Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

Kant và Hegel: hai mô hình tư duy


SGTT.VN - Luận điểm cơ bản (xem từ: Văn hoá hiện đại): các nền văn hoá chỉ trở thành hiện đại khi con người nhận ra sự đa dạng và sự hữu hạn của chính mình và sống phù hợp với nhận thức ấy. Đồng thời, điều này lại đòi hỏi nền văn hoá phải có một cấu trúc cơ bản để giúp con người dễ dàng nhận ra hai tính chất trên. Như đã thấy, cấu trúc ấy chính là sự phản tỉnh.

Sự phi – tập trung hoá và… quan hệ quốc tế

Triết gia Đức Georg Hegel (1770 – 1831)
Henry Kissinger, trong quyển Bàn về Trung Quốc (On China) mới đây đưa ra nhận xét khá chính xác: “Quan niệm phương Tây hiện đại về quan hệ quốc tế được hình thành từ thế kỷ 16 – 17, khi cấu trúc của xã hội Âu châu thời Trung cổ bị phá vỡ thành một nhóm các nhà nước với sức mạnh tương đương và nhà thờ Thiên Chúa giáo phân chia thành nhiều giáo phái khác nhau. Ngoại giao để cân bằng quyền lực các bên không phải là sự lựa chọn mà là điều tất yếu. Không nhà nước nào đủ mạnh để áp đặt ý chí của mình; không tôn giáo nào giữ được đủ quyền lực để có thể duy trì tính phổ biến. Khái niệm quyền tự quyết và bình đẳng về mặt pháp lý giữa các nhà nước trở thành cơ sở của công pháp quốc tế và ngoại giao”. Rồi Kissinger so sánh: “Cách hiểu của người Trung Quốc về trật tự thế giới rất khác biệt với phương Tây”, vì những nét đặc thù của quốc gia này.

Độc lập với các quan điểm và kết luận khác của Kissinger trong quyển sách, nhận định trên đây xác nhận sự khác biệt giữa một nền văn hoá nhất phiến, độc tôn theo kiểu truyền thống, tiền hiện đại và nền văn hoá đã được phi – tập trung hoá, tạo điều kiện khách quan cho tư duy và cung cách hành xử hiện đại. Tuy nhiên, đằng sau những nguyên nhân lịch sử và địa chính trị, cần kể thêm yếu tố phản tỉnh ở bề sâu trong văn hoá Âu châu.

Mô hình Kant
Xin trở lại với cống hiến lịch sử của Kant dưới mắt Heinrich Rickert: “Kant là nhà tư tưởng đầu tiên ở châu Âu đã tạo ra được những cơ sở lý luận khái quát nhất, giúp mang lại những câu trả lời khoa học cho các vấn đề văn hoá hiện đại. Ba quyển phê phán của ông đúng là “phê phán” theo nghĩa biện biệt, vạch ranh giới, tương ứng với tiến trình tự trị hoá và dị biệt hoá của văn hoá, một tiến trình vốn đã hình thành từ thời cận đại nhưng chưa có được sự diễn đạt lý luận trong triết học trước Kant”. Ta đều biết ba sự “biện biệt” nổi tiếng của Kant theo kiểu lưỡng phân (chia đôi) giữa: vật – tự thân (bản tính và bản chất đích thực của đối tượng nhận thức) và hiện tượng (vật xuất hiện ra cho ta), giữa cái khả niệm (chỉ có thể suy tưởng chứ không thể nhận thức) và cái khả giác, giữa cái đang là (cái chân) và cái phải là (cái thiện). Đặc biệt, sự phân biệt giữa vật tự thân (không thể nhận thức được) và hiện tượng (lĩnh vực duy nhất có thể nhận thức được) không chỉ đánh dấu sự hữu hạn của nhận thức con người, mà chính qua đó, lại mở ra lĩnh vực mênh mông của sự tự do, khi con người làm theo tiếng gọi của mệnh lệnh luân lý nội tâm, không bị giản lược và khống chế bởi cái “đang là”.

Mô hình Hegel
Các triết gia tiếp sau Kant chế nhạo và công kích Kant đã quá “rụt rè, nhút nhát”! Khi Fichte muốn xoá bỏ “vật tự thân”, ông có tham vọng xoá bỏ luôn sự phân biệt giữa nhận thức (luôn có điều kiện) và tư duy (vô điều kiện, tha hồ bay bổng) vốn là môi trường của siêu hình học tiền –phê phán. Hegel còn đi xa hơn, khi cho rằng các sự phân đôi của Kant là cứng nhắc, thiếu “biện chứng” và dõng dạc tuyên bố: “Vượt bỏ những sự đối lập đã trở nên cứng nhắc ấy (của Kant) là mối quan tâm duy nhất của lý tính”. Hegel xem các sự phân đôi ấy là sản phẩm của sự phân ly và tha hoá, đánh mất cái toàn thể viên mãn. Vì thế, nhiệm vụ cao cả của triết học hiện đại là phải khắc phục sự tha hoá, vượt qua sự phân ly bằng nỗ lực khổng lồ của một sự “hoà giải” tối hậu. Thế nhưng, ai cũng thấy rằng việc hoà giải để khắc phục sự phân ly ắt phải tiền giả định một sự thống nhất nguyên thuỷ. Chỉ có thể “tái hợp” những gì vốn đã hợp nhất từ căn nguyên. Mô hình “nhất thể – phân ly – hoà giải” này luôn có sức gợi cảm và hấp dẫn lớn lao, bởi nó là phiên bản thế tục nhưng còn mang đầy âm hưởng thần linh của “huyền nhiệm sáng tạo” trong hầu hết những cảm thức tôn giáo. Mô hình này cũng nhất thiết phải mang tính chất triết học lịch sử, nghĩa là, có tính tự sự như một câu chuyện kể về một sự thống nhất nguyên thuỷ, nay bị phân ly và tha hoá đi, do đó cần tái hoà giải trong một “tổng hợp đề”. Đó là lý do khiến J. F. Lyotard, tác giả tiêu biểu của trào lưu hậu – hiện đại, mệnh danh mô hình ấy là một “đại – tự sự” huyễn hoặc. Thêm nữa, tiến trình hiện đại hoá văn hoá ở các nước khác nhau không nhất thiết dựa theo một mô hình lịch sử duy nhất, miễn là hội đủ các đặc điểm cấu trúc của văn hoá hiện đại.

“Hoà giải” hay “hoà bình”?
Hoà giải như là sự kết thúc tha hoá không thể được hoàn tất một lần cho tất cả, trong khi đó, hoà bình là hoàn toàn nằm trong tầm tay của con người và, theo Kant, là điều con người phải làm, khi tự xét mình như một hữu thể luân lý.
Như giữa quả cam và quả táo, khó có thể so sánh mô hình của Kant và của Hegel theo kiểu “hơn kém”, bởi lẽ đơn giản: đây là hai mô hình khác nhau về nguyên tắc. Mô hình “nhất thể –phân ly – hoà giải” của Hegel hoàn toàn xa lạ với Kant. Sự lưỡng phân, theo Kant, không phải là sự tha hoá “bắt nguồn” từ một sự thống nhất nguyên thuỷ nào cả. Với ông, thật không thể hình dung một trạng thái hay một thời kỳ lịch sử nào trong quá khứ hay tương lai, nơi đó vật tự thân và hiện tượng, cái khả niệm và cái khả giác, cái đang là và cái phải là (đã hoặc sẽ) hợp nhất với nhau! Vì thế, Kant không xem hiện đại hoá như một “đề án” phải thực thi như cách hiểu của Habermas theo truyền thống Hegel, trái lại, chỉ như một sự “khai minh” về thực trạng. Nói cách khác, Kant phản tỉnh về văn hoá hiện đại từ “thân phận con người”, trong khi Hegel tư duy về hiện đại trong viễn tượng vượt bỏ thân phận hữu hạn ấy. Trong viễn tượng chính trị, sự hữu hạn của lý tính con người dẫn đến sự khác biệt cơ bản giữa ý tưởng về hoà giải với thực tại nơi Hegel hay hoà giải trong thực tại nơi các môn đồ của ông với ý tưởng về bảo vệ và kiến tạo hoà bình.

Hoà giải như là sự kết thúc tha hoá không thể được hoàn tất một lần cho tất cả, trong khi đó, hoà bình là hoàn toàn nằm trong tầm tay của con người và, theo Kant, là điều con người phải làm, khi tự xét mình như một hữu thể luân lý. Nếu tính hiện đại liên quan mật thiết với tinh thần khai minh và không (còn) ảo tưởng, thì Kant, như nhiều tác giả nhận định, tỏ ra “hiện đại” hơn Hegel!

(còn tiếp)
Bùi Văn Nam Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét