28-10-2014
Hồng Thủy
Tô Hiểu Huy tỏ ra tức tối vô lối vì việc Dương Khiết Trì sang Việt Nam ngày 27/10 thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Ấn Độ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân thăm chính thức Ấn Độ, ảnh: Vietnamnes. |
Xung quanh chuyến đi Việt Nam của ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, ngày 28/10 Nhân Dân nhật báo đăng bài phân tích của Tô Hiểu Huy, Phó Chủ nhiệm Sở Nghiên cứu Chiến lược quôc tế thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc xuyên tạc, vu cáo trắng trợn Việt Nam.
Tô Hiểu Huy xuyên tạc rằng trong vụ khủng hoảng giàn khoan 981, "tàu thuyền Việt Nam đã khiêu khích giàn khoan Trung Quốc, trong đất liền thì nổ ra bạo lực đập phá các doanh nghiệp Trung Quốc và làm một số người Trung Quốc thương vong đã làm quan hệ Việt - Trung tổn hại nghiêm trọng".
Tô Hiểu Huy đã đổi trắng thay đen 1 thực tế rằng, khủng hoảng giàn khoan 981 là do Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp trong vùng biển Việt Nam, dùng hạm đội tàu hộ tống hung hăng uy hiếp lực lượng thực thi pháp luật và ngư dân Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế - PV.
Ông Huy xuyên tạc tiếp, sau vụ việc này "hai bên đã nỗ lực đối thoại qua nhiều kênh, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phái đặc sứ sang Bắc Kinh hội đàm, thúc đẩy quan hệ song phương chuyển biến".
Đầu tiên, sau khi xảy ra vụ giàn khoan 981 lực lượng chức năng Việt Nam đã kiên quyết thực thi quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam và dùng mọi biện pháp hòa bình ngăn chặn, kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan. Đồng thời về mặt đối ngoại, Việt Nam đã chủ động liên lạc với Bắc Kinh đàm phán giảm nhiệt căng thẳng, nhưng Trung Nam Hải đã đóng sập mọi cánh cửa đối thoại - PV.
Thứ hai, thiện chí của Việt Nam trong chuyến đi Bắc Kinh của Thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh để làm giảm căng thẳng trên Biển Đông theo cách nói của Tô Hiểu Huy thì dường như Việt Nam "xuống nước", còn Bắc Kinh tuyệt nhiên vẫn không có chút thiện chí nào?
Tô Hiểu Huy tỏ ra tức tối vô lối vì việc Dương Khiết Trì sang Việt Nam ngày 27/10 thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Ấn Độ (theo kế hoạch từ trước - PV), thúc đẩy hợp tác Việt Ấn, bao gồm thăm dò khai thác dầu khí chung trên Biển Đông (trong vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, không có tranh chấp với quốc gia nào - PV).
Ông Huy nói rằng động thái này làm ông ta "nhớ lại chuyện 3 năm trước". Ngày 11/10/2011, Việt Nam và Trung Quốc ký kết hiệp định về nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề trên biển giữa 2 nước tại Bắc Kinh, thì ngày hôm sau Tổng công ty Dầu khí Việt Nam "bất chấp phản đối (vô lý, vô hiệu - PV) của Bắc Kinh đã ký kết hiệp định khai thác dầu khí chung với Ấn Độ trong 3 năm. Các lô dầu khí này nằm hoàn toàn trong vùng biển Việt Nam, bị Tô Hiểu Huy xuyên tạc thành "vùng biển tranh chấp" - PV.
Nói rồi Tô Hiểu Huy chụp mũ cho Việt Nam là "tiền hậu bất nhất". Ông Huy rêu rao: Một mặt Việt Nam nhận thức được Trung Quốc là láng giềng quan trọng, là cơ hội lớn cho mình phát triển kinh tế và Việt Nam kho có thể gánh chịu hậu quả do quan hệ Việt - Trung đổ vỡ gây ra?! Mặt khác, Việt Nam vẫn không chịu từ bỏ lợi ích trước mắt, tiếp tục "khôn lỏi" tìm cách hợp tác với các nước ngoài khu vực để khai thác tài nguyên dầu khí ở Biển Đông, bắt tay với các nước lớn khác để "kiềm chế" Trung Quốc?!
Việt Nam là nước nhỏ nằm cạnh nước lớn như Trung Quốc, phải chịu ít nhiều ảnh hưởng từ Bắc Kinh cũng không có gì khó hiểu, nhưng không phải lệ thuộc như ông Huy nói, mà là quan hệ bình đẳng cùng có lợi. Lãnh đạo Trung Quốc vẫn luôn tuyên bố rõ về điều này, chỉ có điều hành động của Bắc Kinh luôn luôn ngược lại, tìm mọi cách bành trướng lãnh thổ, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam - PV.
Mặt khác, cái gọi là "vùng biển tranh chấp" mà Tô Hiểu Huy cũng như truyền thông Trung Quốc hay rao rảng hoàn toàn không tồn tại. Đó là những vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam được luật pháp quốc tế bảo hộ. Hành xử của Bắc Kinh không khác nào xông vào giật bát cơm của người khác rồi đòi chia phần, vì sau hành động cướp giật ấy bát cơm kia bỗng thành "khu vực tranh chấp" - PV.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét