Tạ Duy Anh (Theo Quechoa)
Không ai nghi ngờ ông Tập
Cận Bình, người đứng đầu một cường quốc, không phải là một chính khách lớn. Dám
nghĩ tới một “Giấc mơ Trung Hoa” đề cao sức mạnh cơ bắp, dù nghe có vẻ hài hước
và kệch cỡm khi đặt cạnh “Giấc mơ Mỹ”, nhưng không là người đủ tự tin vào vai
trò chính khách lớn của mình, chắc sẽ không dám nói như vậy.
Mặc dù với người viết bài
này, ông Tập đang là kẻ xâm lược cần phải bị xua đuổi không khách khí, nhưng
thành thực mà nói, rất khó ngăn tôi mong muốn đất nước mình cũng có một chính khách
tầm cỡ như ông về sự quyết đoán, để dẫn dắt dân tộc thoát khỏi vùng tối tăm
ngàn đời (và vĩnh viễn) tạo ra bởi cái bóng Trung Hoa khổng lồ. Vì là một chính
khách mạnh mẽ nên ông rất biết tận dụng thiên hạ đại loạn để thủ lợi cho dân
tộc Trung Hoa của ông, như vụ chớp nhoáng đưa giàn khoan HD- 981 vào vùng biển
của Việt Nam hôm mồng 2-5 vừa qua rồi lớn tiếng bảo đó là của mình? Phải tự tin
về quyền lực cỡ nào Tập tiên sinh mới đàn áp thẳng tay những người dân vốn bị
coi là “nhung, địch” dám đòi hỏi quyền tự trị nhiều hơn với nhà Hán?
Tuy đang trên đà thành
cường quốc, nhưng chưa bao giờ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đứng trước nguy
cơ nội loạn như thời kỳ sắp tới, không chỉ vì vấn đề sắc tộc. Tăng trưởng kinh
tế, thu nhập cao tính theo đầu người, quân đội, cảnh sát hùng mạnh, vẫn không
đảm bảo chắc chắn cho sự ổn định của một chế độ kiểu như của Trung
Quốc. Những gì xảy ra ở Bắc Phi, nơi nhiều nước có thu nhập cao gấp
đôi, gấp ba Trung Quốc, tự do, dù bị hạn chế, cũng vẫn nhiều gấp vài lần Trung
Quốc, hẳn ông Tập hiểu rất rõ. Chỉ cần tăng trưởng GDP của nước ông tụt xuống
mức 5 %, là hàng chục triệu người dân Trung Quốc sẽ mất việc và họ sẽ làm loạn.
Đó là cái giá phải trả dành cho kẻ nào muốn leo thật cao bằng cách dùng rác tạo
ra trái núi rồi tót lên đỉnh, cốt chỉ để thỏa mãn cảm giác được ngồi trên đầu
thiên hạ. Chỉ cần một vài cuộc biểu tình là Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông… vùng
dậy tìm cách thoát ách kìm kẹp của người Hán vốn tôn thờ chính trị bá đạo.
Vì là chính khách tầm cỡ
thế giới, nên ông tường tận tất cả những nguy cơ quốc nội đó. Nếu điều này ông
chưa biết, thì tôi sẽ nói cho ông biết nốt: Giả dụ một quả tên lửa bắn vào Hà
Nội, thì người dân Việt sẽ đổ về các vùng biên ải với mọi loại vũ khí; trong
khi một quả tên lửa rơi xuống Bắc Kinh hay Thượng Hải, người dân Trung Quốc sẽ
đổ xô tìm nơi thoát thân ở vùng Tây Tạng hoặc tìm trước từ ngữ lo xa cho một
văn kiện đầu hàng. Chúng ta, ông và tôi, dù có muốn (bằng hành động như ông và
bằng ý nghĩ như tôi) thay đổi cái thiên tính ấy của dân tộc mình cũng đành bó
tay thôi.
Nhưng đó là chuyện nhỏ,
so với những hiểu biết chính trị của ông. Vì thế tôi vẫn đủ cơ sở để tin ông là
một chính khách lớn, với những gì đã nói ở trên.
Thế mà ông vừa khiến cái
nhận định đó của tôi bị lung lay. Cả thế giới phẳng này biết điều gì nguy hiểm
đang ngày ngày diễn ra trên biển Đông, mà nguyên nhân là do cuộc xâm lược ngạo
mạn của Trung Quốc, vào lãnh hải của Việt Nam. Thế mà trong cuộc hội đàm với
ngài Thủ tướng Malaysia Najib Razak,
người đến Bắc Kinh với tâm lý chưa trả xong món nợ MH-370 nên phải cố gắng dĩ
hòa vi quý, nói những lời xã giao làm vui lòng chủ nhà, ngài chủ tịch nước
Trung Hoa, một chính khách lớn, lại tuyên bố ráo hoảnh: “Tình hình biển Nam
Trung Hoa (biển Đông) vẫn yên bình?”
Người Việt định danh hành
động kiểu như vậy bằng cặp từ trơ trẽn.
Một chính khách lớn liệu
có quyền trơ trẽn? Tôi không tự trả lời được câu hỏi này, vì tôi không phải là
một chính khách, đành chuyển nhờ Tập Xếnh Xáng trả lời giúp. Nhưng tôi có thể
giải thích giúp ông từ trơ trẽn hiểu theo nghĩa thông dụng của người Việt như
sau: Ám chỉ kẻ nào làm điều xấu xa, bỉ ổi (như trộm cắp, nói dối, lừa đảo…)
nhưng không biết xấu hổ, mà cứ nhơn nhơn nói những lời nhân nghĩa, ngay thẳng
trước bàn dân thiên hạ. Với họ, một kẻ trơ trẽn chỉ đáng coi thường, thương hại
mà tuyệt nhiên không đáng sợ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét