Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

HỘI ĐÀM DƯƠNG KHIẾT TRÌ - PHẠM BÌNH MINH KHÔNG ĐẠT TIẾN BỘ NÀO

18-6-2014

Trong cuộc hội đàm đầu tiên giữa hai nước kể từ khi Bắc Kinh đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên Biển Đông, Uỷ viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đã yêu cầu Việt Nam chấm dứt « thổi phồng » vụ giàn khoan, khẳng định Hoàng Sa là thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh (P) tiếp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì, tại trụ sở chính phủ, Hà Nội, 18/06/2014.

Theo hãng tin AFP, trước khi tiếp ông Dương Khiết Trì hôm nay 18/06/2014 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chào mừng chuyến viếng thăm của « đồng chí Trung Quốc » ở Việt Nam. Cũng theo AFP, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam đã tuyên bố rằng : « Mong muốn của hai nước là giải quyết vấn đề ở Biển Đông ». Về phần ông Dương Khiết Trì, cũng nguyên là Ngoại trưởng Trung Quốc, thì tuyên bố ông đến đây để thảo luận « thẳng thắng » với « đồng chí » Phạm Bình Minh về vấn đề biển Hoa Nam ( Biển Đông )
.
Trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, ông Dương Khiết Trì nhìn nhận rằng quan hệ hai nước đang gặp khó khăn và ông đến Việt Nam lần này theo lệnh của Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc để có các cuộc thảo luận « thẳng thắng, sâu rộng » với « đồng chí » Phạm Bình Minh.

Nhưng trong cuộc họp báo hôm nay tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết là khi thảo luận với Bộ trưởng Phạm Bình Minh, ông Dương Khiết Trì đã nói rằng, đối với vấn đề trên biển hiện nay, hai bên cần phải « xuất phát từ đại cục gìn giữ quan hệ giữa hai Đảng và hai nước, tránh mở rộng, làm phức tạp và quốc tế hoá vấn đề liên quan ». Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc yêu cầu Việt Nam cần phải đình chỉ « quấy nhiễu » hoạt động của giàn khoan, ngưng « thổi phồng » bất đồng, gây ra tranh chấp mới. Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc khẳng định việc Trung Quốc khoan dầu ở vùng này là « hoàn toàn hợp pháp » và nói thêm rằng quần đảo Hoàng Sa là thuộc chủ quyền Trung Quốc. Ông Dương Khiết Trì còn yêu cầu Hà Nội « khắc phục hậu quả » của các vụ bạo động nhắm vào các doanh nghiệp Trung Quốc giữa tháng 5 vừa qua.

Còn theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong cuộc hội đàm với ông Dương Khiết Trì, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nhắc lại quan điểm của Việt Nam rằng việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Dầu khí Hải dương 981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã vi phạm luật pháp quốc tế, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam, đàm phán giải quyết các bất đồng giữa hai nước trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Theo hãng tin AP, một quan chức Việt Nam, xin được miễn nêu tên, hôm nay cho rằng, cuộc hội đàm giữa ông Dương Khiết Trì và ông Phạm Bình Minh đã không đạt được tiến bộ nào để giải tỏa bế tắc của cuộc đối đầu ngày càng gay gắt giữa hai nước trên Biển Đông. Theo lời quan chức này, hai bên vẫn giữ nguyên lập trường đối lập nhau.

Cho tới nay, Hà Nội vẫn cho rằng việc đặt giàn khoan Hải Dương 981 là trái phép, vì khu vực này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và đã liên tục yêu cầu Bắc Kinh rút giàn khoan này đi. Vào tháng trước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố là Việt Nam đang xem xét khả năng kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế về vụ này.

Trước khi rời Hà Nội hôm nay, Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì đã gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng.

Nguyên đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Trọng Vĩnh, được hãng tin AFP trích dẫn, hôm nay cho biết, ông rất ngạc nhiên về chuyến viếng thăm của ông Dương Khiết Trì, bởi vì, kể từ khi có vụ giàn khoan, Hà Nội đã nhiều lần muốn đối thoại cấp cao với Bắc Kinh, nhưng đều bị từ chối. Tuy vậy, ông Nguyễn Trọng Vĩnh cho rằng Trung Quốc không hề có thực tâm muốn giải quyết tranh chấp Biển Đông, mà có lẽ chỉ nhằm tô điểm lại hình ảnh của nước này trước quốc tế.

AFP cũng trích lời giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam, nhận định rằng, Trung Quốc, mà hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, đang ở thế thượng phong và chắc chắc rằng ông Dương Khiết Trì trong chuyến đi này sẽ cảnh cáo Việt Nam về những hậu quả kinh tế nếu quan hệ Việt – Trung xấu đi.

Thanh Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét