Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

JOSHUA WONG, HỒNG KÔNG & PHÁP LUÂN CÔNG “CHÂN-THIỆN-NHẪN”


Hạ Đình Nguyên

“Cuộc đấu tranh dân chủ hiện nay ở Hồng Kông có nền tảng của sự hiểu biết sâu sắc và sự trải nghiệm máu xương đối với thể chế Cộng sản Trung Quốc, từ thời Mao đến thời Đặng (Thiên An Môn) đến thời Giang (Pháp Luân Công)… Sự kiện thảm sát Thiên An Môn là hiếm có trên thế giới, nhưng chưa thể so sánh được với sự kiện đàn áp Pháp Luân Công suốt 14 năm trời, từ 1999 đến 2013, về quy mô rộng lớn và mức độ độc ác… Lãnh thổ Việt Nam tuy ở gần lãnh thổ Trung Quốc, nhưng ít người biết đến triết lý Pháp Luân Công, cũng không biết nhiều đến sự kiện đàn áp, lại “biết” theo chiều hướng sai lệch, vụ Thiên An Môn cũng vậy. Là vì sao?”


Tôi bắt đầu chú ý tìm hiểu Pháp Luân Công (PLC) bởi sự tò mò với câu hỏi, tại sao Đảng Cộng sản Trung Quốc lại đàn áp PLC một cách man rợ đến thế? Và vì vậy, nó là gì mà Việt Nam ít người biết đến? Và đây chỉ là  bài giới thiệu tổng quát để biết qua về cái môn phái lạ lẫm ấy, cũng như nguyên nhân mà nó trở thành đại họa và có liên quan gì đến cuộc đấu tranh dân chủ ở Hồng Kông hiện nay.

- Triết lý đặc sắc của Pháp Luân Công

Nền tảng triết lý của PLC không ngoài triết lý của Phật giáo, các phương pháp luyện tập về khí công và rèn luyện sức khỏe cũng không ngoài các phương pháp khí công thời xa xưa và các động tác yoga từ Ấn Độ, được chắc lọc lại để dễ thực hành cho đại chúng.

Độc đáo của PLC là từ một nguyên lý nền tảng cộng với tính chất thực tiễn, phù hợp với thời đại, đặc biệt là với bối cảnh của một Trung quốc Cộng sản.

Đó là phương châm 3 chữ: CHÂN – THIỆN – NHẪN.

Chân, Thiện là các khái niệm không mới. Là tôn trọng sự thật, yêu sự thật. Là không làm điều ác, làm điều không ác, và làm điều thiện. Sống Chân và Thiện, là lẽ sống của con người để vươn tới hạnh phúc, mà với trình độ thăng hoa cao, có thể đưa con người đến hòa nhập với bản thể của vũ trụ. Theo cách hiểu rộng rãi chung nhất, thì mục tiêu tối thượng ấy, có thể gọi là Đạo theo Lão giáo, gọi là Giác Ngộ (cõi Niết Bàn) theo Phật giáo, gọi là Nước Chúa theo Kitô giáo, theo cách gọi của triết học Hegel là “Tinh Thần Vũ Trụ”/Tinh thần phổ quát (esprit universel). Mục tiêu gần của PLC là nhằm đạt đến cuộc sống lành mạnh về thể xác và tinh thần.

Chưa nhất thiết đi sâu về phương diện tôn giáo hay triết lý cao siêu, mọi con người bình thường, không mang một loại bệnh nào đó về tâm trí, thì không ai có thể phủ nhận lẽ sống cho mình và cho tha nhân, là hướng về Chân và Thiện. Thế nhưng điều nầy là cực kỳ mâu thuẫn với đặc trưng của hiện thực Cộng sản chủ nghĩa. Không cần suy diễn, chỉ căn cứ qua lịch sử cụ thể, Cộng sản Trung Quốc đã tự chứng minh là luôn nói dối, che đậy sự thật, và hành động tàn ác.

Sống theo chân-thiện, vốn không phải tự nhiên mà có, mà cần một nền giáo dục chân chính để hướng dẫn, là hướng phấn đấu lâu dài không ngừng của nhân loại, từ một thời mông muội, thông qua thời phong kiến lạc hậu, tiến đến một xã hội tốt đẹp hơn, với ý thức lương thiện hơn, là một thể chế dân chủ. Thế mà người dân Trung Quốc (cũng như ở các quốc gia Cộng sản khác), phải sống 2/3 thế kỷ trong nghịch cảnh, bị chủ nghĩa bạo lực cai trị. Cộng sản Trung Quốc lấy kích động hận thù làm động lực, lấy tham vọng làm mục tiêu, lấy thủ đoạn làm phương pháp, dùng dân chúng làm phương tiện để phục vụ cho tham vọng vĩ cuồng của một lớp người.

PLC đã không dùng chữ “Mỹ”, trong bộ ba Chân-Thiện-Mỹ, thay vào đó là Nhẫn. Vì Mỹ là khá xa vời với thực tế và trở thành xa xỉ. Vì Mỹ là một phạm trù riêng biệt thuộc cảm quan cá thể. Nhẫn là hành vi ứng xử trong mối tương quan, là trạng thái kiên trì và chịu đựng trước mọi áp lực và nghịch cảnh, nó ngược lại với phản ứng bạo lực. Đó cũng đồng thời là nhu cầu thực tế. Nhẫn không phải là hèn nhát, thiếu tự tin, không phải là khuất tất (quỳ gối). Nhẫn là bất bạo động đặt trên nền tảng Chân và Thiện. Nhẫn của Chân và của Thiện. Nhẫn vì Chân, vì Thiện. Tinh túy của triết lý PLC có thế tóm gọn ở 3 từ: “Chân + Thiện + Nhẫn”. Đó là phương châm của lẽ sống, có sức thu hút mãnh liệt và tự bản chất nó đối kháng với “dối + ác + thủ đoạn”, lấy sức mạnh tinh thần đối ứng với bạo lực.

- Ngạc nhiên về tốc độ phát triển của PLC

Theo tài liệu, bô môn PLC bắt đầu hiện diện với công chúng vào năm 1992 tại TQ, đến năm 1995, số lượng người theo tập bô môn nầy lên đến 50-60 triệu người, đến 1999, con số lên đến cả 100 triệu. Vị chưởng môn sáng lập là Lý Hồng Chí, xem ảnh của ông vào thời điểm đó, tuổi chỉ ở khoảng 40. Ông ra nước ngoài nhiều lần để quảng bá môn phái này vào năm 1995, sau vài lần thì ông ở luôn bên Mỹ, không thể về nước được nữa. Dù không có ông, mỗi buổi sáng, ở các công viên ở hầu khắp các thành phố lớn, hằng ngàn người, mặc áo màu vàng tươi, rất ngăn nắp và trật tự, ngồi tập thiền cùng với các động tác nhịp nhàng, cảnh tượng vui mắt và thanh bình. Trong số họ có đủ thành phần, từ dân thường đến quan chức. Sự phát triển lan rộng nhanh chóng, đông đảo người tham gia mà không có bộ máy tổ chức, không có văn phòng điều hành, và lấy tự nguyện, tự giác làm phương châm.
Sự kiện nầy đã gây chú ý của Trung ương Đảng CSTQ. Họ bắt đầu cuộc nghiên cứu và bàn cãi. "Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TQ" báo cáo theo hướng tích cực về phong trào nầy: có tác dụng tốt về sức khỏe, sinh hoạt lành mạnh, nhiều người trong số họ có đời sống gương mẫu trong cộng đồng, với công chức thì họ luôn là thành phần “tiên tiến” của cơ quan, không có màu sắc chính trị. Mặt khác, những nhân vật chủ chốt của đảng xem đây là vấn đề nghiêm trọng, đe dọa vai trò của đảng, vốn đã hiện diện từ lâu, nắm quyền lực trong tay, mà đảng viên thì mới chỉ 50-60 triệu, trong khi PLC chỉ 7 năm đã lên đến hàng trăm triệu, nếu tiếp tục đà nầy thì vai trò đảng sẽ ra sao, và quần chúng sẽ thuộc về ai?
Qua thực tế ở các quốc gia Cộng sản đều cho thấy, ai hoặc nhóm người nào, kể cả tôn giáo, có ảnh hưởng với đông đảo quần chúng, lập tức thành “thế lực thù địch” - đối tượng mà họ sẽ  tiêu diệt.

- Đàn áp

Lồng vào cuộc thanh trừng giành quyền lực nội bộ, ngày 10 tháng 6 năm 1999, Giang Trạch Dân cho ra đời một hệ thống tổ chức siêu quyền lực, từ Trung ương đến các tỉnh thành, gọi là phòng 610, nằm trên pháp luật, tương tự “Đội cải cách”. Tháng 7, Giang trực tiếp chỉ huy và phát lệnh triệt phá đồng loạt phong trào PLC ở quy mô toàn quốc. Cuộc đàn áp diễn ra khốc liệt, với nhiều thủ đoạn tàn nhẫn, kiên trì và dài hạn. Nhiều trại giam bí mật được thiết lập để giam nhốt nhiều triệu người. Ban đầu họ trấn áp bằng vũ lực ở các công viên và bắt đi nhiều người, sau đó lùng bắt khắp nơi, tận nhà những ai không chịu từ bỏ PLC. Những người bị bắt đưa đi và biến mất mà gia đình không tìm ra tung tích. Ngoài sự tra tấn giết chóc nhiều kiểu, họ bị buộc phải làm lao động cưỡng bức, kiệt sức trong những điều kiện rất nhẫn tâm. Suốt nhiều năm liền các trại giam được gọi là trại “cải tạo lao động” - một cái tên hãi hùng đã quen thuộc từ thời Mao Trạch Đông - biến thành những công xưởng bí mật làm hàng xuất khẩu với giá thành cực rẻ, mà không một quốc gia nào cạnh tranh nổi. Có trên 150  trung tâm, là nhà giam, là “trung tâm giáo dục pháp luật”, đến giữa năm 2013, bị thế giới lên án đã đóng cửa những trại tai tiếng, sau đó lại xuất hiện những cơ sở “nghiên cứu khoa học” về con người, tù nhân PLC là vật thí nghiệm. Những nơi đây là nguồn cung cấp dồi dào về nội tạng tươi sống, xác ướp và bộ xương người nguyên vẹn cho nhu cầu nghiên cứu y học khắp thế giới, cũng như các “phát minh mới” về “tẩy não”. Tất cả đã trở thành hàng xuất khẩu đặc biệt, siêu lợi nhuận.
Vợ chồng Bạc Hy Lai, Vương Lập Quân... và doanh nhân người Anh bị Cốc Khai Lai thủ tiêu cũng nằm trong hệ thống hoạt động nầy. Chu Vĩnh Khang là nhân vật hậu thuẫn, Giang Trạch Dân là đầu tàu.  
Giang đưa ra chỉ thị nổi tiếng của mình: “Đánh học viên Pháp Luân Công đến chết không tính là tội. Nếu một học viên Pháp Luân Công bị đánh đến chết, sẽ được tính là tự sát”
Không được đào tạo về y tế, nhưng Vương Lập Quân (đứng đầu tiên bên phải) quan tâm nhiệt tình về nghiên cứu cấy ghép nội tạng, ông ta được coi là đồng phạm với hệ thống ĐCSTQ tham gia vào tội ác mổ cắp nội tạng sống của các học viên Pháp Luân Công. (Ảnh Internet, mới được phát hiện sau khi Bạc, Chu, Vương bị bắt)

Ở mỗi Trung tâm, họ sáng kiến ra nhiều kiểu tra tấn man rợ, buộc phải từ bỏ niềm tin vào PLC, một số trại thì khai thác sức lao động, số trung tâm khác thì khai thác máu, khai thác nội tạng, xương, và các thí nghiệm về tẩy não… Sự kiện thảm sát Thiên An Môn (1989, do Đặng Tiểu Bình chủ trương) là hiếm có trên thế giới, nhưng chưa thể so sánh được với sự kiện đàn áp Pháp Luân Công suốt 14 năm, từ 1999 đến 2013, về quy mô rộng lớn và mức độ độc ác.
Ngày nay vẫn chưa một cơ quan nào đủ khả năng /điều kiện để có thể tổng kết số lượng người bị giết hại là bao nhiêu.
Qua sự kiện trên, Giang đã thử thách lòng trung thành của cấp dưới để tuyển chọn, tạo nên phe cánh của mình. Thời Đặng, kẻ trung thành thì vấy máu Thiên An Môn, thời Giang thì vấy máu Pháp Luân Công, những viên chức tay đã nhúng chàm thì không đường lui, làm cho nội bộ Trung Quốc như một chảo lửa, càng căng thẳng hơn khi Tập Cận Bình thanh trừng phe Giang để nắm quyền lực, và cũng tạo nên một thế hệ mới trung thành với mình trong vỏ bọc tham vọng chiếm Biển Đông, làm bá chủ thế giới.

- Đấu tranh

Chỉ khoảng 7 năm, 100 triệu người theo PLC, Đảng Cộng sản Trung Quốc sợ hãi từ bản chất phi lý của mình. Thế mạnh “ưu việt” của đảng Cộng sản là bạo lực. Chúng đàn áp khốc liệt. Sức phản kháng càng lan rộng!

Những nạn nhân sống sót, cũng như nhiều học viên PLC, chạy thoát được, sang Hồng Kông và sang các nước khác đã lên tiếng tố cáo với những bằng chứng sống. 
Gần 10 năm nay đã hình thành một phong trào rất mạnh mẽ của người theo PLC trên khắp thế giới, lên án đảng cầm quyền Trung Quốc. Họ là người Hoa, theo PLC hoặc không theo, cùng với người dân của các quốc gia khác, và sự lên án của nhiều nước trên thế giới.

Nỗi đau thương và phẫn uất ấy đang tích tụ thành một sức mạnh tinh thần chống đối mạnh mẽ và bền bỉ mà đảng Cộng sản Trung Quốc đang phải lần lượt trả giá. Tập Cận Bình không dính líu nhiều đến sự kiện PLC, nhưng y tận dụng sự căm thù nầy để đánh phá phe Giang Trạch Dân, nhưng đồng thời cũng kìm chế phe đấu tranh không để cho bung vỡ cả nền tảng của đảng Cộng sản. 

Cuộc đấu tranh dân chủ hiện nay ở Hồng Kông có nền tảng của sự hiểu biết sâu sắc và sự trải nghiệm máu xương đối với thể chế Cộng sản Trung Quốc, từ thời Mao đến thời Đặng (Thiên An Môn) đến thời Giang (Pháp Luân Công).
Ông Uông Chí Viễn, người phụ trách tổ chức WOIPFG, trong cuộc mít-tinh đánh dấu 15 năm cuộc đàn áp Pháp Luân Công

Ông phát biểu: “Tính đến ngày 01 tháng 07, năm 2014, WOIPFG đã đưa ra hơn 5.000 thông báo điều tra và đã công bố 251 báo cáo điều tra. Trong các báo cáo này có hơn 5.300 bằng chứng chứng minh tội ác diệt chủng và có hệ thống của cuộc đàn áp Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
“…Ông Uông cũng cho biết danh sách những đối tượng tình nghi của WOIPFG gồm có 6.016 tổ chức và 12.555 cá nhân thuộc các Ủy ban của ĐCSTQ, Ủy ban Chính trị và Pháp luật, và các Phòng 610 ở các cấp và cục cảnh sát, viện kiểm sát, tòa án, nhà tù và các trại lao động.”
Ông cảnh báo rằng “Làm theo lệnh cấp trên” không thể là lý do bào chữa cho việc làm của các bạn. Nó cũng giống như các vụ xét xử của Tòa án Nuremberg… từng người tham gia đều phải nhận trách nhiệm cho việc mình đã làm.”

- Con bướm rung cánh...

Lãnh thổ Việt Nam tuy ở gần lãnh thổ Trung Quốc, nhưng ít người biết đến triết lý Pháp Luân Công, cũng không biết nhiều đến sự kiện đàn áp, lại “biết” theo chiều hướng sai lệch, vụ Thiên An Môn cũng vậy.

Là vì sao?

Áp lực hữu hình và vô hình từ Trung Quốc đối với Việt Nam là quá lớn. Các tay đồ tể từ Mao, Đặng, đến Giang đều được Việt Nam đề cao, sách ca ngợi họ được dịch và bày bán đầy ở các nhà sách lớn Sài Gòn, Hà Nội… Đó là vì, do thơ đã hóa thành vàng: “Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng, vận mệnh tương quan”. 
Lý tưởng tương thông là lý tưởng xã hội chủ nghĩa của hai đảng Cộng sản, chứ không phải là của hai dân tộc. Và dù ngày nay hai đảng đã trở thành đối lập bởi ý đồ chiếm hữu của TQ, nhưng mặt khác lại có sự cộng sinh. Vì thế, vận mệnh của hai dân tộc đã phải bị “tương quan” trong cùng số phận. Một con bướm rung cánh ở vườn hoa hoa Bắc Kinh, thì Hà nội có thể là cơn bão lớn. Nếu Đạt Lai Lạt Ma bị Cộng sản Trung Quốc lên án, thì đố mà ông ta có thể đặt chân đến Việt Nam! Người Duy Ngô Nhĩ vốn không thù hằn với Việt Nam, trốn chạy sang vài mét biên giới Việt, lập tức trở thành tội đồ không cần phán xét. PLC đã bị đảng TQ xem là thù địch để triệt hạ, thì dưới nhãn quan Việt Nam, PLC cũng là một loại hàng quốc cấm, vì là một loại “tà giáo” có âm mưu lật đổ chính quyền Cộng sản Trung Quốc. Có một loài… ở Việt Nam chịu ảnh hưởng nhận thức nầy.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chống lại âm mưu bành trướng và xâm lược Việt Nam, phong trào tập thiền theo PLC ở Việt Nam khó mà không có sự dè dặt, nhưng triết lý Chân-Thiện-Nhẫn là một phương châm đáng học tập, thay cho 16 chữ tồi và 4 chữ tệ.

Cũng có ý kiến cho rằng nếu chỉ sử dụng “Nhẫn”, có nghĩa là bất bạo động, thì dễ tổn thương và dễ bị dập tắt, vì bạo lực chỉ sợ bạo lực, thà “đâm bằng dao” như người Duy Ngô Nhĩ, còn hơn là lần lượt làm con ếch nướng trui! Thật ra, sức mạnh vô địch của bất bạo động nằm ở số đông của cộng đồng, ở ý muốn trình độ của tập thể, lúc đó bạo lực sẽ là vô nghĩa.

Phong trào đấu tranh dân chủ ở Hồng Kông là tích lũy những chứng kiến các tai ương “long trới lở đất” của một chặng dài lịch sử mà nhân dân TQ đã trải qua suốt thời Cộng sản. Nhân dân Hồng Kông với tầm nhìn thời đại đã thấu hiểu tinh thần Chân-Thiện-Nhẫn, đã hành động theo cách giữ được một trái tim ấm áp tình người (chân, thiện) với tinh thần bất tuân dân sự (nhẫn = bất tuân, bất bạo động). Nếu cách hành động và ứng xử của nhân dân nước Nhật, qua các thiên tai sóng thần, động đất đã ghi lại một hình ảnh đáng khâm phục, thì cuộc đấu tranh dân chủ ở Hồng Kông cũng đã trở thành một niềm tin cho dân đại lục, là điển hình đáng ngưỡng mộ và học tập của những quốc gia có hoàn cảnh tương tự. Người thanh niên còn rất trẻ - Hoàng Chí Phong, Joshua Wong - đã trở thành một biểu tượng tuyệt vời.

PLC, dù có chủ trương không liên quan đến chính trị, nhưng thế tất yếu trên con đường hành thiện, là phải đối phó cái ác. Dù Trung Quốc vẫn đang đàn áp, các trại giam bí mật vẫn đang hoạt động, (nửa đầu năm 2014 có 97 người PLC bị bắt), phong trào đấu tranh để giữ niềm tin PLC vẫn không chấm dứt ở Trung Quốc đại lục, vẫn tiếp tục được hưởng ứng và phát triển ra nhiều nước. Cuộc đàn áp thì đang ở giai đoạn thoái trào. Giang, Bạc, Chu, Vương và 12.555 cá nhân, cùng với 6.016 tổ chức đã gieo gió nay đang bội thu một mùa gặt bão.

HĐN 2-10-2014
-----------------
Lý Hồng Chí đã có hàng trăm bài thơ, đặt niềm tin vào Thiện và chống Ác, nói lên tư tưởng và ý chí của PLC và thái độ rạch ròi đối với thể chế chính trị TQ.              

- Chuyển Pháp Luân
Bách niên hồng triều nhất lộ sát

Càn khôn đảo vận hí Trung Hoa
Khán minh thử thời hồng hoa thịnh
Khả hiểu tha nhật khai liên hoa

Tạm diễn nghĩa:
Xoay Chuyển Pháp Luân
Trăm năm triều đại đỏ chỉ một đường giết chóc.

Càn khôn vận đảo lộn đùa giỡn Trung Hoa
Nhìn rõ ràng lúc này hoa đỏ đang thịnh vượng
Có biết chăng ngày kia sẽ khai nở hoa sen


- Phạ Xá
Nhĩ hữu phạ - Tha tựu trảo

Niệm nhất chính - Ác tựu khoa
Tu luyện nhân - Trang trước Pháp
Phát chính niệm - Lạn quỷ tạc
Thần tại thế - Chứng thực Pháp

Tạm diễn nghĩa:
Sợ chi
Các vị mà sợ, nó sẽ bắt bớ

Niệm hễ chính, tà ác sẽ sụp
Người tu luyện, chứa đựng Pháp
Phát chính niệm, lạn quỷ nổ tung
Thần tại thế gian, chứng thực Pháp


- Kiếp số (Nguyên khúc)
Trung Nguyên đại địa

Ngũ thiên văn minh
Phong lãng bất chỉ
Tây lai u linh
Hại chúng sinh

Phá cổ phong

Nhân khoái tỉnh
Thần Châu Đại Pháp khai truyền

Tạm diễn nghĩa:
Kiếp số (thơ khúc thời nhà Nguyên)
Miền đất Trung Nguyên rộng lớn

Với năm nghìn năm văn minh
Sóng gió chưa bao giờ ngừng
Tà linh đến từ phương Tây
Hãm hại con người thế gian
Phá hoại truyền thống cổ xưa
Người đời mau mau tỉnh táo
Thần Châu đã bắt đầu truyền Đại Pháp…

(Ghi chú: Có thể tìm hiểu sâu hơn với nhiều thông tin cụ thể và chi tiết ở các web: Đại Kỷ Nguyên, Minhhue.net, Minghui.net, Minghui.org, Wikipedia…)

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Hạ Đình Nguyên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét