Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

NHỮNG MỐI QUAN TÂM DAY DỨT VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI TRUNG HOA - CHUYỆN Ô NHIỄM CÔNG NGHIỆP

Theo BVN
21-10-2014
Ari Nakano
Phạm Toàn dịch

Không nói thì ai cũng biết, vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên đã trở thành một dấu hỏi nổi cộm từ cách đây 5 năm và kéo dài cho đến tận nay, quy tụ trong đó những vấn nạn hàng đầu không chỉ ở Tây Nguyên mà trên quy mô cả nước: 1. An ninh quốc phòng; 2. Kinh tế; 3. Văn hóa cổ truyền của một vùng đất cổ hết sức đặc thù trong nền văn hóa dân tộc; 4. Môi trường sinh thái của chính vùng đất đó và rộng ra cả một nửa nước phía Nam. Đó là những vấn nạn mà chính những người chủ trì cái dự án do ông TBT Đảng Cộng sản Việt Nam khóa trước khơi nguồn, dư biết không thể giải quyết được bằng khả năng và những nguồn tài lực của họ, nên ngay từ lúc mới khởi sự đã bộc lộ một sự giấu quanh hay cố nói bằng được để gọi là “nuốt cho trôi”, rồi đến đâu sẽ hay đấy. Thì bây giờ đây, 2 trong số 4 dự báo đã hiện ra lồ lộ như những cái gai chọc vào mắt người dân cả nước, đó là sự thua lỗ thảm hại và sẽ còn thua lỗ kéo dài khiến TKV đang thất điên bát đảo tìm mọi cách “chữa cháy” cho êm xuôi các tiến độ trước mắt, và những tác hại kinh hoàng đối với cuộc sống người dân quanh vùng Tân Rai vì phải hưởng bụi độc tràn lan và gần đây là sự tràn Hồ Đuôi Quặng số 5 ở Lâm Đồng làm nước rửa quặng chảy ra lênh láng khắp nơi.

Nhưng câu chuyện bauxite Tây Nguyên không chỉ dừng ở 4 câu hỏi hắc búa đã nói. Bản thân nó còn chứa đựng bên trong một nghịch lý lớn, ngày càng vô phương bưng bít: khi không các vị ở đỉnh cao quyền lực tự rước lấy những tai vạ tày đình về giáng lên đầu dân và hễ cứ có chuyện gì thì tìm mọi cách lấp liếm bằng được, để làm gì, nếu không phải là do sức ép của “người anh bốn tốt” phương Bắc, làm “ông em” phải cúi đầu vâng phục, đến mức bất chấp công luận thế nào cũng cứ “một liều ba bảy cũng liều”? Thế chẳng phải là một đảng tự xưng “của dân do dân vì dân” nghiễm nhiên tự phơi ra một thực chất ghê gớm mà từ trước đến nay hễ có sự vụ nào liên quan đến nó thì đều muốn giấu nhẹm đi – cái thực chất từ khi nào không biết mình đã biến thành con nợ“của Tàu do Tàu vì Tàu”? Vì thế, không có gì khó hiểu nếu ta nhớ rằng ngay sau câu chuyện bauxite nổi cộm năm 2009 đã nhanh chóng bùng lên ngọn lửa của những kiến nghị kế tiếp, dồn dập, như những tiếng gọi đàn làm thức tỉnh mọi tấm lòng yêu nước. Và hệ quả tự nhiên chứ không ai tính trước là từ đó đến nay, một phong trào dân sự vì mục tiêu dân chủ hóa đất nước, thực hiện quyền làm người cho những con người thấp cổ bé miệng nhất là NHÂN DÂN, gắn bó song trùng với mục tiêu thoát Trung, bảo đảm giữ gìn vững chắc lãnh thổ tài nguyên và độc lập dân tộc, đã từng bước lừng lững ra đời.

Nếu nhìn hiện tượng bên ngoài thì có thể như GS Ari Nakano – trong bài đăng dưới đây – nhận định, giữa mối quan tâm của một số trí thức thành thị (cảnh giác nhân công Trung Quốc số lượng lớn xâm nhập Tây Nguyên), và thực tế những gì người dân Tây Nguyên đang lo lắng (bụi đỏ bauxite đe dọa cuộc sinh tồn của họ, chứ người Trung Quốc sinh sống ở đấy chưa đáng kể) có vẻ chưa thật khớp với nhau. Có thể là thế đấy. Nhưng nhìn sâu vào “cái gốc”, thì lời giải bỗng trở nên đơn giản: ai sẽ hưởng lợi một khi nhân dân Tây Nguyên rơi vào vòng khốn đốn? Ngoại trừ một số những kẻ “sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi”, đại đa số đảng viên ĐCSVN không dự phần vào “món lợi” trớ trêu này. Ai là kẻ “bội thu” một khi Đảng CSVN bị dân chúng bất  bình và xa lánh? Chắc không thể nào là ĐCSVN. Bởi vậy, mọi sự cảnh giác với kẻ thủ mưu nham hiểm bậc nhất thời nay trên trường quốc tế, nhìn ra trước từng bước đi của chúng trong chiến lược lâu dài xâm lược Việt Nam trong đó có việc mai phục người của chúng ở Tây Nguyên – bọn đang điều binh khiển tướng trong Trung Nam Hải –  không bao giờ là thừa. Xin được thưa lại với GS Ari Nakano một đôi điều như trên, trong bài viết rất tâm đắc của chị.
Bauxite Việt Nam 


image
Ari Nakano là giáo sư tại Đai học Daito Bunka. Bà chuyên nghiên cứu về chính trị, ngoại giao và nhân quyền của Việt Nam.

Nhiều lần tôi được nghe các nhà trí thức Việt Nam, những người không hài lòng với hệ thống cai trị của đảng CSVN nói rằng "Hệ thống chính trị của nước này sẽ thay đổi trong vòng vài bốn năm".

Không biết được chính xác mấy năm thì sẽ có thay đổi, nhưng một số chuyên gia trong số những người đòi hỏi ban hành các quyền công dân – như bầu cử tự do đa đảng, tự do ngôn luận và tự do tụ hội, vân vân – những người này phác họa tương lai gần của Việt Nam trong hình ảnh hệ thống đảng cộng sản bị thủ tiêu. Điều có thể thấy chắc chắn là dần dần từng tí một các công dân Việt Nam ngày càng hành động nhiều thêm và thu được nhiều kết quả trong việc dân chủ hóa đời sống chính trị – mặc dù những thành tựu dân chủ hóa này không bạo liệt như những thay đổi ở Đông Âu hồi cuối những năm 1980.

Ban đầu, những cuộc biểu tình chống Trung Hoa ở Việt Nam được tổ chức chỉ liên quan đến những tranh chấp chủ quyền biển đảo ở biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] những năm gần đây, và mũi nhọn phê phán rồi cũng quay về chính sách đối với Trung Hoa của chính phủ. Cùng quan tâm tới những vấn đề tranh chấp ở biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] , các công dân Việt Nam lên tiếng phản đối. việc khai thác tài nguyên bauxite ở Cao nguyên miền Trung Việt Nam của các công ty Trung quốc. Vùng Cao nguyên miền Trung Việt Nam là vùng chiến lược, coi như chìa khóa kiểm soát toàn Đông Dương. Do chỗ việc đầu tư của Trung Quốc vào vùng này là kết quả đi đêm giữa hai ban lãnh đạo cộng sản hai nước Việt - Trung, nên việc phê phán chính phủ đã gia tăng mạnh mẽ, ban đầu là từ các sĩ quan cấp cao có con mắt cảnh giác cao đối với Trung Quốc, sau đó là từ các công dân khác.

Mùa hè năm nay, lần đầu sau hơn hai năm, tôi đã thăm các vùng đang “thay đổi” ở Nhân Cơ, thuộc tỉnh Đak Nông và Tân Rai, thuộc tỉnh Lâm Đồng. Việc xây dựng các nhà máy khai thác bô-xit, nhà máy sản xuất alumina [nhôm oxit], việc sửa chữa đường vận chuyển alumina [nhôm oxit] chậm hơn hai năm so với kế hoạch. Các nhà trí thức phản đối dự án này đều đã viết bài và đưa lên mạng internet. Có điều là nông dân địa phương, những người có nguồn sống nhờ cây cà phê và cây chè lại có cái nhìn vấn đề khác với các nhà trí thức đô thị.

NƯỚC BẨN, MÙI HÔI THỐI

Tiếng ồn không bao giờ dứt và những làm gió đưa mùi hôi thối quanh nhà máy sản xuất alumina [nhôm oxit] ở Tân Rai từ khi nó bắt đầu vận hành vào năm 2013. Tôi nghe bà con sinh sống ở đây kể là họ không dám cho con cái chơi ngoài trời vì mùi hôi thối do cá chết ở ao hồ và nước ô nhiễm bốc lên. Hai năm trước, tôi cũng đã nghe chuyện nhân dân đòi hỏi các cơ quan công quyền và các công ty phải làm gì để chấm dứt tình trạng đó, nhưng chẳng có kết quả gì. Giờ đây, xem ra cũng chẳng có gì thay đổi. Bụi từ đường vận chuyển alumina [nhôm oxit] do hàng đoàn ngày càng đông những xe tải lớn và công trình ngày càng mở rộng thêm, và hầu như để mắt nhìn đâu đâu thì cũng chỉ thấy bụi trắng mà thôi. Tôi thót tim nhìn trẻ em đạp xe đi học dọc con đường có những xe tải lớn thường xuyên qua lại.

Khi tôi hỏi các nhà trí thức ở Hà Nội hay ở thành phố Hồ Chí Minh về những vấn đề do khai thác bô-xit đặt ra, tôi được biết là mối quan tâm của họ không chỉ là về hiệu quả kinh tế: đó còn là những đe dọa về quốc phòng và sự ổn định trật tự của đất nước do lượng lao động người Tàu đổ vào cùng với những tác động xấu đối với môi trường gây ra bởi các phương pháp sản xuất của người Tàu.

Khi tôi hỏi một nhà báo Việt Nam rằng chuyện gì có thể xảy ra nếu như một công ty Nhật Bản trúng thầu dự án này, thì câu trả lời là "người Việt Nam khi đó chắc là sẽ sống dễ chịu hơn". Lúc này đây, hình như trong đầu óc người Việt Nam họ nghĩ nhiều đến mối đe dọa Trung Hoa hơn là những gì đang xảy ra nơi thực địa.

Đồng thời, khi tôi hỏi người dân đang sinh sống ở vùng đang mở mang này về chuyện người lao động Trung Quốc, thấy họ có vẻ như không quá lo lắng chuyện đó. Họ nói, "người lao động Trung Quốc có rất ít thôi" và "họ chẳng có tác động gì đến vùng xung quanh nhà máy". Trong khi người sinh sống ở thành thị quan tâm phê phán công việc phát triển ở đây chủ yếu từ tinh thần dân tộc bài Trung Quốc, thì những trải nghiệm hàng đầu của người dân sinh sống nơi đây lại là những mối lo âu về môi trường ô nhiễm đang trực tiếp đổ lên đầu họ.

TRẢ LỜI ĐÒI HỎI CỦA NHÂN DÂN

Chính phủ Việt Nam và đảng CSVN đang tìm cách duy trì tính chính danh của chế độ cai trị độc đảng bằng những thành tích phát triển kinh tế và tinh thần dân tộc theo khẩu hiệu "Đại đoàn kết dân tộc". Thế nhưng, việc phát triển kinh tế quy mô lớn chỉ để phát triển – phát triển vì phát triển – đã tạo ra những vấn đề chưa từng thấy, như chuyện ô nhiễm môi trường, và giờ đây nhân dân đang đòi hỏi chính phủ phải giải trình. Thêm vào đó, do chỗ tinh thần dân tộc chủ nghĩa và những tình cảm chống Tàu ở Việt Nam bây giờ như là hai mặt của cùng một đồng xu, nên những dự án dính líu đến Trung Quốc, cũng như những tranh chấp trên Biển Đông, sẽ tạo ra những phê phán ngày càng lớn hơn đối với đường lối và chính sách đối với Trung Quốc của chính phủ.

Song, những hành động dân sự đòi cải cách dân chủ cũng có những hạn chế. Có thể thấy rõ qua vụ khai thác bô-xit này, không dễ gì để các vị sống ở thành thị qua mạng internet chia sẻ được thông tin với người dân sống ở vùng ít thuận lợi tại các làng xã nông thôn để (bên nông thôn) này có thể phối hợp với họ cùng giải quyết vấn đề đang đặt ra. Hơn nữa, trong khi sự chống đối Trung Hoa có vang vọng tới được đông đảo người dân, hình như còn cần nhiều thời giờ hơn để tập hợp được tất cả quanh những chủ đề như Dân chủ, Nhân quyền, hoặc Môi trường. Những ai lên tiếng đòi cải cách dân chủ còn cần phải lấp đầy được cái kẽ hở thông tin – được xác định cơ bản từ chỗ Ai vào được mạng internet và Ai không vào được – cùng những hạn chế của tinh thần dân tộc chống Tàu.

Như tôi đã nói từ khi mở đầu bài viết, tôi không biết rõ “vài bốn năm” là bao nhiêu năm, nhưng tôi có thể tiên báo rằng người dân sẽ có thể có được các nguồn lực tài chính nhất định, những tri thức và kỹ năng có được nhờ phát triển kinh tế, và cái khoảng ngăn cách giữa thành thị và nông thôn sẽ dần dần hẹp lại. Người dân sẽ có khả năng hành động một cách tự chủ đòi chính phủ có những quyết sách minh bạch và phải có trách nhiệm giải trình cho họ về các quyết sách đó.

Đồng thời việc phát triển trên quy mô lớn có thể tạo ra những nguy cơ mới đe dọa đời sống và tài sản của nhân dân. Tôi tin rằng điều này sẽ tạo ra cả loạt vấn đề mà lối tư duy “quy ước” của giới lãnh đạo đảng CSVN không thể xử lý nổi. Thay vì đẩy các công dân của mình sang địa vị kẻ thù, rất có thể trong “vài bốn năm” tới, chính phủ Việt Nam sẽ phải xây dựng một hệ thống đủ sức đưa người dân lên địa vị những người giải quyết vấn đề.

A.N.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét