Lê Kiên - TuoiTre
20-6-2014
TT - Ngày 19-6, mặc dù nghị trình của Quốc hội là thảo luận về dự án Luật căn cước công dân, nhưng đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã “xin lỗi Quốc hội” để phát biểu về một điều mà ông nghĩ rằng nhân dân đang trông đợi.
Tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc xuất hiện khu vực vùng biển phía nam đông nam giàn khoan ngày 3-6
Ảnh: Tuổi Trẻ
“Nếu Quốc hội lần này không có tuyên bố hay nghị quyết chính thức gì cả về biển Đông, tôi tin rằng nhân dân ta sẽ rất thất vọng, thậm chí hoang mang. Đại biểu Quốc hội chắc chắn sẽ nghẹn lời trước những ý kiến chất vấn của cử tri. Còn phía dư luận thế giới chắc sẽ bình luận rằng: Một hành vi xâm phạm và đe dọa chủ quyền của Việt Nam trắng trợn đến thế mà Quốc hội nước này không có phản ứng chính thức gì thì việc gì mà nghị sĩ và nhân dân các nước khác phải lên tiếng. Và đây có thể là một cái cớ để phía Trung Quốc tiến hành những việc làm hiếu chiến và nguy hiểm hơn nữa” - ông Nghĩa nói.
Ông bày tỏ mong muốn lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước xem xét, chấp thuận kiến nghị này. “Nếu cần, xin lấy ý kiến của các đại biểu, nếu đa số ủng hộ thì ta làm. Tôi rất mong các đại biểu Quốc hội chia sẻ sự băn khoăn và ủng hộ kiến nghị của tôi” - ông Nghĩa tha thiết.
Ông bày tỏ mong muốn lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước xem xét, chấp thuận kiến nghị này. “Nếu cần, xin lấy ý kiến của các đại biểu, nếu đa số ủng hộ thì ta làm. Tôi rất mong các đại biểu Quốc hội chia sẻ sự băn khoăn và ủng hộ kiến nghị của tôi” - ông Nghĩa tha thiết.
Trả lời phỏng vấn báo chí sau khi phát biểu tại hội trường, đại biểu Nghĩa khẳng định: “Không chỉ riêng tôi, rất nhiều cử tri, rất nhiều các tầng lớp đồng bào, từ những người dân bình thường cho đến cán bộ lão thành đều có ý kiến là Quốc hội không thể không có một động thái nào chính thức”.
* Theo ông, tuyên bố của Quốc hội cần thể hiện những nội dung gì?
- Như tôi đã phát biểu, Quốc hội phải nhân danh nhân dân Việt Nam có một nghị quyết tuyên bố với nhân dân Trung Quốc và nhân dân thế giới lập trường chính nghĩa của mình, lên án hành vi sai trái của Trung Quốc, vạch trần âm mưu “vừa đấm vừa xoa”, “vừa đánh vừa đàm”, “vừa ăn cướp vừa la làng” của Trung Quốc. Đồng thời nghị quyết giao cho các cơ quan nhà nước Việt Nam, các lực lượng vũ trang Việt Nam tiến hành mọi biện pháp bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta, trong đó có biện pháp khởi kiện Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam bằng vũ lực ra các tổ chức tài phán quốc tế.
Tuyên bố cần khẳng định rõ, Quốc hội Việt Nam nói rõ chúng ta có lập trường chính nghĩa về chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa. Bởi vì vừa rồi Trung Quốc tung ra thế giới, kể cả lên Liên Hiệp Quốc, những luận điệu sai trái về cái gọi là chủ quyền của họ với Hoàng Sa, Trường Sa. Do đó, chúng ta phải có sự đáp lại một cách chính thức. Trung Quốc đã đi ngược lại tất cả những gì họ cam kết và thỏa thuận với Việt Nam cũng như với các nước ASEAN. Họ thể hiện rằng họ không từ bỏ âm mưu thực hiện đường lưỡi bò phi lý, âm mưu độc chiếm biển Đông. Vấn đề không chỉ là một cái giàn khoan, không chỉ là dầu khí, mà Trung Quốc muốn âm mưu độc chiếm, kiểm soát biển Đông, cũng như đòi kiểm soát tự do hàng hải của cả vùng châu Á - Thái Bình Dương. Việc kéo giàn khoan là bước đi có tính toán để thực hiện âm mưu đó.
Chúng ta làm những việc như vậy để nhân dân ta và nhân dân thế giới không bị đánh lừa bởi Trung Quốc. Họ kéo giàn khoan ra biển Đông hai tháng nay nhưng họ lại cử người sang Việt Nam nói rằng đảng và nhà nước Trung Quốc coi trọng giữ gìn đại cục... Tức là họ nói những điều mà trước khi kéo giàn khoan ra họ cũng đã nói. Sau khi có giàn khoan họ cũng nói như là không có giàn khoan đang nằm ở đó. Chúng ta không thể chấp nhận kiểu lập luận như vậy. Điều này càng chứng minh rằng Trung Quốc nói một đằng làm một nẻo, nói thì tốt nhưng làm thì xấu.
* Đến nay vẫn có nhiều quan điểm khác nhau về khởi kiện Trung Quốc, cá nhân ông nghĩ thế nào?
- Khởi kiện là một biện pháp đấu tranh pháp lý. Và trong bối cảnh phức tạp như thế, điều kiện phức tạp như thế và ở trong tổ chức tài phán quốc tế thì không bao giờ dễ dàng, thậm chí có những điều không thuận lợi. Chúng ta nhận thức rằng có những thuận lợi và có những khó khăn, đặc biệt trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền thì có điểm yếu và điểm mạnh. Tuy nhiên, các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng đã nghiên cứu chúng ta có những điểm mạnh và đạt được nhiều mục tiêu. Nói tóm lại, khởi kiện Trung Quốc thì có lợi hơn là bất lợi.
LÊ KIÊN ghi
Đó là mong muốn của cử tri, nhân dân
“Tôi ủng hộ kiến nghị của đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Tôi nghĩ rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần xem xét nghiêm túc kiến nghị này. Tôi biết rằng nhiều đại biểu Quốc hội cũng có ý kiến, mong muốn giống như của đại biểu Nghĩa, bởi đó là ý kiến, nguyện vọng, mong muốn của cử tri, của nhân dân ta. Lúc đại biểu Nghĩa phát biểu, tôi nghĩ rằng đã có nhiều đại biểu ủng hộ” - đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) bày tỏ khi phóng viênTuổi Trẻ hỏi.
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cũng cho biết tại phiên thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội, bà đã đưa ra kiến nghị tương tự như đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Cũng đồng tình với quan điểm của ông Nghĩa, đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần xem xét nghiêm túc. “Nhân dân sẽ ủng hộ và hoan nghênh nếu Quốc hội ra tuyên bố” - ông Tùng nói.
Còn đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) bày tỏ: “Theo tôi, nên cân nhắc có thể có một nghị quyết riêng hoặc ít nhất có một nội dung trong nghị quyết chung. Tôi cho rằng nếu nghị quyết của Quốc hội, công việc cuối cùng của kỳ họp, mà không đề cập tới (việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam tại biển Đông - PV) thì sẽ tác động làm người dân cảm thấy không hài lòng”.
LÊ KIÊN - QUỐC THANH ghi
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét