Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

'MỸ NÊN HỢP TÁC HẠT NHÂN VỚI VIỆT NAM'

19-6-2014

Các nhà vận động chính sách Hoa Kỳ kêu gọi Quốc hội nước này phê chuẩn thỏa thuận hợp tác hạt nhân với Hà Nội.

Viện Năng lượng Hạt nhân Hoa Kỳ (NEI), một tổ chức vận động hành lang cho ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân Mỹ, cho rằng tăng cường hợp tác với Việt Nam sẽ đẩy mạnh ‘xuất khẩu và việc làm’ cho nước Mỹ.

 NEI nói Việt Nam có kế hoạch phát triển cơ sở hạt nhân có công suất 10 nghìn megawatt, với các nhà máy đầu tiên đưa vào hoạt động vào thập niên tới.

“Thị trường Việt Nam có thể mang lại từ 10-20 tỷ đô la xuất khẩu cho Mỹ, và tạo ra 50 nghìn việc làm thu nhập cao cho người Mỹ,” phó chủ tịch NEI Richard Myers nói.

Nga và Nhật Bản đã có các thỏa thuận riêng với Việt Nam, khiến các nhà sản xuất công nghiệp hạt nhân Mỹ lo ngại bị chậm chân vào thị trường này.

“Nếu không có thỏa thuận, chúng ta không thể tham gia cuộc chơi, chỉ có thể đứng bên ngoài nhìn vào,” David Durham của công ty năng lượng hạt nhân GE Hitachi nói.

“Nếu nó đến quá trễ, sau khi cuộc cạnh tranh kết thúc, thì cũng sẽ không có giá trị. Thỏa thuận phải đến sớm và dài hạn, bởi đó là mối hợp tác dài hạn.”

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng cho rằng Việt Nam có thị trường năng lượng hạt nhân đứng thứ hai châu Á, chỉ sau Trung Quốc.

'Hạt nhân kèm nhân quyền'

Tổng thống Mỹ Obama phê chuẩn thỏa thuận hợp tác hạt nhân song phương với Việt Nam hồi tháng Hai, và đã trình Quốc hội xem xét đầu tháng Năm.

Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực sau 90 ngày làm việc của Quốc hội Hoa Kỳ nếu không bị phủ quyết.

Vào hôm 9/6, Nghị sĩ Adam Kinzinger và Eliot Engel đưa ra nghị quyết ủng hộ thỏa thuận.

“Nước Mỹ có lịch sử đầy tự hào trong việc xuất khẩu công nghệ hạt nhân an toàn cho các đối tác tin cậy trên thế giới,” ông Kinzinger nói.

“Thỏa thuận sẽ giúp tăng cường quan hệ ngoại giao đang được cải thiện của hai nước.”

Tuy vậy, một số nghị sĩ khác cho rằng một dự luật về nhân quyền nên được đi kèm với thỏa thuận hạt nhân, AFP đưa tin.

Mỹ có thỏa thuận hợp tác hạt nhân hòa bình, còn gọi là Hiệp định 123, với hơn 20 quốc gia khác nhau.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét