(Saigon ĐiểmTin) : Theo
lời kêu gọi của Quốc Hội, nhân dân và các tổ chức xã hội cần góp ý về luật sửa
đồi và bổ sung Luật Tổ chức Quốc Hội. Cũng cần phải nhắc lại, đầu năm 2013, Ban
soạn thảo sửa đổi Hiến Pháp cũng kêu gọi người dân góp ý về dự thảo Hiến pháp “không
có vùng cấm”, đặc biệt đã có kiến nghị về dự thảo Hiến pháp, do 72 nhân sĩ trí
thức soạn thảo và ký tên, sau đó có 14.000 người cùng ký tên hưởng ứng, gọi tắt
là “kiến nghị 72”. Không những kiến nghị trên không được sự quan tâm của ban dự
thảo Hiến pháp, mà còn bị TBT Nguyễn Phú Trọng phê phán những người ký kiến
nghị là thuộc loại “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức” và cần đem ra “xử lý”.
Nay khối trí thức CLB Kháng chiến TP Hồ Chí Minh cũng tiếp tục bày tỏ thiện chí
đã khẳng khái, tích cực gởi bản góp ý nầy, với những ý kiến thẳng thắn, cởi mở
và tiến bộ theo hướng dân chủ hóa về tổ chức Quốc Hội. Kết quả ra sao, người
dân sẽ theo dỏi để biết.
Kính gửi :
Quốc hội
Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Ban soạn thảo dự án Luật SĐ-BS Luật TCQH
Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh .
Ngày 10.4.2014, Khối trí thức thuộc Câu lạc
bộ Truyền thống Kháng chiến Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức cuộc họp để nghiên
cứu, thảo luận và góp ý kiến vào "Luật
sửa đổi ,bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội".
Tham gia cuộc họp nói trên còn có một số thành
viên của Khối Văn hóa,-thể thao-Du lịch,Khối Thanh niên thuộc Câu lạc bộ truyền
thống kháng chiến Thành phố Hồ chí Minh,Câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn
Thành phố Hồ chí Minh. Sau khi trao đổi thảo luận, chúng tôi thống nhất nêu
kiến nghị gửi đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Soạn thảo dự án Luật
sửa đổi,bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội,Đoàn
Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh như sau :
I. VỀ PHẦN CHUNG :
1. Sự cần thiết phải thay đổi quan điểm về
"Sửa đổi,bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội" :
Việc tiến hành sửa đổi,bổ sung Luật Tổ chức
Quốc hội được thực hiện trong bối cảnh nước ta đang có những bước phát triển
mạnh mẽ vào quá trình hội nhập sâu rộng với thế giới.
Việt Nam đã ký
kết, tham gia nhiều điều ước quốc tế, trong đó có Điều ước Quốc tế về Quyền con người
khi Việt Nam đã là thành viên chính thức của "Hội đồng Nhân quyền của
Liên Hiệp Quốc". Quốc
hội lại cũng vừa thông qua Hiến pháp 2013 với sự bổ sung nội dung về "Quyền
Con người" tại chương II của Hiến pháp, trong đó có những điều mà
trước đây thường bị cho là "cấm kỵ" và "nhạy cảm" tuyệt đối
không được nói tới trong những bản Hiếp pháp trước đây được xây dựng theo
"mô hình Xô Viết" đã bị thực tiễn bác bỏ.
Vì vậy, theo chúng tôi việc "Tổ
chức Quốc hội" cần phải được
triển khai theo tinh thần khắc phục, loại bỏ dần những nhân tố lạc hậu và lạc
điệu trước những thành tựu của văn minh mà loài người đã đạt được. Nếu nhìn vào
thế giới, những mô hình tổ chức quốc hội quá lỗi thời, đi ngược lại xu hướng văn minh, tiến
bộ, cứ đeo đẳng một thứ dân chủ hình thức để trong thực tế Quốc hội chỉ là một công cụ nhằm hợp
thức hóa những chủ trương, đường lối của đảng cầm quyền, bất chấp ý chí, nguyện vọng của dân ,thì
hầu như đã bị loại bỏ trên hầu hết các quốc gia. Để không lạc hậu và lạc điệu trong thời đại của
nền văn minh trí tuệ thế kỷ XXI, việc "Tổ chức Quốc hội"
lần này nhất thiết phải được triển khai với tinh thần nói trên.
2. Quốc hội phải là tổ chức bao gồm những đại biểu thực
sự của dân, vì dân,do dân bầu chọn trong
cuộc phổ thông đầu phiếu theo tiêu chuẩn quốc tế. Những quy định ấy phải phù
hợp với nội dung các "Công ước quốc tế" mà Việt Nam đã
ký kết, tham gia trước hết là "Công
ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị [1966]" mà nước ta
tham gia năm 1982.
3. Cần khẳng định rằng về "quyền con người",
mỗi nước có cách giải thích và diễn đạt khác nhau tùy thuộc vào thể chế chính
trị và nhận thức của giới cầm quyền. Tuy nhiên, điều ấy không hề và không thể
bác bỏ những giá trị phổ quát của những thành tựu mà loài người đạt được trong
tiến trình con người đấu tranh tự giải phóng mình. Đó là quyền tự do tư
tưởng, quyền được nói lên tư tưởng đó, quyền lựa
chọn người có đủ phẩm chất trí tuệ ,đạo đức và tài năng để ủy quyền và
trao quyền điều hành , quản lý đất nước, vận hành
guồng máy xã hội, nhằm thông qua sự ủy
quyền và trao quyền đó mà mỗi công dân thực hiện "những
quyền không ai có thể xâm phạm được" như Hồ Chí Minh đã dẫn ra
trong "Tuyên ngôn Độc lập 2.9.1945"!
Những giá trị phổ quát có ý nghĩa toàn cầu
đó không thể tùy tiện cắt xén hay chế biến cho hợp khẩu vị với người cầm quyền với
xu hướng mở rộng vô hạn độ quyền lực có trong tay như quy luật khó chối
bỏ. Cho nên, Quốc hội không thể bao gồm những cán bộ, công chức được nhà cầm
quyền tuyển chọn theo kiểu "đảng cử dân bầu"! Phân tích
kỹ câu nói đã trở thành "quen thuộc" ấy sẽ thấy rõ tính chất
phản dân chủ nằm ngay trong đó. Chưa bầu đã biết trước ai trúng ai
trật, ai là nhân vật "đệm" [để cử tri có người mà gạt bỏ], thì còn
"bầu" làm gì nữa cho dù chi phí cho mỗi một cuộc bầu ấy là hết sức tốn
kém mà dân phải gánh chịu. Một khi "Đại biểu quốc hội"
đã được tuyển chọn và "xét duyệt" kỹ cho đủ những thành
phần "tiêu biểu" phù hợp với đòi hỏi của người cầm
quyền không do dân tự lựa chọn và trực tiếp bầu, thì làm sao có thể gọi "Quốc
hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân"?
Muốn "Quốc hội là cơ quan đại
biểu cao nhất của nhân dân" thì phải đổi mới tư duy về cơ
quan đại biểu cao nhất của nhân dân, trước hết phải mạnh dạn từ bỏ mô
hình cũ từng tạo ra một "Quốc hội" không đủ điều kiện để thực hiện
chức năng như nó cần phải có.
Là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân
dân thì dân phải được quyền trực tiếp chọn lựa người đại biểu cho mình.
Tiêu chí tuyệt đối cần thiết là phải có tự do ứng cử và bầu cử theo thông
lệ quốc tế, cùng với điều ấy là phải có tranh cử thông
qua việc các ứng viên trình bày chương trình hành động và trả lời chất vấn của
cử tri trước sự theo dõi và giám sát của nhân dân, của báo chí, truyền thông
trong nước và ngoài nước. Phải có nhiều ứng viên trong một đơn vị bầu cử để mỗi
đơn vị đó chỉ bầu một đại biểu sau khi tìm hiểu thông qua cuộc tranh cử. Vấn đề tự do báo chí có ý nghĩa
trực tiếp đến chất lượng của tự do ứng cử, tranh cử và bầu cử .
4. Vì những lẽ trên, cần xem xét
lại thuật ngữ "cơ quan" chứ không phải là "tổ
chức" để định danh Quốc hội như "cơ quan đại biểu cao nhất', "cơ quan quyền lực nhà
nước cao nhất" .v.v...Đã là "cơ quan" tất
nhiên phải tuân theo những thủ tục hành chính được quy định và phải do "thủ
trưởng" cơ quan điều hành. Do vây, các "Hội đồng"
như "Hội đồng dân tộc",
các "Ủy ban của Quốc hội", các "Trưởng, phó
đoàn Đại biểu Quốc hội" v.v... đều do "bổ nhiệm",
"phê chuẩn" chứ không do ứng cử, đề cử, tranh cử...để
hình thành một cách dân chủ. Chính vì thế, điều luật quy định "các
Đại biểu Quốc hội ngang quyền với nhau" chỉ có giá trị trên giấy.
Đã
đến lúc phải kiên quyết thay đổi nghịch lý
nói trên.
II. VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ KHÁC :
1. Phạm vi điều chỉnh của"Dự thảo
Luật" :
Về mức độ sửa đổi , bổ sung và phạm vi điều
chỉnh, chúng tôi cho rằng những quy định
do Quốc hội thông qua trước đây liên quan đến tổ chức, quy trình hoạt động của
các cơ quan của Quốc hội thì nên tập hợp lại, pháp điển hóa vào Luật tổ chức
Quốc hội như nội quy kỳ họp Quốc hội, quy chế hoạt động của UBTVQH, HĐDT và các
Ủy ban của QH, Đoàn Đại biểu QH, quy trình thông qua Luật, kỹ thuật trình bày
văn bản QPPL, chê độ chính sách đối với đại biểu QH chuyên trách và không
chuyên trách…
2. Lấy phiếu tín nhiệm.
Theo chúng tôi, nên lấy phiếu "bất
tín nhiệm" đối với các cá nhân
do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn ,chứ không nên "lập lờ
nước đôi" kiểu lấy "các mức tín nhiệm" như Nghị
quyết 35 của Quốc hội vừa rồi. Mỗi kỳ họp hoặc ngay sau chất vấn thì công bố
ngay số đại biểu QH đề nghị bỏ phiếu "bất tín nhiệm" chứ không
cần chờ phải đủ 20% mới công bố. Nếu đại biểu QH nào có từ 20% phiếu "bất
tín nhiệm" trở lên so với tổng số đại biểu QH thì tổ chức thực hiện ngay
việc bỏ phiếu "bất tín nhiệm"đối với cá nhân đó.
Chúng tôi đề nghị ghi vào Luật quy định
này.
3. Phân định nhiệm vụ quyền hạn giữa UBTVQH
với HĐDT, các Ủy ban, các ban của Quốc hội.
Mối quan hệ giữa UBTVQH với HĐDT,
các Ủy ban, các Ban của QH là mối quan hệ bình đẳng trong thảo luận,thẩm
tra để đưa ra những quyết định về mọi vấn đề của Quốc hội.Điều hành trong hoạt
động của Quốc hội giữa các tổ chức này
là điều hòa, phối hợp,. Vì thế, đề nghị loại bỏ tất cả các từ "chỉ đạo"
trong Dự thảo vì cách tư duy đó đã đánh mất hoặc làm lu mờ vai trò,vị trí
và tính độc lập của HĐDT, các ỦY BAN, các BAN của QH,Đại biểu
Quốc hội.
Về thực chất, đây là biểu hiện của của tập
quán mệnh lệnh hành chính đã ăn sâu vào não trạng của nhà cầm quyền [hay là của
người soạn dự thảo], mâu thuẫn với phương thức hoạt động dân chủ của tổ chức
dân cử mà ở đó, mọi đại biểu QH đều có quyền ngang nhau vì họ chính là "người
đại diện cho ý chí và
nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước"!
4. Về việc nâng Ban Dân nguyện của UBTVQH lên
thành Uỷ ban Dân nguyện của Quốc hội.
Về điều này, chúng tôi đề nghị nên tham
khảo mô hình "Thanh tra Quốc hội "OMBUSMAN" của Thụy Điển
và các nước Bắc Âu. Cơ quan này,trong quá trình tiếp nhận đơn thư ,tiếp công
dân,giám sát khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm,thì có quyền điều tra và khởi
tố vụ án.
Theo
chúng tôi, cần khắc phục tình trạng hiện nay là xây dựng Ban Dân nguyện theo
hướng trở thành "Văn phòng tiếp dân" “thống kê đơn” "chuyển đơn",
biến nó đơn thuần thành công cụ hay là cơ quan giúp việc của QH, UBTVQH hay các
UB, các Ban của QH,các Đại biểu Quốc hội.
5. Về ĐOÀN THƯ KÝ kỳ họp Quốc hội.
Chúng tôi tán thành mô hình xây dựng Đoàn
Thư ký chuyên nghiệp bao gồm những chuyên gia
chuyên trách trên mọi lĩnh vực đời sống của đất nước nhằm góp phần cung cấp
thông tin cho các ĐBQH để họ có thêm dữ liệu để thảo luận và đưa ra những quyết
định.
Đây là mô hình đưa lại hiệu quả cao của rất
nhiều nước trên giới ,nhằm chuyển Quốc hội thành tổ chức hoạt động thường xuyên.
.
Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi, đề nghị Ban Soạn thảo xem xét một
cách có trách nhiệm và cho chúng tôi ý kiến phản hồi sớm nhất để chúng tôi kịp thời đưa ra những ý kiến phản
biện bổ sung cần thiết .
Chúng tôi hy vọng rằng, với những vấn đề chúng
tôi đặt ra nhưng Ban Sọan thảo không đồng ý sẽ được giải trình một cách minh bạch và công khai
trên các phương tiện thông tin đại chúng
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 05 2014
- Ông Võ Văn Thôn : Phó chủ nhiệm Khối Trí thức,
thuộc CLB truyền thống kháng chiến Thành phố Hồ Chí
Minh
- Bà Huỳnh Thiện Kim Tuyến : Phó chủ nhiệm Khối Thanh
niên,
thuộc CLB truyền thống kháng chiến Thành phố Hồ Chí
Minh
- Ông Nguyễn Văn Kết: Nguyên Chủ nhiệm Khối Văn
hóa -Thể thao- Du lịch
thuộc CLB truyền thống kháng chiến Thành phố Hồ Chí
Minh
- Ông Lê Công Giàu : Ủy viên Ban Chủ Nhiệm Câu Lạc Bộ
Truyền thống Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh.
- Luật sư Trần Quốc Thuận : Ủy viên Hội đồng Tư vấn Dân
Chủ và Pháp luật thuộc Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét