Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

"TRUNG QUỐC QUẪN BÁCH TRONG NƯỚC SẼ KÍCH ĐỘNG XUNG ĐỘT Ở BIỂN ĐÔNG"

Hồng Thủy giaoduc
11-7-2014

GDVN) - Trung Quốc bây giờ đang đòi hỏi địa vị bá chủ mà nếu bị từ chối, Bắc Kinh có thể phản ứng bằng các mối đe dọa, thậm chí là sử dụng vũ lực.
Lính không quân Trung Quốc, hình minh họa.

The Diplomat ngày 10/7 đăng bài phân tích của học giả J. Michael Cole chuyên nghiên cứu các vấn đề quân sự Đông Bắc Á và eo biển Đài Loan, cựu sĩ quan tình báo an ninh Canada nhận định, một khi đảng Cộng sản Trung Quốc rơi vào tình thế quẫn bách trong nước, họ có thể kích động các xung đột bên ngoài để đánh lạc hướng dư luận và tăng cường tính hợp pháp cho mình.

Michael Cole bình luận, trong suốt chiều dài lịch sử chính phủ Trung Quốc thường xuyên sử dụng các hoạt động gây rối bên ngoài, khai thác tình cảm dân tộc để giải phóng hoặc chuyển hướng áp lực nội tại, nếu không áp lực các vấn đề trong nước có thể khiến người dân Trung Quốc quay ra chống lại họ. Giới chức Trung Quốc đã sử dụng thủ đoạn này để đảm bảo sự sống còn của họ trong thời kỳ đầy biến động trong nước và khủng hoảng tài chính.

Nạn tham nhũng tràn làn, bất ổn khắp nơi đang làm suy yếu sự ổn định của Trung Quốc đã đặt ra câu hỏi Bắc Kinh sẽ tạo ra khủng hoảng ngoài nước như thế nào và ở đâu để khai thác chủ nghĩa dân tộc nhằm để chuyển hóa mâu thuẫn trong nước. Trong thập kỷ qua, Bắc Kinh đã nhiều lần khai thác thành công thủ đoạn này để đánh lạc hướng sự phẫn nộ, bất mãn của người dân bằng cách khuyến khích và khi cần thiết sẽ tổ chức các cuộc biểu tình chống lại các đối thủ bên ngoài, cụ thể là Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Biểu tình chống nước ngoài được xem như một công cụ tiện lợi ngay cả khi nó bùng phát thành bạo lực (như hoạt động biểu tình chống Nhật Bản cuối năm 2012) dường như đã được giới chức Trung Quốc bật đèn xanh. Những thành tựu ấn tượng về phát triển kinh tế cũng như sức mạnh quân sự của Trung Quốc tuy nhiên đã thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc cực đoan phát triển tại quốc gia này, Bắc Kinh tiếp cận với khu vực với thái độ ngạo mạn và ngày càng nguy hiểm.

Đối với nhiều người, Trung Quốc bây giờ đang đòi hỏi địa vị bá chủ mà nếu bị từ chối, Bắc Kinh có thể phản ứng bằng các mối đe dọa, thậm chí là sử dụng vũ lực. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan là một thành phần quan trọng không thể tách rời trong các biểu hiện sức mạnh của Trung Quốc.

Dương Khiết Trì khi còn làm Ngoại trưởng Trung Quốc đã từng phát biểu đầy ngạo mạn trong một diễn đàn khu vực tại Hà Nội năm 2010: "Có một sự khác biệt cơ bản giữa chúng ta. Tủng Quốc là một nước lớn, còn các bạn là những nước nhỏ hơn."

Michael Cole

Theo Michael Cole, ngoại trừng những trường hợp cực đoan nhất chẳng hạn như sự sụp đổ của một chế độ, quyết định chuyển hướng mâu thuẫn nội tại, khủng hoảng trong nước ra bên ngoài là một lựa chọn khôn ngoan (nham hiểm), biến nó thành lợi ích chính trị cho giới chức Bắc Kinh.

Do đó rủi ro trong khu vực tỉ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng của các khủng hoảng, bất ổn bên trong Trung Quốc. Vấn đề còn lại là Bắc Kinh sẽ chuyển hướng khủng hoảng trong nước ra bên ngoài nhằm vào khu vực nào?

Đầu tiên là Biển Đông, đây là khu vực Trung Quốc đang (nhảy vào) tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng nhỏ hơn. Vấn đề Biển Đông cũng đã chín muồi để Bắc Kinh khai thác chủ nghĩa dân tộc cực đoan khi tuyên truyền (sai trái) liên tục rằng Biển Đông là "một phần lãnh thổ không thể tách rời" của họ, là "lợi ích quốc gia cốt lõi". Chỉ bấy nhiều thôi cũng đủ để nuôi dưỡng "ý chí chiến đấu" một khi xảy ra sự cố, được Bắc Kinh hẹn giờ để đối phó với tình trạng bất ổn trong nước.

Ngoại trừ một sự can thiệp từ Mỹ, quân đội Trung Quốc chiếm ưu thế về cả binh lực lẫn hỏa lực có thể giành chiến thắng trong 1 cuộc xung đột ngắn ở Biển Đông, kể cả trong trường hợp Việt Nam và Philippines liên minh lại đối phó, Michael Cole bình luận.

Lựa chọn thứ 2 sau Biển Đông là khu vực Jammu, Kashmir và Arunachal Pradesh trên biên giới Trung - Ấn. Mặc dù Bắc Kinh vẫn tuyên bố sẵn sàng giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ, khu vực này vẫn tiềm ẩn mồi lửa xung đột. Dù khó khăn nhưng nếu lợi ích chính trị đủ lớn nó vẫn có thể kích thích Bắc Kinh dấy binh tấn công Ấn Độ.

Hoa Đông và Nhật Bản và lựa chọn thứ 3 cho Bắc Kinh sẽ đại diện cho một sự leo thang lớn của Trung Quốc. Bắc Kinh đang nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc cực đoan bằng tình cảm chống Nhật Bản, xoáy vào quá khứ chiến tranh là một lựa chọn hoàn hảo để thu hút sự chú ý của dư luận trong nước. 

Ông Tập Cận Bình từ khi lên nắm quyền đã theo đuổi đường lối cứng rắn, trong đó chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã trở thành công cụ. Ảnh: Ông Tập Cận Bình thị sát quân khu Bắc Kinh.

Hơn bất kỳ một cuộc xung đột nào khác, thái độ thù địch với Nhật Bản sẽ giúp các nhà lãnh đạo Trung Quốc khôi phục lá cờ của mình và họ biết rõ, hận thù cũng có thể khai thác khi cần thiết. Mặc dù thời cơ để Trung Quốc khiêu khích xung đột ở Hoa Đông ít hơn nhiều so với Biển Đông hay biên giới Trung - Ấn, nhưng nó vẫn là một lựa chọn Bắc Kinh không bỏ qua khi cần xoa dịu căng thẳng trong nước.

Thứ 4 là đảo Đài Loan vẫn được xem như "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc đang chờ thống nhất. Mặc dù quan hệ 2 bờ eo biển đã được cải thiện nhiều trong những năm gần đây, nhưng một phần đáng kể của sức mạnh quân sự Trung Quốc vẫn đang tập trung vào Đài Loan.

Tập Cận Bình đã cho thấy trong khi Bắc Kinh sẵn sàng kiên nhẫn với Đài Loan và sử dụng tài chính, kinh tế như công cụ từng bước củng cố khả năng kiểm soát, kìm kẹp Đài Loan, Bắc Kinh không có ý định sẽ kiên nhẫn mãi mãi.

Một cuộc bầu cử chính trị bất lợi cho Quốc dân đảng cầm quyền đang thân Trung Quốc hiện nay cũng có thể tạo cớ cho Bắc Kinh đưa quân sang để "bảo vệ đồng bào Đài Loan". Nhưng một khi Bắc Kinh lựa chọn Đài Loan để "trút giận" nó sẽ là một thử thách ghê gớm và lợi thế tích lũy từ chủ nghĩa dân tộc sẽ cạn dần, thay vào đó là sự oán giận của cả đôi bên. Do đó đây sẽ là lựa chọn ít khả năng xảy ra.

Mỹ là lựa chọn thứ 5 của Trung Quốc và cũng là lựa chọn ít khả năng nhất, quân đội Trung Quốc sẽ tập trung mũi nhọn vào lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, một phương sách cuối cùng để ngăn chặn sự sụp đổ ở Trung Quốc. Tuy nhiên khả năng cho một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với người Mỹ trong khu vực gần như đang đặt cạnh con số 0.

Kết luận vấn đề, Michael Cole cho rằng khi phải đối mặt với sự bất ổn nghiêm trọng trong nước mà không ngay lập tức đe dọa sự tồn vong của đảng Cộng sản Trung Quốc, lựa chọn có khả năng lớn nhất đối với Bắc Kinh sẽ là Biển Đông, sau đó là biên giới Trung - Ấn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét