28-10-2014
Hồng Thủy
Khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được đưa ra 1 tháng sau vụ tàu hải quân Ấn Độ INS Airavat đã bị phía Trung Quốc yêu cầu (vô lý) rời khỏi Biển Đông.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: SCMP |
Tờ Times of India ngày 27/10 đưa tin, chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông ngày một gia tăng sau hàng loạt các động thái (bành trướng) của Trung Quốc.
Hôm qua khi ở thăm Ấn Độ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi Ấn Độ tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam sẽ tiếp tục đón các tàu hải quân Ấn Độ cập cảng của mình giao lưu hữu nghị, bất chấp mọi phản đối (vô lý) của Trung Quốc.
Khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được đưa ra 1 tháng sau vụ tàu hải quân Ấn Độ INS Airavat đã bị phía Trung Quốc yêu cầu (vô lý) rời khỏi Biển Đông khi đang trên đường tới thăm Việt Nam.
"Việc giải quyết tốt các tranh chấp ở Biển Đông, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải trong khu vực là vì lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực. Trên tinh thần đó, Việt Nam hy vọng rằng Ấn Độ với vai trò một cường quốc khu vực và quốc tế, sẽ tích cực hỗ trợ các bên liên quan để giải quyết hòa bình mọi tranh chấp, kiềm chế không có hành động làm phức tạp thêm tình hình", Times of India dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết.
Thủ tướng cũng khẳng định rằng Việt Nam hoan nghênh và cho phép tàu các nước khác bao gồm Ấn Độ tới thăm Việt Nam, đồng thời khẳng định quyết tâm của Việt Nam bảo vệ chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp ở Biển Đông.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp ông Dương Khiết Trì. Ảnh: Tuoitrenews. |
Việt Nam luôn có cách tiếp cận chủ động của mình phù hợp với luật pháp quốc tế và tận dụng mọi cơ hội để làm giảm căng thẳng, khôi phục lòng tin, thúc đẩy hợp tác hữu nghị, theo đuổi đối thoại để tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho Biển Đông.
Xung quanh hoạt động hợp tác thăm dò khai thác dầu khí của các doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam, Thủ tướng khẳng định cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Ấn Độ hoạt động trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Sáng 28/10 tờ Economic Times của Ấn Độ cho biết, Việt Nam và Ấn Độ sẽ ký kết một thỏa thuận về thăm dò dầu khí ở Biển Đông ngày hôm nay. Theo các nguồn tin, Ấn Độ đã quyết định tham gia 2 đến 3 lô dầu khí mới của Việt Nam trên Biển Đông dựa trên các báo cáo khả thi của ONGC Videsh Limited.
Trong một động thái có liên quan, ngày 27/10 tờ DW của Đức phiên bản tiếng Trung Quốc cho biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi thăm Ấn Độ trong lúc ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc đến Việt Nam. Các cuộc tiếp xúc giữa ông Trì với các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam, không bao gồm Thủ tướng cho thấy, sau khủng hoảng quan hệ Việt - Trung kể từ vụ giàn khoan 981, Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm các đối tác mạnh mẽ khác.
Học giả Singapore Ian Storey nói với Economic Times, chuyến đi Việt Nam của ông Dương Khiết Trì nhằm hàn gắn mối quan hệ song phương đã xấu đi nghiêm trọng sau sự kiện giàn khoan 981 trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục phản đối các hoạt động xây dựng (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Trường Sa.
Vì vậy, Ian Storey cho rằng mặc dù Dương Khiết Trì sang Việt Nam là quan trọng, nhưng ít khả năng có đột phá nào thực chất. Học giả Jonathan London từ đại học Thành phố Hồng Kông bình luận, chuyến đi của Dương Khiết Trì cho thấy sự "thay đổi chiến lược của Bắc Kinh". Mục đích của Trung Nam Hải là nhằm ngăn chặn Mỹ can dự sâu hơn vào Biển Đông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét