Đông Bình - giaoduc
11-7-2014
(GDVN) - Bài báo cho rằng, chính sách Biển Đông của Mỹ sẽ ngày càng cứng rắn với Trung Quốc, đã lựa chọn đứng về một bên trong tranh chấp chủ quyền, đối phó TQ.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong một chuyến thăm Việt Nam
Tờ "Nhân Dân" - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 10 tháng 7 có bài viết tuyên truyền cho rằng, chính sách vấn đề Biển Đông của Mỹ đã trải qua 3 giai đoạn "giữ lập trường trung lập", "mức độ quan tâm sâu sắc hơn" và "lựa chọn đứng về một bên trên thực tế", chính sách của họ có xu hướng từng bước từ "quan sát" điều chỉnh thành "can dự", có xu hướng cứng rắn. Nguyên nhân căn bản là “Mỹ lo ngại lợi ích của họ ở Biển Đông bị đe dọa”.
Theo bài báo, những năm gần đây, vấn đề Biển Đông đã trở thành một vấn đề nóng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (do Trung Quốc khiêu khích, xâm lược, xâm lấn gây ra), bài báo "gắp lửa bỏ tay người" cho rằng, chính sách Biển Đông của Mỹ là "nhân tố then chốt" ảnh hưởng tới tình hình Biển Đông và quan hệ quốc tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Vì vậy, bài báo "quân sư" cho Bắc Kinh rằng, phân tích và nắm bắt chính xác chính sách Biển Đông của Mỹ là tiền đề để Trung Quốc đưa ra đối sách (xâm lược) có hiệu quả.
Theo bài báo, phân tích kỹ chính sách Biển Đông của Mỹ từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay, sau khi cơ bản trải qua 3 giai đoạn là "giữ lập trường trung lập", "mức độ quan tâm sâu sắc hơn" và "lựa chọn đứng về một bên trên thực tế", chính sách của họ có xu hướng từ "quan sát" điều chỉnh thành "can dự".
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ chưa từng coi tranh chấp đảo ở Biển Đông là một vấn đề an ninh, Biển Đông hoàn toàn không phải là trọng điểm quan tâm của Mỹ. Năm 1992, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á của Mỹ, Richard Solomon cho biết, Mỹ không có trách nhiệm đặc biệt đối với quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ khi đó Robert Zoellick tuyên bố, lập trường của Mỹ trong vấn đề Biển Đông không thay đổi.
Mức độ quan tâm của Mỹ đối với Biển Đông chỉ trở nên sâu sắc hơn sau khi nổ ra "cuộc tranh chấp lần thứ nhất giữa Trung Quốc với Philippines về đá Vành Khăn" (thực ra là Trung Quốc xâm lược đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), lúc đó là thời gian cầm quyền của Clinton (1993-2000).
Khi đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương Winston Lord cho rằng, giữa Mỹ và Trung Quốc có quá nhiều sự đan xen lợi ích, Mỹ cần sự hợp tác của Trung Quốc trên rất nhiều phương diện. Nếu Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra một tuyên bố phê phán Trung Quốc, chắc chắn sẽ tác động đối với quan hệ Trung-Mỹ, từ đó gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia của Mỹ.
Năm 1998, Chính phủ Philippines khơi dậy "sự kiện đá Vành Khăn lần thứ hai" (Philippines cũng có yêu sách về đá ngầm này). Philippines không tranh thủ được Mỹ cam kết đứng về phía họ trong tranh chấp lãnh thổ.
Tàu chiến Trung Quốc tham gia xâm lược vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Sau khi bước vào thế kỷ 21, mức độ quan tâm của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông tiếp tục sâu sắc hơn. Cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 làm cho quan hệ Trung-Mỹ được cải thiện. Nhưng, đồng thời, Mỹ cũng đã tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông.
Bắt đầu từ năm 2009, vấn đề Biển Đông bắt đầu trở thành một trong những trọng điểm quan tâm của Mỹ trong các vấn đề toàn cầu và châu Á-Thái Bình Dương. Sự quan tâm của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông bắt đầu nghiêng về "tự do hàng hải" ở Biển Đông. Tại Ủy ban đối ngoại Thượng viện, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á Scott Marciel nhấn mạnh, Mỹ không lựa chọn đứng về bên nào trong vấn đề quy thuộc đảo (chủ quyền) ở Biển Đông.
Chính sách Biển Đông của Mỹ từ năm 2010 đến nay có 2 đặc điểm: Một là sự lo ngại đối với tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông đã trầm trọng hơn; hai là Mỹ đã thực sự đứng về một bên trong vấn đề chủ quyền Biển Đông.
Theo báo đảng TQ tuyên truyền: Điều này thể hiện trong tuyên bố của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton về Biển Đông ở Hà Nội, sau đóViệt Nam lên tiếng chỉ trích chính thức đối với hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông; nhấn mạnh giải quyết vấn đề chủ quyền phải phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển; thúc giục Quốc hội phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật biển.
Trung Quốc khủng bố Việt Nam ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam: đâm chìm tàu cá Việt Nam.
Điều này cho thấy Mỹ không còn là "nhà quan sát" giữ lập trường trung lập, mà thực sự trở thành một "người can dự". Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đưa ra tuyên bố tại Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 17 rằng, tự do hàng hải quốc tế là lợi ích quốc gia của Mỹ.
Phát biểu của bà Hillary không chỉ đánh dấu sự thay đổi về chính sách của Mỹ, mà còn đánh dấu sự khởi đầu xung đột giữa Trung-Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Từ đó, trong bối cảnh chiến lược "tái cân bằng" của Mỹ, vấn đề Biển Đông bắt đầu trở thành một trong những vấn đề tranh chấp chủ yếu giữa Trung-Mỹ (Thực tế là Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông).
Cùng với việc Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2010, vấn đề Biển Đông trở thành trọng điểm quan tâm của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ngày 5 tháng 2 năm 2014, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương Daniel Russell đã sử dụng từ ngữ gay gắt hơn và có tính chất nhằm vào hơn, cho biết, nội bộ Chính phủ Mỹ đã đạt được đồng thuận về lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc của Mỹ trong vấn đề Biển Đông.
Tổng quan chính sách Biển Đông của Mỹ từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay, báo Trung Quốc tiếp tục đổ lỗi cho Mỹ, rằng, có thể phát hiện, khi Mỹ cho rằng, tự do hàng hải của mình không bị đe dọa, họ hoàn toàn không quan tâm đến vấn đề quy thuộc lãnh thổ; còn khi Mỹ tập trung triển khai hơn lực lượng hải quân ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, họ bắt đầu lo ngại sẽ mất "tự do hàng hải" ở Biển Đông.
Trung Quốc có hành động khủng bố đối với tàu Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam: định đâm chìm tàu kiểm ngư KN 951 của Việt Nam.
Báo Trung Quốc cho rằng, ngoài lo ngại về tự do hàng hải, còn có một số nhân tố khác thúc đẩy chính sách của Mỹ thay đổi vào năm 2010. Thứ nhất, đến nay, dân số toàn cầu và trung tâm kinh tế đã từ châu Âu chuyển tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Biển Đông càng có tầm quan trọng địa-chính trị, cũng là tuyến đường "yết hầu"/(cổ họng) hàng hải trên thế giới, tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông ngày càng tăng lên.
Thứ hai, sự đụng độ của tàu thăm dò Mỹ trên Biển Đông được xem là điềm báo trước - trong tương lai Mỹ có thể bị hạn chế trong vấn đề tiếp cận biển hoặc hoạt động trên biển. Thứ ba, năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết đã đưa ra quy hoạch 5 năm và kế hoạch cụ thể để thực hiện chiến lược "tái cân bằng" mới, trọng tâm chiến lược của Mỹ chuyển tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Thứ tư, tăng cường quan hệ với đồng minh truyền thống và xây dựng quan hệ đối tác mới ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đem lại một thông điệp cho các nước Đông Nam Á, rằng "Mỹ đã quay trở lại". Thứ năm, cân bằng với ảnh hưởng kinh tế và chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Có thể dự đoán, trong tương lai, lập trường của Mỹ trong vấn đề Biển Đông sẽ không "mềm" đi. Chính sách Biển Đông của Mỹ ngày càng cứng rắn và Mỹ ngày càng gia tăng mức độ can thiệp vào vấn đề Biển Đông, điều này không chỉ sẽ gây ảnh hưởng đến tình hình Biển Đông, mà còn gây ảnh hưởng sâu sắc đến môi trường xung quanh của Trung Quốc và quan hệ quốc tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Việt Nam tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ. Trong hình là biên đội tàu sân bay USS John S McCain thăm Việt Nam, đến cảng Đà Nẵng (ảnh tư liệu).
Theo đó, báo Trung Quốc "quân sư" cho rằng, nước này cần có sự lựa chọn chính sách thận trọng và tiến hành chuẩn bị ứng phó đầy đủ (để thực hiện dã tâm xâm lược nốt các hòn đảo, các đá ngầm và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước ven Biển Đông như chủ trương “đường lưỡi bò” bất hợp pháp).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét