sáu tháng nhận 1 gói quà và 2 tháng 1 bức thư. Đi dạo 30 phút (điều 70). 



Còn đây là chuyện đã từng xảy ra trong nhà tù Sa hoàng, nơi người ta “hành hạ” các nhà cách mạng. Lenin đã mô tả cảnh tù đầy của mình như sau: “Tù nhân được phép đọc và viết: tôi đã hỏi công tố, mặc dù đã biết trước…” (V. Lenin.Toàn tập, tập 55, in lần thứ 5, trang 15. Từ đây chỉ nói số trang). “Tôi ăn rất ít bánh mì, cố gắng theo chế độ ăn kiêng… Tôi có đủ mọi thứ cần thiết, thậm chí còn nhiều hơn mức cần thiết nữa… Tôi nhận được cả nước khoáng: chỉ cần đặt là họ mang từ hiệu thuốc ra, ngay trong ngày. Tôi ngủ chín tiếng một ngày…”. 



Độc giả có thể cho rằng đây là chế độ đặc biệt giành cho “Lenin vĩ đại”. Nhưng lúc đó, cuối thế kỉ XIX, ông ta chỉ là Ulianov, một trong những người theo phái tự do lắm lời chưa được ai biết tới. Xin nhắc lại rằng anh ông ta đã bị treo cổ vì vụ ám sát Sa hoàng Alekxandr III, nhưng việc này cũng không tạo ra bất kì hậu quả nào cho gia đình Ulianov cả. Một lần nữa sự so sánh lại không có lợi cho “chủ nghĩa xã hội”. 



A. M. Kolontai, người đã trải qua nhà tù dưới thời Kerensky, tức là ngay trước cách mạng, có kể lại rằng viên giám ngục đã từng tự hào về sự sạch sẽ và điều kiện ăn uống của nhà tù như thế nào, sáng nào ông ta cũng đi khắp các phòng và hỏi xem tù nhân có phàn nàn gì không (A. M. Kolontai. Cuộc đời và công việc của tôi, M., 1974, trang 290). Còn quà! Hai nữ giám thị vào phòng, tay sách nách mang các gói quà: “Như một cửa hàng bán lẻ! Chẳng thiếu thứ gì! Nào bánh mì trắng, nào giò, nào đồ hộp, rồi bơ, trứng, mật ong…” (trang 301). Và đấy là thàng phố Petrograd sau ba năm chiến tranh! Tôi ước được thấy những thứ đó “ngoài tự do” tại Moskva hôm nay! 



Xin so sánh với điều 28 bộ Luật thi hành án hình sự: “Phạm nhân chấp hành án tù trong nhà tù không được nhận quà thăm nuôi”. 



Nói về việc “cải tạo bằng lao động” trong trại giam, xin nhấn mạnh rằng đấy không phải là đặc thù của nước Nga mà đặc trưng của tất cả “các nước xã hội chủ nghĩa”. Báo Sự thật từng viết: “Tại Trung Quốc, hiện nay lao động cưỡng bức được gọi là “lao động cải tạo”, còn đi tù thì được gọi là “học tập”. Tờ báo còn kể lại câu chuyện về số phận bi thảm của một người tên là Phê, đầu tiên anh ta bị nhốt trong phòng biệt giam mà không hề có án, sau đó thì bị đưa đi “trại lao động” để “cải tạo” (những từ này đều được cơ quan ngôn luận chủ yếu của Đảng để trong ngoặc kép cả). Ốm đau, Phê không được chữa trị (giống như Anatoly Martrenko – tác giả) và bị đưa vào trại theo chế độ nghiêm khắc. “Phê chết ở đó. Không xét xử, không điều tra gì hết”, tờ Sự thật đã kết thúc một cách cay đắng và đầy thông cảm với người Trung Quốc như thế. Tờ báo cũng gọi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc là nền “chuyên chế phong kiến-phát xít”. (Sự thật, ngày 27 tháng 1 năm 1979). Chả lẽ tờ Sự thật lại nói dối? Hay đây đúng là “gậy ông lại đập lưng ông” như người ta vẫn nói? 



Như trên đã nói, mỗi trại tù là hình mẫu thu nhỏ của “xã hội xã hội chủ nghĩa”. Mỗi trại là một xí nghiệp, tù nhân phải thực hiện những kế hoạch không thực tế, những kế hoạch được đưa từ trời xuống, y như những công dân “tự do”, tức là “bằng mọi giá” (kéo dài thời gian làm việc, không có ngày nghỉ, thiếu an toàn ..v.v..). Kế hoạch năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước mà không hề áp dụng tiến bộ kĩ thuật hay máy móc gì cả. “Chủ trại giam” là vua, có quân đội, KGB, bọn chỉ điểm, nhà tù, trại giam, trại trừng giới, phòng biệt giam. Ở đây cũng có cảnh báo cáo láo, ăn cắp, hối lộ và đầu cơ. 



Một trưởng trại tên là Shershenov đã nhận tiền và cho một số tù nhân “đi phép”đến hai năm, tìm cách “chạy” cho tha trước thời hạn một số tù nhân khác, số còn lại thì phải làm việc cho hắn ta không khác gì nô lệ. Viên cựu cảnh sát tên là Usmanov thì bị kết án ăn cắp, anh ta đã lấy bột mì của trại làm bánh để bán ra ngoài. Một trong những kẻ được Shershnov “tha” đã bị bắt khi… bắn nhau với cảnh sát (Người đối thoại, số 11, năm 1987). Bảo vệ còn mang cả trà, rượu, ma túy vào cho tù nhân, các “đại gia” còn có cả gái nữa, mặc dù thường thì trong tù người ta dùng luôn đàn ông (nhân tiện xin nói rằng đồng tính bị coi là tội; người bị kết án cũng bị đưa đi trại! Để làm gì? “Cải tạo lao động”?). 



Tù nhân cũng chia thành các giai cấp: “đại gia”, “người làm trong ngành”, giới quí tộc trong trại cũng có “triều đình” với bọn “đầu gấu”, “đại bàng” bảo vệ; sau đó mới đến giai cấp công nhân, bên dưới nữa là tầng lớp vô sản lưu manh, sống ngoài vòng pháp luật, nếu có thể nói đến pháp luật nào đó ở đây. 



Cũng có cả học tập chính trị, học văn hóa nói chung, sinh hoạt văn nghệ và những khía cạnh khác của đời sống trong xã hội Xô viết nữa. Tôi đã từng thấy một khẩu hiệu treo trong trại giam như sau: “Tôi hân hoan vì lao động của tôi tan hòa vào lao động của đất nước tôi! Maiakovsky”. Và mị dân, vượt qua mọi giới hạn! 



Nói gì thì nói đây cũng chỉ là những xí nghiệp, một thành phần không thể tách rời của nền kinh tế quốc dân “xã hội chủ nghĩa” mà thôi[36]. Gulaev nói rằng mỗi năm họ làm được 900 triệu tiền lời, trong đó 600 triệu nộp vào ngân sách. “300 triệu còn lại là tiền thưởng và quỹ phát triển Tổng cục cải tạo” (Tin tức, ngày 14 tháng 6 năm 1990). Nếu biết rằng một phần năm các xí nghiệp quốc doanh làm ăn thua lỗ, một số khác cũng thiếu trước hụt sau thì ta sẽ hiểu liệu nhà nước có muốn giảm bớt các xí nghiệp loại này hay không? Liệu nhà nước có muốn giảm bớt tội phạm hay không? 



“Tiền lời nói trên là từ hoạt động sản xuất, liên quan đến sản xuất hàng tiêu dùng. Nhưng còn có một nguồn thu nhập nữa”, Tổng cục trưởng tổng cục trại giam nói, “Đấy là hợp tác sản xuất, nghĩa là khi một xí nghiệp nào đó chuyển năng lực của mình cho tù nhân sử dụng”. Xin phiên dịch cái câu rối rắm này sang tiếng Nga bình thường: đấy là việc buôn bán nô lệ, bán tù nhân cho các bộ và các xí nghiệp “xã hội chủ nghĩa” lớn để họ làm những việc nặng nề và độc hai mà không một người “tự do” nào chịu làm. Thí dụ như xưởng sản xuất bánh xe ở nhà máy ô tô Gorky, nơi người ta làm các bánh xe của xe Volga và Traika cho các thủ trưởng mà chính mắt tôi đã nhìn thấy. 



Trên báo chí gần đây xuất hiện bản tin rằng các công ty của Áo đã không chấp nhận một số ô tô Liên Xô vì chúng được tù nhân sản xuất ra. Thật là vui khi nghe tin đó. Mặc dù Liên Xô đã long trọng kí các công ước của Liên đoàn lao động thế giới và Liên đoàn có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện nhưng lao động của tù nhân vẫn được sử dụng rộng rãi trong ngành lâm nghiệp, ngành xây dựng đường ống dẫn dầu khí, trong các xí nghiệp sản xuất ô tô cũng như vòng bi. Xe Liên Xô giá rẻ và bán được ở phương Tây là vì thế, mặc dù chất lượng không cao. Những phi vụ làm ăn có lợi đã gạt đạo đức của những người theo phái tự do ở phương Tây và các công ước sang một bên như thế đấy. 



Theo các số liệu chính thức (chắc chắn là đã được giảm đi) thì trong năm 1988 (cải tổ đã 3 năm) tại các trại giam xảy ra 130 vụ giết người và 239 vụ gây thương tích nặng một cách cố ý (Nước Nga Xô viết ngày 10 tháng 3 năm 1989). Nhiều người chết hoặc trở thành tàn phế vì phải làm việc trong những điều kiện phi nhân, không có phương tiện an toàn lao động và cách đối xử bất nhân với những tù nhân đau ốm. Nhưng bao nhiêu thì không thấy nói. Đấy là tài liệu mật. Theo một số nguồn tin, trong tù tỉ lệ tai nạn, ốm đau, chết cao gấp 20 lần “bên ngoài”. Như vậy là ông Tổng cục trưởng tổng cục trại giam đã sai khi bảo rằng các xí nghiệp của ông ta “không khác gì” các xí nghiệp quốc doanh khác. 



Cuốn truyện dài Ngọn gió tự do của Gabyshev đã gây được chú ý trong thời gian gần đây (Tin tức Moskva, năm 1989, số 1 và 2). Tác phẩm này tạo cho người đọc cảm giác kinh hoàng vì trước hết nó nói về thời đại của chúng ta chứ không phải thời Stalin; thứ hai, nó kể về trại tù dành cho trẻ vị thành niên, giành cho trẻ con. Sự độc ác và phi nhân của “các nhà giáo dục” của Bộ nội vụ và “giới quí tộc” trong nhà tù còn vượt xa trí tưởng tượng của Dante về địa ngục. Các nhà dân chủ phương Tây có đến thăm một số trại giam trẻ vị thành niên và họ đã tỏ ra hài lòng về điều kiện sống và làm việc ở đấy. Nhưng, thứ nhất, họ không thể hiểu được điều kiện thực tế ở đó vì họ không muốn hiểu; thứ hai, có thể công việc được đưa ra công khai đó quả thật là không nặng, nhưng họ cũng không hiểu rằng định mức thường xuyên tăng “theo đúng quy luật mở rộng sản xuất xã hội chủ nghĩa” mà không dựa trên bất kì cơ sở nào, không có bất cứ sự cải thiện về điều kiện lao động, cải tiến kĩ thuật hay cơ khí hóa nào; đấy là định mức mà không thực hiện được thì sẽ bị các “nhà giáo dục” trừng phạt (kể cả bỏ đói, giảm khẩu phần ăn vốn chỉ đủ giữ cho khỏi chết đói; và bị “đầu gấu” đánh đập; đấy là định mức mà một phần còn bị “bọn quý tộc” tước đoạt nữa… Ngay trong giai đoạn vẫn được gọi là cải tổ hiện nay vẫn có rất nhiều cuộc nổi loạn trong các trại giam (kể cả trại dành cho trẻ vị thành niên) vì hoàn cảnh sống ở đó khốn nạn đến nỗi chết còn sướng hơn. 



Năm 1967, người ta còn phát minh ra một loại hình trại giam mới gọi là Trại lao động phòng và chữa bệnh, đây chính là biện pháp thực hiện, theo kiểu Liên Xô, tư tưởng Mác-Lenin về việc chữa tất cả các bệnh tật của xã hội bằng lao động. Về hình thức, đây là các cơ sở chữa bệnh, nhưng chúng lại nắm dưới quyền quản lí của Tổng cục nhà tù. Những người được đưa đến đây là theo quyết định (không phải bản án) của tòa án khi có kết luận của bệnh viện (tôi đã mô tả cách những kẻ hèn nhát này viết kết luận như thế nào rồi), thời hạn từ một (!) đến hai năm. Những người quản lí, người giáo dục cũng như chữa bệnh đều là nhân viên Tổng cục trại giam, nhưng gần đây, về mặt hình thức, lại nằm dưới sự quản lí của Bộ y tế. 



Trại lao động phòng và chữa bệnh cũng nằm sau hàng rào dây kẽm gai, có chó nghiệp vụ và lính canh, cũng phải làm công việc khổ sai và tuân thủ các chế độ và điều kiện sinh hoạt không khác gì nhà tù. “Bệnh nhân”, cũng như tù nhân, không có quyền giữ ngay cả một chiếc áo len. Trong trại lao động chữa bệnh có rất nhiều phạm nhân, chính chúng là những người quyết định “những mối quan hệ xã hội” ở đây. Điều kiện sống và làm việc phi nhân đã đẩy những con người bất hạnh này trở thành điên dại và sẵn sàng nổi dậy bất cứ lúc nào. Xin nói thêm rằng rượu cũng được đưa vào đây y hệt như những trại khác. Thời hạn “chữa bệnh” chỉ mang tính hình thức vì ban quản lí trại có thể “tăng” vì bất cứ lí do gì. Nhất là đối với những người không uống và tích cực làm việc. Vì trại lao động cũng là một loại xí nghiệp, ban lãnh đạo của nó cần các nhân viên biết làm việc. Khi gần hết hạn, những người như thế thường bị đưa vào tròng và bị bắt lúc đang ăn nhậu để lấy cớ tăng thêm thời hạn “chữa bệnh”. 



Hiện nay, nhờ “công khai” mà xã hội đã hiểu phần nào nhân cách của các “chuyên viên trị bệnh” của Tổng cục trại giam, nhiều người đã bày tỏ thái độ phẫn nộ, nhưng trên thực tế chì chưa có gì thay đổi cả. Gulaev, trong bài phỏng vấn đã nói đến bên trên, có nói đến mong muốn của Bộ nội vụ là đưa các cơ sở chữa bệnh về Bộ y tế, nhưng Bộ y tế cực lực phản đối. Gulaev đã nói rất đúng rằng: “Các cơ sở chữa bệnh (đối với những người chưa phạm tội) nằm trong Bộ nội vụ là không phù hợp”. 



Xin lưu ý đến lôgic pháp luật của những kẻ ăn thịt người “xã hội chủ nghĩa”: người được đưa vào trại được coi là bệnh nhân nhưng nếu trốn thì họ sẽ bị xử theo điều 186 bộ luật hình sự! Lúc đó người không chịu chữa bệnh theo kết luận của Bộ nội vụ sẽ bị kết tội lao động khổ sai đến một năm (câu văn là như thế, nhưng trên thực tế không bao giờ có bản án dưới một năm vì các quan tòa cho rằng người nghiện ít nhất phải chữa một năm). Năm 1988, số người bị kết án trốn trại kiểu này là 4.000, năm 1989 là 5.000 (Tin tức, ngày 11 tháng 12 năm 1989). Nhưng điều 186 lại có một chỗ khó hiểu: người ta phải chịu trách nhiệm hình sự nếu trốn khỏi trại hoặc trên đường đưa tới trại. Nhưng nhiều người lại bỏ trốn từ những xí nghiệp mà họ được đưa tới làm việc, theo tinh thần lời văn thì điều luật này không được áp dụng cho những người đó. Bộ y tế và Bộ nội vụ liền đưa ra hướng dẫn, giải thích luật một cách tùy tiện, đề nghị các tòa án phạt tất cả các vụ trốn trại theo điều 186. Như vậy có nghĩa là hướng dẫn của Bộ y tế và Bộ nội vụ đã quy định trách nhiệm hình sự cho một hành động mà luật pháp không coi là có tội. Và tất cả các tòa án “chỉ tuân theo luật pháp” đã tuân theo hướng dẫn này cho đến khi có kháng nghị của Viện kiểm sát Liên Xô. 



Bệnh nhân phải làm việc ở những nơi mà người khỏe mạnh không chịu làm. Tất cả các vòng bi ở nhà máy tại tỉnh Krasnodar đều do các “bệnh nhân” của trại lao động phòng và chữa bệnh chế tạo. Khi các “bệnh nhân” trại lao động ở Saratov làm loạn và bãi công thì nhà máy vòng bi cũng ngừng làm việc, “điều đó đã phá vỡ kế hoạch sản xuất máy kéo, đồng chí Silaev, phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng” buộc phải can thiệp” (Tin tức, ngày 11 tháng 12 năm 1989). Không thấy nói đồng chí Silaev can thiệp như thế nào, hiện Silaev là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nga, dưới quyền “nhà dân chủ” B. Yeltsin, nhưng tôi biết rằng phương pháp “chữa bệnh” thì chưa có gì thay đổi cả. 



Trong khi đó, các bộ trưởng-Đảng viên cộng sản vẫn luôn đòi phải xây thêm trại giam và trại lao động chữa bệnh tại những khu vực có nhà máy của các bộ dưới quyền họ. 



Người ta vẫn còn lờ đi, cố tình không nói tới vai trò của những người tù khổ sai trên các “công trường xây dựng chủ nghĩa cộng sản vĩ đại”, nơi các “đoàn viên tình nguyện” được đưa ra làm thí dụ điển hình. Chính các tù khổ sai đã xây dựng nên thành phố Komsomolsk-trên-sông-Amur, chính họ đã xây dựng tuyến đường Baikal-Amur và nhiều công trình khác. Nhân tiện xin nói thêm rằng công trình Baikal-Amur được khởi công từ đầu những năm 1930 nhưng sau đó thì ngưng và chỉ được tái xây dựng khi quan hệ với Trung Quốc xấu đi. Một phần công việc ở đó là do những người lính, những người ở vị trí cũng chẳng khác gì nô lệ, thực hiện.  

Lao động cưỡng bức 


“Lao động cưỡng bức” trong ngôn ngữ thông thường là lao động bắt buộc do bản án của tòa quy định nhưng về nguyên tắc, sản xuất “xã hội chủ nghĩa” chính là nền sản xuất dựa trên lao động cưỡng bức dưới nhiều hình thức khác nhau. Lao động là nghĩa vụ được ghi trong hiến pháp và được củng cố trong luật hình sự, theo đó “những kẻ ăn bám” (xin nhớ lại trường hợp nhà thơ được giải thưởng Nobel là Brodsky) nghĩa là những người “không làm những công việc hữu ích cho xã hội” sẽ bị đi đầy. Những biện pháp ép buộc nhẹ nhàng nhất đã được thảo luận trong chương IX. Ở đây chúng ta sẽ xem xét những biện pháp ép buộc nghiêm khắc hơn. 



Như đã nói bên trên, Marx, Lenin, Trotsky coi nghĩa vụ lao động bắt buộc của toàn dân là thành tố quan trọng nhất của hệ thống tổ chức lao động trong chế độ “xã hội chủ nghĩa”. Sau này người ta đã đoạn tuyệt với nguyên tắc đó, nhưng chỉ một phần mà thôi. Chỉ đến khi thông qua bộ luật lao động năm 1972, chương về nghĩa vụ lao động mới bị loại bỏ; nhưng việc buộc mọi người phải làm việc, cả ở thành phố và nhất là ở nông thôn vẫn được thực hiện dưới những hình thức khác nhau, mặc dù phải công nhận rằng đã không còn thịnh hành như hồi những năm 1960 nữa. Công việc lao động cưỡng bức bao gồm rất nhiều lĩnh vực, từ khai thác gỗ, khai thác than bùn cho đến xây dựng đường xá. Nông dân thường bị động viên là chính, mặc dù họ chẳng có tội gì, cũng chẳng có bản án nào. Những người từng tham gia khai thác than bùn (toàn là phụ nữ) kể: làm từ sáng sớm đến tối mịt, chân ngập trong bùn lầy. “Chúng tôi làm từ tháng 4 đến tận đầu tháng 11, trước khi nước đóng băng. Đấy đúng là lao động khổ sai… Chúng tôi chỉ có dép, chân ngập trong nước, tôi đã bỏ lại đôi chân ở đấy… Tôi không có chồng. Thanh niên của làng thì bị điều đi xẻ gỗ ở Kostroma và Viatka từ tháng 10 đến tận mùa xuân năm sau. Chúng tôi thì trở về vào tháng 11. Không thể gặp nhau được. Nam nữ không có cơ hội gặp nhau…” (Tin tức, ngày 31 tháng 1 năm 1990). 



Trong số những hình phạt bằng lao động thì đuổi khỏi nơi cư trú và lưu đầy là những hình phạt năng nề nhất. “Đuổi khỏi nơi cư trú là đuổi phạm nhân khỏi nơi đang cư trú cùng với việc cấm cư trú ở một số địa phương nhất định”, điều 26 bộ Luật hình sự viết như thế. Người nước ngoài có thể cho rằng đây là hình phạt rất nhẹ, hơn nữa trong luật hình sự lại không nói gì đến lao động cưỡng bức cả. Nhưng, thứ nhất, bên cạnh luật còn có hộ khẩu, người nước ngoài không thể nào hiểu được ý nghĩa của hộ khẩu. Đuổi khỏi nơi cư trú bao giờ cũng đi kèm với việc xóa hộ khẩu, mà không có hộ khẩu thì không có chỗ dung thân. Hộ khẩu chỉ được công an cấp khi có chỗ ở và có việc làm. Nhưng người không có hộ khẩu thì lại không được nhận vào làm việc. Chỗ ở thì ngay cả những người đang làm việc bình thường cũng chưa chắc đã có. Thứ hai, ngoài luật hình sự còn có luật cải tạo lao động, điều chỉnh quá trình chấp hành hình phạt. Mặc dù ngươi bị đuổi khỏi nơi cư trú được quyền tự chọn nơi cư trú mới, nhưng do hoàn cảnh đã nói bên trên, anh ta bắt buộc phải làm việc. 



Lưu đầy kèm theo “buộc phải sống ở một chỗ nhất định” (điều 25 luật cải tạo lao động), chắc chắn là tạo ra nhiều hạn chế hơn đối với phạm nhân vì người đó không thể lựa chọn chỗ ở. Về nguyên tắc, đuổi khỏi nơi cư trú và lưu đầy là tước đoạt chỗ ở và hộ khẩu của con người, biến người đó thành nô lệ, không còn tí quyền hành nào. 



Cả lưu đầy và đuổi khỏi nơi cư trú đều không được áp dụng đối với người phạm tội chưa đến 18 tuổi, phụ nữ có thai và phụ nữ có con dưới 8 tuổi. Điều này có thể được coi là lòng nhân ái của người làm luật. Nhưng vấn đề đơn giản hơn nhiều: những người này không thể làm công việc khổ sai được. Hơn thế nữa, họ có thể trở thành gánh nặng của chính quyền địa phương. 



Điều 83 luật cải tạo lao động viết: “Việc cải tạo và giáo dục những phần tử bị lưu đầy phải được thực hiện trên cơ sở buộc họ phải làm những công việc có ích cho xã hội (!), có tính đến khả năng lao động và công tác giáo dục chính trị đối với họ… Người bị lưu đầy mà không chịu lao động sẽ phải chịu trách nhiệm trên cơ sở pháp luật”, nghĩa là chịu trách nhiệm hình sự như “những kẻ ăn bám”. 



Tôi không thể không nhắc đến trường hợp Viện sĩ Andrey Sakharov, ông đã bị đầy đến thành phố Gorky để “cải tạo và rèn luyện”. Không có một bản án nào. 



Không thể không so sánh luật pháp Liên Xô với cảnh lưu đầy của người thành lập nên nhà nước Xô viết do chính ông ta mô tả. Thứ nhất, người bị lưu đầy không bị buộc phải làm việc, chính phủ Sa hoàng mà họ chống lại còn cho họ tiền, đủ để, theo lời Lenin là sống “không đến nỗi nào”. Số tiền có thể thay đổi tùy từng người (“Ông Prominsky bị giảm từ 31 rub xuống còn 18 rub một tháng”; Bazil “chỉ được 24 rub, còn vợ Bazil thì không được đồng nào vì họ cưới nhau trong tù”). Đây là câu chuyện được viết trong tập 55, trang 53 và 56, “Toàn tập” của Lenin. Thế là ít hay nhiều? Lúc đó họ đang sống ở vùng Sibiri hẻo lánh, còn trong một bức thư gửi mẹ trước đó, Lenin nói rằng một tháng ở thành phố Saint Peterbourg ngốn của ông ta những 38 rub (trang 16). Từ Sibiri ông ta viết: “Con sống không đến nỗi, chủ yếu là đi săn”… “chỉ đi lại loanh quanh chứ không làm gì”… “muốn thay đổi trò giải trí: mùa đông tới con sẽ không đi săn nữa mà sẽ đi trượt băng”. Ông ta được tự do thư từ, được nhận sách báo, kể cả báo chí nước ngoài, ông ta đã viết hơn 30 tác phẩm trong khi lưu đầy trong đó có cả tác phẩm Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở nước Nga, được tiếp tục hoạt động chính trị. Chả lẽ không có vấn đề gì sao? Có: “ở đây không thể tìm được người giúp việc”! Nhưng sau đó vẫn có người giúp việc. Ông ta đã tìm được! 



Ở Liên Xô, lao động cưỡng bức theo bản án của tòa đã tồn tại từ lâu. Theo bộ luật hình sự năm 1926, lao động cưỡng bức được chia làm hai loại: tại cơ sở đang làm việc và “theo quyết định của Dân ủy nội vụ”. 



Khi thi hành cưỡng bức lao động tại cơ sở đang làm việc thì ngoài những khoản khấu trừ khác từ tiền lương, còn phải giữ lại, trước đây là từ 10 đến 20% và nay là từ 5 đến 20% tiền lương để nộp cho chính phủ. Nhưng thế chưa phải là hết: thời gian chịu án phạt không được tính vào thâm niên là cơ sở để nghỉ phép, hưu trí hay các khoản ưu tiên ưu đãi khác. Người lao động có thể bị chuyển sang làm bất kì công việc gì, nhưng anh ta không có quyền bỏ việc. Nếu bị ban lãnh đạo cho thôi việc, anh ta phải tìm ngay công việc khác trong vòng 15 ngày, nếu không Dân ủy nội vụ sẽ “tìm” việc cho anh ta. Bộ nội vụ lại thường “tìm” việc ở rất xa nơi cư trú. 



Trong bộ luật “tự do” năm 1960 thuật ngữ “công tác lao động” đã bị loại bỏ. Bây giờ nó được gọi như ở Trung Quốc là “Cải tạo lao động mà không bị tước quyền tự do” (điều 27 bộ luật hình sự). Hai hình thức cũ vẫn được giữ nguyên, nhưng năm 1977 người ta đã đưa vào luật một điều khoản mới đánh dấu việc tiến gần đến chủ nghĩa cộng sản trong lĩnh vực hình luật, đấy là điều 242 bộ luật hình sự “Án treo và buộc phạm nhân phải lao động cải tạo”. Hình thức này được bắt đầu áp dụng một cách rộng rãi, hàng đoàn phạm nhân được đưa đến các công trường “xây dựng chủ nghĩa cộng sản”. Vì Đảng sáng suốt nhận ra rằng thuốc trị bá bệnh của nền kinh tế chính là hóa học hóa cho nên phần lớn các công trình là thuộc ngành công nghiệp hóa chất. Vì vậy, dân chúng gọi những bản án kiểu đó là “đưa vào ngành hóa”, còn các phạm nhân thì được là “các nhà hóa học”. Điều đó là do “thiếu nhân công trong các xí nghiệp “nặng”. “Sáng kiến đó” đã đem lại cho nhà nước hàng trăm tỉ đồng. Những người bị “án treo” đã xây dựng những công trình lớn như nhà mày chất dẻo Prikumski ở Stavropol, nhà máy Metanol-750 ở tỉnh Perm…” (Tin tức, ngày 12 tháng 9 năm 1990). “Từ năm 1977 đến năm 1989 đã có 3 triệu 35 ngàn người bị cưỡng bức đưa đến các công trường (xí nghiệp) khác nhau… Ngày 1 tháng 9 năm nay trên các công trường có tất cả 129,5 ngàn người (bài báo nói trên). 



Nhà nước không phải nuôi họ, không phải tạo điều kiện cho họ, không phải bảo vệ họ; họ phải làm việc trong mọi điều kiện, phải làm những công việc độc hại và nguy hiểm, tất cả đều phải nhẫn nhục chịu đựng vì sợ bị đưa vào trại. Điều duy nhất cần là “cơ quan quân quản đặc biệt” để quản lí “các đơn vị lao động đặc biệt”. Tổng cục 5 Bộ nội vụ chuyên theo dõi các “nhà hóa học” hiện có 1.047 “ban quân quản đặc biệt”, các “ban” này kí hợp đồng cung cấp các “nhà hóa học” với các xí nghiệp và nhận tiền từ các xí nghiệp đó, nghĩa là họ buôn bán các nô lệ, những nô lệ câm lặng, nhẫn nhục, không có tí quyền hành nào. 



Điều này có phù hợp với hiệp định của ILO? Tôi nghĩ rằng nếu chuyện này xảy ra ở Anh, thì… tôi không thể tưởng tượng nổi sự tức giận của ILO! Nhưng nếu chuyện đó xảy ra ở nước “xã hội chủ nghĩa” thì tình hình hoàn toàn khác! 



Cần phải nói rằng về mặt pháp lí, có hai loại “nhà hóa học”: người bị án treo (theo điều 242 bộ luật hình sự và người được tha trước thời hạn nhưng bị buộc phải lao động cải tạo (theo điều 53 bộ luật hình sự). Sự khác nhau giữa họ là loại thứ nhất bị tù treo và được đưa vào “ngành hóa”, nếu vi phạm họ sẽ bị đưa vào trại giam để chịu phạt tù thời gian còn lại, còn loại thứ hai được đưa từ trại giam sang “ngành hóa” và cũng có thể bị đưa trở lại trại. Vì vậy, trên thực tế, giữa họ không có sự khác nhau nào. 




Kết luận 



Những cuốn sách giáo khoa thường đưa ra những chỉ dấu hay đặc trưng cơ bản của nền pháp luật phong kiến như sau: 



Pháp luật phong kiến là pháp luật đặc quyền đặc lợi, pháp luật mang tính giai tầng. Đây là đặc trưng chủ yếu. Mỗi giai tầng: quí tộc, tăng lữ, địa chủ, nông dân đều có quyền và trách nhiệm đặc biệt, được chính thức xác nhận bởi luật pháp. Trong những điều kiện ngày nay, sau các cuộc cách mạng tư sản hồi thế kỉ XVI-XVIII khó có thể quy định những điều bất bình đẳng như thế được. Hơn nữa, các nước “xã hội chủ nghĩa” còn tuyên bố không còn giai cấp đối kháng và sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật. Nhưng sự bất bình đẳng, luật pháp đặc quyền đặc lợi đã được chứng minh một cách rõ ràng. Ở đây sẽ tạm tổng kết những điều đã được trình bày. Stalin nói đến sự tồn tại của đại gia đình giai cấp công nhân và nông dân, nhưng việc ông ta cho áp dụng hệ thống căn cước, nhưng nông dân lại không có căn cước, đồng nghĩa với việc họ không có quyền sống trong thành phố. 



Các Đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô là một giai tầng đặc biệt. Phải được sự đồng ý của cấp ủy Đảng thì Đảng viên mới có thể bị bắt. Một số chức vụ phải là Đảng viên mới được làm (giáo viên môn chính trị kinh tế học, lịch sử Đảng, triết học, cán bộ trung và cao cấp, nhân viên KGB, các nhà ngoại giao v.v.). Bị khai trừ khỏi Đảng cũng có nghĩa là bị đuổi việc. Tầng lớp quý tộc mới, tức là tầng lớp cán bộ được chia ra thành huyện, tỉnh, khu vực… với một loạt đặc quyền đặc lợi: mẫu xe, nhà nghỉ, số nhân viên phục vụ v.v… 



Tôi biết vợ một thứ trưởng, có lần bà ta gọi điện vào Vụ hành chính của Bộ để lấy phiếu đi nghỉ mát vào ngày cuối tuần thì được trả lời: “Có quyết định cho chồng bà thôi việc rồi”. “Nhưng ông ấy vừa được bổ nhiệm chức bộ trưởng!”. “Khi nào quyết định có hiệu lực thì bà sẽ được phiếu đi nghỉ tại an dưỡng đường khác”. Nhưng luật pháp mang tính giai tầng này là tài liệu mật. 



Hãy để cho những người phản đối chứng minh rằng phụ nữ thành phố (nữ tiểu thư) hàng năm cũng bị đưa đi khai thác than bùn như các bà nông dân, còn thanh nhiên thành thị (thanh niên tiểu tư sản) cũng bị đưa đi đốn gỗ vào mùa đông như thanh niên nông thôn. 



Hãy để cho những người phản đối chứng minh rằng con của bí thư tỉnh ủy cũng bị xử vì tội hình sự như con một người công nhân bình thường. Chính ông bí thư tỉnh ủy sẽ không bao giờ bị xử tội hình sự. Ông ta là người đứng trên pháp luật. Các biên bản của Bộ chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô vừa được đưa ra công khai cho thấy người ta đã cho chìm xuồng những nhân vật tham nhũng nổi cộm như Medunov (thành phố Rostov trên sông Đông) và Iunak (thành phố Tula) như thế nào. Và bây giờ, khi mọi sự đã rõ, họ cũng không bị đưa ra tòa. Tại sao? 



Hãy để họ giải thích vì sao tôi lại không có quyền bước vào một số cửa hàng nếu không có tấm thẻ “Cửa hàng đặc biệt”? 



Luật pháp phong kiến là luật pháp của kẻ mạnh, “luật pháp của địa chủ”. 



Tôi nghĩ rằng không cần phải chứng minh rằng luật pháp Liên Xô cũng như luật pháp bất cứ nước “xã hội chủ nghĩa” nào cũng có tính chất như thế. Ai cũng biết như thế và điều đó được thể hiện trong câu ngạn ngữ: “Người có lí là người có nhiều quyền hơn”. Dựa trên cơ sở nào mà người ta xả súng vào những người công nhân mít tinh phản đối việc tăng giá ở Novotrerkask? Người ta kết án tử hình và đưa vào nhà tù những người tham gia cuộc mít tinh này (và sau đó là những người kể lại câu chuyện đó) là dựa trên cơ sở nào? Do những hành động cụ thể nào? Ngay hiện nay cũng không ai viết về chuyện này. Thế mà theo tôi biết, người ta chọn trong số những người bị giữ những kẻ có tiền án và đưa ra xét xử như “những kẻ tổ chức vụ lộn xộn”. Mục đích là để chứng tỏ rằng buổi tụ tập là do những tên tội phạm tổ chức. Nhưng vụ lộn xộn không phải là hành động tự phát, nó được tạo ra theo chỉ đạo của Ban chấp hành trung ương. Mấy ngày trước đó người ta đã đưa quân đội tới và Mikoyan, ủy viên Bộ chính trị cũng đã tới tận nơi để chỉ đạo, cũng như sau này Primakov được Gorbachev cử đi nhận giải thưởng Nobel để ông ta rảnh tay tổ chức vụ chém giết ở Bacu. 



“Luật pháp phong kiến là vũ khí khủng bố và đe dọa nhân dân lao động. Bất kì sự xâm phạm nào, dù nhỏ tới đâu, ngay cả một vụ án nhỏ, cũng bị trừng phạt năng nề, thậm chí tử hình v.v. ”[37]



Có cần bình luận không? Có cần nhắc lại “luật bảy trên tám” và những vụ tử hình những người nông dân mót lúa không? Rồi những bản án 10 năm tù vì một chuyện tiếu lâm, chuyện cười nữa? 



Tính chất dã man, bản chất kết tội của quá trình xét xử, ngay luật sư biện hộ cũng bị các phạm nhân gọi là “công tố viên thứ hai”. Tôi còn nhớ những bài phát biểu của các luật sư nổi tiếng nhất trong các phiên tòa hồi năm 1937. Họ không tiếc lời thóa mạ thân chủ của mình, không có một lời biện hộ nào mà chỉ xin tòa tha thứ. Ai cũng biết việc tra tấn và đánh đập trong quá trình điều tra diễn ra thường xuyên. 



Địa phương chủ nghĩa, nghĩa là luật pháp mỗi nơi một khác. Chính Lenin từng nói về “luật pháp vùng Kaluga và luật pháp vùng Kazan”. 70 năm sau, tình hình cũng không có gì thay đổi, thời gian gần đây hiện tượng địa phương chủ nghĩa đã đạt đến những hình thức cực đoan nhất. Chỉ khác là hiện nay nó được gọi là “tự chủ”. 



Truyền thống là một trong những nguồn gốc của luật pháp. Ở nước ta chỉ có “chỉ thị” và “điện thoại” là đứng trên truyền thống mà thôi. 



Một trong những đặc trưng của pháp quyền phong kiến là luật pháp mang tính tôn giáo. Nhưng tôi cho rằng sự độc quyền của tư tưởng mác-xít cũng là một thứ tôn giáo. Bất kì một sự lệch lạc nào khỏi giáo điều Marxism-Leninism, phê phán các giáo điều ấy không chỉ dẫn đến việc bị khai trừ khỏi Đảng mà còn có thể đưa người ta đến trại giam nữa. 



Dĩ nhiên là pháp quyền phong kiến ngày nay khác với pháp quyền phong kiến “truyền thống”. Nhưng ngay trong thời Trung cổ ở Anh, ở Đức, ở Nga, ở Thổ Nhĩ Kì đều có cùng một loại luật pháp ư? 



Tôi không nghi ngờ gì rằng cuốn sách này của tôi sẽ bị nhiều người lên án là vu khống, không khách quan và một chiều. Và họ sẽ hỏi một câu “chết người”: Chả lẽ trong nền tư pháp Liên Xô không có điểm tích cực nào ư? 



Dĩ nhiên là có, thí dụ chúng ta có thể đứng xếp hàng và mua đường hay bánh mì (nếu cửa hàng còn những thứ đó và chúng ta có đủ tiền). Nhưng từ thời Trung cổ cũng đã có quầy bán hàng rồi. 



Nhưng đối địch với tôi là một khối lượng vô cùng to lớn sách vở về nền pháp lí Liên Xô, ai cũng có thể tìm đọc và tất cả đều mang tính biện hộ, đều trình bày pháp luật Liên Xô là “hiện thân của lí tưởng của quần chúng về kỉ cương, công bằng và lòng nhân ái” (xem bên trên). Không nhiều hơn, cũng không ít hơn! Vì vậy, những ai còn khát khao những điều “trong sạch và tươi sáng” đều có thể được thỏa mãn cơn khát của mình bằng cách đọc bất kì cuốn sách giáo khoa hay bài báo nào đó về luật pháp, chỉ xin họ đừng đọc những tác phẩm trung tính về chính trị, thí dụ như điều kiện cung cấp hàng hóa. 



Lấy thí dụ (xin thề là tôi không cố tình lựa chọn, chỉ đơn giản là tôi vừa đọc tờ tạp chí và chú ý đến đầu đề bài báo mà thôi) bài báo đầy tinh thần ngợi ca của N. Vasiliev với đầu đề: Về tính nhân đạo của luật pháp nước ta mà cụ thể là luật hình sự. Tác giả viết: “Tước quyền tự do là hình thức trừng phạt cao nhất (có thể là ông ta chưa từng nghe nói đến án tử hình hoặc không coi là hình phạt cao nhất – tác giả) được quy định trong một phần ba các điều khoản; trong các điều khoản khác, hình phạt không bao gồm tước đoạt tự do”. Và rồi tác giả reo lên: “Đấy không phải là chỉ dấu của tính nhân đạo của luật pháp nước ta hay sao?”. (Pháp luật xã hội chủ nghĩa, 1990, số 5, trang 58). Tôi cũng không hiểu ông ta tính như thế nào (gần như mỗi điều khoản đều gồm mấy phần với mức độ trừng phạt khác nhau), nhưng theo cách tính của tôi thì trong số 274 điều của phần Đặc biệt chỉ có 32 điều không quy định án phạt tù, nhưng lại có 24 điều phạt tử hình. Còn tính chất “nhân đạo” của án phạt “không tước quyền tự do” nhưng dưới sự giám sát của các “ban quân quản đặc biệt” thì đã được trình bày bên trên, dù còn rất hạn chế. 



N. Vasiliev đối lập tính chất phi nhân của luật pháp các nước “tư bản” với các án tù chung thân, trong khi ở nước ta án phạt tù cao nhất là 15 năm. Nhưng chỉ có những người có sức khỏe đặc biệt mới có thể chịu đựng nổi 15 năm tù đầy, trong điều kiện “chung” (đấy là cách gọi những công việc, thí dụ, như đốn gỗ). Sau khi TV chiếu cảnh nhà tù Thụy Điển thì nhà đài nhận được hàng loạt thư từ của các công dân “tự do” xin được đưa vào nhà tù bên đó. 



Tôi không còn muốn phân tích và phản biện những điều dối trá của các nhà khoa học-văn nô nữa, đấy là việc làm vô nghĩa vì độc giả có thể tự làm lấy. Tính chất nhân đạo của nền pháp luật Liên Xô được các văn nô ngợi ca từ thời Stalin, mà lúc đó họ ca ngợi còn hay hơn bây giờ. 



Còn một đặc điểm nữa của chủ nghĩa phong kiến mà chưa ở đâu, chưa ai nói tới, dùng kính lúp cũng không soi thấy, đấy là chế độ quân chủ chuyên chế, độc tài không thể nào che dấu được. Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, Tổng bí thư Đảng, Tổng thống là những người có quyền lực tuyệt đối, không bị ai kiểm soát và chỉ chịu trách nhiệm trước Chúa và lịch sử. “Các cơ quan đại diện” chỉ là những bung xung, chẳng có một chút ý nghĩa nào. 



Tôi coi nhiệm vụ của mình là nghiên cứu bản chất của nhà nước và nền pháp luật “xã hội chủ nghĩa”, tìm ra ý nghĩa trong toàn bộ cái phi lí, sự điên rồ của cơn ác mộng xã hội chủ nghĩa-phong kiến. Và điều quan trọng là tôi luôn tỏ ra khách quan. Điều chủ yếu ở nước Nga là sự tùy tiện và quyền lực vô hạn của các chúa đất (cán bộ) và tình trạng vô quyền của tầng lớp nông nô (người lao động). Hi vọng rằng điều đó đã được tôi chỉ ra và đã được chứng minh. 



Hiện nay bản chất đó vẫn chưa thay đổi, mặc dù người ta không còn nói đến chủ nghĩa xã hội nữa. Thay vì xây dựng chủ nghĩa cộng sản thì ngày nay người ta nói đến “xây dựng chủ nghĩa tư bản với bộ mặt con người” mặc dù sự tùy tiện trong lĩnh vực luật pháp đã vượt mọi giới hạn. 




Lời cuối sách 



Trong phần nói đầu tôi đã tuyên bố rằng tôi giữ nó nguyên vẹn như tôi đã hoàn thành nó trước khi diễn ra cuộc cách mạng những năm 1990, tôi chỉ loại bỏ phần phê bình chủ nghĩa Marx và thay đổi chút ít thành phần của cuốn sách. Ở đây tôi muốn phân tích những thay đổi của thời kì hậu Xô viết vì tôi chưa thấy ai có ý định làm điều đó. 



Trong các môn khoa học xã hội ở nước Nga đã diễn ra một sự đảo lộn chưa từng có so với lịch sử các nước khác: tất cả các luật sư, các nhà kinh tế học, các triết gia đều theo mệnh lệnh từ trên ban xuống và quay ngoắt 1800, hệt như bài hát mà các sinh viên vẫn hát thầm dưới thời Stalin: 



Vật chất có trước, 
Tinh thần có sau 
Có sau, có sau. 
Nếu cấp trên bảo, 
Nếu cấp trên lệnh 
Thì ta sẽ hát, ngược lại hoàn toàn: 
Vật chất có sau, 
Tinh thần có trước, 
Có trước, có trước từ lâu. 



Đã xảy ra đúng như thế. Những kẻ thù không đội trời chung của chủ nghĩa tư bản và nền học thuật dối trá của bọn tư sản, những người đưa tin nhiệt thành của chủ nghĩa cộng sản quay sang ngợi chủ nghĩa tư bản và tố cáo những khiếm khuyết của chủ nghĩa xã hội. Không hề xấu hổ vì những cuốn sách còn chưa ráo mực, không hề xấu hổ vì những tấm bằng tiến sĩ do đã liệt kê hàng loạt tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội. Nhưng điều kì quặc là họ vẫn tiếp tục là những người truyền bá cho đường lối chính sách của Đảng và chính phủ y như cũ. Các Đảng phái và người cầm quyền dù đã thay đổi, chính sách dù đã đổi màu, nhưng thói quen bảo vệ “đường lối của Đảng” thì vẫn còn, dù đường lối ấy đã mấy lần thay hướng thì cũng mặc. 



Khi bức màn sắt được dựng lên, các công dân Liên Xô chỉ biết rằng ở phương Tây, bên “họ”, luôn có khủng hoảng kinh tế, người lao động bị bóc lột thậm tệ, bãi công và đàn áp diễn ra thường xuyên, còn “bên ta” thì lao động là vinh quang, đời sống ngày càng được cải thiện. Thông tin bị chặn đứng ở cả hai đầu. 



Nhưng các lãnh chúa phong kiến cầm quyền, tức là tầng lớp cán bộ cũng thường đi ra nước ngoài, chính mắt họ nhìn thấy tính ưu việt của đời sống ở phương Tây, họ không chỉ thích nhìn mà còn thích nếm thử nữa. Mặc dù hoàn cảnh vật chất của họ tốt hơn của các “ông chủ”, của người lao động nhiều lần, họ buộc phải sử dụng các tiện nghi ấy một cách bí mật, đằng sau hàng rào cao và với lực lượng bảo vệ hùng hậu. Khrushchev đã hưởng thụ những tiện nghi hạn chế đó một mình và đã tự kí bản án cho chính mình. Brezhnev, sau khi giành được quyền lực, đã học được từ sai lầm của Khrushchev. Dưới thời ông ta, của cải được ban phát một cách cực kì hào phóng, F. Burlatsky, một cán bộ của Ban chấp hành trung ương đã viết như thế. 



“Chuyên viên gây ảnh hưởng” Gorbachev còn đi xa hơn: mở những cánh cửa đầu tiên cho dòng tư bản chảy vào và tất nhiên là dân chủ hóa nữa. Nhưng sự kiểm soát của Đảng thì vẫn còn và tầng lớp cán bộ vẫn có khả năng bị tước thẻ Đảng, cũng có nghĩa là tước “thái ấp”, mà có thể là mất mạng nữa. Thế là trong cuộc đấu tranh giành quyền lực Yeltsin cùng với các đại công tước của các nước cộng hòa phá vỡ Liên Xô và tiêu diệt Đảng Cộng sản Liên Xô. 



Đã diễn ra cuộc cách mạng từ bên trên, cuộc cách mạng của các lãnh chúa phong kiến. Đây không phải là cuộc cách mạng tư sản vì các lãnh chúa vẫn giữ được quyền lực chính trị, họ chỉ thay mỗi tên gọi. “Anh hai” của nước cộng hòa trở thành tổng thống, “anh hai” khu vực trở thành thống đốc, một số người (thí dụ Volsky) trở thành nhà tư sản. Đa số vẫn giữ được “thái ấp” của mình (xin nhắc lại rằng trách nhiệm chủ yếu của điền chủ là giữ lòng trung thành với vương tôn của mình) hoặc là chuyển sang làm chủ “thái ấp” mới. Thí dụ, ủy viên ban chấp hành trung ương Đảng, “anh hai” của Bắc Osetia, dù bị quần chúng phản đối sau vụ Beslan vẫn tiếp tục giữ được “thái ấp” của mình. 



Bây giờ nhiệm vụ là biến tài sản công thành tài sản tư. Việc đó được thực hiện bằng biện pháp gọi là “tư nhân hóa”, được nhân dân gọi là “tự nhận hóa”, tự nhận tài sản nhà nước làm tài sản của mình. Thực chất đây là một vụ cướp bóc tài sản quốc gia một cách trắng trợn nhất. Các quan chức đã đem nhà máy, mỏ dầu đi tặng cho những kẻ gần gũi với chính quyền. Chính trong thời gian này mà Berezovsky, lãnh đạo một phòng thí nghiệm và hai cán bộ đoàn là Potanin và Khodorkovsky và nhiều người khác đã trở thành tỉ phú. Trubais bán các nhà máy với giá 3,6% giá trị mà lại còn cho thanh toán bằng voucher. Không có tiền vẫn có thể thực hiện những vụ mua bán trị giá hàng triệu đồng. Ông ta được thanh toán vào tài khoản ở nước ngoài một phần giá trị của xí nghiệp hoặc phần trăm lợi tức ..v.v.. 



Berezovsky từng nói ở Israel: “Đã diễn ra quá trình tái phân phối tài sản chưa từng có trong lịch sử. Năm 1991 có đến 90% tài sản là của nhà nước. Hôm nay 75% tài sản của một đất nước rộng lớn và giầu có này đã không còn là tài sản nhà nước nữa”. Berezovsky nói tiếp: “Mức độ tham nhũng ở Nga tương ứng với mức độ cải tạo, không ít hơn mà cũng không nhiều hơn. Tôi không nghĩ rằng các viên chức ở Israel có cơ hội tái phân phối tài sản trị giá hàng chục triệu và hàng tỉ đồng. Không có tài sản như vậy, đấy là tài sản không thuộc về ai, tài sản vô chủ. Thế là viên chức có thể, chỉ bằng một chữ kí, quyết định tài sản đó thuộc về anh hay không thuộc về anh. Chúng ta sẽ không thảo luận xem cơ chế tư hữu hóa như thế là tốt hay xấu. Quan điểm của tôi là không thể tốt hơn được”. 



Tất nhiên là các quan chức “kí” không phải vì người ta có đôi mắt đẹp, không phải làm gì mà họ trở thành ngay triệu phú, gấp hàng ngàn lần giá của chiếc ghế-thái ấp. Theo số liệu của quỹ INDEM của Satarov thì giá thứ trưởng là nửa triệu dollar. Nhưng lương của thứ trưởng lại chỉ có 200 dollar (2002). Không phải ngẫu nhiên mà thủ tướng là người có hỗn danh “Misa hai phần trăm”. 



Cần phải kể thêm quá trình cướp bóc toàn thể nhân dân của Gaidar, trên thực tế, ông ta đã hủy bỏ tất cả các khoản tiết kiệm của dân chúng và làm gia tăng một cách đột biến tội phạm có tổ chức. Quá trình này đã được mô tả rất kĩ trong tác phẩm Cuộc cách mạng tội phạm vĩ đại ở Nga. Mafia nắm quyền của tôi. Từ Mafia phải được hiểu theo nghĩa tập hợp, theo nghĩa nhà nước mafia, vì ngay trong điện Kremlin cũng có các băng Đảng mafia khác nhau tranh chấp với nhau.



Như vậy là, về tổng thể, cuộc cách mạng tội phạm vĩ đại đã hoàn thành với việc tạo ra một con quỷ, một chế độ chưa từng có trong lịch sử và tương ứng với nó là một nhà nước quái thai. Người ta thường gọi chế độ đó là lưu manh hay là chủ nghĩa tư bản hoang dã. Nhưng đấy không phải là chủ nghĩa tư bản vì nó còn thiếu một đặc trưng quan trọng, đấy là thị trường lao động, nơi người lao động có thể bán mình cho nhà tư sản theo giá thị trường, nó còn thiếu sự cạnh tranh và nhiều đặc trưng khác nữa. 



Nó cũng không còn là chế độ phong kiến, mặc dù vẫn còn “pháo đài”, đấy là hệ thống căn cước trói người công dân vào đất và tước của họ quyền tự do lựa chọn chỗ ở. Đa số công dân không hiểu được sự khác nhau giữa căn cước là chứng thực thân nhân với căn cước buộc người ta phải đăng kí ở một địa phương nhất định. Hệ thống căn cước cản trở sự luân chuyển của dòng tư bản chủ yếu: sức lao động. 



Cần phải nói đến một giai đoạn đặc biệt hiện nay, có thể gọi đó là giai đoạn giáo quyền hóa nhà nước. Như tôi đã nói, một trong những tính chất của chế độ phong kiến là vai trò của tôn giáo. Hiện nay rõ ràng là đang diễn ra quá trình hợp nhất giữa nhà nước và Chính thống giáo. Một mặt, nhà thờ ủng hộ nhà nước một cách công khai và dựa vào sự giúp đỡ của nhà nước trong việc đàn áp các tôn giáo khác, đặc biệt là thiên chúa giáo, mặt khác nhà nước thể hiện rõ sự ủng hộ của mình đối với nhà thờ Chính thống giáo Nga. 



Đây không phải là chế độ chiếm nô, mặc dù số đông dân chúng đang phải làm việc như những người nô lệ. Chứng cớ hiện nay: phóng viên báo “Người đoàn viên Moskva” đến thăm một sư đoàn mang tên Derzhinsky, trước đây thuộc KGB, nhưng nay đã chuyển sang Bộ nội vụ. Anh ta trông thấy những người lính làm việc trong các bệnh viện với các chức danh như y tá, hộ lí. Họ còn được cho các cá nhân “thuê” với giá 100 rub một ngày. Lính có tay nghề được 300-500 rub. Vẫn còn những đơn vị xây dựng, các chàng trai ốm yếu được động viên đến đây với danh nghĩa bảo vệ tổ quốc, nhưng lại bị bán cho các đơn vị xây dựng. Báo Commersant còn phát hiện một trường hợp bất ngờ: một người lính 19 tuổi, tên là O. Terekhov bị đại đội trưởng bán làm nô lệ cho một người nông dân (số ra ngày 25 tháng 3 năm 2005). 



Bây giờ chúng ta có thể trả lời được câu hỏi chính mà cuốn sách đã đặt ra. Chúng ta đã biết vì sao Liên Xô lại lạc hậu hơn so với các nước tư bản chủ nghĩa. Phương thức sản xuất phong kiến, về nguyên tắc, không thể đuổi kịp được phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. 



Thế thì tại sao 12 năm sau cách mạng, sản xuất của nước Nga vẫn kém cả về số lượng lẫn chất lượng? Các lĩnh vực sản xuất với công nghệ cao tại các nước tiên tiến chiếm từ 60 đến 70%, ở Nga chỉ có 1%! Nước Nga sống được là nhờ xuất khẩu nguyên liệu thô. Sản phẩm công nghiệp không thể cạnh tranh được với phương Tây (điển hình là ngành chế tạo ô tô). Tình cảnh của nhân dân thì không cần phải nói, tuổi thọ trung bình của đàn ông Đan Mạch là 74, trong khi ở Nga là 55. Ở Nga có cả triệu người chết một năm. Đây là một cuộc diệt chủng thật sự, một Holocaust chính hiệu. Như nhiều người đã nói, nước Nga đang tiến dần đến sự diệt vong, đến tan rã. Sự tan rã Liên Xô chỉ là khởi đầu. 



Nếu tàn dư của chế độ phong kiến và chiếm nô ở Nga không bị loại bỏ bằng các biện pháp phẫu thuật thì sự diệt vong của nước Nga là tất yếu. 


*



CUỐI CÙNG TÔI MUỐN ĐƯA RA MỘT CÂU HỎI MANG TÍNH TOÀN CẦU VÀ CÂU TRẢ LỜI CỦA TÔI: CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN (CHỦ NGHĨA XÃ HỘI) LÀ GÌ VÀ NÓ CÓ THỂ TRỞ THÀNH HIỆN THỰC KHÔNG? 
   
Trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, cuốn kinh thánh của chủ nghĩa cộng sản khoa học, các tác giả đã viết: “Những người cộng sản có thể phát biểu lí thuyết của mình bằng một câu thôi: bãi bỏ tư hữu”. Chúng ta đã chứng kiến trong thực tế tất cả các nước “xã hội chủ nghĩa”, không có ngoại lệ, việc tiêu diệt sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất chỉ đưa đến việc thành lập các chế độ khủng bố, với những mức độ khác nhau, có thể man rợ như nước Campuchia thời Pol Pot hay nhẹ nhàng hơn như nước Nam Tư thời B. Tito. Nguyên nhân: buộc người ta phải làm việc không vì động cơ kinh tế. 



“Chủ nghĩa cộng sản khoa học” cho rằng sự khác nhau giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản: chủ nghĩa xã hội là làm theo năng lực, hưởng theo lao động; còn chủ nghĩa cộng sản là làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu. Sự phá sản của công thức này đã được chính Tổng thống Liên Xô Gorbachev công nhận, rồi sau đó là viện sĩ Vaslavskaia và hàng ngàn “nhà xã hội học”chuyên nghề nói leo vội vàng chộp lấy: “Ở nước ta người lao động nhận được “mức lương không phải từ lao động mà ra”, nghĩa là nguyên tắc “hưởng theo lao động” không có giá trị. Cần phải trả theo kết quả lao động. Thế là xuất hiện cuộc tranh luận về tiêu chuẩn để tính số lượng, chất lượng và giá trị của chúng. Thí dụ, kết quả lao động của người lính cứu hỏa và nhân viên kế toán được tính như thế nào? Câu trả lời tùy thuộc vào mức độ đần độn. Nguyên tắc hưởng theo nhu cầu còn mù mờ hơn nữa. 



G. Lebon, nhà xã hội học người Pháp, cho rằng sự bất bình đẳng xã hội, ước muốn làm giầu của một số người và sự nghèo đói của một số người khác “xuất phát từ bản chất của con người và sẽ vĩnh viễn như thế" ("Nếu Chúa trời toàn năng không thay đổi bản chất của con người”) (1898), nói một cách khác, chủ nghĩa xã hội là bất khả thi. 



Tôi không biết chủ nghĩa cộng sản (chủ nghĩa xã hội) có khả thi hay không. Tôi đã thể hiện quan điểm của mình đối với chủ nghĩa cộng sản trong bài báo: “Chủ nghĩa cộng sản - ước mơ của nhân loại” trên tờ Duel ra ngày 3 tháng 6 năm 2003. Điều đáng ngạc nhiên là tờ Nước Nga Xô viết, tờ báo của Đảng cộng sản từ chối đăng bài báo này. Nội dung chính của bài báo như sau: tất cả các tôn giáo đều hứa hẹn thiên đường trên trời để đền bù cho những đau khổ trên mặt đất. Chủ nghĩa cộng sản là ước mơ về một chế độ công bằng trên trái đất. Tư tưởng này có trước cả Thiên chúa giáo và con người sẽ còn ước mơ như thế mãi. 



Tư tưởng này có khả thi không? Trước công nguyên, người Essey đã từng sống trong những công xã, những người theo Tolstoi ở nước Nga cũng đã sống trong các công xã, trước khi công xã bị những người cộng sản tiêu diệt, ở Israel các công xã tỏ ra có hiệu quả. Nhưng tư tưởng này có khả thi trong một quốc gia không? Chưa ai chứng minh được câu trả lời khẳng định hay phủ định. 




Nguồn: Nguyên bản tiếng Nga: http://lit.lib.ru/t/tille_a/text_0010.shtml





[1] “Thế giới công khai” điều khiển thế giới tội phạm thông qua các kênh mà trước đây KGB lãnh đạo bọn tội phạm có tổ chức (Tin tức Moskva, số 52 ngày 29 tháng 12 năm 1991).  
[2] “Các Đảng viên xã hội” không tin những người “bôi đen chủ nghĩa xã hội”. Xin dành cho họ “luật bẩy phần tám- 7/8” hay tên chính thức là Nghị quyết liên tịch của Ban chấp hành trung ương và Hội đồng dân ủy Liên Xô ngày 7 tháng 8 năm 1932: “Về việc bảo vệ tài sản xí nghiệp quốc doanh, tài sản của nông trang và hợp xã và củng cố sở hữu xã hội (xã hội chủ nghĩa)”. Trong lời nói đầu các nhà làm luật viện dẫn “yêu cầu của công nhân và nông dân” về việc “trộm cắp” của “các phần tử lưu manh và nói chung là các phần tử phản xã hội”, và đây là lần đầu tiên người ta sử dụng thuật ngữ “thiêng liêng và bất khả xâm phạm” đối với tài sản xã hội chủ nghĩa. Những kẻ xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa bị coi là “kẻ thù của nhân dân”. 
Phần đặc biệt lại gồm ba mục. Mục thứ nhất nói về việc trộm cắp hàng hóa trong quá trình vận chuyển. Mục thứ hai nói về trộm cắp tài sản của nông trang và hợp tác xã. Phần thứ ba, đúng hơn là không liên quan đến nội dung bộ luật; mục này quy định hình phạt cho “những phần tử phản xã hội”, những kẻ “buộc” xã viên ra khỏi nông trang hoặc hợp tác xã, nghĩa là những người chống lại việc áp đặt chế độ chiếm nô. Hai phần trên được quy định hình phạt như sau (xin trích dẫn): “xử bắn, kèm theo tịch thu toàn bộ tài sản hoặc trong trường hợp có các tình tiết giảm nhẹ thì phạt tù thời hạn ít nhất là mười năm (thời hạn tù dài nhất lúc đó - tác giả) kèm theo tịch thu tài sản”. 
Điều 48 bộ luật hình sự liệt kê các tình tiết gỉam nhẹ, “số lượng không lớn” không nằm trong các tình tiết này. Trong luật không nói đến số lượng đồ vật bị mất cắp. Vì vậy khi áp dụng luật, quan tòa phải xử bắn, không phụ thuộc vào số lượng tài sản bị mất cắp. Hơn nữa, tòa án Tối cao Liên Xô lập tức giải thích rằng rằng luật ngày 7 tháng 8 bao gồm tất cả các điều khoản của bộ luật hình sự, liên quan đến việc “xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa” (kể cả điều 162 bộ luật hình sự, nói về các vụ ăn cắp vặt). Stalin, với tâm lí thô lậu của một bạo chúa phương Đông, cho rằng xử bắn có thể giải quyết được tất cả, nhưng khi bắn đã quá nhiều mà nạn ăn cắp vẫn không giảm thì người ta đành phải cài số lùi, tòa án Tối cao Liên Xô đưa ra giải thích mới, phủ nhận giải thích cũ, các vụ ăn cắp vặt lại xử theo điều 162 bộ luật hình sự, còn “luật ngày 7 tháng 8” thì chỉ áp dụng cho các vụ ăn cắp lớn, mặc dù trong thời kì chiến tranh nó được áp dụng, thí dụ, cho trường hợp hai người ăn cắp một bao bột, giá nhà nước lúc đó dưới 10 rub (Nghị quyết tòa án Tối cao Liên Xô ngày 12 tháng 2 năm 1942).
[3] tức là công bố vào ngày 7 tháng 8 năm 1932, 7/8- ND
[4] L. Nikitinsky, trong phóng sự về các nhà tù dành cho trẻ vị thành niên, viết rằng không thể giữ được tính người trong hệ thống này, nó biến người ta hoặc thành chó sói hoặc thành cừu: “Bước vào đây là những đứa trẻ ăn cắp vặt, nhưng đi ra là những tên sát nhân đầy thù hận”. L. Nikitinsky trong bài Vô giới hạn. Tạp chí Ngọn lửa nhỏ, năm 1988, số 32.  
[5] Các phiên tòa điển hình là một thiết chế của “nền tư pháp” Liên Xô ngay từ khi nước này mới được thành lập. Đây không chỉ là những vụ án chính trị nổi tiếng. Mỗi thẩm phán đều có trách nhiệm tiến hành các vụ xử ở các câu lạc bộ, phòng truyền thống, trong nhà náy, tại nơi làm việc hay nơi cư trú của phạm nhân. Vì vụ án có tính chất điển hình và “có ý nghĩa giáo dục” (xin nhắc lại rằng D. Khazard cho rằng đây là điểm tích cực của luật pháp Liên Xô), nên nhất định nó phải có tính cách kết án. Trong các phiên tòa như thế, kể từ thời Khrushchev, ngoài công tố viên của nhà nước còn có công tố viên “xã hội” tham gia nữa. Việc để luật sư biện hộ hay công tố viên “xã hội” tham gia theo điều 250 bộ luật hình sự là quyền của chánh án. Về khả năng tham gia của cả luật sư lẫn công tố viên thì luật không nói. Nhưng ý nghĩa của nó vẫn là: thể hiện quan điểm của tập thể, của xã hội. Dĩ nhiên là không thể có hai quan điểm được, cho nên việc chánh án cho công tố viên “xã hội” tham gia (có trường hợp mấy người cùng tham gia) thì ta có thể nói quan điểm của chánh án đã rõ ngay trước phiên tòa rồi.  
[6] Trung úy cảnh sát T., đi trên xe riêng, không mặc sắc phục, suýt nữa thì gây tai nạn với công nhân D. Anh này gọi viên cảnh sát là “đồ lừa”. Viên trung úy liền lôi người công nhân vào đồn và khởi tố vụ án hình sự với tội danh càn quấy. Tòa kêu án hai năm tù giam. Tòa án tỉnh bác bỏ bản án, nhưng cảnh sát T. vô can (Tin tức, ngày 23 tháng 2 năm 1974). 
Viên giám đốc nhà máy (tỉnh Mitrurinsk) gây tai nạn, trong tình trạng say rượu với một công nhân, anh này bị thương nặng và chết vào tháng 12 năm 1982. Sau đó một năm, nhờ báo Sự thật tố cáo vụ bao che tòa án mới xử. Sau đó kẻ gây tai nạn vẫn làm việc ở nhà máy cũ, tuy đã không còn là giám đốc nữa. Giám đốc một cửa hàng (ở Rostov) đi trên xe Volvo và gây tai nạn chết người. tòa phạt tù… người lái xe tải có mặt tại hiện trường sau đó ít phút. Hai năm sau người lái xe mới được minh oan và kẻ gây tai nạn thực sự mới bị kết án (Báo Văn học, ngày 31 tháng 8 năm 1983). 
Bí thư thứ nhất thành đoàn thành phố Volgagrad tên là Novikov gây tai nạn làm chết một người. Cảnh sát kết luận rằng chính nạn nhân có lỗi. Sau này mới biết rằng Novikov là đầu đảng một nhóm chuyên cướp các cửa hàng ở tỉnh bên cạnh ngay trên chính cái xe Volga đã gây ra tai nạn với người xấu số nói trên (Nước Nga Xô viết, ngày 16 tháng 4 năm 1986) 
Sebrinsh, chuyên viên của văn phòng Hội đồng bộ trưởng Latvia, gây tại nạn trong tình trạng say rượu, làm chết một người đang đi xe đạp vào năm 1983. Vụ án được khởi tố rồi hủy bỏ mấy lần. Tháng 1 năm 1984 viện kiểm sát Liên Xô thụ lí vụ án. Phiên tòa vào năm 1984 tuyên án tù treo (Tin tức, ngày 4 tháng 6 năm 1986). Thành phố Novgorod: Antonova, kế toán một liên hợp chế biến thịt mang ra ngoài 3 túi thịt ngon. Khi bị giữ bà ta la lớn: “Chồng tao sẽ cho chúng mày biết!”. Chồng bà ta là trưởng phòng thuộc sở công an tỉnh. tòa án khu vực khởi tố vụ án, nhưng viện kiểm sát tỉnh hủy bỏ (Nước Nga Xô viết, ngày 15 tháng 3 năm 1987). 
Có hàng trăm các vụ việc do các “ngôi sao thể thao” gây ra. Nhưng họ thường thoát, ngay cả những vụ nghiêm trọng nhất vì được nhiều “fan” cao cấp chống lưng.
[7] Bài báo trên tờ “Tin tức” về kế hoạch của cảnh sát trong việc “trồng người” vào trại giam và trại lao động cải tạo có tên “Có người là có điều khoản áp dụng” (Tin tức, ngày 30 tháng 3 năm 1989). Bốn năm “cải tổ” của Gorbachev.  
[8] “Tuyên trắng án” là thóa mạ công tác của các “cơ quan bảo vệ pháp luật” và làm mất uy tín của các cơ quan đó (Báo Văn học, ngày 13 tháng 10 năm 1971). 
“Nhân danh cái gì mà tòa loại bỏ khái niệm bản án vô tội?” (Tin tức, ngày 25 tháng 7 năm 1985). Các công tố viên đã “quên” cách viết những bản án vô tội rồi. Bản án cuối cùng mà họ nhớ, được tuyên ở Krasnoiarsky cách đây đúng 15 năm (Tin tức, ngày 24 tháng 5 năm 1986). Điều này trùng hợp với quan sát của tôi “… thời gian gần đây (!) đã xuất hiện những bản án vô tội” (Tin tức, ngày 12 tháng 5 năm 1988).
[9] Những tên cán bộ ăn cắp dù bị kết án cũng không bao giờ phải ngồi tù. Shakhverdiev, nguyên giám đốc sở thương nghiệp thị trấn Bataisk bị tuyên 10 năm tù giam nhưng đã ra tù một năm rưỡi sau đó. Krylov, “anh hai” của thị trấn đã “xin” cho ông ta. Hiện nay Krylov là thư kí công đoàn tỉnh (Báo Văn học, ngày 28 tháng 1 năm 1987). 
Đa số những kẻ bị kết án nhiều năm tù giam trong vụ “Uzbekistan” đã được về nhà.  
[10] Vì các điều tra viên trực thuộc viện kiểm sát và viện chịu trách nhiệm về công việc của họ nên hai bên bao che nhau trong việc che dấu khuyết điểm và tội phạm. Hiện nay người ta đang thảo luận: điều tra viên nằm trong cơ quan nào để đảm bảo rằng họ hành động một cách độc lập! Đúng là logic Xô viết!  
[11] Vài thí dụ: Vì lấy hai lọ dưa chuột muối của mẹ vợ mà con rể bị một năm rưỡi tù giam. Một thanh niên bị hai năm tù giam vì không trả bạn đôi kính râm. Một phụ nữ bị một năm rưỡi tù giam vì lấy của bà bạn một túi nilon (Báo Văn học, ngày 24 tháng 8 năm 1986).
[12] Kĩ thuật như sau: đặt cuốn sách lên đầu rồi đấm thật mạnh. Không để lại dấu vết. Có thể giết người bằng cách đó. Không ai chịu đựng nổi.  
[13] Tòa án thành phố Moskva kết án A. phạm tội nghiêm trọng và tuyên 12 năm tù giam. Các nhân chứng phản đối, nhưng sau phiên tòa người ta đã sửa các bản cung của nhân chứng! Luật sư yêu cầu xem lại biên bản, nhưng yêu cầu bị bác. tòa án Tối cao hủy bỏ bản án vì biên bản đã bị chữa bằng loại mực khác (xin nói thêm là tại các phiên tòa người ta không ghi tốc kí. Biên bản do các thư kí viết. Việc các thẩm phán sửa biên bản là hiện tượng thường thấy. Vì vậy sau khi tòa kết thúc một số luật sư phải chụp ảnh ngay biên bản (Tin tức, ngày 17 tháng 11 năm 1964). 
Lính cứu hỏa B. bị ngồi tù 10 tháng vì tội trộm cắp, mặc dù khi vụ mất cắp xảy ra thì anh ta đang trực ban. Vô tình mà người ta tìm được mấy tên trộm (Tin tức, ngày 1 tháng 7 năm 1969). 
Krasnoiarsk. A. bị xử tử hình sau khi bị tra tấn và “thú nhận”. H. bị xử từ hình vì tội giết người trong tình huống tương tự (Nước Nga Xô viết, ngày 17 tháng 9 năm 1987). 
Tỉnh Saratov. T. bị xử tử hình vì “tội giết hai người phụ nữ”. Sau này người ta đã tìm được kẻ sát nhân. 
Tỉnh Novosimbirsk. Khrenov, một kẻ có nhiều tiền án, thụ án trong trại giam. Hắn thực hiện nhiều vụ hãm hiếp và giết người. Mấy người bị kết tội thực hiện các vụ giết người đó, trong đó có hai người bị xử tội giết vợ. Mãi năm 1987 Khrenov mới bị lật tẩy và bị tử hình (Nước Nga Xô viết, ngày 23 tháng 12 năm 1987). 
[14] Feofanov, bình luận viên tờ Tin tức viết: “Các nhà lí luận và các nhà báo hãy vứt bỏ khái niệm “trọng chứng”. Đối với cơ quan điều tra thì quan trọng là lới thú nhận tội lỗi. Ngay cả những điều phi lí cũng được, miễn là nhận. Và điều đặc biệt là, có thể điều khủng khiếp nhất chính là không hề xảy ra một sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng nào trong quá trình điều tra (Tin tức, ngày 25 tháng 9 năm 1937).
[15] Công nhận rằng hiện nay không nghe thấy những chuyện như thế trong KGB, nhưng một cán bộ có trách nhiệm của KGB, thượng tá V. Koroliov, nói: “Những kẻ như Khvata (tên này đã tra tấn nhà bác học N. Vavilov, hiện nghỉ hưu) được coi là trong sạch. Các điều tra viên không đánh đập, không tra tấn, không hiếp phạm nhân, việc đó là do những tên chỉ điểm trong các buồng giam làm, chuyện này đã được nói tới trong tác phẩm: “Lời tự thú của một chỉ điểm” trên tờ Ngọn lửa nhỏ. Các cơ quan KGB, Bộ nội vụ và viện kiểm sát ở trung ương cũng như địa phương đều làm như thế cả. Vì vậy đáng ra bên cạnh Gdlian và Ivanov phải xử thêm nhiều “cán bộ pháp luật” khác nữa mới đúng. Gdlian và Invanov cũng như các nhân viên KGB trung thành với họ đã hành xử trong khuôn khổ của các quyết định và hướng dẫn nội bộ. Nhưng hiện nay người ta đã cố tình quên các văn bản này (Ngọn lửa nhỏ, 1990, số 43, trang 30).  
[16] “Theo luật hiện nay giới hạn là 2 tháng. Ngoài ra thì là các “ngoại lệ”: viện trưởng viện kiểm sát tỉnh.. có thể kéo dài thành 3 tháng, nước cộng hòa đến 6 tháng, viện trưởng viện kiếm sát Tối cao đến 9 tháng. Thế hóa ra đây là giới hạn cao su”. Kẻ nào dám gọi luật pháp là “cao su”? Xin lỗi, đây là ông A. Buturlin, phó viện trưởng viện kiểm sát Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nga nói đấy (Tin tức, ngày 21 tháng 5 năm 1989). Có thể tin được. Nhưng ông ta không nói rằng việc kéo dài thời hạn như thế không phải do luật định mà là do “thực tiễn”, được Xô viết Tối cao thông qua.
[17] Xin đưa ra ở đây một văn bản nữa mặc dù chỉ có tính gián tiếp: Ngày 27 tháng 4 năm 1985 tại một ngôi nhà ở Armenia xảy ra một vụ cướp của giết người. A. X. một người bệnh có mặt trong ngôi nhà lúc xảy ra vụ án không bị đưa đi xét hỏi và chết vào đầu tháng 5. “Không có giám định y khoa tình trạng của A. X. Lúc nhập viện cũng như nguyên nhân cái chết của ông ta. Sáu tháng sau N. bị bắt và hai ngày sau “thú nhận” và bị tòa án Tối cao Armenia kết tội cướp của giết người, mặc dù anh ta khẳng định tại tòa rằng khi vụ án xảy ra anh ta có mặt tại một khu vực khác và các nhân chứng cũng đồng loạt khẳng định như thế. Tình trạng ngoại phạm không được kiểm tra. Chủ tịch đoàn tòa án Tối cao hủy bỏ bản án và cho điều tra lại (Bản tin của tòa án Tối cao Liên Xô, 1988, số 2 trang 46-48). 

Xin phân tích trường hợp cụ thể này: 
  -- Tại sao tòa án Tối cao Armenia và tòa án Tối cao Liên Xô không đặt câu hỏi vì sao N. lại thú nhận , trong một vụ án “tử hình”, nhanh chóng như thế? Câu trả lời đã rõ: họ biết vì sao. 
  -- Tại sao không cho kiểm tra tình trạng ngoại phạm, chả lẽ các quan tòa lại kém đến thế? Vì sẽ phải đình chỉ vụ án và khởi tố các “cơ quan bảo vệ pháp luật”. 
  -- tòa án tối cao Armenia có thể tự mình ra quyết định chấm dứt vụ án và không điều tra thêm. Tại sao họ không làm như thế mà vẫn bắt N. phải tạm giam tiếp? Để viện kiểm sát cho “chìm xuồng” mà không gây ra bất kì phản ứng nào. 
[18] Phần lớn các nghị định của Hội đồng dân ủy Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nga (trên thực tế là cơ quan quyền lực cao nhất) đều do Lenin kí hoặc Lenin soạn. Khi còn là sinh viên tôi đã lấy làm ngạc nhiên vì không tìm thấy kiến thức pháp lí trong những văn bản này. Thực ra là Lenin đã bị đuổi học, ông ta trả thi theo lối học từ xa. 
Gorbachev là Tổng bí thư thứ hai có bằng luật học, nhưng người ta cũng không tìm được kiến thức luật học trong các nghị định mà ông ta kí; cũng như không thấy kiến thức của một chuyên gia kinh tế nông nghiệp trong “Cương lĩnh về lương thực” do ông ta soạn thảo, sau này ông ta cũng không nhớ đến cương lĩnh đó mặc dù đã đến lúc kiểm tra kết quả của nó, trong khi nền nông nghiệp đã phá sản hoàn toàn. Nhưng Gorbachev học luật trong “giai đoạn khủng khiếp của Trường đại học tổng hợp Moskva. Đấy là giai đoạn kết thúc cuộc đấu tranh chống lại những người theo đường lối quốc tế (Kosmoplitism). Không chỉ người gốc Do Thái bị đuổi. Người ta đuổi tất cả các nhà khoa học chân chính và những người có nhân cách… Khoa luật chỉ còn độc một lũ đê tiện, những kẻ đã tiến hành cuộc đấu tranh chống những người theo đường lối quốc tế. Nhưng vấn đề là họ không chỉ đê tiện. Họ còn là những người ngu (Ngọn lửa nhỏ, năm 1991, số 5, trang 19).
[19] Tập hợp các điều luật của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nga, năm 1917, số 2, trang 21.
[20] Tập hợp các điều luật của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nga, năm 1917, số 3, trang 41.
[21] Tập hợp các điều luật của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nga, năm 1919, số 66, trang 500.
[22] Tiếu lâm thời đó: 
“Tù vì lí do gì?” 
“Vì lười!” 
“Lười là sao?” 
“Thì ba thằng ngồi uống… Thằng Vaska kể chuyện tiếu lâm… Cần phải chạy ngay, nhưng lười, cứ nghĩ mai chạy cũng được… Thằng Petka khôn hơn, nó bỏ chạy lúc nửa đêm…”
[23] Đây là câu nói của Stalin, thêm chữ U vào cạnh Stalin nghĩa là Stalin được sống tốt hơn, Stalin được sống vui hơn –ND.
[24] Furseva (1910-1974), từng là bí thư trung ương Đảng, ủy viên Bộ chính trị, 14 năm liền là bộ trưởng Bộ văn hóa Liên Xô – ND.

[25] Hướng dẫn luật hình sự Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nga, М , 1971, trang155.
[26] Một người phụ nữ nhỏ nhắn và chồng bà ta bị kết đúng tội này. Người chồng viết đơn và đến gặp kiểm sát viên, kiểm sát viên liền bắt ông ta và nhốt vào phòng tạm giam! Hoàn toàn đúng luật! Kiểm sát viên bảo: “Để khỏi cản trở quá trình điều tra” (Tin tức, ngày 24 tháng 10 năm 1986). Đúng là điều 89 luật hình sự cho phép bắt giam nếu “có cơ sở cho rằng (?) phạm nhân cản trở quá trình điều tra vụ án”.   
Thí dụ việc áp dụng điều1903 bộ luật hình sự “Tố chức hoặc tham gia vào những hành động phá hoại trật tự xã hội có đông người tham gia”, đối với người biểu tình thì áp dụng điều 206. Việc áp dụng điều 1903 làm người ta có cảm tưởng như việc đấu tranh với những người biểu tình được thực hiện theo đúng pháp luật. Lời văn của điều luật này tuy rất mù mờ, nhưng để quy trách nhiệm theo điều luật này vẫn đòi hỏi có sự phá hoại trật tự, “làm rối loạn giao thông công cộng, cản trở công việc của các cơ quan hay xí nghiệp nhà nước”. Để không gây trở ngại cho bất kì ai, những người biểu tình đã lợi dụng quảng trường rộng lớn trước thư viện mang tên Lenin, ở đây không có phương tiện giao thông nào cả. Nhưng người biểu tình vẫn bị giải tán và bị quy trách nhiệm vì lúc nào cũng có thể nói rằng họ cản trở người ra vào thư viện và tầu điện ngầm.  
[27] Người ta nói rằng Tổng thống Reagan kể cho Gorbachev câu chuyện tiếu lâm Liên Xô như sau: 
“Tôi có thể đi đến Nhà Trắng và hô: Đả đảo Reagan!”, một người Mĩ nói. 
“Tôi cũng có thể đến quảng trường Đỏ và hô: Đảo đảo Reagan!”, anh người Nga đáp. 
Trên thực tế người không có lệnh đặc biệt mà hô: “Đả đảo Reagan” trên quảng trường Đỏ có thể bị 15 ngày tù vì tội càn quấy. Một thí dụ: Sinh viên trường đại học tổng hợp Moskva muốn thử kiểm tra xem có thể ngồi trên ghế ở quảng truờng Đỏ được không. Anh ta mang theo ghế ra quảng trường, nhưng vừa ngồi xuống thì đã bị đưa vào đồn công an (Moskva buổi chiều, ngày 25 tháng 2 năm 1991).
[28] Chống công an và dân phòng –ND.
[29] Luật hình sự. Phần đặc biệt. Nhà xuất bản pháp lí, М., 1968, trang 5.
[30] Dân ủy tư pháp, D. Kursky, trong bản tổng kết giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 năm 1918 đã phê phán một số tòa án vì họ đã áp dụng các hình phạt thời trước cách mạng “đo đạc một cách chính xác như trong hiệu thuốc hình phạt cho hành động này hay hành động kia… Trong khi đó tinh thần cách mạng và nhận thức pháp lí cách mạng, mà các tòa án phải tuân theo trong khi xét xử, cho ta một cách hành xử: tòa án có quyền tự do lựa chọn hình thức trừng phạt, tùy thuộc vào hoàn cảnh”. D. Kursky. Các bài phát biểu và bài báo chọn lọc. М., 1948, trang 30.
[31] Bộ luật hình sự Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nga. Bình luận. М., 1945, trang 29. Các tác giả không thể không biết rằng họ nói dối đến 3 lần.  
[32] Trại cải tạo xuất hiện ngay sau cách mạng, là chỗ cách li “kẻ thù của nhân dân” vì nhà thù không đủ chỗ chứa. Hình thức trại lao động khổ sai sau này mới được phát minh và lần đầu tiên trong lịch sử văn học Nga một hệ thống như thế được các văn sĩ, dưới sự lãnh đạo của “nhà văn vô sản vĩ đại” Maxim Gorky, ca ngợi. Các nhà khoa học cũng không đứng ngoài đội đồng ca về tính ưu việt của hệ thống nhà tù “xã hội chủ nghĩa. Xem thí dụ, L. Krakhmaltrik. Điều kiện hóa pháp luật về lao động cải tạo. М., 1978, trang 66.
[33] “Thống kê “màu hồng” của các năm trước nói rằng tội phạm ngày càng giảm đã tạo ra quan niệm rằng việc xây các nhà tù đáp ứng được các yêu cầu hiện đại của nhận thức pháp lí, điều kiện sống và điều kiện kĩ thuật hiện là là thừa, không những thế nó còn là việc không hay nếu xét theo quan điểm uy tín quốc gia. Thế là cũng từ quan điểm uy tín quốc gia đó chúng ta có: các phòng tạm giam được xây từ trước cách mạng hoặc nằm trong các khu nhà cũ vừa chật chội vừa không hợp vệ sinh (Báo Văn học, ngày 15 tháng 7 năm 1987). O. Traikovskaia, tác giả bài báo còn nói đến khía cạnh “tích cực” (cho chính quyền): “tạm giam trở thành hình phạt (phạt năng vì đúng ra tạm giam không được coi là hình phạt). Nói cách khác nó là một hình thức tra tấn, buộc phạm nhân phải “nhận”. 
Người ta còn nói đến những trường hợp, đặc biệt là trong các nhà tù trung chuyển, khi tù nhân không có chỗ mà nằm, họ phải ngồi sát cạnh nhau mới đủ chỗ. Trong buồng giam như thế chỉ có một “thùng chung” cho tất cả mọi người. Phải hai người đàn ông lực lưỡng mới có thể khiêng được nó ra ngoài. Người Liên Xô có thể tưởng tượng được không khí trong đó, nhưng Đảng viên xã hội phương Tây thì chắc là không. 
 "Nhà tù Butưrski được xây dựng vào năm 1771. Emelian Pugatrev từng ngồi tù trong đó. “Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa nhà tù từng một thời được coi là kiểu mẫu đã biến thành trại giam bình thường”, một nhà báo đã viết như thế. “Phòng đơn giam 5-6 người. Phòng cho 25 phạm nhân thì giam 50-60 người. Theo tiêu chuẩn hiện nay nhà tù có thể chứa 2,5 ngàn người. Nhưng hiện có đến gần 4 ngàn phạm nhân. Vì vậy có phòng người ta phải thay phiên nhau nằm ngủ” (Tin tức, ngày 7 tháng 3 năm 1991). Trong những năm “phục hưng tinh thần” các phòng tạm giam được đưa vào.. nhà thờ (Kineshma, xây năm 1779), nhà thờ Hồi giáo (Karshi, xây năm 1830), chuồng lạc đà (Azerbaijan, dĩ nhiên là không có cống thoát nước và lò sưởi rồi), trong chuồng ngựa của đội kị binh của Sa hoàng (Ordzhionikidze). Thôi thì nhận đại miễn là được vào trại giam, dù sao điều kiện cũng “dễ thở hơn”.   
[34] Trong những năm 1920 tiêu chuẩn (nghĩa là diện tích tối thiểu) cho một người là 9m2. Sau đó nó trở thành tiêu chuẩn tối đa. Hiện nay những gia đình có diện tích 4,5m2 trên một đầu người không được đưa vào danh sách xếp hàng, một số thành phố là 4,5m2 một người.
[35] Theo điều lệnh nội vụ trại giam thì mọi người được gửi thư cho các tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước và các cơ quan khác mà không chịu bất cứ hạn chế nào. Nhưng trên thực tế thì phạm nhân sẽ bị trừng phạt bằng cách biệt giam “vì đã gửi thư có chứa đựng những điều vu khống đối với ban lãnh đạo trại”.
[36] “Xí nghiệp của chúng tôi không khác gì các xí nghiệp khác của nền kinh tế quốc dân. Sự khác biệt duy nhất là chúng tôi nộp 65% lợi nhuận vào ngân sách và chúng tôi có quĩ khen thưởng thấp nhất: chỉ khoảng 6% quĩ lương”. Bài trả lời phỏng vấn nói trên của Gulaev.
[37] Lí thuyết nhà nước và pháp luật, М., 1963, trang 104.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét