24-10-2014
Linda Lê tại buổi trao giải Wepler 2010 cho tác phẩm "Cronos". DR |
Tâm trạng cô đơn, xa lạ với chính mình, lạc lõng với những người chung quanh, vết hằn của quá khứ, hành trình của một kẻ lưu vong đi tìm một chỗ đứng. Đó là những gì Linda Lê đã đưa vào « Œuvres Vives », nhà xuất bản Christian Bourgois, cuốn tiểu thuyết mới nhất vừa ra mắt công chúng mùa văn học 2014.
« Œuvres vives » xin dịch thoáng là « Vươn ra ánh sáng » của nhà văn Pháp gốc Việt, Linda Lê, là một trong 10 tác phẩm được chọn để tranh giải thưởng văn học prix Décembre năm nay.
Bàng hoàng trước cái chết của một nhà văn ít được công chúng biết đến, cậu nhà báo quyết định « điều tra » để biết thêm về Antoine Sorel. Mục tiêu sau cùng là để những tác phẩm của Sorel không theo chân người vừa nằm xuống vĩnh viễn chìm vào quên lãng : Sorel « không chỉ là một nhà văn tôi ngưỡng mộ : ông là kẻ dẫn đường soi sáng cho lộ trình của tôi » (trang 57).
Câu chuyện xoay quanh một nhà báo trẻ được tòa soạn gửi đi công tác ở thành phố cảng Le Havre, miền bắc nước Pháp. Tình cờ đọc được một cuốn sách hay mà tác giả là một nhà văn sinh ra, lớn lên và gắn bó suốt cuộc đời với thành phố này : Antoine Sorel. Đúng vào lúc chàng phóng viên trẻ hội ngộ với Sorel qua sách vở tại Le Havre, thì cũng chính tại thành phố này, Sorel nhảy lầu, kết liễu cuộc sống.
Trong hành trình đó anh phóng viên đã đắm mình vào những tác phẩm của Sorel. Anh cũng đã tìm gặp những người từng quen biết Antoine Sorel ở mọi giai đoạn trong cuộc đời ngắn ngủi 45 năm vừa qua. Đó là những người bạn ít nhiều gắn bó với Sorel, như Barbet hay Damien Léger. Đó là những người đàn bà đã đi qua cuộc đời của Antoine Sorel từ Judith đến Isabelle, từ Marianne đến Annie hay Vicky và Frédérique. Đó là người em trai duy nhất còn sống sót : Jean tha thiết mong những tác phẩm của Sorel được phổ biến rộng hơn đến tay độc giả. Đó là ông bố già đơn độc của Antoine đang sống trong một căn hộ chật hẹp, tối tăm, như một chiếc bình vôi, « càng già càng bé lại », đợi thần chết đến gõ cửa.
Những bức chân dung
Nhân vật Antoine Sorel ở chương đầu trong "Œuvres Vives" là một xác chết của một nhà văn mới nhảy lầu tự vẫn. Nhưng từng bước Sorel « Vươn ra ánh sáng », sống dậy qua cái nhìn của những người chung quanh. Độc giả hình dung ra diện mạo tính tính, sở thích và kể cả cuộc sống nội tâm của một nhà văn không ăn khách, sống ở tình lẻ, thi thoảng mới chịu lấy tàu lên Paris.
Nhờ thằng bạn ở trung học Yves Barbet mà chúng ta biết được rằng Antoine Sorel là bút hiệu của Antoine Trần. Ông Nội Antoine là lính thợ đến Pháp vào cuối thập niên 1930. Rời Việt Nam năm 18 tuổi, Diet Trần cập bến cảng Marseille, làm công cho một nhà máy chế tạo thuốc súng ở Bordeaux, lập gia đình với một cô gái người Pháp.
Diet Trần sống trong cảnh nghèo túng phải gửi đứa con đầu lòng là Martin về bên quê ngoại ở mãi tần vùng Normandie. Martin gần như không còn liên lạc với cha mẹ. Sống với ông bà ngoại, cậu con lai này luôn cảm thấy tủi hổ về cái gốc Việt của mình. Chỉ một khi Martin lấy vợ, có con, ông cụ Diet thỉnh thoảng mới đến thăm các cháu trong sự hắt hủi của người con trai.
Vẫn nhờ nhân chứng của Barbet mà chúng ta biết được về tuổi thơ của Antoine bên một người cha mang hai dòng máu Pháp Việt -Martin, bên người mẹ - Louise, một chiếc bóng dưới trướng của một ông chồng độc tài. Antoine cùng với hai người em trai là Jean và Claude lớn lên trong một gia đình nghèo cả về vật chất lẫn tinh thần.
Antoine đứng cách nhân vật Julien Sorel trong « Đỏ và Đen » của Stendhal đến hàng trăm năm tính theo tốc độ của ánh sáng !
Cô đơn và lưu đày
Jean, người em trai của Antoine hé lộ những năm tháng Antoine Trần thoát ly gia đình, khi vừa 18 tuổi. Với bút hiệu Sorel, Antoine bước vào một cuộc phiêu lưu đầy bất trắc và bất hạnh. Từ đó trở đi : « Văn chương là vũ khí tự vệ để (Antoine) không bị người cha nuốt chửng, để không là đứa con tính sổ với gia đình, để không là một thứ ghẻ lở phỉ nhổ lên đồng loại. Và trong cuộc chiến đó, đứa con trai đã bại trận vì vào một buổi tối, hắn đã tự kết liễu cuộc đời » (trang 112).
Dưới ngòi bút của Linda Lê, Antoine Sorel sinh thời là một thanh niên, một gã đàn ông ít nói, sống bên lề xã hội, xem nhẹ tất cả những gì chung quanh, trừ văn học, rượu và thuốc lá. Một vài mối tình đếm trên đầu ngón tay, mối liên hệ linh thiêng máu mủ với Jean và Claude, hai người em trai, là những gì nhân loại bố thí cho một kẻ lưu lạc nơi cõi trần.
Sorel là cháu nội của một ông lính thợ Việt Nam, là đứa con sinh ra và lớn lên ở thành phố cảng Le Havre, là một nhà văn trong gia đình của những người cầm bút. Nhưng lúc nào hắn cũng vẫn là kẻ xa lạ : Antoine Sorel xa lạ với chính mình, với chính gia đình, với người vợ trẻ tha thiết yêu ông. Hắn là một con sò khép kín với người tình, là một ẩn số với những người chung quanh.
Antoine Sorel, thành phố cảng Le Havre trong Œuvres Vives của Linda Lê hiện rõ lên từng nét một trong tâm trí của độc giả. Nhưng cả hai chỉ là những ẩn dụ hay nói đúng hơn là cái cớ để tác giả chia sẻ về một quan điểm của nghệ thuật viết văn, về nỗi cô đơn về tâm trạng của kẻ bị lưu đầy, không thể vứt bỏ nhưng cũng không thể quay về lại cội nguồn. Cấu trúc cũng như tựa đề cuốn tiểu thuyết mới nhất của Linda Lê rất lạ.
Tác giả Pháp gốc Việt này khi thì mượn lời người nọ để phác họa ra một hay những bức chân dung vừa tỷ mỉ vừa tinh tế khác. Như là khi Martin Trần nói về người vợ quá cố của ông, Louise, hay nói về Isabelle, vợ của Antoine trong thời gian ngắn ngủi là 3 năm.
Lại cũng có khi Linda Lê đặt chàng phóng viên trẻ muốn « đào bới » về cuộc đời của ông nhà văn mới chết, vào thế của một chiếc gương chỉ để phản ánh hình bóng của Antoine Sorel. Đấy là khi Judith, rồi Marianne, Annie đã dễ dàng nói về những mối tình rất khác nhau, mà họ đã có với Antoine Sorel.
Một điểm thứ ba nữa độc giả nhận thấy ở Œuvres Vives đó là những nét tương đồng giữa những nhân vật : không phải tình cờ Linda Lê đã chọn bút hiệu Antoine Sorel cho nhân vật nhà văn của mình. Antoine Trần trước khi cầm bút đã bị Julien Sorel của Stendhal thôi miên.
Được mời trong khuôn khổ chương trình Littérature sans Frontières – Văn học Không biên giới, của đài RFI, Linda Lê nhấn mạnh cô tin vào ma lực trong văn chương, vào một liên hệ thiêng liêng và mãnh liệt giữa tác giả và độc giả :
« Một sự thôi miên, hớp hồn, đúng như vậy. Đó là cảm nhận của một độc giả đối với một nhà văn qua một tác phẩm, qua một cuốn tiểu thuyết. Tôi tin vào sức mạnh của chữ nghĩa, sức mạnh của văn chương. Tôi luôn tin vào một sợi chỉ huyền bí đưa người đọc đi rất xa nhờ một cuốn sách. Đấy là điều tôi đã cảm nhận thấy thuở còn bé, khi tôi còn ở Việt Nam và tôi đã làm quen với những tác phẩm văn học Pháp. Thế rồi khi sang Pháp, tôi tiếp tục theo đuổi con đường đó, theo chân những Jules Verne, đương nhiên là của Victor Hugo, và cả những Stendhal, Balzac … »
Linda Lê giải thích thêm về quan hệ gắn bó giữa Antoine Trần với nhân vật chính trong tác phẩm của Stendhal, Julien Sorel :
« Đấy chính là do mối liên hệ giữa Antoine với văn chương. Một trong những hình ảnh đẹp nhất và để lại dấu ấn đậm nhất đối với tôi trong văn học là cảnh Julien Sorel, nhân vật nam chính trong tác phẩm ‘Le Rouge et Le Noir – Đỏ và Đen’ của Stendhal. Tôi nhớ mãi hình ảnh của một Julien Sorel bị ông bố bạo hành vì ông muốn con trai mình thoát khỏi nanh vuốt của văn chương, chữ nghĩa.
Ngoài ra tôi chọn lấy cái tên Antoine Sorel cho nhân vật nhà văn vừa tự tử trong tiểu thuyết Œuvre Vives, cũng để nói lên liên hệ cha con giữa Antoine với người bố của mình là Martin Trần. Bố của Julien Sorel và cha của Antoine Sorel cùng là những nhân vật hư cấu với những nét kinh khủng như nhau ».
Một điều kỳ lạ là, từ đầu đến cuối Œuvres Vives không hề nêu tên anh nhà báo trẻ, người ngưỡng mộ văn phong của Sorel đến nỗi sẵn sàng bỏ công sức ra để làm sống lại một nhà văn mà anh chưa từng gặp mặt. Linda Lê giải thích đây là một sự cố ý để đưa tên tuổi của người đã khuất « Vươn ra ánh sáng ».
« Đúng như vậy. Thực ra cậu phóng viên trong truyện là một nhân vật không tên. Tuy là nhân vật chính, là cột sống của cả cuốn sách, nhưng anh chàng phóng viên này chỉ đứng trong bóng tối, chỉ là một phương tiện để làm sống dậy ông nhà văn vừa tự sát, để đưa những tác phẩm của Antoine Sorel ra ánh sáng, để những tư tưởng, những sáng tác của ông nhà văn được biết đến rộng rãi hơn, có một vị trí xứng đáng hơn ».
Như vừa nói Œuvres Vives có lẽ trước hết là một tác phẩm mà trong đó Linda Lê gửi gấm nhiều tâm sự của một người viết văn về công việc của mình, về con người và xã hội chung quanh và nhất là về vai trò của văn học đối với cô : một chiếc phao trong cuộc sống, là điểm tựa của những kẻ lưu đày, là chốn bình yên của « những tâm hồn nổi loạn ».
« Trong cuốn tiểu thuyết này, Sorel có một người bạn là Damien Léger. Ông ta đã sáng lập ra tạp chí văn học Planche de vivre. Không phải ngẫu nhiên tôi chọn cái tên đó cho tạp chí của Léger. Planche de vivre, tức là cái phao, bởi tôi nghĩ đây thực sự là chiếc phao trong cuộc đời, đồng thời đấy cũng là một thứ vũ khí rất lợi hại nếu như ta biết sử dụng chúng … »
Linda Lê sinh năm 1963, tại Đà Lạt, cùng gia đình sang định cư tại Le Havre trước khi về ở hẳn Paris. Năm 1986 cô cho ra đời tiểu thuyết đầu tay "Un si tendre Vampire- Con Ma Cà Rồng thật dịu dàng". "Les Évangiles du crime - Phúc âm tội ác" (1992) gây chú ý trên văn đàn Pháp. "Calomnies" được xuất bản vào năm 1993 đã được dịch sang nhiều thứ tiếng và đến với độc giả Việt Nam dưới hàng tựa Vu Khống.
Năm 1997 Linda Lê được trao tặng giải thưởng Fénéon với "Les Trois Parques- Ba Nữ Thần". Tiếp theo đó những tác phẩm như "Voix", "Lettre Morte", "Les Aubes", "In Memoriam", "Cronos" (giải thưởng Wepler 2010), "À l'enfant que je n'aurai pas"… "Lame de fond- Sóng ngầm" (2012).
Linda Lê nhìn nhận cô là một nhà văn ở « giữa hai dòng nước » như Antoine Sorel và cô không xa lạ với thái độ chối bỏ một phần bản sắc, cội nguồn như của nhân vật Martin Trần trong truyện :
« Tôi đã từng chứng kiến thái độ chối bỏ đó, không chỉ nơi cộng đồng người Việt mà ở nhiều cộng đồng ngoại quốc khác nữa. Đặc biệt là ở thế hệ hai. Thái độ muốn từ bỏ gốc gác của mình đó còn mãnh liệt hơn nữa nơi những người con lai. Số này muốn quên đi cái gốc nhập cư trong máu của mình … ».
Từ kinh nghiệm chuyến đi Việt Nam cách nay 4 năm, Linda Lê đã cho nhân vật chính của Œuvres Vives đi về miền quê Bắc Việt Nam. Sorel được mời về Việt Nam và có dịp đi thăm quê của ông nội. Một lần nữa, Sorel lại lạc lõng ngay trên quê cha đất tổ.
« Cách nay 4 năm tôi có cơ hội đi Việt Nam. Cũng tương tự như Sorel, tôi đã được mời về nhân dịp hai cuốn sách của mình được dịch ra tiếng Việt. Phải thú nhận là tôi không còn duy trì mối liên hệ mật thiết với ngôn ngữ mẹ đẻ. Tiếng Việt của tôi rất tồi và tôi đã rất sợ bị chỉ trích về điều đó. Thế nhưng không. Không ai trách tôi viết văn bằng tiếng Pháp. Các bạn trẻ Việt Nam hỏi tôi – họ dùng tiếng Anh để trao đổi với tôi, chứ không phải là tiếng Pháp – về duyên cớ nào đã khiến tôi viết văn bằng ngôn ngữ của Victor Hugo. Và tôi chỉ biết trả lời do đấy là cái duyên từ thuở bé ».
Với Œuvres Vives, Linda Lê dẫn độc giả vào thế giới của Antoine Sorel qua tai mắt của một anh nhà báo. Điểm thú vị là trong hơn 300 trang sách, Linda Lê đã truyền cho người đọc những cảm hứng vui buồn, những lúc dồn dập hay chán nản trong công việc viết lách như điều mà cậu phóng viên cảm nhận được.
« Mỗi cuốn sách đều có những đòi hỏi khác nhau. Đối với một số sách, rất là khó viết. Nhưng với Œuvres Vives thì không. Thậm chí có thể nói tôi đã hạnh phúc và vui sướng khi sáng tác cuốn tiểu thuyết này. Điều đó cũng hơi lạ, vì đề tài của Œuvres Vives không có gì là vui nhộn, tưng bừng cả.
Cũng như anh nhà báo trong truyện, tôi có cảm tưởng là phải có trách nhiệm làm sống lại con người, và sự nghiệp của nhà văn Antoine Sorel. Cho dù đó là một nhân vật hoàn toàn do tôi dựng lên. Rồi đến khi những sáng tác của Sorel được cho tái xuất bản, thì tôi cũng vui sướng như cậu nhà báo trong truyện của mình vậy. Tôi cũng rất hạnh phúc khi tạo được cả một thế giới chung quanh Sorel : những người mà ông quen biết, những mối liên hệ thâm sâu hay hời hợt của ông với họ. Điều ấy thú vị lắm chứ ».
Thành công lớn nhất của Linda Lê có lẽ nằm ở chỗ, độc giả cũng như anh phóng viên không mong mỏi gì hơn là những tác phẩm của Sorel được sống lại. Trên đài RFI Linda Lê tâm sự cuốn tiểu thuyết mới nhất của chị là một cuốn sách nói về sự hồi sinh :
« Quả thật, đúng là như vậy. Với Œuvres Vives, độc giả luôn thắc mắc không biết rằng chung cuộc thì anh nhà báo trẻ này có hoàn thành nhiệm vụ viết sách về Antoine Sorel hay không. Cũng có thể cuốn sách để phục hồi danh dự cho Sorel đó, là những gì mà chúng ta đang đọc. Anh phóng viên trong truyện tự đặt ra cho mình một thách thức lớn, và có thể nói là cái nghĩa vụ mang nhà văn Antoine Sorel ra khỏi bóng tối, phục hồi danh dự cho ông và đưa những tác phẩm của ông ra ánh sáng, trả lại cho chúng vị trí trên văn đàn ».
Sau cùng tác giả giải thích về ý nghĩa đầu đề của cuốn sách Œuvres vives :
« Œuvres Vives, tựa của cuốn sách … Thông thường, người ta gọi ‘Œuvre vive’ là phần chìm dưới mặt nước của một chiếc tàu. Đó là bộ phận mà chúng ta không trông thấy, vì nó khuất dưới mặt nước. Ngược lại ‘Œuvre morte ‘là phần ở bên trên mặt nước. Cái gì nhìn thấy là phần « chết », còn phần « sống » lại là cái gì không trông thấy … Thế rồi ở đây tựa cuốn sách này cũng gợi lên ý tưởng là những tác phẩm của Sorel tiếp tục sống mãi cho dù ông văn sĩ thì đã về cõi vĩnh hằng ».
Đấy chính là lý do mà người giới thiệu tạp chí văn hóa hôm nay chỉ dám xin dịch thoáng tựa đề của cuốn sách từ Œuvres Vives thành « Vươn ra ánh sáng ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét